Đền Cao An Phụ – thắng cảnh đất Kinh Môn, Hải Dương còn ít người biết đến
Cách thành phố Hải Dương khoảng 40km về phía Đông Bắc, có một ngôi đền thiêng thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt nhưng chưa được nhiều người biết tới.
Quần thể di tích Đền Cao An Phụ, tục được gọi là Đền Cao, nằm ở xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là điểm đến tâm linh và văn hóa đầy hấp dẫn. Đền có tên tự là “An Phụ Sơn Từ”, tọa lạc trên đỉnh núi An Phụ với chiều dài 17 km, cao 246m.
Lối lên Đền Cao là gần 400 bậc đá đều tăm tắp.
Phía Đông Bắc nhìn về dãy Yên Tử sừng sững, phía Tây Bắc là Động Kính Chủ được mệnh danh là “ Nam Thiên đệ lục động” có dòng sông Kinh Thầy uốn lượn sát chân núi, phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông. Nơi đây phong thủy hữu tình, là một cảnh đẹp đáng du ngoạn.
Cổng tam quan của Đền Cao.
Trần Liễu sinh năm Kiến Gia thứ nhất (1211) là anh ruột của Trần Cảnh – vị vua đầu tiên triều Trần. Năm 1237 triều đình cắt đất An Phụ, An Sinh, An Dưỡng, An Hưng, An Bang cho Trần Liễu làm thái ấp và lấy tên đất phong vương cho ông là: An Sinh Vương Trần Liễu.
Ông cùng phu nhân Thiên Đạo Quốc Mẫu đã góp phần tạo nên thiên tài Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người con trung hiếu, người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn có công lao to lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông.
An Sinh Vương Trần Liễu mất vào mồng 1 tháng 4 năm 1251. Sau khi ông mất, người dân lập đền thờ trên đỉnh núi An Phụ, từ đó ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm trở thành ngày hội đền cao An Phụ, nhân dân khắp nơi về làm lễ dâng hương tri ân công đức.
Đền Cao thờ An Sinh Vương Trần Liễu nổi tiếng linh thiêng.
Video đang HOT
Đền được xây dựng theo kiểu kiến trúc tiền nhất hậu đinh, gồm có tiền tế, trung từ và hậu cung. Hậu cung có thờ tượng Trần Liễu và 2 cháu nội Đệ Nhất Vương Cô và Đệ Nhị Vương Cô là 2 con gái của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nổi tiếng linh thiêng.
Chùa Tường Vân cổ kính, uy nghiêm.
Tại Quần thể di tích An Phụ còn có chùa Tường Vân cổ kính, tục gọi là Chùa Cao, được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, dưới triều Trần. Trước chùa có 2 cây đại trên 700 năm tuổi như một nhân chứng lịch sử chứng kiến những biến thiên trên đỉnh núi này.
Giếng Ngọc…
… và giếng Mắt Rồng phía trước chùa luôn đầy nước trong vắt dù nằm trên đỉnh núi.
Trải qua những biến cố thăng trầm lịch sử, ngôi chùa đã bị tàn phá nặng nề và được trùng tu nhiều lần. Ngày nay, chùa Tường Vân cùng với nhà mẫu, lầu cô và một số hạng mục khác tại An Phụ đã được tôn tạo khang trang.
Một điểm tham quan không thể bỏ qua tại di tích này là tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, tọa lạc trên một ngọn núi thuộc dãy An Phụ có độ cao 200m so với mực nước biển, thấp hơn Đền Cao An Sinh Vương chừng 50m.
Tượng Đức Thánh Trần được tạc bằng đá xanh núi Nhồi Thanh Hóa, cao 9,7m. Bức tượng thể hiện một vị tướng văn võ song toàn, chân dung quắc thước nhưng nhân hậu.
Bên cạnh bức tượng Trần Hưng Đạo là bức phù điêu bằng đất nung dài 45m, cao 2,5m do các nghệ nhân Long Xuyên – Bình Giang – Hải Dương thực hiện. Đây là bức phù điêu bằng đất nung lớn nhất nước ta, tái hiện lịch sử 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân dân nhà Trần. Trong ảnh là phù điêu tái hiện Hội nghị Bình Than.
Phù điêu tái hiện Trần Quốc Tuấn tắm cho Trần Quang Khải để xóa bỏ hiềm khích cá nhân vì đại cục.
Những ngày trời quang, từ đỉnh núi An Phụ có thể ngắm toàn cảnh vùng Kinh Môn với dòng Kinh Thầy uốn khúc.
Năm 1992, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Đền Cao An Phụ đã được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia. Ngày 22/12/2016, khu di tích An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương của huyện Kinh Môn đã được nhà nước xếp hạng quần thể di tích quốc gia đặc biệt, là di tích thứ 2 của Hải Dương được công nhận sau Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, lãnh đạo huyện Kinh Môn cho biết sắp tới sẽ tăng cường quảng bá khu di tích này để ngày càng nhiều người dân biết đến, ghé thăm, qua đó phát triển du lịch địa phương.
Theo baotintuc.vn
Hải Dương tinh gọn bộ máy ở cơ sở
Tỉnh ủy Hải Dương ban hành Đề án 01 về "Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2016 - 2020" từ tháng 8-2016.
Một trong những nội dung trọng tâm của Đề án được tập trung triển khai là mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Qua thực hiện, bước đầu cho thấy tổ chức, bộ máy ở cơ sở tinh gọn hơn, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ được nâng cao.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đang được đội ngũ cán bộ thôn, xóm tỉnh Hải Dương tuyên truyền nhân rộng. Trong ảnh: Chế biến hành tại cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Hùng (xã Thái Thịnh, huyện Kinh Môn).
Tạo được sự đồng thuận
Cuối năm 2016, Hải Dương có hơn 1.500 chi bộ ở thôn, khu dân cư. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vai trò của chi bộ chưa thật sự rõ nét. Việc ra nghị quyết và triển khai nghị quyết còn lúng túng, chưa sát với tình hình thực tế. Tại một số địa phương, trưởng thôn, khu dân cư chưa phải là đảng viên, việc nắm bắt, chỉ đạo công việc hạn chế, dẫn đến kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ chưa cao... Để tinh gọn và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ ở thôn xóm, tổ dân phố, Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo quyết liệt triển khai mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư.
Huyện Gia Lộc khi bắt tay vào triển khai mô hình gặp không ít khó khăn. Về tiêu chuẩn, các bí thư chi bộ thôn hầu hết tuổi cao, trong khi yêu cầu một trưởng thôn cần trẻ và xốc vác. Một số nơi, khi cấp ủy giới thiệu đảng viên để bầu trưởng thôn lại chưa được nhân dân tín nhiệm cao. Quyết tâm tháo gỡ khó khăn này, Huyện ủy Gia Lộc khảo sát, nghiên cứu thực tế tại các thôn xóm, tổ dân phố và quyết định lựa chọn cách làm Đảng cử, dân bầu. Nghĩa là cấp ủy chi bộ giới thiệu đảng viên tiêu biểu, đủ phẩm chất, năng lực để nhân dân bầu trưởng thôn. Khi đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu trưởng thôn, cấp ủy chi bộ tổ chức đại hội và giới thiệu đồng chí này ứng cử bầu bí thư chi bộ. Cách làm này được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân nhất trí cao vì bảo đảm chọn lựa được cán bộ tiêu biểu của Đảng đồng thời hợp lòng dân. Quy trình thực hiện dân chủ, công khai, chặt chẽ. Thường trực Huyện ủy giao các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các khu, các Huyện ủy viên phụ trách các xã, phối hợp chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch. Kế hoạch thực hiện của các xã được các đồng chí Huyện ủy viên xem xét kỹ, rồi mới trình lên Ban Thường vụ Huyện ủy để xem xét, thông qua.
Đồng chí Huyện ủy viên phụ trách xã phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Huyện ủy nếu xã mình phụ trách không thực hiện được mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. Chi bộ nào thật sự khó khăn phải báo cáo để Thường trực Huyện ủy cho ý kiến chứ kiên quyết không cho bí thư chi bộ cũ tái cử. Với cách làm này, ngày 15-10-2017, huyện Gia Lộc tổ chức bầu cử trưởng thôn trong toàn huyện. Kết quả, có 113 trong tổng số 121 thôn, khu dân cư bầu được trưởng thôn là đảng viên với số phiếu tập trung cao. Tại đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2017 - 2020, tất cả các trưởng thôn là đảng viên đều được bầu giữ chức bí thư chi bộ. Không chỉ Gia Lộc mà hầu hết các huyện, thị xã của tỉnh Hải Dương đều triển khai cách làm này và mang lại kết quả tích cực. Tiêu biểu như huyện Thanh Miện, tỷ lệ các đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đạt hơn 97%. Đến nay, toàn tỉnh đã có 663 trong tổng số 1.469 thôn xóm, khu dân cư có bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư.
Để tháo gỡ khó khăn về chế độ chính sách, khuyến khích các đồng chí cán bộ ở cơ sở phải kiêm nhiệm chức danh, cuối năm 2017, HĐND tỉnh Hải Dương ban hành Nghị quyết về quy định mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, khu dân cư; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và thôn, khu dân cư trên địa bàn. Theo đó, cán bộ, công chức kiêm nhiệm chức danh không chuyên trách ở cấp xã và thôn, khu dân cư được hưởng 30% mức phụ cấp của các chức danh kiêm nhiệm. Những đổi mới về chế độ chính sách đã kịp thời động viên, khuyến khích và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ.
Chuyển biến bước đầu
Theo đồng chí Phạm Xuân Thăng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, với phương châm dân tin, Đảng cử và Đảng cử, dân bầu, các địa phương đã rà soát, lựa chọn những đảng viên được quần chúng nhân dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn, sau đó bầu bí thư chi bộ. Để việc này đạt hiệu quả cao, các địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích những nhân tố mới có nhiệt huyết, triển vọng. Cấp ủy các cấp cũng linh hoạt trong việc điều động công chức xã cư trú tại thôn, khu dân cư thực hiện kiêm nhiệm; đồng thời chủ động phương án kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với dân và có khả năng làm trưởng thôn. Đặc biệt, bên cạnh các giải pháp nêu trên, một trong những vấn đề được nhân dân, đảng viên đánh giá cao là cấp ủy, chính quyền các địa phương rất cầu thị, tổ chức xin ý kiến rộng rãi, phát huy tính dân chủ, công khai trong lựa chọn nhân sự. Người dân được khuyến khích thảo luận, giới thiệu người có năng lực, đủ uy tín làm trưởng thôn, khu dân cư, sau đó tiếp tục được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ. Do vậy, hầu hết các đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư đều hội đủ năng lực cũng như phẩm chất, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Từ thực tế địa phương, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Nguyễn Khắc Toản cho rằng, việc nhất thể hóa bí thư chi bộ và trưởng thôn, khu dân cư đã góp phần giảm kinh phí chi cho ngân sách. Công việc được triển khai nhanh hơn, nhất là trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương như việc triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp, chăm sóc cây trồng, hoa màu kịp thời, đúng thời vụ. An ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực nông thôn bảo đảm hơn. Những vấn đề "nóng" được đưa ra bàn thảo ngay trong cấp ủy, chi bộ và đưa ra hướng giải quyết, xử lý kịp thời. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư đã phát huy tốt vai trò, chức trách trong công tác phát triển kinh tế - xã hội cũng như tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương đến người dân. Từ khi được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, khối lượng công việc phải đảm nhiệm của Bí thư Chi bộ thôn Tằng Hạ (xã Gia Xuyên) Hồ Thị Xuấn tăng gấp ba, gấp bốn. Nhưng theo đồng chí, do nắm vững chủ trương của Đảng cho nên việc triển khai các nội dung công việc thuận lợi hơn. Thôn dù rộng và đông nhưng vừa qua đã xây dựng, chỉnh trang thêm nhiều tuyến đường liên thôn và các công trình công cộng; một số mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng được tích cực triển khai, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng trong thực tế việc triển khai mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn tại tỉnh Hải Dương vẫn gặp một số khó khăn. Nhiều địa phương thiếu nguồn đảng viên trẻ, xông xáo để giới thiệu bầu trưởng thôn. Mức phụ cấp dù được điều chỉnh nhưng vẫn chưa phù hợp với thực tế. Phương pháp lãnh đạo của một vài đồng chí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư còn cứng nhắc, chậm đổi mới. Hiện, các địa phương trong tỉnh đang khắc phục khó khăn này để phấn đấu thực hiện tốt mô hình. Cùng nhiệm vụ đó, các địa phương đồng thời triển khai việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách các thôn, khu dân cư trên địa bàn để có thể tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch, nhất là giao thông nông thôn, mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, tập trung nguồn lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng... Tỉnh ủy Hải Dương xác định đây là những nội dung quan trọng cần tập trung lãnh đạo trong năm 2019, nhằm đẩy mạnh công tác tinh giản và nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức, bộ máy ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 (khóa XII) của Đảng.
Bài và ảnh: QUỐC VINH, VĂN TOÁN
Theo NNĐT
Phát hiện hàng trăm quả bom bi trong thành phố Hải Dương Đến ngày 29/12, lực lượng công binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương đã dò tìm, phát hiện 550 quả bom bi và đã hủy nổ thành công 250 quả. Lượng bom bi này được phát hiện tại gia đình một người dân ở khu 3, phường Nhị Châu, thành phố Hải Dương. Phát hiện bom bi tại Hải Dương....