Đến biệt thự Dương Tử Kinh để biết Trung Quốc “giám sát rất kỹ Hồng Kông”
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã thiết lập một trung tâm xử lý khủng hoảng ngay tại ranh giới giữa Hồng Kông và đại lục, đồng thời xem xét thay đổi cách liên lạc chính thức đối với đặc khu.
Khi các cuộc biểu tình bạo lực khuấy đảo Hồng Kông, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc trong những tháng gần đây đã đưa ra phản ứng từ một biệt thự ở ngoại ô Thâm Quyến, bỏ qua bộ máy chính thức mà Bắc Kinh sử dụng để giám sát trung tâm tài chính này trong suốt 2 thập kỷ.
Thông thường, thông tin liên lạc giữa Bắc Kinh và Hồng Kông được thực hiện thông qua một cơ quan của chính phủ Trung Quốc: Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương tại Hồng Kông.
Văn phòng liên lạc này được đặt trong một tòa nhà chọc trời ở Hồng Kông với nhiều camera giám sát, chung quanh là hàng rào thép gai.
Một trung tâm xử lý khủng hoảng Hồng Kông đã được thiết lập trong khu biệt thự Dương Tử kinh ở Thâm Quyến. Ảnh: REUTERS
Tỏ ra không hài lòng với cách xử lý khủng hoảng của văn phòng trên, Bắc Kinh đang xem xét việc thay thế giám đốc của cơ quan này, ông Vương Trí Dân. Ông Vương là quan chức cao cấp nhất về chính trị của đại lục tại Hồng Kông.
Văn phòng đã bị chỉ trích ở Hồng Kông và Trung Quốc vì đánh giá sai tình hình tại thành phố này.
“Văn phòng liên lạc đã hòa nhập với những người giàu có và giới thượng lưu đặc khu, tự xa cách với người dân. Điều này phải được thay đổi” – một quan chức Trung Quốc nói.
Video đang HOT
Văn phòng Liên lạc có thể đối mặt áp lực gia tăng sau khi cử tri Hồng Kông gây ra thất bại nặng nề cho các đảng phái thân Bắc Kinh trong cuộc bầu cử hội đồng quận hôm 24-11: Các ứng cử viên dân chủ đã giành được hơn 80% số ghế.
Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và Văn phòng Liên lạc tại Hồng Kông không đáp lại lời đề nghị phản hồi về vấn đề trên của Reuters. Văn phòng của Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam cũng từ chối bình luận.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc bầu cử. Ảnh: REUTERS
Trung tâm xử lý khủng hoảng “dã chiến” gần đây được đặt tại biệt thự Dương Tử Kinh hẻo lánh, một tài sản thuộc sở hữu của Văn phòng Liên lạc Hồng Kông và được đặt theo tên của một loại phong lan trang trí cờ và tiền tệ của Hồng Kông.
Ngôi biệt thự, nằm ngay bên kia ranh giới Hồng Kông với đại lục, từng là một trung tâm khủng hoảng trước đây: Các quan chức cao cấp của Trung Quốc đã ở lại khu nghỉ mát này trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ “Chiếm Trung Hoàn” gây chấn động Hồng Kông hồi năm 2014.
Một doanh nhân người Thâm Quyến có quan hệ mật thiết với các quan chức Trung Quốc mô tả tổ hợp biệt thự này là một “ trung tâm chỉ huy tiền tuyến” mà chính quyền đang sử dụng làm căn cứ để điều phối và giám sát tình hình Hồng Kông trong một môi trường an toàn. Khu phức hợp “chật ních người”, doanh nhân này nói.
Khung cảnh ven hồ của biệt thự, trong một khu vực nhiều cây cối, giúp các quan chức Bắc Kinh và Hồng Kông tránh xa sự để ý của truyền thông Hồng Kông và tình trạng hỗn loạn trên những đường phố bị tắc nghẽn bởi người biểu tình.
Các ứng cử viên ủng hộ dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp di vào bên trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hồng Kông hôm 25-11. Ảnh: REUTERS
Sau sự kiện 1 triệu người xuống đường vào ngày 9-6, nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc phụ trách các vấn đề Hồng Kông đã hành động. Vị quan chức đó, Phó Thủ tướng Hàn Chính, đã cho phép bà Lam liên lạc trực tiếp với văn phòng của ông thay vì thông qua Văn phòng Liên lạc và thiết lập một đường dây nóng một cách hiệu quả.
Sau đó, các quan chức cấp thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, Bộ An ninh Nhà nước, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc và các bộ khác đều đã đến biệt thự này, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đánh giá tình hình nghiêm trọng đến mức nào.
Hai nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc giám sát Hồng Kông đã sử dụng biệt thự Dương Tử Kinh để liên lạc chặt chẽ hơn với các nhà lãnh đạo Hồng Kông, trong khi vẫn ở phía sau hậu trường.
Một là ông Trương Hiểu Minh, người đứng đầu Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau, thuộc cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước. Ông có mặt thường xuyên tại biệt thự trong cuộc khủng hoảng, theo hai nguồn tin gặp ông ở đó.
Vị kia là Phó Thủ tướng Hàn Chính. Một ngày sau khi những người biểu tình ở Hồng Kông ngăn chặn lối vào cơ quan lập pháp của thành phố vào ngày 12-6, ông Hàn đã đến ngôi biệt thự và triệu tập bà Lam đến họp.
Biệt thự Dương Tử Kinh từ lâu đã là tiền đồn cho các liên lạc của Trung Quốc đại lục với đặc khu bán tự trị Hồng Kông.
Ngoài vai trò là trung tâm xử lý khủng hoảng trong các cuộc biểu tình năm 2014, biệt thự còn được sử dụng làm địa điểm trọng yếu để các quan chức Trung Quốc gặp gỡ các nhân vật Hồng Kông, với các cơ sở lưu trú và không gian rộng rãi cho các hội nghị và sự kiện.
Hoài Vy (Theo Reuters)
Theo nld.com.vn
Trung Quốc lên án các hành vi bạo lực tại Hong Kong
Theo Tân Hoa Xã, Văn phòng Liên lạc của Chính phủ Nhân dân Trung ương Trung Quốc tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 15/11 đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình của công dân vô tội đã chết vì bị thương nặng sau khi bị các phần tử bạo loạn tấn công, đồng thời lên án mạnh mẽ hành động tấn công của các đối tượng cực đoan.
Xe buýt không thể di chuyển trên phố sau khi bị người biểu tình chọc thủng lốp tại Hong Kong (Trung Quốc) ngày 12/11/2019. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trước đó, chiều 13/11, bên ngoài Landmark North, một nhóm đối tượng mặc áo đen đã tấn công và hành hung các nhân viên vệ sinh đường phố thuộc Cơ quan Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm Hong Kong. Một nhân viên 70 tuổi đã trọng thương sau khi bị đánh vào đầu bằng vật cứng. Ông được đưa tới bệnh viện cấp cứu ngay sau đó, nhưng không thể qua khỏi.
Theo người đứng đầu Văn phòng Liên lạc Trung ương Trung Quốc tại Hong Kong, hành động của nhóm người trên rất dã man và không thể dung thứ. Văn phòng Liên lạc Trung ương Trung Quốc tại Hong Kong ủng hộ chính quyền và cảnh sát Hong Kong trong việc trừng trị nghiêm khắc thủ phạm theo pháp luật.
Quan chức này nhấn mạnh tình trạng bạo lực đang leo thang gần đây ở Hong Kong, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và an toàn tài sản của người dân ở Hong Kong, khiến mọi người cảm thấy bất an. Quan chức này lưu ý rằng ngày càng có nhiều cư dân đứng ra dọn dẹp các chướng ngại vật, bảo vệ người già và trẻ em đang băng qua đường, cũng như khuyến khích các sĩ quan cảnh sát tuần tra..., điều này phản ánh mong muốn của người dân Hong Kong chấm dứt nỗi sợ hãi và khôi phục hòa bình. Làn sóng biểu tình tại Hong Kong cũng đã khiến nền kinh tế của khu hành chính đặc biệt này trong quý III vừa qua lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong một thập kỷ trở lại đây.
Liên quan những bất ổn tại Hong Kong, chính phủ Hàn Quốc ngày 15/11 đã nâng mức cảnh báo đi lại đối với khu hành chính đặc biệt này lên một mức từ "thận trọng" thành "hạn chế". Thận trọng là mức cảnh báo đi lại thấp nhất trong 4 cấp độ của Hàn Quốc. Trong một diễn biến liên quan, các sinh viên đại học Australia đang tham dự các chương trình học tập trao đổi tại Hong Kong đã được khuyến cáo trở về nước ngay lập tức, trong bối cảnh các cuộc biểu tình đã lan tới các cơ sở đại học.
Theo Thanh Phương (TTXVN)
Ủy ban Mỹ: Cần hủy vị thế đặc biệt của Hong Kong nếu TQ đưa quân vào Washington cần đình chỉ vị thế kinh tế đặc biệt của Hong Kong nếu Bắc Kinh triển khai lực lượng vũ trang đến thành phố, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cảnh báo. Trong báo cáo thường niên công bố hôm 14/11, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung thuộc quốc hội...