Đến làng Sình xem làm tranh cổ
“Xóm Lại Ân canh gà xào xạc /Giục khách thương mua một bán mười… “Câu thơ chừng ấy cũng đủ nói lên sự phát triển trù phú một thời của làng Sình. Làng nằm bên bờ tả sông Thanh Hà – một bến nhỏ, còn có tên là Phố Lở. Sình hay Sinh là tên nôm của làng Lại Ân, cách Huế chừng 7km về phía Đông Bắc.
Làng Sình nổi tiếng bởi nghề làm tranh khắc phục vụ tín ngưỡng và thờ cúng. Tranh làng Sình có thể sánh với các dòng tranh dân gian miền Bắc như Ðông Hồ, Hàng Trống… một thời đã lưu hành khắp vùng Thuận Quảng. Ðể làm tranh, người làm tranh có khi phải lên tận rừng già phía Tây. Các màu trong tranh đều được tạo ra từ chính những cây cỏ hoặc là có sẵn trong vùng. Vì thế, màu sắc của tranh cũng vô cùng đặc biệt, không trùng lặp với màu sắc của dòng tranh truyền thống nào.
Người làm tranh ở Làng Sình từ lâu đã biết dùng cây cỏ trong vườn để tô màu, hạt mồng tơi cho màu xanh dương, hạt hòe cho màu vàng đỏ, muốn màu đỏ sẫm hơn thì pha thêm nước lá bàng. Ngoài ra người làng Sình còn dùng đá son để lấy màu đỏ, bột gạch để có màu đơn. Màu đen được dùng nhiều nhất, để tạo ra màu đen cũng phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, người ta lấy rơm gạo nếp đốt cháy thành tro, sau đó hòa tan trong nước, lọc sạch để lấy một thứ nước đen, đem cô lại thành một thứ mực đen bóng. Những màu sắc được các nghệ nhân tranh làng Sình quen sử dụng là các màu xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục.
Du khách bốn phương, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đặc biệt yêu thích tranh làng Sình. Những năm trở lại đây, ngày nào làng cũng đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa và mua tranh làm quà lưu niệm. Đến với làng Sình, du khách còn thử tự vẽ cho mình những bức tranh riêng rồi mang về làm quà kỷ niệm. Bởi vậy mà làng nghề không những được bảo tồn mà còn ngày càng phát triển. Đây cũng là mong ước của những người dân làng Sình để có cơ hội gìn giữ, quảng bá và phát triển nghề cũ cha ông mà còn là cơ hội để cho người dân làng Sình có thể sống mãi với nghề truyền thống.
Theo ANTD
Video đang HOT
Làng mật mía xứ Thanh đón Tết
Nổi tiếng bởi độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía Đồng Trạ (Thanh Hóa) được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Cận Tết, dân làng tất bật sản xuất để kịp ra lò hàng nghìn tấn mật phục vụ người dân.
Với người dân miền Trung, đặc biệt là ở Thanh Hóa, mật mía không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán. Sản phẩm thường được dùng để nấu món chè tiễn ông Táo về trời, để chấm bánh chưng hay làm bánh gai, bánh trôi...
Vào những ngày này, khắp các ngả đường dẫn về thôn Đồng Trạ (xã Cẩm Phong, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) tấp nập xe cộ của thương lái từ Nghệ An, Hòa Bình, Hà Nội... đến lấy hàng. Các lò nấu mật chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất phục vụ Tết. Tiếng máy nổ nghiền, ép mật mía hòa trong tiếng người rộn ràng cả một vùng quê. Nhiều thôn, xã quanh vùng đang rầm rộ thu hoạch mía để làm nguyên liệu cho làng Đồng Trạ.
Mía làm mật chủ yếu được trồng trên những quả đồi đất đỏ ba zan nên rất xanh tốt, cây chắc và ngọt lịm nên độ đường rất cao. Ảnh: Lê Hoàng.
Khi tiết trời heo may, mía bắt đầu thu hoạch thì mùa ép mật ở Đồng Trạ bắt đầu (thường vào tháng 11 âm lịch và kéo dài đến tháng 2 năm sau). Anh Hà Văn Chuyên, một chủ lò mật chia sẻ, mật mía ở Đồng Trạ có những khác biệt mà ở nơi khác không có được. Ở đây mía chủ yếu được trồng trên những quả đồi đất đỏ ba zan nên rất xanh tốt, cây chắc và ngọt lịm, độ đường rất cao.
Để chế biến được một lít mật là cả quá trình phức tạp và tốn nhiều công sức. Công đoạn vất vả nhất là ép mía. Người làng kể, mươi năm trước khi chưa có sự trợ giúp của điện và máy móc công nghiệp, việc ép mía rất cực nhọc. Ngoài dùng sức người, bà con còn phải dùng trâu, bò để kéo trục quay ép mía lấy nước. Từ khi có người sáng chế ra máy nghiền mía, công việc này đỡ vất vả hơn nhiều.
Việc nấu thành phẩm cũng là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Chị Trần Thị Nguyệt, người có kinh nghiệm lâu năm, cho biết sau khi ép mía là công đoạn chuẩn bị lò, củi để nấu. Quan trọng nhất là giữ lửa tlò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu.
"Người nấu phải luôn đảo liên tục sao cho thật đều tay. Khi nồi mật bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, để bị trào thì mật sẽ có màu đen, kém thơm ngon. Khi nào thấy nước mía chuyển sang sền sệt và có màu đỏ là được. Khi đó cho nồi xuống, múc mật đổ vào chậu nhôm hoặc thùng thảng cho tản bớt nhiệt rồi đóng thành can nhựa hoặc vào chai xuất cho khách hàng", chị Nguyệt chia sẻ.
Cũng theo chị Nguyệt, việc đảm bảo mật vừa sáng, vừa thơm ngon, đạt tiêu chuẩn vệ sinh thì chỉ những người trong nghề nấu mật mới nắm rõ. Để kiểm tra mật mía có chất lượng hay không thì hiện vẫn chưa có thiết bị đo lường chất lượng mà tất cả bằng thủ công.
Việc nấu thành phẩm là một quá trình phức tạp yêu cầu người nấu phải có kỹ thuật, kinh nghiệm mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon. Ảnh: Lê Hoàng.
Vào những ngày này, khách đến các gia đình nấu mật ở Đồng Trạ sẽ được uống mật pha với nước chè. Nhà nào cũng chuẩn bị một ấm nước chè chát để khoản đãi khách ghé mua hàng. Vị chan chát của chè kết hợp với mật mía tạo nên một hương vị rất hấp dẫn.
Riêng phần cặn của những nồi mật sau khi nấu được giữ lại làm kẹo hoặc bánh ong mời khách ngày Tết. Bã mía sau khi ép kiệt nước sẽ được tận dụng làm chất đốt và bán cho các nhà máy giấy. Ngoài ra, bã mía còn dùng làm thức ăn cho trâu bò những ngày Tết do không thể chăn thả ngoài đồng.
Ông Đinh Văn Lợi, chủ lò mật lớn ở Đồng Trạ cho biết, sản phẩm một phần được tiêu thụ tại chỗ, còn chủ yếu được thương lái các tỉnh thu mua rồi bán lại cho cơ sở sản xuất bánh kẹo và xuất sang Lào. "Bán tại nhà mỗi lít mật giá 20.000-25.000 đồng, bán lẻ ngoài thị trường còn cao hơn. Hộ làm mía mỗi vụ trừ chi phí, có thể thu lãi 20-40 triệu đồng. So với trồng lúa, ngô, khoai thì làm mật mía thu nhập cao hơn nhiều", ông Lợi nói.
Ông Vũ Xuân Vường, Chủ tịch UBND xã Cẩm Phong cho biết, hiện cả thôn Đồng Trạ có vài chục lò làm mật, mỗi năm ép được khoảng 3.000 tấn mật mía. Ngoài việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con, các lò mật còn tạo công ăn việc làm cho cả trăm thanh niên trong làng. "Mật mía ở địa phương thơm ngon nên được ưa chuộng. Mấy năm gần đây, nhờ sản xuất công nghiệp, quy mô lớn mà đời sống của bà con ngày một cải thiện", ông Vường chia sẻ.
Theo VNE
Cựu binh già cụt chân 'cõng' cây lên núi Chỉ còn một tay, một chân, một mắt, song suốt 10 năm qua cựu binh Vũ Tiến Tới cùng dân làng đã lật đá, mang cây trồng phủ xanh cả dãy núi Trường Lệ (Sầm Sơn, Thanh Hóa). Rừng phi lao bạt ngàn kéo dài hơn 5 km như tấm lưới chắn gió ôm lấy làng Vinh Sơn (phường Trường Sơn, Sầm Sơn)....