Đến chuyên gia cũng “bó tay” với cơ sở tính giá điện
“Về minh bạch giá điện, ngay cả những nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan tới cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng “bó tay”, không hiểu rõ và nói rõ được”, chuyên gia trong ngành Ngô Đức Lâm nói.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, cơ sở tính giá điện vẫn chưa mang tính khoa học bởi thời điểm này giá điện vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường!
Tại Diễn đàn “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” tổ chức sáng nay (16/10), GS.TS Nguyễn Quang Thái, Hội khoa học Kinh tế Việt Nam thẳng thắn: “Giờ bàn về cơ sở khoa học khi tính giá điện là ảo tưởng bởi thời điểm này giá điện vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy dân bức xúc như thế nào”.
“Bó tay” với cơ sở tính giá điện
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Đức Lâm, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, mỗi lần điều chỉnh giá điện hoặc chỉ đề cập tới giá điện cũng chưa nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Nguyên nhân chính là do ngành điện còn độc quyền rất lớn và còn lâu dài mới tiến tới cơ chế thị trường.
“Bên cạnh đó, về minh bạch giá điện, ngay cả những nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan tới cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng “bó tay”, không hiểu rõ và nói rõ được. Người dân cũng lo ngại về năng suất lao động của ngành điện thấp khiến người dùng phải chịu hậu quả thay”, ông Lâm nói.
Riêng về minh bạch giá điện, ông Lâm cho rằng, việc điều chỉnh giá điện phải tuân theo quy định của Luật giá và Luật Điện lực, trong đó cần tập trung vào cả quyền người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc điều chỉnh giá điện mới chỉ tập trung vào quyền của EVN mà chưa tập trung quyền người dùng.
“Các văn bản nhà nước hiện đang tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp ngành điện. Các quy định có lợi cho EVN nhưng dẫn đến bất lợi trong quá trình cạnh tranh. Anh tính lợi nhuận cao sản xuất kiểu gì cũng có lãi nhưng lại làm thui chột tính phấn đấu giảm giá thành”, ông Lâm nhấn mạnh.
Video đang HOT
Còn theo Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: “Ngay cả khâu đầu vào trong quá trình tính giá điện cũng đã minh bạch chưa? Lúc EVN nói lỗ, lúc nói lãi, vậy lỗ thì Nhà nước bù hay dân phải chịu. Cử tri nói, con phụ thuộc bố mẹ, bố mẹ nghèo thì con nhịn ăn nhưng sao EVN lỗ mà cán bộ nhân viên thu nhập lại khá?”.
Giá điện chỉ tăng không giảm
Theo ông Nguyễn Minh Duệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khoa học kinh tế Việt Nam, thực trạng giá điện Việt Nam cho thấy, trong 8 lần điều chỉnh qua, giá điện chỉ có tăng mà không có giảm. Việc điều chỉnh có năm do yếu tố chi phí đầu vào tăng nhưng cũng có năm ngay cả khi giá thuỷ điện Sơn La giảm mà giá điện vẫn tăng.
“Ngoài ra, giá bán điện qua các lần điều chỉnh chưa thuyết phục, chưa có cơ sở khoa học và công khai, minh bạch giá thành. Cũng cần nói thêm, giá điện Việt Nam đang là cao hay thấp? So với các nước thiếu tài nguyên năng lượng sơ cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc mà kết luận giá điện Việt Nam thấp là quá khập khiễng. Tôi cho rằng, giá như hiện nay là không thấp!”, ông Duệ nói.
Theo vị này, ngoài việc cần có báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm khi điều chỉnh giá điện thì cần có giải pháp để giảm giá điện nhằm thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng điện.
Đáp lại ý kiến của các đại biểu, đại diện Bộ Công Thương – ông Đinh Thế Phúc, Cục Phó Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, cơ quan điều hành luôn có mục công khai minh bạch giá điện về giá thành cũng như các chi phí từ phát điện, truyền tải tới quản lý. Đồng thời, yêu cầu ngành điện thay đổi cách chăm sóc khách hàng, thay hệ thống công tơ điện tử để tiện giám sát…
Phương Dung
Theo Dantri
Chuyên gia chất vấn EVN về thang giá điện như "đường cong mềm mại"
Tôi không hiểu tỷ lệ giữa các bước nhảy trong các bậc thang giá điện mà EVN xây dựng. Phải chăng ở đây có một cái gì đó uốn lượn như đường cong mềm mại mà tôi không hiểu? Tôi không biết người thiết kế biểu giá này có định gì?", GS.TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đặt câu hỏi về biểu giá điện mới mà EVN vừa xây dựng
Bàn về 3 phương án giá điện trong Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện do EVN đề xuất mới đây, GS.TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, về cơ bản, ông đồng tình với những ý tưởng mà EVN đưa ra, tuy nhiên cần phải xem xét, cải tiến 2 vấn đề chính trong các phương án.
Theo đó, ông Long cho biết, vấn đề thứ nhất là trong phương án đầu tiên giữ nguyên 6 bậc thang như trước thì nên gộp 2 bậc đầu tiên làm một do chênh lệch giữa hai bậc này không nhiều, chỉ khoảng 49 đồng và giá gần nhau, gần 1.500 đồng/kWh.
Vấn đề thứ hai cần phải làm rõ là bước nhảy giữa các bậc thang tuân theo quy luật nào? Bởi theo tính toán của ông Long, giữa bậc 1, 2 có khoảng cách là 49 đồng/kWh, nhưng bậc 2 và 3 khoảng cách lại là 253 đồng.
Đến bậc 3 và 4 bỗng dưng vọt lên 456 đồng/kWh và bậc 4 và 5 lại giảm còn 261 đồng/kWh. Khoảng cách giữa bậc 5 và 6 lại chỉ còn 84 đồng/kWh.
Ảnh minh họa
"Nếu áp theo quy luật dùng càng nhiều, bị đánh càng mạnh thì cũng không theo quy luật đó. Tôi cho rằng ít nhất là phải giữ tỷ lệ bước nhảy cố định, có thể là 200 hay 250 đồng. Phải chăng ở đây có một cái gì đó uốn lượn như đường cong mềm mại mà tôi không hiểu? Tôi không biết người thiết kế biểu giá này có định gì?", ông Long đặt câu hỏi với EVN.
Trên cơ sở đó, ông Long cho rằng EVN cần phải hạ mức chênh lệch giá giữa các bậc để phù hợp với mức sống của đa số người dân.
"Tôi cho rằng với số bậc càng nhiều và khoảng cách giá giữa các bậc thấp vừa phải thì chất lượng điều tiết giá mới càng tốt và số lượng người bị thiệt sẽ ít đi. Suy cho cùng, biểu giá điện bao nhiêu bậc thì tổng doanh thu của EVN cũng không thay đổi. Doanh thu bán điện của EVN vẫn bằng giá bán điện sinh hoạt bình quân 1.747 đồng/kWh nhân với lượng điện năng bán lẻ cho khách hàng", Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đề xuất.
Chi phí xây sân tenis, bể bơi... không được tính vào giá điện!
Trong khi đó, giải thích thêm về giá bán lẻ điện và các yếu tố cấu thành giá bán điện hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, giá thành sản xuất điện hiện nay được hình thành trên cơ sở của 4 khâu: thứ nhất là khâu phát điện, thứ hai là khâu truyền tải, thứ ba là khâu phân phối bán lẻ và thứ tư là khâu phụ trợ và chi phí ngành.
Trong 4 khâu thì chi phí phát điện là khâu chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 78%, còn lại là 3 khâu khác.
"Việc tính toán giá thành điện đơn thuần hiện nay dựa trên báo cáo sản xuất kinh doanh điện của EVN, trong báo cáo này thì EVN không được đưa vào các chi phí quản lý hoạt động ngoài ngành cũng như hoạt động không sản xuất kinh doanh điện như chi phí xây sân tenis, bể bơi... vào trong giá thành", ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay việc xem xét cơ cấu điều chỉnh biểu giá điện phải tổng hòa 4 yếu tố: chênh lệch tỷ giá, cơ cấu nguồn huy động, giá nguyên liệu va chi phí mua điện. Trong đó, tỷ giá chỉ là một trong 4 yếu tố cấu thành, nên với việc EVN hay TKV kêu lỗ rồi dư luận cho rằng sắp tới sẽ điều chỉnh giá điện là chưa chính xác.
Ông Hoàng Văn Tùy, Phó Trưởng Ban Tài chính - Kế toán EVN cũng giải thích thêm về điều này. Theo đó, đại diện của EVN cho biết, Tập đoàn này có sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ rất lớn để đầu tư các nhà máy điện. Khi tỷ giá được điều chỉnh tăng dẫn đến chênh lệch tỷ giá và phát sinh số lỗ tương đối lớn.
Để giảm áp lực tăng chi phí đột ngột, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Thủ tướng cho phép phân bổ chênh lệch tỷ giá được đánh giá lại cuối năm 2011, năm 2012 còn tồn lại và đến hết năm 2015 để giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh dồn vào một vài năm gây áp lực quá lớn vào chi phí và giá điện.
Theo Một thế giới
Rùng mình công nghệ 'lên đời' thực phẩm thối Những con gà trắng nhợt, thịt heo thối rữa chỉ cần ngâm vào hóa chất một thời gian ngắn sẽ trở nên tươi ngon, bắt mắt sau đó tung ra thị trường tiêu thụ. Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện những cơ sở sử dụng hóa chất để ngâm, tẩm chất độc hại để "lên đời" thực...