Đến Đà Nẵng “cưỡi” sóng bạc
Do yếu tố về khí hậu, Đà Nẵng không có những con sóng cao, tuyệt vời khiến cho những người mê lướt sóng đổ xô. Nhưng nếu chọn bãi biển để thử và trải nghiệm cảm giác “đi trên đầu sóng” thì biển Đà Nẵng chính là lựa chọn hoàn hảo.
Các thành viên trong “Danang Local Surf team” có chung niềm đam mê với bộ môn lướt sóng.
Dọc bãi cát vàng mịn trên bãi Mỹ Khê, nơi được mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, có rất đông du khách thong dong nằm phơi nắng, một số vị khách lom khom tập các động tác lướt sóng cùng với người hướng dẫn. Dưới ánh nắng dịu nhẹ của tiết trời tháng 2, một chàng trai da ngăm đen nở nụ cười duyên liên tục trò chuyện với các vị khách tây bằng tiếng Anh lưu loát với ngữ điệu đậm chất người bản địa.
Chàng thanh niên này có tên gọi thân mật là Tin Tin, 31 tuổi, một người dân Đà Nẵng. Gần 2 năm trở lại đây, môn lướt sóng dần trở nên phổ biến và được người dân địa phương yêu thích và anh Tin là một trong số đó.
Thời gian trước, bãi biển Đà Nẵng đã nhộn nhịp với bộ môn lướt sóng nhưng đa phần là các vị khách Tây đến chơi và lâu dần gây cảm hứng cho các thanh niên bản địa. “Hằng ngày ra biển, tôi thấy những vị khách du lịch chơi lướt sóng rất thú vị và cũng bắt đầu ra biển làm quen và học hỏi từ chính các vị khách tây đến đây.
Đà Nẵng lợi thế có biển rất đẹp, sóng lại nhỏ phù hợp cho những người lướt sóng lần đầu nhưng dân bản địa lại chưa biết nhiều. Khi học hỏi từ các vị khách này bản thân tôi cũng biết nhiều câu chuyện, những con người hay và họ cũng hào hứng khi được người dân bản địa giới thiệu văn hóa, phong tục của địa phương”, anh Tin cho biết.
Giờ đây, anh Tin đã gắn kết được gần 15 người cùng sở thích bộ môn lướt sóng và sinh hoạt trong nhóm có tên gọi “Danang local surf team” và thường xuyên có mặt tại bãi biển Mỹ Khê.
Không chỉ giao lưu, học hỏi thêm về lướt sóng, mọi người tập trung tìm hiểu về cách làm ván, kỹ thuật chơi rồi phát triển dần dưới hình thức cho thuê ván, dạy lướt sóng và nhận sửa ván khi có nhu cầu. Trong cuộc trò chuyện rôm rả về lướt sóng của các thành viên, tôi được biết anh Lương Văn Thạch – một thành viên của nhóm có công việc kinh doanh nước giải khát dưới bãi biển.
Video đang HOT
Anh Thạch bật mí rằng mới chỉ biết chơi lướt sóng hơn 1 tháng nay và học lỏm được từ những người kinh doanh cho thuê ván. “Xung quanh quán nước có các cửa hàng cho thuê ván ngay sát biển, tôi thấy khách du lịch tập chơi lướt sóng hay quá, thế là mình nhìn cách họ được hướng dẫn rồi học theo. Tập tành khoảng 2 tuần thì tôi đã lướt sóng được và khi quen được các bạn trong Surf team, nhờ các thành viên chỉ dẫn, học hỏi thêm kỹ năng giờ đã dần thành thạo hơn”, anh Thạch chia sẻ.
Khách du lịch hào hứng với bộ môn lướt sóng.
Theo kinh nghiệm của anh Tin thì cứ vào độ tháng tháng 3 là thời điểm lướt sóng tuyệt vời ở Đà Nẵng vì lúc này có những cơn sóng to. Trên chiếc ván dài chừng 2m, những vị khách đứng lên rồi sử dụng các kỹ năng điều khiển ván để lướt trên đầu sóng. Phần khó nhất của bộ môn này là take off – đứng trên ván và điều khiển, tuy nhiên khả năng này sẽ cải thiện khi luyện tập nhiều. “Có nhiều khách hàng đã có thể take off ngay sau khoảng 30 phút tập luyện.
Nhớ nhất là vị khách nhí 10 tuổi đến từ Hàn Quốc của Tin, mặc dù không biết bơi nhưng khi tham gia thì cô bé đã chơi rất tốt, đã có thể đứng trên ván và lướt theo con sóng. Thấy được nụ cười hạnh phúc của bé khiến tôi thêm yêu bộ môn này. Chia sẻ kiến thức và giúp đỡ những người mới bắt đầu là một việc thực sự thú vị”, Tin tâm sự.
Ở ngoài biển cả ngày, hầu như các thành viên đều có làn da cháy nắng nhưng bù lại mọi người được kết nối với nhiều khách du lịch ở các nước trên thế giới. Mỗi ngày gặp mỗi vị khách khác nhau, học hỏi được những điều hay, thậm chí là giúp cho khả năng nói tiếng Anh của các thành viên tiến bộ hơn.
Anh Đỗ Lộc (Việt kiều Mỹ về Đà Nẵng thăm gia đình) biết đến nhóm của anh Tin thông qua facebook và hầu như thời gian ở Đà Nẵng anh đều ra biển lướt sóng với các thành viên. “Các thành viên trong nhóm cũng như Tin Tin đều nói tiếng Anh rất hay, giao tiếp với khách du lịch với tấm lòng cởi mở. Thông qua bộ môn lướt sóng, các bạn trẻ ở địa phương không chỉ phát triển bộ môn đến với nhiều người mà còn giúp cho du lịch ở Đà Nẵng thêm phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc đậm nét của người dân bản địa”.
Diệu Huyền
Theo cadn.com.vn
Việt Nam có địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi để phát triển du lịch thể thao
Đó là đánh giá của các đại biểu tại hội thảo "Giải pháp phát triển du lịch gắn với các sự kiện thể thao tại Việt Nam" do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức ngày 18-10 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đơn vị lữ hành, du lịch.
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ năm 2018-2019 của Tổng cục Du lịch với chủ đề "Nghiên cứu phát triển du lịch gắn với các sự kiện thể thao tại Việt Nam".
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: Du lịch thể thao đang trở thành một trong những xu hướng quan trọng của du lịch toàn cầu. Các sự kiện thể thao thu hút đông đảo khách du lịch tới các địa điểm tổ chức, tạo ra tác động lớn cả về kinh tế và xã hội.
Du lịch thể thao trên phạm vi toàn cầu đang tăng trưởng nhanh gấp 2 lần mức tăng trưởng của du lịch nói chung. Nhân hội nghị quốc tế về du lịch và thể thao tại Đà Nẵng (2016), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã ra Tuyên bố Đà Nẵng về "Thúc đẩy du lịch và thể thao vì sự phát triển bền vững". Du lịch sức khỏe và du lịch thể thao cũng là 2 chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Diễn đàn kinh tế du lịch thế giới vừa qua. Do đó, có thể thấy du lịch thể thao được xác định là xu hướng phát triển du lịch mới trong tương lai...
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Du lịch, chủ nhiệm đề tài: Việt Nam là đất nước có nhiều dạng địa hình phong phú, đa dạng, khí hậu khá thuận lợi để tổ chức hoạt động thể thao, trong đó nhiều loại hình thể thao có thể tổ chức thành sự kiện thu hút khách du lịch.
Vùng núi cao khu vực Đông và Tây Bắc có dạng địa hình phức tạp, đa dạng với đỉnh và dãy núi cao trùng điệp, những cung đường đèo uốn lượn, hẻm vực với cảnh quan hùng vĩ tạo ra nhiều tiềm năng cho các hoạt động du lịch thể thao, đặc biệt là thể thao mạo hiểm. Các đỉnh cao hiện nay đã tổ chức hoạt động du lịch thể thao mạo hiểm gắn với đi bộ leo núi như đỉnh Fansipan 3.143m (Lào Cai), đỉnh Pu Ta Leng 3.096m, đỉnh Pu Si Lung 3.076m, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử 3.045m (Lai Châu), đỉnh Tà Xùa - Trạm Tấu 2.865m (Sơn La).
Những đường đèo ngoạn mục như đèo Mã Pì Lèng, dốc Chín Khoanh, khúc cua chữ M (Hà Giang); đèo Pha Đin cũ (Lai Châu); đèo Khâu Phạ (Yên Bái); đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai) có thể tổ chức các giải chạy bộ, đua xe đạp địa hình. Đặc biệt, cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu với hệ thống núi đá vôi và những dạng địa hình đầy hiểm trở luôn thu hút khách du lịch có lòng can đảm, muốn khám phá, trải nghiệm...
Nhiều điểm cảnh quan gắn với địa hình đồi núi và thung lũng có thể tổ chức các hoạt động thể thao mạo hiểm (lượn dù, vượt thác) như bay dù lượn ở Chí Đạo, Lạc Sơn (Hòa Bình); Chiềng Hặc, Yên Châu (Sơn La); Cao Phạ, Mù Căng Chải (Yên Bái); Ô Quý Hồ, Sa Pa (Lào Cai); Mia Xu, Mèo Vạc (Hà Giang); bơi thuyền ngược sông Nho Quế, Mèo Vạc (Hà Giang). Hoạt động bay khinh khí cầu cũng có thể nghiên cứu tổ chức ở những thung lũng có cảnh quan đẹp.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi chằng chịt nhưng không có độ dốc lớn, không tạo thành các ghềnh thác, chủ yếu phù hợp với các loại hình đua thuyền, chèo thuyền, đua ghe. Thực tế đã có nhiều sự kiện thể thao truyền thống được tổ chức như lễ hội đua ghe Ngo...
Với chiều dài hơn 3.260 km đường bờ biển có chất lượng tốt, Việt Nam đảm bảo khả năng khai thác phục vụ du lịch và thể thao bãi biển. Những bãi biển hiện nay được khai thác cho các hoạt động và sự kiện thể thao là Nha Trang, Bình Thuận với địa hình và độ sóng phù hợp với các loại hình lướt ván buồm, lướt ván diều, đua thuyền buồm. Các hoạt động thể thao giải trí phù hợp tổ chức ở nhiều địa điểm tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang) như các loại hình mô-tô nước, dù kéo, lặn biển...
Bên cạnh các tiềm năng về tự nhiên, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cả về thể thao và du lịch liên tục được hoàn thiện. Nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng những khu liên hợp thể thao, cung thể thao. Hệ thống các sân golf, sân quần vợt, sân bóng được đẩy mạnh phát triển ở nhiều địa phương.
Để đảm bảo đăng cai tổ chức một số sự kiện lớn, nhà nước đã có nhiều chủ trương về phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi, chủ trương huy động xã hội hóa để tổ chức các sự kiện thể thao lớn. Tiêu biểu như hiện trạng xây dựng đường đua xe công thức 1 tại Hà Nội. Nhưng so với tiềm năng và lợi thế về tự nhiên, các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như điều kiện, hệ thống dịch vụ cần thiết khác để tổ chức các sự kiện thể thao thường xuyên và gắn với thu hút du lịch vẫn còn rất hạn chế.
THANH GIANG
Theo cadn.com.vn/news
Quanh quẩn hết chợ đêm rồi đi bar, khách du lịch thất vọng ở Đà Nẵng "Đêm ở Đà Nẵng rất thú vị với các quán bar, nhà hàng, quán cafe, Cầu Tình Yêu... nhưng hãy nhớ là phải thưởng thức mọi thứ trước 22h và chỉ trong đêm đầu tiên. Vì ngay sau đó, Đà Nẵng sẽ chìm vào tĩnh lặng, còn nếu ở tiếp đêm thứ 2 thì bạn hoàn toàn thất vọng", anh Ngọc Sơn, một...