Đề xuất xem xét cơ chế trả lương cho lãnh đạo DNNN theo cơ chế thị trường
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về cải cách DNNN sáng nay (21/11), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng Chính phủ nên xem xét cơ chế tuyển chọn và trả lương lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước theo thị trường và theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đề xuất xem xét cơ chế trả lương cho lãnh đạo DNNN theo cơ chế thị trường
“Chúng ta cần từng bước hình thành thị trường lao động chuyên nghiệp trong khu vực kinh tế nhà nước, xứng tầm khu vực, quốc tế; để đảm bảo doanh nghiệp nhà nước được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại nhất, công khai, minh bạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nâng cao năng lực quản trị là “hết sức cấp bách, không chỉ trong nội tại doanh nghiệp mà các cơ quan đại diện chủ sở hữu, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần nâng cao năng lực quản trị”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tiếp nhận đủ 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, là bước đi dài tới mục tiêu tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, từ đó cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước.
“Ủy ban đã nắm được tình hình của các doanh nghiệp và thấy khả năng hoàn thành kế hoạch 2018 là khả thi. Một số doanh nghiệp vượt kế hoạch như SCIC doanh thu dự kiến vượt mức 25%, Lương thực miền Bắc, Vietnam Airlines dự kiến vượt lợi nhuận 37%….”, ông Nguyễn Hoàng Anh thông tin.
Để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Anh đề xuất cần tiếp cận vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả chung sau một thời gian/kỳ tài chính nhất định, thông lệ là 1 năm.
“Các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến động thị trường. Doanh nghiệp không thích ứng được với thị trường thì thay lãnh đạo”, ông nói.
Video đang HOT
Theo báo cáo về tái cơ cấu DNNN được công bố tại Hội nghị, về tổng thể, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong 3 năm qua đã đạt được một số kết quả khích lệ dù chưa thực sự hoàn tất toàn bộ mục tiêu đề ra.
Từ năm 2016 đến nay, chưa phát sinh các vụ việc kinh doanh thua lỗ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận tại doanh nghiệp nhà nước như giai đoạn trước.
Một số tập đoàn kinh tế đã ghi nhận hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam năm 2017 đạt 453,6 tỷ đồng (năm 2016 lỗ 207,1 tỷ đồng); PVN đạt 48.220 tỷ đồng (năm 2016 là 26.463 tỷ đồng), Viettel đạt 44.287 tỷ đồng (năm 2016 là 39.091 tỷ đồng)…
Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém trong ngành công thương đã có kết quả tích cực sau hơn một năm triển khai thực hiện. Trong số 6 nhà máy thua lỗ thì đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất – kinh doanh có lãi, 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và dần đi vào ổn định…
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước – một giải pháp căn bản cho đổi mới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước lại chưa đạt kế hoạch đã đề ra.
Trên thực tế, kết quả cổ phần hóa, thoái vốn đã tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Theo báo cáo gửi về Bộ Tài chính tính đến hết tháng 11/2018, mới có 35/526 doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp. Khi thực hiện bán cổ phần lần đầu, có một số doanh nghiệp tỷ lệ bán còn rất thấp so với phương án đã duyệt.
Về kế hoạch thoái vốn, đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn mà theo kế hoạch năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Một vấn đề đáng lưu ý khác khi đề cập đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, trên vốn nhà nước của khu vực này mới đạt tương ứng là 4,6% và 10% trong năm 2016. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước từng đạt 7% tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, 18% tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước.
Hoàng Lan
Theo vietnamfinance.vn
Bàn giao 'ông lớn' sở hữu hơn trăm nghìn tỷ về siêu ủy ban
Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao SCIC - "ông lớn" sở hữu hàng trăm nghìn tỷ vốn tại các doanh nghiệp Việt về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Sáng 12/11, Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
SCIC chính là doanh nghiệp nắm giữ hàng trăm nghìn tỷ vốn điều lệ tại các doanh nghiệp Việt hiện nay thay cho Bộ Tài chính.
Đơn cử tại Vinamilk VNM 0.0%, SCIC đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ tới 36,01% vốn doanh nghiệp, lượng cổ phần này hiện có giá thị trường lên tới gần 73.000 tỷ đồng và là khoản vốn nắm giữ lớn nhất của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, SCIC cũng đang sở hữu lượng vốn lớn tại Dược Hậu Giang (43,31%) có giá trị 4.800 tỷ; 57,71% vốn tại Vinaconex giá trị hơn 4.800 tỷ đồng đang được mang ra đấu giá hay 40,36% vốn tại Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam với giá thị trường vào khoảng 1.100 tỷ đồng...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, SCIC hiện có vốn điều lệ lên tới 22.000 tỷ đồng, đây là số vốn thực góp trong tổng số vốn 50.000 tỷ đồngmà SCIC được phê duyệt theo Nghị định của Chính phủ. Tổng tài sản doanh nghiệp đến cùng kỳ đạt hơn 41.700 tỷ đồng và đang quản lý trên 100.000 tỷ vốn tại các doanh nghiệp Việt.
Cùng với SCIC, 18 "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước khác sẽ được chuyển giao về Siêu ủy ban quản lý. Ước tính, tổng tài sản của các doanh nghiệp trong danh mục lên tới 1,55 triệu tỷ đồng.
Trước đó, ngà 10/11, Bộ Công Thương cũng đã bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty mình phụ trách về Siêu ủy ban. Theo quy hoạch trước đó, Bộ Công Thương sẽ phải chuyển 7 đơn vị doanh nghiệp về Siêu ủy ban bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (vốn điều lệ 281.500 tỷ); Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN (119.100 tỷ); Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV (vốn 34.350 tỷ); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem (vốn 11.900 tỷ); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (vốn 12.900 tỷ); Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba (vốn 7.160 tỷ) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - VRG (vốn 40.000 tỷ).
Chỉ tính riêng vốn điều lệ tại 7 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương này đã lên tới gần 580.000 tỷ đồng.
Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hay còn được gọi là Siêu ủy ban được thành lập từ tháng 2 và ra mắt vào cuối tháng 9 vừa qua. Trước đó, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020, giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban.
Đại diện phần vốn nhà nước tại 18 doanh nghiệp lớn và có thương hiệu mạnh của 4 Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin Truyền thông sẽ chuyển từ những Bộ chủ quản này về đầu mối Ủy ban. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, cũng đưa về Ủy ban với nhiệm vụ đầu tư kinh doanh vốn tại các doanh nghiệp nhà nước còn lại.
Quang Thắng
Theo news.zing.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính: 'Không dùng ngân sách nhà nước để tái cơ cấu DNNN' Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chất vấn Tư lệnh ngành tài chính về tình trạng nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh và khó kiểm soát trong phiên chất vấn chiều 30/10. Ông cũng hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Trường hợp doanh nghiệp nhà nước vay mà không trả được nợ thì ai trả?"....