Đến Côn Sơn làm bánh Khọt
Đến với Cồn Sơn – một làng du lịch mới của Cần Thơ, du khách sẽ được tìm hiểu về nghề nuôi cá bè, được thưởng thức hương vị của các loại bánh ngọt làm từ quả dừa, trải nghiệm bắt cá, làm đồ chơi thủ công…
Và đặc biệt là được tham gia làm các loại bánh truyền thống của miền Tây như bánh Khọt, bánh bèo…
Miền Tây có nhiều nơi làm bánh Khọt nhưng nổi tiếng nhất là bánh Khọt Cần Thơ. Bánh được làm từ gạo tẻ và các loại nguyên liệu dân dã mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, ăn một lần là nhớ mãi.
Video đang HOT
Theo người dân ở Cồn Sơn, loại gạo để làm bánh Khọt phải là loại gạo cũ đem nghiền thành bột nước, sau đó để bột lắng xuống. Sau khi đã gạn phần nước phía trên đi thì hòa bột với nước cốt dừa. Nước cốt dừa là nước ép từ phần cơm dừa (cùi dừa) được nạo, xay thật nhỏ. Nước cốt dừa được sử dụng làm phụ gia của rất nhiều món ăn miền Tây vì nó mang lại vị ngọt thanh và béo ngậy cho món ăn. Lưu ý, nước cốt dừa được hòa với bột làm bánh Khọt là nước đã được lọc lần thứ 2 từ phần cơm dừa, nước lần một sẽ dùng để trộn làm nhân bánh. Để cho bánh có màu vàng tươi cùng hương vị thơm ngon người ta cho thêm nước ép củ nghệ và lá hẹ đã thái nhỏ hòa lẫn vào hỗn hợp bột trên. Cho thêm chút nước lọc rồi khuấy đều để bột và các loại gia vị hòa quyện vào nhau.
Đến phần chuẩn bị nhân bánh. Tùy vào khẩu vị của từng người mà làm nhân bánh. Nếu là bánh chay, người dân Cồn Sơn sẽ dùng đậu xanh còn nguyên vỏ rửa sạch, ngâm cho nở ra rồi trộn lẫn với nước cốt dừa lần 1, một chút nước gừng. Thêm ít gia vị để bánh có vị mặn như bột nêm hay muối. Còn đối với bánh nhân thịt hoặc tôm thì mua về rửa sạch thịt thái thành miếng nhỏ (tôm bóc nõn giữ nguyên) cho vào chảo xào lẫn với chút hành lá, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Thế là kết thúc khâu chuẩn bị nguyên liệu.
Bánh Khọt sẽ được chiên (hoặc hấp tùy vào cách gọi của từng người) trên chảo chuyên dụng có nắp đậy bằng gang. Người Cồn Sơn chiên bánh Khọt trên chiếc bếp than hoa nhỏ và luôn luôn phải chú ý kều than cho đều lửa nếu không bánh sẽ chín không đều, lửa to quá cũng làm cháy bánh. Bên trong chảo chuyên dụng làm bánh Khọt có những hõm hình bán cầu nhỏ có đường kính khoảng 4 cm. Đặt chảo lên bếp đun cho nóng, quét dầu ăn vào những hõm trên chảo, sau khi chảo nóng thì dùng gáo nhỏ được làm từ vỏ dừa múc 1 chút hỗn hợp bột đã pha trên vào các hõm nhỏ trên chảo. Chỉ đổ đến lưng hõm vì bột sẽ nở ra. Sau đó đổ 1 chút nhân vào giữa bánh và đậy nắp chảo lại, chờ khoảng 3 phút thì bỏ ra kiểm tra xem bánh đã chín chưa rồi bày lên đĩa để tiếp tục làm mẻ mới.
Bánh Khọt có vị ngòn ngọt, ngầy ngậy của nước cốt dừa, dai dai của gạo lại tùy vào nhân bánh mà có thêm các hương vị khác nhau. Bánh được chấm với nước mắm pha chua ngọt ăn mãi mà không thấy ngán. Đặc biệt là cảm giác được ăn thứ bánh đặc sản miền Tây do chính tay mình làm ra lại càng khiến du khách không thể nào quên.
Ăn bánh khọt, nói nhỏ thôi!
Những ngày nghỉ "Corona" có nhiều nỗi lo. Lo bài vở dồn một đống học sao cho nổi. Lo dịch bệnh tai bay vạ gió. Lo không quen học trực tuyến, biết có "vào" hay không...
Đĩa bánh khọt má làm
Vậy mà nghe má nói chiều má làm bánh khọt, tự nhiên... người nhẹ hẳn ra, hết lo ngay và luôn. Ba đi xay bột xong, để cái xô bột đầu gian bếp, nói với má: "Tớ hết trách nhiệm rồi nhé. Mưu sự tại em, thành sự tại... con. Nó mà chê dở thì khó đỡ lắm nghen". Vừa đổ bánh, má vừa nói "sếp" đừng có giận. Con nó có lời lẽ khôn khéo tròn méo hay dao kéo gì thì cũng là máu thịt của mình. Lúc nội còn, nội hay nói hậu sinh khả úy. Bộ anh không nhớ sao?
Bắt đầu thơm rồi. Má cầm thanh tre nhẹ nhàng xoay sát vành khuôn rồi vớt bánh ra đĩa. Mình xoa dầu, rắc hành hẹ, nhân tôm lên từng cái bánh. Mình xin "khai" thật là mấy thứ đó má làm sẵn. Mình chỉ rắc lên bánh thôi. Thật là tệ! Nhưng mình "nguyện" là sẽ học làm bánh vào hè tới. Còn giờ thì... làm nũng cái đã, vì cái cảm giác làm nũng nó lâng lâng bâng khuâng sướng lắm.
Ba lộp cộp giã ớt làm mắm chua ngọt. Ổng thường "xung phong" làm món này mỗi khi rủ bạn ăn gỏi cá. Má đổ bánh thì cái nào cũng xoáy, không có chuyện mặt bánh trơ nhẵn. Má nói pha bột với nước phải có chừng có đỗi. Nước ít, bột nhiều, bánh sẽ cứng, ăn có cảm giác miếng bánh rời rạc. Còn lửa nữa. Phải canh sao cho vừa thì vớt bánh mới dễ và cái bánh cũng dễ thương.
Chan mắm ba làm lên bánh. Nhớ hoài "khẩu lệnh" của má: "Chan đâu ăn đó. Không chan một lần, ăn không kịp làm cái bánh nhão đi". Ba thì cười cười, biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Nhưng "quan điểm" này của ba nghe có lý. Là khi ăn, cần nói chuyện gì cứ nói nhưng phải nhỏ nhẻ và ngắn gọn thôi.
Nói lớn quá, nhiều quá, hành hẹ nó giật mình, cái mùi thơm "tinh vi" biến mất. Đó là chưa kể cái thơm của nhân tôm pha thịt cũng giảm. Là vì sao? Vì tụi nó tự ái. Nó đang dâng hiến sự thơm tho để nghe mình khen. Mình ăn mà nói ngoài lề, không ngó ngàng tới nó thì nó "đình công". Rồi ba cười tinh quái: "Còn bánh của má thì... bất chấp, có nói lớn nói nhỏ gì cũng mềm mại, dẻo thơm. Khi mới cưới, ba đã phát lộ tính năng này của má".
Cả nhà cùng cười. Bữa bánh khọt ngon tuyệt vời. Mấy bữa nữa, cuối tháng hai rồi. Vô Sài Gòn chắc nhớ cái không khí bánh khọt này lắm đây.
Theo Thanhnien
Thưởng thức bánh khọt miền Tây ở đất Sài Gòn Những chiếc bánh khọt được chiên vàng đẹp mắt, phối hợp Một chút béo của nước cốt dừa, bùi của nhân đậu xanh, kèm theo hương vị thơm của hành lá, hòa với nước mắm chua, ngọt, cay cay... Món bánh khọt của người miền Tây dễ làm mà cũng dễ ăn. Đĩa bánh khọt có màu sắc bắt mắt. Một số người...