Đến Huế thương, ghé thăm làng hương Thủy Xuân “nơi không chỉ có đẹp mà còn thơm”
Dạo quanh làng hương Thủy Xuân, thưởng lãm những vòm hương đẹp mắt, tỏa ngát hương thơm cả một vùng. Những nghệ nhân tài hoa nơi đây đang từng ngày gìn giữ, phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế.
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km về phía Tây Nam, trên tuyến đường du lịch tham quan lăng Tự Đức, làng hương Thủy Xuân ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh, và âm thầm chảy trôi cùng dòng sông Hương hiền hòa, thơ mộng.
Làng hương Thủy Xuân là làng nghề nổi tiếng của con người xứ Huế. Theo người dân, nghề làm hương ở đây đã có từ hàng trăm năm dưới thời Triều Nguyễn. Hương Thuỷ Xuân cung cấp chủ yếu để dùng trong triều đình, các phủ quan lại, cho các lái thương và nhân dân trong vùng.
Đến với làng hương Thủy Xuân, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là những “bó hoa hương” đang bung xòe với nhiều màu sắc rực rỡ, mùi hương trầm thơm ngát tỏa khắp không gian, gợi nhớ những khoảnh khắc an yên.
Thay vì hương màu vàng nâu truyền thống, người Thuỷ Xuân đã sáng tạo nên các loại hương với đủ màu sắc xanh, vàng, đỏ, nâu, chàm,… vô cùng bắt mắt. Những màu sắc rực rỡ ấy không chỉ là để thu hút khách du lịch, thu hút người mua mà còn thể hiện sự khéo léo của con người nơi đây.
Video đang HOT
Các công đoạn làm hương đều được thao tác vô cùng tỉ mỉ. Từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, bao gồm ngũ vị thuốc bắc với quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi; ngoài ra còn kèm thêm cả vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn… để làm nên bột hương. Sau đó đến công đoạn làm lõi hương.
Bột trầm được pha trộn với tỷ lệ thích hợp từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Sau đó, các thành phần sẽ được đem trộn đều với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.
Se hương là một trong những công đoạn khó nhất và quyết định đến tính thẩm mỹ của sản phẩm. Khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Hương sau khi se xong phải đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.
Với việc kết hợp gìn giữ, phát huy nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế, đời sống của người dân làng hương Thủy Xuân từng bước được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Hiện nay sản phẩm hương của làng Thủy Xuân không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn có mặt ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và xuất khẩu ra nước ngoài. Mỗi loại hương có giá bán khác nhau.
Hương trầm loại thông dụng giá 80.000 đồng/bó, loại đắt nhất là 200.000 đồng/bó. Hương quế có giá 40.000 đồng/bó. Nụ trầm có giá từ 50.000 – 600.000 đồng/hộp.
Không chỉ cuốn hút du khách bởi bề dày truyền thống, bởi vẻ đẹp của những bó chông hương, làng Thủy Xuân còn đặc biệt đem lại sự thích thú cho du khách khi tạo điều kiện để họ tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào việc làm hương.
Bởi vậy mới nói, đến Huế đâu chỉ để nghe câu hò trên sông Hương, nghe nhã nhạc Cung đình, thăm Cố đô, rồi thăm những lăng mộ của nhiều triều đại vua chúa. Ở đây còn có một làng nghề mang tên Thủy Xuân, nơi lưu giữ đậm nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Huế, nơi níu chân biết bao du khách khi đến với thành phố Huế mộng mơ.
Đầu bếp Italy ngạc nhiên vì người Việt ăn pizza với tương cà
Marvin không bao giờ thêm gì vào pizza, nhưng người Việt lại ăn món bánh này cùng tương ớt, tương cà chua.
Marvin Lorenzo Cortinovis (32 tuổi), đến từ Italy, hiện đang sống và làm việc tại Huế. Với mong muốn giới thiệu ẩm thực quê nhà, anh mở một nhà hàng Italy. Suốt những năm tháng phục vụ khách Việt, anh phát hiện ra không ít khác biệt thú vị.
Điều khiến Marvin thấy lạ nhất là thực khách Việt luôn hỏi xem liệu nhà hàng có tương cà, tương ớt. "Chúng tôi thường ăn nguyên miếng pizza, không chấm thêm gì bởi nó đã có đủ gia vị. Tôi rất ngạc nhiên khi khách luôn hỏi xin tương cà chua hay tương ớt, mà nhà hàng lại không có sẵn. Thời gian sau, tôi phải mua thêm để đáp ứng nhu cầu lớn của khách", anh nói.
Anh cho rằng pizza ở Việt Nam có nhân bánh đa dạng hơn như thịt bò, thịt gà, dứa... Trước khi mở nhà hàng ở Huế, đầu bếp này từng sống tại TP HCM một năm và thử pizza ở nhiều nơi.
"Tôi đoán có lẽ nhiều nhà hàng ở Việt Nam nướng pizza kiểu Mỹ nên dùng nhiều loại nhân để phủ lên đế bánh. Tôi vẫn giữ công thức truyền thống, nếu ai không thích thì sẽ cố gắng giải thích tại sao tôi lại nấu như vậy, để khách hiểu hơn về ẩm thực Italy", anh nói.
Marvin trong căn bếp tại nhà hàng của mình. Pizza truyền thống theo công thức của bà và mẹ Marvin chủ yếu dùng sốt cà chua, phô mai mozzarella và thịt nguội, hoặc thịt xông khói hoặc xúc xích salami. Ảnh: Marvin Corti
Ngoài ra, Marvin để ý người Việt không ăn pizza ngay khi bánh được mang ra bàn mà thường nói chuyện, ăn nhiều món khác và lát sau mới dùng bánh. "Pizza phải được ăn ngay sau khi vừa ra lò, bởi bánh còn nóng và có độ giòn nhẹ. Lúc nào tôi cũng nhắc khách ăn luôn, họ gật đầu rồi lại tiếp tục nói chuyện. Tôi khá buồn, vì để lâu pizza sẽ không ngon", anh cho hay.
Một điểm khác biệt Marvin nhận thấy là các loại đồ uống trong bữa ăn của người Việt. Thông thường, ở Italy thực khách sẽ ăn pizza cùng với bia, rượu hoặc nước có ga. "Tôi thấy thật thú vị khi người Việt gọi những đồ uống như sinh tố, trà, nước ép trong bữa ăn. Chúng tôi thường không dùng những thức uống đó trong nhà hàng", anh nói.
Bánh pizza prosciutto cotto (nhân phô mai mozzarella, thịt nguội chín) tại nhà hàng của Marvin. Ảnh: Ngân Dương
Chàng trai Italy cũng bất ngờ khi thấy người Việt luôn muốn chia sẻ phần ăn của mình. Điều này cũng khiến anh bỡ ngỡ trong thời gian đầu mới mở nhà hàng. "Ở châu Âu, mỗi người ăn một phần riêng, không ăn cùng hay gắp chung. Ví dụ, tôi gọi một phần mì Ý thì nó là của tôi. Người Việt thì muốn chia đôi đĩa mì nên thời gian đầu, việc giải thích cho khách khá khó khăn nhưng tôi thấy cũng vui. Giờ tôi quen rồi", anh nói.
Với Marvin, mục đích mở nhà hàng không phải vì tiền, mà anh muốn giới thiệu về ẩm thực Italy truyền thống. "Dù có nhiều khác biệt, tôi thấy rất thú vị và trân trọng cả hai nền văn hóa. Tôi học và biết thêm được nhiều điều trong quá trình làm việc cùng phụ bếp và phục vụ khách", Marvin chia sẻ.
Làng cổ Phước Tích - điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước Sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là ngôi làng cổ thứ 2 được Nhà nước công nhận và cấp bằng Di tích quốc gia. Tại đây không gian làng quê đậm chất Bắc Trung bộ vẫn còn được lưu giữ các giá trị truyền thống...