Đêm Truông Bồn không còn tiếng bom rơi…
Những bàn tay chai sạn vì cầm cuốc san lấp hố bom thông đường cho xe ra tiền tuyến nay vỗ theo nhịp những khúc quân hành. Những gương mặt khắc khổ, già nua như sáng bừng lên theo từng câu hát của những cô gái mở đường gần nửa thế kỷ trước.
Chương trình nghệ thuật tái hiện cuộc chiến đấu bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch chi viện vào chiến trường miền Nam của lực lượng TNXP ở Truông Bồn.
Chuyến xe chở đoàn phóng viên các cơ quan báo chí xuất phát từ Vinh lên Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) lúc xẩm tối. Phía đằng Tây trời bỗng xám xịt, báo hiệu cơn mưa lớn đang ập xuống. Ai đó lo lắng chương trình nghệ thuật khánh thành khu di tích Truông Bồn sẽ bị ảnh hưởng. “Không mưa đâu, các O, các Chú ở Truông Bồn thiêng lắm. Có lần tôi lên đó, vùng xung quanh mưa hết mà Truông Bồn không một giọt mưa”, một nhà báo lão thành nói.
Trận mưa lúc chiều dường như chỉ khiến cây lá xanh tươi hơn. Đêm, Truông Bồn không một gợn mây. Cả quần thể khu di tích rộng gần 22ha chật kín người. Trong hàng vạn người đến đây với lòng thành kính tri ân, có những người TNXP năm xưa. Sự khắc khổ, vất vả của cuộc sống lam lũ hằn lên từng khuôn mặt. Họ ngồi đó, với bộ quần áo thanh niên xung phong, với chiếc mũ tai bèo, lặng thinh theo dõi những đoạn phim tư liệu tái hiện sự khốc liệt trên con đường huyền thoại này.
Nhiều TNXP không nén được cảm xúc khi quá khứ bi tráng của lực lượng TNXP ở Truông Bồn được tái hiện trên sân khấu.
Bà Đặng Thị Nhung (SN 1952, quê xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An), thuộc tiểu đội 4, đại đội 317 TNXP Nghệ An – người trực tiếp tham gia san đường, bạt núi tại tuyến đường lửa này từ tháng 3 đến tháng 11/1968 nhớ lại: “Từ Truông Bồn đến cầu Om (xã Nhân Sơn, Đô Lương, Nghệ An) dài 5km không có ngày nào không hứng bom của giặc Mỹ. Mỗi ngày, máy bay rải bom 2, 3 thậm chí 4 đợt. Đường nát như tươm bởi hố bom chi chít. Bom dứt, anh chị em TNXP ào ra mặt đường, dùng cuốc, xẻng, quang gánh, lấy tay, lấy vai, lấy ý chí và lòng căm thù để thông tuyến, nối đường cho xe qua”.
Hiểm nguy, vất vả, thiếu thốn đủ bề dường như chỉ có thể tiếp thêm khí thế hừng hực và tinh thần “quyết tử” của những người TNXP. Tiếng hát đã cất lên sau mỗi đợt bom dứt, tiếng hát như dịu lại những đau thương, tàn khốc của chiến tranh. Những đôi mắt rực lửa căm hờn và ngùn ngụt quyết tâm ấy đêm nay lại lấp lánh niềm vui. Những bàn tay chai sạn vì cuốc xẻng, vì “vần” những tảng đá chắn ngang đường năm xưa đang vỗ nhịp theo lời bài hát. Họ hát say sưa, hát như thể đang sống lại những thời khắc lịch sử đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của gần nửa thế kỷ trước.
Cựu TNXP Hoàng Thị Đào: “Chúng tôi hi vọng là tiểu đội 2 bị bom vùi thôi, không ngờ 13 người không trở về”.
Cựu TNXP Hoàng Thị Đào (tiểu đội 4, Đại đội 317 TNXP Nghệ An) bồi hồi nhớ lại: Ngày 30/10, chúng tôi nhận được thông tin, Mỹ thực hiện ngừng ném bom ở miền Bắc, ai cũng vui mừng. Chúng tôi đã nghĩ đến cảnh sẽ được về sum vầy bên gia đình sau những ngày bám cầu, bám đường làm tròn nhiệm vụ đảm bảo giao thông chi viện cho chiến trường. Thế nhưng rạng sáng ngày 31/10/1968, còi báo động vang lên, tất cả chúng tôi lại ào ra mặt đường.
Video đang HOT
Từng loạt bom rung chuyển cả núi rừng, chúng tôi chỉ kịp nhảy xuống những chiếc hầm cạnh đường. Bom dứt, tôi phát hiện mình bị thương. Tiếng la hét: “Bom vùi rồi, cả tiểu đội 2 bị bom vùi rồi…”. Tim chúng tôi như thắt lại, nỗi sợ hãi ập đến. 14 con người sẽ bị chôn sống! Mọi người điên cuồng đào bới hi vọng sẽ cứu sống được đồng đội trước khi bị ngạt. Chúng tôi bị thương và được một tổ khác đưa về trạm quân y.
Cựu TNXP Đặng Thị Nhung: “Mỗi ngày giặc Mỹ trút xuống Truông Bồn không biết bao nhiêu là bom đạn”.
Khi hay tin 13 người họ hi sinh ngay trong loạt bom cuối cùng trước khi ngừng bắn, chỉ 6 người tìm thấy thi thể… Đau đớn quá! Chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc. Chúng còn trẻ quá, mới hôm kia còn bảo hết bom rồi em về với mẹ, đứa thì bảo đi học, con Tâm với anh Hòa chuẩn bị về quê để hai gia đình tổ chức đám cưới… mà giờ nằm lại đây cả rồi”, bà Đào nghẹn lại, ký ức đau thương của gần nửa thế kỷ trước ùa về.
Trên sân khấu, hoạt cảnh đêm cuối ở Truông Bồn cũng được tái hiện, người cựu TNXP mặt như đanh lại bởi tiếng bom rít xé toạc bầu trời…
“Ngày 5/11/1968 chúng tôi có mặt tại Truông Bồn để nối lại huyết mạch giao thông chi viện vào Nam thì mùi bom đạn vẫn còn khét lẹt”, cựu TNXP Nguyễn Đình Lực nhớ lại.
Ngày 5/11/1968, ông Nguyễn Đình Lục (SN 1950, quê Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) cùng đại đội 324 TNXP Nghệ An được điều từ Tân Kỳ về Truông Bồn để nối lại tuyến đường giao thông huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. “Khi chúng tôi có mặt, mùi thuốc súng vẫn khét lẹt, cây cối, đất đá ngổn ngang. Lúc này, 13 TNXP của tiểu đội 2, Đại đội 317 đã được an táng. Không chỉ 13 TNXP của tiểu đội 2 mà tất cả lớp TNXP chúng tôi ngày ấy đều không sợ hi sinh, không sợ đau thương nhưng trước cái chết khốc liệt của đồng đội tất cả đều quặn lên nỗi đau không thể nói thành lời.
Biến đau thương, hờn căm thành hành động, chúng tôi ra sức bạt núi, san lấp hố bom để thông đường sớm nhất có thể. Từng đoàn xe rầm rập ra chiến trường, tin chiến thắng dội về từ nơi nơi. Những đồng đội tôi vẫn nằm bên đường, dõi theo đoàn quân ra trận trên chính con đường đã được đắp bằng xương, bằng thịt, bằng ý chí và lòng căm thù giặc của lớp lớp TNXP”, ông Lục tâm sự trong tiếng trầm hùng của những bản hùng ca.
Những người làm nên huyền thoại về đảm bảo tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường Miền Nam qua tỉnh Nghệ An.
Những tượng đài thanh niên xung phong sừng sững được dựng lên ở nơi đã từng là túi bom, là tuyến lửa của con đường huyết mạch chi viện vào Nam. Đêm huyền diệu của lòng tri ân, Truông Bồn lung linh hơn bao giờ hết. “Xúc động lắm, tự hào lắm, không nói hết được… Đảng, Nhà nước đã nhìn nhận đúng vai trò lịch sử, sự hi sinh cũng như công sức của lực lượng TNXP chúng tôi!”, cựu TNXP Hoàng Thị Đào rưng rưng.
Đêm Truông Bồn không có tiếng bom rơi mà chỉ có tiếng lòng thành kính, tiếng lòng tri ân, của những bản hùng ca bất tận ngợi ca những con người đã làm nên huyền thoại Truông Bồn.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Mẹ vẫn đợi anh về
Mẹ ngồi bất động, ngó trân trân ra cửa rồi như sực tỉnh, cất giọng yếu ớt "Kêu anh bây về ăn cơm. Đi mô mà đi lâu rứa". Con mẹ đi đã hơn nửa thế kỷ rồi. Anh đang nằm đâu đó trên dải đất hình chữ S thân thương mà chưa về với mẹ.
Bao nhiêu năm chờ đợi, để rồi mẹ tìm được con trong hình hài này (ảnh gia đình cung cấp).
92 tuổi, mẹ VNAH Lê Thị Xân (trú phường Hà Huy Tập, Tp Vinh, Nghệ An) không còn giữ được minh mẫn như trước. Mọi việc nhớ nhớ quên quên, nhất là khi người chồng ra đi sau 13 năm tai biến phải nằm một chỗ. Mẹ ở với người con trai út, thỉnh thoảng, những người con khác lại đón mẹ về chơi, chăm sóc. Ký ức chắp nối, rời rạc nhưng nhắc đến 3 người con trai tòng quân diệt Mỹ, mẹ vẫn rưng rưng nước mắt nhớ thương.
Mẹ sinh 7 người con, 5 trai, 2 gái. Năm 1964, chỉ ít ngày sau khi Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, người con trai cả Đặng Thọ Pháp (SN 1943) khi đó đang là giáo viên dạy Nga Văn ở trường cấp 2 khoác ba lô lên đường. 1 năm sau, người con trai thứ 2 Đặng Thọ Lộc (SN 1946) nối tiếp bước anh. Năm 1967, người con trai thứ 3 Đặng Thọ Trung (SN 1949) cũng xung phong lên đường đánh Mỹ.
1 năm sau, mẹ nhận được giấy báo từ của anh Pháp. Nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì người con thứ 2 mãi mãi nằm lại ở chiến trường Quảng Trị. Mẹ khóc hết nước mắt vì thương con nhưng vẫn cố gắng rắn rỏi để động viên người con trai thứ 3 hoàn thành nhiệm vụ. Đất nước hòa bình, mẹ cứ nghĩ anh sẽ về nhưng ngờ đâu biên giới Tây Nam dậy sóng. Anh nằm xuống ở mảnh đất gần tận cùng của đất nước.
Mẹ Thi đang kể chuyện về hai người con liệt sỹ cho PV
Thương con, mẹ quyết tìm để đưa về sum họp với gia đình. Sau nhiều năm lặn lội, mẹ tìm thấy anh Lộc ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), anh Trung yên nghỉ ở núi Bà Đen (Tây Ninh) nhưng anh Thọ nằm đâu mẹ chưa tìm thấy. Giờ phút lâm chung, chồng mẹ nắm lấy bàn tay nhăn nheo của vợ, của những đứa con mà trăn trối "cố tìm thằng Pháp...". Ông đi, mang theo cả nỗi đau canh cánh trong lòng về người con trai cả ra đi vì nghĩa lớn.
Ròng rã nhiều năm, có sức là mẹ cứ đi, hết nghĩa trang này đến cánh rừng khác mà con mẹ vẫn không thấy đâu. Mẹ không còn nước mắt để khóc. Giờ mẹ cũng chẳng còn sức để đi, đành giao phó lại cho con, cháu. Mấy chục năm nhà có "kỵ", mẹ cũng không thể đưa anh Lộc, anh Trung về nhà. "Ừ, thôi, hắn ở trong đó, có anh, có em, có đồng đội...", mẹ bảo thế. Nhưng rồi, có khi mẹ lại nhìn trân trân ra cửa rồi cất giọng yếu ớt, bảo "thằng Hùng đi kêu anh bây về ăn cơm. Ờ, quân nớ đi mô mà mãi chưa về". Mẹ mang xấp ảnh cũ ra xem, bàn tay nhăn nheo lần trên từng bức ảnh đã nhòe mờ để tìm các con....
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, mẹ vẫn đợi con về
Rời nhà mẹ Xân, chúng tôi đến thăm mẹ VNAH Phạm Thị Thi. Mẹ quê Nam Định, về làm dâu xứ Nghệ. Chồng mẹ là tự vệ thành phố Vinh, liên miên ở ngoài trận địa. Mẹ một tay quán xuyến nuôi 8 đứa con. Năm 1968, ông hi sinh, mẹ tưởng mình không còn đứng vững nhưng rồi tự mình đứng dậy, nuôi con thay chồng. 1 năm sau cái chết của chồng, mẹ tiễn người con trai Hồ Văn Lập lên đường ra trận. Năm ấy, anh vừa tròn 18 tuổi.
"Thằng Lập nhỏ con nhưng nhanh nhẹn lắm. Đi bộ đội, đơn vị phát lương hắn dành hết gửi về cho mẹ nuôi các em. Năm 1972 mẹ nhận được giấy báo tử. Hắn hi sinh ở ngã ba Dầu Giây, xa lắm phải không con? Mẹ già rồi, mẹ muốn vào đó đưa hắn về mà cái chân không đi được", mẹ đưa bàn tay xương xẩu, run run lên khuôn mặt đã chằng chịt vết hằn của thời gian, của khổ đau, của vất vả đời người.
Hãy yên lòng mẹ ơi, các con của mẹ dẫu chưa về nhưng luôn ấm lòng bởi tình cảm tri ân của bao thế hệ.
Năm 1972, con trai thứ hai của mẹ là anh Hồ Văn Xuân (SN 1953) lên đường nhập ngũ đền nợ nước, trả thù nhà. 1 năm sau, anh nằm xuống trong một trận chiến ở Hòn Đất (Kiên Giang). Sau nhiều năm, mẹ đã tìm được nơi anh nghỉ. "Có bữa mẹ nằm mơ, thấy thằng Lập bảo "mẹ đừng đưa con về, để con ở đây với anh em. Tên thằng Lập cũng được khắc trên nhà bia tưởng niệm ở Bà Rịa Vũng Tàu", đôi mắt mẹ như phủ một lớp khói sương.
Tháng Bảy về, các con cháu, các thế hệ quân nhân lại quây quần bên mẹ, sớt chia cùng mẹ nỗi đau đã ngót nửa thế kỷ. Mẹ cười móm mém, hiền từ dẫu các con của mẹ vẫn đang nằm lại ở phương xa. Mẹ bảo, phải gắng sống, để đợi con về....
Hoàng Lam
Theo Dantri
Khánh thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn Tối 7.8, T.Ư Đoàn, Bộ GTVT và UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn tại xã Mỹ Sơn (H.Đô Lương, Nghệ An) và đêm nghệ thuật tri ân "Khúc tráng ca Truông Bồn". Ảnh: Phạm Đức Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng...