Đêm cuối năm ở chợ đầu mối nông sản
Tết đã cận kề! Những người xa quê có lẽ ai cũng khát khao đoàn tụ gia đình, sum vầy với những người thân yêu nhất. Ước mơ tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại khá xa đối với những người nghèo khó, đi làm ăn xa… mỗi dịp Tết đến xuân về.
Những ngày giáp Tết, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Xe chở hàng ra vào chợ tấp nập, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người huyên náo, bánh xe kéo rít lên tiếng cút kít liên hồi. 23h, ở một góc cạnh sạp sầu riêng người phụ nữ tóc bạc trắng vẫn đang miệt mài với công việc. Bà tên là Mai Thị Bốn, một trong số gần 600 người làm nghề kéo xe thuê lấy đêm làm ngày ở chợ đầu mối này.
Tết này, bà Bốn bước vào tuổi 75. Quê gốc bà ở Quảng Nam. Bà rời quê từ tuổi còn thanh xuân vì chạy trốn cuộc hôn nhân do cha sắp đặt. Phận gái nơi xứ lạ, cuộc sống khó khăn, bà gặp được người đàn ông đồng cảnh rồi khăn gói sống với nhau. Ở với nhau được 3 mặt con thì chồng bà ngã bệnh rồi ra đi mãi mãi.
Từ một người phụ nữ chỉ biết ở nhà chăm con, lo cho gia đình. Chồng mất, bà phải lăn lộn làm ăn nuôi 3 đứa con thơ đang tuổi ăn tuổi lớn. Không nghề, không chữ bà Bốn tìm đến chợ cầu Ông Lãnh xin vào làm nghề bốc vác. Bà làm quần quật, khuân vác nặng chẳng thua gì cánh mày râu, ai cũng nể phục sự chịu thương, chịu khó của bà.
“Tôi làm chẳng để ý thời gian, đến khi chợ cầu Ông Lãnh giải toả giật mình nhớ lại mới hay mình đã gần 30 năm làm nghề…”, bà Bốn nhớ lại. Sau khi chợ đóng cửa, bà cùng một nhóm anh em bốc vác tìm về chợ đầu mối Thủ Đức đầu quân tiếp tục làm cái nghề bán mồ hôi, nước mắt.
“Ngày nào cũng vậy, cứ 22h là tui đón chuyến xe buýt cuối để đến chợ đầu mối Thủ Đức. Ra đây ngồi chờ ai có hàng người ta kêu thì tui kéo. Cứ một món người ta trả cho vài ba ngàn, đêm nào hàng nhiều kéo đến sáng cũng kiếm được 200.000 đồng” bà Bốn chia sẻ. Tính đến Tết năm nay, bà Bốn đã có 46 năm làm ở chợ đầu mối, trong đó 16 năm làm nghề kéo xe. Vì cuộc sống mưu sinh không thể dừng nên cũng ngần ấy năm bà chưa thể trở lại quê nhà đón Tết.
Cách chỗ bà Bốn nhận hàng không xa, bà Mai 64 tuổi, đang ngồi bệt dưới đất nghỉ chân sau chuyến hàng nặng hàng trăm ký. Đưa tay lau giọt mồ hôi, bà Mai tâm sự: “Ngày nào cô cũng đi kéo bất kể nắng mưa, đau bệnh. Phần thì nghỉ không có tiền, phần thì mình nghỉ bạn hàng kêu người khác mình sẽ mất việc. Nghề kéo xe là vất vả nhất nhưng làm riết cũng quen, giờ lớn tuổi rồi không làm nghề này thì biết làm gì bây giờ?”. Theo lời bà Mai, cả chợ chỉ có bà và bà Bốn là kỳ cựu nhất, còn lại có thâm niên tầm 15 năm trở lại.
Ông Cảnh, 55 tuổi, quê ở miền Tây có 5 năm trong nghề kéo xe thuê. Mới đầu có mình ông, giờ vợ ông cũng tham gia lột tỏi ở chợ. 3 người con thì 2 người đã lập gia đình, vợ chồng ông đi làm nuôi người con út đang học lớp 10 ở quê.
“Lớn tuổi nên xin làm công ty người ta không nhận, may có cái chỗ kéo xe thuê… vợ chồng tôi cố gắng kiếm đủ tiền lo cho đứa con út đi học. Cha mẹ, anh chị nó thất học đã khổ lắm rồi, giờ chỉ mong đủ sức kéo xe lo cho nó ăn học tới nơi tới chốn”, ông Cảnh bộc bạch.
Bãi đậu xe nhập hàng vào chợ nông sản Thủ Đức.
Video đang HOT
Tương tự là ông Hùng quê ở Bạc Liêu. 13 năm trước, ông Hùng rời quê lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm với hy vọng kiếm tiền để nuôi con ăn học. Kỳ vọng của ông phần nào đã được đền đáp khi đứa con trai duy nhất đậu vào đại học, ngành kiến trúc. Với ông Hùng, đó là niềm tự hào, là động lực giúp ông xua tan mệt mỏi “nhiều lúc mệt, nản lòng muốn quay về quê, nhưng nghĩ đến tương lai của con, tôi lại cố gắng. Đợi khi con ra trường, có việc làm ổn định tôi sẽ về quê vì đã hoàn thành tâm nguyện của mình rồi”.
Những ngày sắp Tết Nguyên đán, chợ đầu mối Bình Điền (gần Đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 8) cũng đông đúc như chợ nông sản Thủ Đức. Ở phía sau nhà lồng F (nơi bán thủy hải sản) là khu vực tập kết của 10 gian hàng bán nước đá, phục vụ cho hàng trăm gian hàng bán thủy, hải sản trong chợ. Những người kéo xe nước đá cứ luôn tay, luôn chân để cho kịp chuyến hàng.
Ông Nghĩa, dù đã 50 tuổi nhưng sức lực chẳng kém cạnh thanh niên, một mình ông có thể đẩy mỗi lần 4-5 cây đá, mỗi cây 50kg không một chút khó khăn. Hơn 5 năm trước, ông rời quê Cần Thơ theo chân những người đi trước tìm đến chợ đầu mối Bình Điền xin vào làm nghề kéo xe nước đá. Vợ chồng ông Nghĩa có hai người con, đứa lớn bị bệnh tật, đi đứng khó khăn, đứa nhỏ 25 tuổi rồi nhưng cũng chỉ đi làm thuê làm mướn.
Trước ở quê, ông chạy xe ôm, còn vợ bán tạp hóa ở nhà. Cuộc sống tuy vất vả nhưng cũng tạm ổn, hạnh phúc. Bất thình lình, vợ ông ra đi vì bị đột quỵ. Không bao lâu sau con trai cũng vướng vào vòng lao lý vì đánh nhau. Nợ nần chồng chất, gánh nặng cơm áo gạo tiền nên ông phải để con gái sống ở quê cùng bà nội, còn mình phải tha phương cầu thực.
“Mỗi ngày làm cũng kiếm được hơn 300.000 nhưng chẳng thấm vào đâu vì nhiều khoản tiền phải chi. Chắt chiu lắm thì lâu lâu dư được chút ít gửi về quê trả nợ. Khoảng thời gian nghỉ Tết sẽ ít người làm nên kiếm thu nhập cao hơn nên Tết nào tui cũng tranh thủ làm chứ không về quê như mọi người. Để làm vài năm nữa, trả hết nợ nần rồi tính sau…”, ông Nghĩa chia sẻ.
Trời dần sáng, âm thanh ồn ào của phiên chợ đêm giảm dần. Một đêm dài vất vả, những người kéo xe thuê nhâm nhi vội ly cà phê rồi trở lại nhà trọ nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng. Đằng sau những giọt mồ hôi không chỉ là kiếm sống mà đâu đó những ước mơ về một tương lai đẹp đang được ươm mầm ước mơ về một cái Tết ấm cúng sau này…
Ngân Phương
Theo cand.com.vn
Minh "cô đơn"
Khoát mạnh tay, Minh "cô đơn" gằn giọng nói: "Không gia đình, người thân, không giấy tờ tùy thân, không nhớ tên, không biết tuổi... Cái mạng tôi coi như chả có gì để mất! Thương là thương mấy cháu sinh viên.
Nếu làm tụi nó mất mát, đau khổ thì cha mẹ tụi nó còn đau khổ, mất mát hơn nhiều!". Chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi, hơn chục năm qua, Minh "cô đơn" đã trở thành chỗ dựa của sinh viên và người đi đường qua lại khu Đại học Quốc gia TPHCM mỗi khi có yêu cầu hỗ trợ.
Góc phố tình thương
Dáng người thấp đậm, nước da ngâm đen, bước đi nhanh nhẹn, chiếc nón sùm sụp trên đầu, đôi mắt sắc lẹm, nói năng bổ bã..., Minh "cô đơn" đậm nét là dân "anh chị". Ấy vậy, hơn chục năm qua, không ít người đi đường hay sinh viên Trường Đại học Quốc gia TPHCM lại rất gần gũi với chú Minh "cô đơn".
Bởi lẽ, dù bất kể đêm khuya, giữa trưa nắng chang chang hay lúc mưa gió... khi xe bị bể bánh, hết xăng, hư hỏng hay sinh viên nữ bị kẻ biến thái quấy phá, cặp tình nhân bị cướp trấn lột... thì chỉ cần a lô là chú Minh "cô đơn" xuất hiện.
Chú Minh không chỉ cho xăng, mà còn vá xe miễn phí. Nếu phải hư vỏ ruột xe... thì giá thay cũng rẻ bèo. Gặp người không có tiền, chú Minh tặng luôn. Xe hư máy không thể khắc phục tại chỗ thì chú Minh đẩy xe về đến tận nhà.
Chỉ tay về phía tấm bảng "Bơm vá xe miễn phí" dựng sát lề đường, Minh "cô đơn" cho biết: "Tôi không biết chữ nên phải nhờ mấy đứa sinh viên ghi giùm cùng số điện thoại liên lạc lên tấm bảng và cái thùng xe này. Miễn phí là không lấy tiền và tôi từ chối bất kỳ khoản tiền nào của người đi đường cũng như các cháu sinh viên".
Chú Minh "cô đơn" chuẩn bị đồ nghề để thực hiện tâm nguyện của mình
Các tuyến đường trong khu Đại học Quốc gia TPHCM dù đã nhiều lần đổi tên, nhưng đối với người đi đường và sinh viên thì cái góc đường có tên gọi ngã tư Quốc Phòng (vì gần Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh) hay ngã tư Hồ Đá (vì giáp ranh với hồ đá)... gần ký túc xá khu B, vị trí mà chú Minh "cô đơn" chọn làm nơi thực hiện tâm nguyện của mình được gọi là "Góc phố tình thương". Bởi lẽ, đó là nơi mà sáng sáng, chiều chiều... các bạn sinh viên trẻ tìm đến tụ tập rất đông để nhờ chú Minh vá xe hay bơm căng bánh.
Em Lê Quốc Thông, quê ở tỉnh Đồng Tháp, sinh viên năm 2, Đại học Công nghệ thông tin, cho biết: "Ngoài việc vá xe miễn phí, chú Minh "cô đơn" còn chạy xe ôm. Tụi em cần đi đâu đều a lô cho chú Minh. Đường dù dài hay ngắn, chú Minh đều không nói giá, người đi đưa bao nhiêu cũng được. Có lần ba má chưa kịp gửi tiền lên, em xin thiếu, chú Minh cười cười không chịu cho thiếu, mà... cho luôn".
Khắc tinh của tội phạm
Vợ chồng ông Ngô Thanh Minh cho biết: "Nhà tôi ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Con gái là sinh viên năm nhất của Đại học Bách khoa. Hôm trước đang tìm đường đến trường, dù đang vá xe, chú Minh vẫn tận tình hướng dẫn cho tôi đến ban điều hành ký túc xá để đóng tiền và nhận phòng cho cháu. Đường chú chỉ đi tắt, rất gần". Nhiều năm nay, ngã tư Quốc Phòng đã trở thành nơi ăn ở, sinh hoạt của Minh "cô đơn".
Ông Nguyễn Văn Nhân, đội viên Đội cơ động, Phòng Quản lý an ninh trật tự, Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị - Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: "Ngoài việc bơm vá xe miễn phí, chú Minh còn tích cực tham gia bắt cướp. Ngồi suốt ngày ngoài đường, chú Minh có điều kiện theo dõi các đối tượng khả nghi để kịp thời thông báo cho chúng tôi tổ chức ngăn chặn, bắt giữ. Chú cũng nhiều lần bắt quả tang bọn cướp trấn lột sinh viên.
Cách đây mấy ngày, ở khu vực Hồ Đá, chú Minh đã trấn áp được bọn cướp tài sản của các đôi tình nhân. Chú Minh bồi hồi kể lại: "Khoảng 23 giờ, đang chập chờn ngủ thì điện thoại reo vang. Anh bạn thân cho biết có 4 đối tượng đi trên 2 xe gắn máy chạy rảo quanh khu vực Hồ Đá rất khả nghi. Tôi liền phóng xe đến hiện trường và bí mật theo dõi bọn chúng. Trời quá khuya, nhưng bên kia đường vẫn còn mấy cặp nam nữ thanh niên đang chuyện trò. Quan sát thấy hai thằng ngồi sau xuống xe đi bộ vào khu vực đó.
Tôi thấy rõ bọn chúng xịt cái gì đó vào mặt cô gái. Tôi tức tốc chạy tới, vừa chạy vừa kêu to: "Cướp! Cướp!" để đánh động. Bọn cướp bỏ chạy. Tôi lao vào đẩy ngã một thằng, nhưng nó liền vùng dậy bỏ chạy. Còn cô gái (nhà ở quận 9) không nói được, cứng họng do bị xịt hơi cay. Chiếc túi xách bị đứt một bên quai, vẫn còn trên vai. Nam thanh niên là sinh viên Trường Đại học Công nghệ, sợ hãi, mặt mày tái xanh. Tôi trấn an và khuyên mấy đứa không nên hẹn hò ở nơi vắng vẻ, tối tăm này".
Đó chỉ là một trong những vụ mà chú Minh "cô đơn" đã tham gia bắt quả tang. Trực tiếp đối đầu với bọn cướp thì nhiều, không nhớ hết. Vén cái quần jean lên cho chúng tôi xem vết sẹo dài ở ống chân, vết hằn sâu ở cánh tay phải, chú Minh "cô đơn" cho biết đó là hậu quả của những "trận" khốc liệt nhất. Đó là chưa kể hàng chục vết chém ở trước ngực, sau lưng. Đưa tay khoát mạnh, Minh "cô đơn" gằn giọng từng tiếng: "Bắt cướp là chấp nhận thương tích, chấp nhận trả thù, nhưng tôi không sợ".
Gần bùn nhưng chẳng hôi tanh
Sau vài trận mưa, con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn vào căn chòi của chú Minh "cô đơn" sình lầy trơn trợt khiến chúng tôi mấy lần suýt ngã. Nơi ở đơn sơ chỉ là tấm bạt giăng giữa rừng cây ẩm ướt. Bếp lò là 3 cục gạch kê nghiêng. Mấy cái thùng xốp đựng nước mưa để tắm giặt. Chiếc màn vàng úa bao phủ lên chiếc giường ọp ẹp.
Trên chiếc cột móc màn, chú Minh treo xấp lớp mấy cái bằng khen, giấy khen. Nhấc chiếc ghế nhựa mời tôi ngồi, chú Minh cho biết: "Bây giờ như vậy là khang trang rồi. Ngày trước tôi treo cái bạt rồi móc võng nằm giữa 2 cây to này. Mấy anh quen ở Đồng Nai vào đây thấy tôi ăn ở cực khổ quá nên cho cái lều và cái giường để làm nơi ngủ nghỉ".
"Tính đến nay, anh đã về đây bao nhiêu năm rồi", chúng tôi hỏi. Rít một hơi thuốc lá thật sâu, anh Minh nói: "Mới chập chững biết đi, tôi đã lạc gia đình. Cuộc sống đẩy đưa, tôi sinh sống qua ngày nhờ lòng thương của khách tứ phương qua lại bến phà Mỹ Thuận. Năm 6 tuổi, một phụ nữ nhận tôi làm con nuôi và đưa về Long An. Nhưng không chịu nổi sự ức hiếp của con trai bà má nuôi, tôi bỏ nhà ra đi và trôi giạt về khu vườn chuối ở trường bắn Thủ Đức. Tôi sinh sống qua ngày bằng nghề lượm bao thuốc lá. Sau này, về khu vực đại học quốc gia, tôi đi lượm bao ni lông và làm đủ thứ việc, ai mướn gì làm đó. Bây giờ, tôi sống bằng nghề chạy xe ôm, rảnh rỗi thì bơm vá xe miễn phí".
Ông Nguyễn Thành Liêm, nhà ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Tôi là thành viên của nhóm Kết nối yêu thương Cánh đồng vàng Biên Hòa - Đồng Nai. Tôi quen với chú Minh "cô đơn" như một cái duyên. Tôi thường đi câu cá ban đêm ở khu vực Hồ Đá. Một đêm trời mưa rất to, xe bị bể bánh, tôi liền gọi chú Minh. Thực lòng là chỉ gọi cầu may, vì đêm hôm tăm tối, mưa gió mịt mù thì dễ gì chú Minh tìm ra. Ấy vậy mà chú Minh vẫn tìm được và giúp tôi. Sau lần đó, tôi tìm hiểu và vận động anh em hỗ trợ cho chú Minh chiếc xe gắn máy, cái máy bơm và dựng bạt cho chú có chỗ ở".
Chiếc xe Wave cho chú Minh vẫn còn mang tên chủ cũ. Đưa ánh mắt nhìn về phía căn bạt của mình, chú Minh cười rất hiền, nói: "Sinh ra trên cõi đời này, ai cũng có một cái tên, có giấy tờ tùy thân đầy đủ để trình khi hữu sự. Mấy lần bị thương tích vào bệnh viện, vì không có giấy tờ, tôi không được nhập viện để chữa trị. Cái tên Nguyễn Văn Minh là do mấy chú Công an quận Thủ Đức đã đặt cho để làm hồ sơ khen thưởng truy bắt tội phạm. Sau này, thấy tôi một mình làm việc thiện, đi bắt cướp nên mọi người đặt biệt danh là Minh "cô đơn".
ĐOÀN HIỆP
Theo sggp.org.vn
Về qua dòng kinh cũ Chúng tôi vẫn ấm êm qua ngày giông bão, trong lành qua ngày nắng nôi. Dòng kinh Ô Môi cưu mang má con tôi, con nước vỗ vào lòng tôi những niềm thương cảm... Lâu rồi, hơn mấy chục năm, má con tôi mới có dịp trở lại con kinh Ô Môi. Dòng kinh đã chứng kiến những thay đổi cuộc đời, thân...