Đêm 31/10: Trung Bộ còn mưa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất
Người dân tại các tỉnh miền Trung cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục…
Sạt lở trên tuyến Quốc lộ 46, đoạn qua huyện Thanh Chương ( Nghệ An). (Nguồn: TTXVN phát)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, đêm 31/10, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Đà Nẵng còn có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-20mm, có nơi trên 30mm; các tỉnh thành phố từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.
Từ ngày 1/11 mưa giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.
Từ 13-18 giờ ngày 31/10, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa và Tây Nguyên.
Nguy cơ ngập lụt sâu diện rộng vùng trũng thấp, khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất…
Video đang HOT
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền để đảm bảo an toàn tính mạng.
Dự báo chi tiết các khu vực ngày và đêm 31/10: Phía Tây Bắc Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió nhẹ. Sáng sớm và đêm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi trên 28 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C, vùng núi có nơi dưới 19 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C.
Thủ đô Hà Nội có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây hửng nắng. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-28 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, phía Bắc đêm có mưa rải rác, ngày có mưa vài nơi; phía Nam đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, ngày có mưa, có nơi mưa vừa. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24 -27 độ C, có nơi trên 27 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, phía Bắc có đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, ngày có mưa, có nơi mưa vừa; phía Nam có mưa rào và dông vài nơi. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, phía Nam 30-32 độ C.
Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.
Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối có mưa rào và dông rải rác. Gió Đông nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.
Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9
Những ngày vừa qua, các tỉnh Miền Trung đã và đang khẩn trương khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ do bão số 9 gây ra.
Khẩn trương cứu nạn sau bão
Sáng 30/10, Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: Đến 7 giờ ngày 29/10, đã tìm kiếm được tàu BĐ 98658 TS (14 lao động), hiện tàu và 11 lao động đã được tàu KN 467 kéo về Cam Ranh; 3 lao động còn lại lên tàu KN 473 tiếp tục phối hợp tìm kiếm các nạn nhân mất tích trên 2 tàu BĐ 96388 TS (12 lao động) và BĐ 97469 TS (14 lao động).
Hiện trường vụ sạt lở ở Tà Leng.
Trên đất liền, đến 18 giờ ngày 29/10 đã tìm thấy 17 thi thể khu vực sạt lở tỉnh Quảng Nam, gồm 8/8 ở Trà Vân (Nam Trà My, 6/12 ở Trà Leng (Nam Trà My), 3/11 ở Phước Lộc (Phước Sơn); cứu hộ 38 công nhân mắc kẹt tại công trường đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi và đưa vào bờ an toàn.
Tại TP Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Phú Yên, Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch.
Tại các tỉnh bị ngập lụt nặng trước bão số 9 gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đến nay đã tiếp tục dự trữ đợt 2 đối với hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác để sẵn sàng cho đợt mưa lũ tới.
Theo thống kê nhanh của các địa phương, tính đến 22h00 ngày 29/10, bão số 9 và mưa lũ đã làm 20 người chết, 42 người mất tích và 80 người bị thương.
Bão số 9 cũng đã làm sập 283 nhà ở; 91.951 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; 2.415 nhà bị ngập; hàng trăm cơ sở giáo dục và trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng. Nhiều tuyến giao thông cũng bị hư hỏng, sạt lở.
Hiện tại, công tác khắc phục hậu quả bão số 9 và mưa lũ sao bão đang được khẩn trương thực hiện. Thủ Tướng Chính phủ có Công điện số 1503/CĐ-TTg, ngày 29/10 về việc khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Để hỗ trợ các địa phương, Ban Chỉ đạo tiền phương đã tổ chức 2 đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 9: Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo TWPCTT làm trưởng đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại tỉnh Quảng Nam; đoàn do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng Ban Thường trực làm trưởng đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại tỉnh Quảng Ngãi. Bộ Quốc phòng đã huy động 6.260 cán bộ, chiến sỹ và 20 phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn và giúp nhân dân khắc phục hậu quả.
Hiện các địa phương đã chỉ đạo lực lượng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, giúp dân sửa chữa nhà cửa, khôi phục giao thông, lưới điện, kiểm tra vận hành đảm bảo an toàn hồ chứa; rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; thống kê, đánh giá thiệt hại.
Tiếp tục có mưa lớn ở nhiều nơi
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ 19 giờ ngày 29/10 đến 5 giờ ngày 30/10, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-10mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Thanh Thủy (Nghệ An) 321mm, Yên Thượng (Nghệ An) 305mm, Thanh Hương (Nghệ An) 305mm.
Một số khu vực ở Nghệ An đã bị ngập cục bộ.
Dự báo từ ngày 30/10 đến ngày 31/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 300mm; các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.
Hiện tại, lũ trên trên sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên, mực nước lúc 01h0, ngày 30/10 trên sông Ngàn Phô tại Sơn Diệm là 12,28m, dưới BĐ3 0,72m; Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,75m, dưới BĐ3 0,25m.
Bên cạnh việc huy động lực lượng giúp đỡ dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, phục hồi sản xuất, khôi phục hệ thống điện bị hư hỏng, hệ thống giao thông bị sạt lở nhất là trên các quốc lộ, tỉnh lộ và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng khác, các tỉnh miền Trung đang bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là nhưng nơi bị sạt lở, qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập, nước chảy xiết. Kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là những hồ xung yếu, hồ đã tích đầy nước.
Bên cạnh đó, rà soát, chủ động di dời dân đang sinh sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng ven sông, hạ du hồ chứa đến nơi an toàn.
Quảng Bình sẵn sàng ứng phó sạt lở núi Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương, đơn vị sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ và nguy cơ sạt lở trên địa bàn. Đối với khu vực miền núi, trung du, các đơn vị, địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các địa điểm, khu vực dân cư...