Bài toán giá điện của EVN
Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ) vừa đưa ra lấy ý kiến công chúng về Đề án cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt áp dụng giai đoạn 2016-2017. Dù lựa chọn phương án biểu giá điện nào thì áp lực trả thêm tiền điện cũng đều đổ lên đầu đa số người sử dụng điện, nhất là người nghèo – người sử dụng ít điện. Trong khi đó, giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất điện đã giảm rất nhiều trong thời gian qua.
Dù các yếu tố đầu vào cho sản xuất điện giảm nhiều thời gian qua, giá mặt hàng này vẫn luôn chực chờ tăng lên. Ảnh: MINH KHUÊ
Có thể tóm tắt lại ba phương án biểu giá điện được EVN đề xuất như sau: phương án 1 là giữ nguyên giá điện theo sáu bậc thang như hiện nay; phương án 2 là bán điện đồng giá 1.747 đồng/kWh (đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành); phương án 3 rút từ sáu bậc xuống còn 3-4 bậc thang với năm kịch bản khác nhau nhưng giá điện sinh hoạt bình quân cũng sẽ là 1.747 đồng/kWh.
Theo quy trình thì sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, EVN sẽ trình Đề án án cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt này lên Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 tới và dự kiến sẽ áp dụng nó từ năm 2016.
Người nghèo chịu thiệt
Theo số liệu của EVN , trong năm 2014, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt mỗi tháng từ 50 kWh trở xuống chiếm 21,79%, sử dụng từ 51-100 kWh chiếm 25,02%, từ 100-150 kWh chiếm 20,82%, từ 150-200 kWh chiếm 12,81%, từ 200-300 kWh chiếm gần 11%. Nhóm các hộ sử dụng điện nhiều từ 300 kWh trở lên chiếm tỷ lệ rất ít, chỉ gần 9%.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, thừa nhận với phương án đồng giá 1.747 đồng/kWh thì người thu nhập thấp và người thu nhập trung bình có mức sử dụng dưới 240 kWh mỗi tháng sẽ bị ảnh hưởng vì phải trả tiền điện nhiều hơn mức chi trả hiện nay, còn người thu nhập cao dùng điện nhiều thì lại được “giảm giá” so với mức hiện tại.
>> Việt Nam không thể có điện đồng giá!
Nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến phản biện trên các phương tiện truyền thông trong những ngày gần đây, cho rằng xét riêng mục tiêu “giảm bù chéo giữa các đối tượng” thì phương án đồng giá điện 1.747 đồng/kWh như EVN đưa ra là thỏa mãn. Nhưng nếu xét các mục tiêu khác như “nâng cao tính công khai minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả” thì hầu như tất cả các phương án biểu giá điện EVN đưa ra không giải quyết được và cũng không thỏa mãn nhiều thắc mắc của người tiêu dùng xoay quanh các bất cập của ngành điện lâu nay.
Sao không tính đến chuyện giá nguyên liệu đầu vào giảm?
Có một vấn đề cần được EVN làm rõ cho dù cuối cùng giá điện được áp dụng theo phương án nào (đồng giá 1.747 đồng/kWh hay rút từ 6 bậc xuống còn 3, 4 bậc thang với giá bình quân cũng ở mức 1.747 đồng/kWh), đó là EVN đã cân đối việc huy động các nguồn điện ra sao để chi phí cấu thành nên giá điện bán cho người dân đạt ở mức hợp lý nhất?
Các số liệu thống kê cho thấy tính từ năm 2011 đến nay giá than trên thị trường thế giới đã giảm 60% và nhiều chuyên gia dự báo sang năm 2016 giá than sẽ còn tiếp tục giảm. Bộ Tài chính cho biết tại thị trường trong nước, chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm 2015, nhiều loại than được điều chỉnh giảm từ 55.000-70.000 đồng/tấn. Trong khi đó, báo cáo của ngành dầu khí cho thấy đến giữa tháng 8-2015 thì giá dầu đã giảm gần 30% so với đầu năm 2015 và giảm hơn 60% so với năm 2011; giá bán khí trung bình cũng giảm 18,5% so với cùng kỳ tháng 8 năm ngoái.
Theo EVN, trong tám tháng đầu năm 2015, trong tổng sản lượng điện sản xuất và mua của EVN (105 tỉ kWh) thì thủy điện chiếm gần 35%, nhiệt điện than chiếm gần 34%, điện khí chiếm gần 30%, nhiệt điện dầu chiếm 0,31%, điện nhập khẩu rất ít – chỉ 1,1%.
>> Giá điện: Vẫn phải tính theo bậc thang lũy tiến
Một khi giá đầu vào của các nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng như điện than và điện khí chiếm gần 65% giảm liên tục thì giá điện bán ra cần phải được ngành điện cân đối giảm theo. Tuy nhiên, chưa bao giờ người ta thấy EVN báo cáo công khai, minh bạch một cách chi tiết việc giảm giá nguyên liệu đầu vào nói trên tác động đến giá thành sản xuất điện ra sao . Chỉ thấy EVN chăm chăm vào nguyên nhân tăng giá là “lỗ tỷ giá”. Cần nhắc lại là trong lần tăng giá điện gần đây nhất vào ngày 16-3-2015 với mức tăng 7,5%, EVN cũng đưa lý do tăng giá điện để giảm lỗ, nếu không tăng sẽ lỗ 12.000 tỉ đồng, một phần số tiền thu được do tăng giá điện để dành giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại còn tới khoảng 8.000 tỉ đồng.
Trao đổi với PV về những bất cập trong việc tính toán cơ cấu giá điện sinh hoạt của EVN nói trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng: “Tính qua tính lại thì cuối cùng EVN cũng chỉ đảm bảo nguồn thu của họ, ai chọn phương án nào thì người có lợi vẫn là EVN. Nếu đưa các phương án biểu giá điện ra cho mọi người xây dựng mà kết quả cuối cùng chỉ có lợi cho mình EVN thôi thì tôi cho là không sòng phẳng.
Bà Lan kỳ vọng khi quyết để ban hành biểu giá điện cuối cùng, Chính phủ và bộ ngành chức năng sẽ quyết theo hướng tránh tác động lớn đến nền kinh tế và tâm lý xã hội, giảm bớt thua thiệt cho người nghèo sử dụng điện.
Chuyên gia ủng hộ phương án lũy tiến nhưng giảm số bậc Ngày 22-9-2015, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo lấy ý kiến về các phương án tính giá bán điện mới tại Hà Nội. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên lưu ý sẽ không có phương án nào đem lại hài lòng cho tất cả, cho nên cần lựa chọn ưu tiên cho số đông. “Số người dùng trên 400 kWh mỗi tháng chỉ 4,7%, trong khi số người dùng dưới 100 kWh – là người nghèo – lớn hơn nhiều. Nếu không ưu tiên cho họ thì không khéo chúng ta lại đi bảo vệ người giàu”, ông Kiên nói. Các chuyên gia cho rằng nên giữ cách tính giá bán điện theo biểu lũy tiến thay vì đồng giá. Ông Nguyễn Tiến Thỏa ở Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam – đơn vị được EVN thuê xây dựng biểu giá mới cho rằng phương án tính giá bán điện lũy tiến với 3-4 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay là ” ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá điện đến các hộ dân cũng là ít nhất”. Phương án này sẽ khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều càng phải trả tiền điện với giá cao hơn và ngược lại. Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nên đưa về 3-4 bậc. “Tuy nhiên khoảng cách giữa các bậc, nhất là hai bậc đầu nên giãn cách ra xa hơn, có thể cách nhau 100-150 kWh thì mức tiền phải trả sẽ giảm xuống”, ông Thiên nói. Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri nói “quan điểm của EVN cũng là không nên bán điện đồng giá…”. Việc lấy ý kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 9-2015, sẽ có hội thảo tương tự tại Đà Nẵng vào ngày 23-9 và tại TPHCM vào ngày 30-9.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
EVN công bố các phương án tính giá điện mới
EVN vừa công bố Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện mới nhằm lấy ý kiến rộng rãi của người dân, chuyên gia, doanh nghiệp...
EVN công bố phương án tính giá điện mới. Ảnh minh hoạ
Cụ thể, trong đề án Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết cơ sở đổi mới cơ cấu biểu giá điện mới là do biểu giá điện hiện hành gồm nhiều bậc thang khiến tính toán tiền điện phức tạp. Nhiều khi xảy ra nhầm lẫn trong công tác ghi chỉ số điện...gây bức xúc trong nhân dân.
Chính vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện 2016-2017 là giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang:
Theo EVN, giá điện không chỉ là giá một loại hàng hóa đặc biệt không nhìn thấy được mà giá điện còn thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là trong biểu giá sinh hoạt bậc thang. Do vậy nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bậc thang phải cẩn trọng, cải tiến hợp lý sẽ thuận lợi khi áp dụng và nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của khách hàng sử dụng điện.
Cụ thể, biểu giá điện mới của EVN được công bố xin ý kiến đóng góp với 3 phương án:
Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành.
Theo nhóm nghiên cứu, biểu giá này có ưu điểm giá điện sinh hoạt bậc thang với sản lượng điện sử dụng càng cao sẽ ứng với mức giá điện càng cao hơn nên khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là đối với điện là sản phẩm đặc biệt sử dụng tài nguyên làm nhiên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, nhược điểm là Biểu giá sinh hoạt có nhiều bậc thang đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng, lượng điện sử dụng càng cao áp ở mức giá cao ngược với logic tiêu dùng hàng hoá thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.
Đặc biệt hàng năm khi vào mùa nắng nóng (tháng 5 và tháng 6) các hộ dùng điện vào sinh hoạt nhiều hơn có tiền điện thanh toán với tốc độ tăng cao hơn lượng điện sử dụng nên sẽ phải trả tiền với mức giá cao hơn.
Phương án 2: Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá)
Một mức biểu giá bán điện sinh hoạt (đồng giá) là 1.747 đ/kWh, đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.
Ưu điểm: dễ dàng áp dụng, minh bạch rõ ràng, việc áp giá điện, tạo điều kiện cải tiến khâu kinh doanh bán điện về công tác ghi chỉ số công tơ. Theo kinh nghiệm một số nước đối với sinh hoạt 1 quý ghi chỉ số 1 lần để tăng năng suất lao động.
Tiền điện thanh toán của 2 tháng đầu quý sẽ tạm thu bằng mức tiền điện của bình quân quý trước, tháng cuối quý ghi chỉ số sẽ thanh toán đúng theo chỉ số công tơ ghi được.
Khi việc triển khai ghi chỉ số công tơ theo quý được thuận lợi sẽ kéo dài thời gian thêm 1 quý thành mỗi năm ghi chỉ số dùng điện sinh hoạt 2 lần. Đồng thời còn giảm chi phí đầu tư gắn mới công tơ trong trường hợp các hộ sử dụng điện trong cùng địa điểm tiến hành tách hộ để được sử dụng điện với giá thấp ở các bậc thang đầu tiên.
Mặt khác thực hiện đồng giá còn tạo điều kiện từng bước đi dần vào thị trường, xóa bỏ việc thực hiện chính sách xã hội qua giá điện và Nhà nước sẽ thực hiện chính sách xã hội bằng biện pháp trực tiếp khác.
Nhược điểm: Đi theo đồng giá, bước đầu có thể khó khăn do tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể. Áp lực tiết kiệm điện của phương án đồng giá không cao bằng giá bậc thang mặc dù người tiêu dùng cũng phải tự tính toán về tiền điện thanh toán.
Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc vớimức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh.
Kịch bản 1
Kịch bản 2
Kịch bản 3
Kịch bản 4
Kịch bản 5
Bậc 1
50 kWh
100 kWh
150 kWh
200 kWh
50 kWh
Bậc 2
250 kWh
200 kWh
150 kWh
200 kWh
150 kWh
Bậc 3
>300 kWh
>300 kWh
>300 kWh
>400 kWh
200 kWh
Bậc 4
>400 kWh
Cụ thể, phương án 3 có 5 kịch bản:
Kịch bản 1:Bậc 1 - 50 kWh có giá 1.484; Bậc 2 - 250 kWh có giá 1.763 đ/kWh; Bậc 3 trên 300 kWh có giá 2.557 đồng/kWh.
Kịch bản 2:Bậc 1 - 100 kWh có giá 1.501 đ/kWh; Bậc 2 - 200 kWh có giá 1.907 đ/kWh; Bậc 3 - trên 300 kWh có giá 2.557 đ/kWh.
Kịch bản 3:Bậc 1 - 150 kWh có giá 1.559 đ/kWh; Bậc 2- 150 kWh có giá 2.007 đ/kWh; Bậc 3 - trên 300 kWh có giá 2.557 đ/kWh.
Kịch bản 4:Bậc 1 - 200 kWh có giá 1.584 đ/kWh; Bậc 2 - 200 kWh có giá 2.325 đ/kWh; Bậc 3 trên 400 kWh có giá 2.587 đ/kWh.
Kịch bản 5:Bậc 1 - 50 kWh có giá 1.484 đ/kWh; Bậc 2 - 150 kWh có giá 1.670 đ/kWh; Bậc 3 - 200 kWh có giá 2.325 đ/kWh; Bậc 4 trên 400 kWh có giá 2.587 đ/kWh.
Ưu điểm: Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn, sử dụng càng ít điện sẽ được thanh toán tiền điện ở các mức giá thấp hơn. Mặt khác còn góp phần thực hiện được chính sách an sinh xã hội đối với những người sử dụng ít điện và khả năng chi trả thấp, đặc biệt là đối với kịch bản 1, 2 và 5.
Nhược điểm: việc ghi chỉ số tác động đến thanh toán tiền điện với số kWh ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán có tốc độ tăng cao hơn lượng điện sử dụng gây hiểu lầm là do ghi chỉ số sử dụng điện không chuẩn xác.
Điều này tạo dư luận xấu ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Khi rút gọn còn 3 bậc thang hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn còn hiện hữu.
Theo_NDH
Biểu giá điện giải quyết vấn đề gì? Vì sao ra con số trong biểu giá điện và các con số đó giải quyết vấn đề gì - đó là ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Sáng 22.9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo "Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán...