Đề xuất xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài
Sáng 18-10, tại kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 3 khóa X, ông Lê Hòa Bình – phó chủ tịch UBND TP.HCM – đã trình tờ trình của UBND TP đề nghị xem xét thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Sơ đồ đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài – Đồ họa: Tuổi Trẻ
Theo UBND TP, dự án nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Dự án cũng nhằm phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực; góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế – xã hội của khu vực và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Video đang HOT
Theo tờ trình, dự án nằm trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, tuyến đi song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Đoạn cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.
Theo quy hoạch, mặt cắt ngang đoạn qua địa bàn TP.HCM có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến khoảng 50km, đoạn qua TP.HCM khoảng 23,7km và 26,3km qua địa phận tỉnh Tây Ninh.
Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT); nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.
Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỉ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 dự kiến từ năm 2021-2025.
Vốn ngân sách 'gặp khó', 35 dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM kêu gọi vốn tư nhân
Ngày 25-9, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ góp phần kéo giảm thời gian vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh: TUẤN ANH
Theo Sở Giao thông vận tải, thời gian qua dịch bệnh COVID-19 tại TP diễn biến rất phức tạp, dự báo nguồn thu ngân sách TP trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Các doanh nghiệp trên địa bàn TP đang từng bước khôi phục.
Theo kế hoạch, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách TP chỉ có 142.557 tỉ đồng, trong khi nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này cần tới 634.073 tỉ đồng (chưa kể nhu cầu vốn từ nguồn bội chi).
Do đó, Sở Giao thông vận tải cho biết việc bố trí nguồn vốn ngân sách TP đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI trong giai đoạn 2021-2025 rất khó đảm bảo cân đối.
Cụ thể, hiện nay vốn ngân sách sẽ rất khó để bố trí cho các dự án như Vành đai 2, 3, 4, các dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành...
Trong điều kiện nguồn lực ngân sách TP chưa đủ đáp ứng nhu cầu, Sở Giao thông vận tải xây dựng danh mục dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm huy động các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.
Theo danh mục kêu gọi đầu tư, có 35 dự án giao thông quan trọng sắp tới sẽ triển khai như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đường vành đai 3, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn ở huyện Bình Chánh, đường song song quốc lộ 50, đường trên cao số 1, 5 và đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh, 4 cầu gồm Cần giờ, Thủ Thiêm 4, Bình Quới, Bình Quới - Rạch Chiếc và các tuyến metro, đường sắt 1 ray theo quy hoạch...
Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP giao sở ngành liên quan tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách và kế hoạch huy động các nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong đó, ưu tiên mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo phương thức PPP, nguồn vốn ODA, xã hội hóa và các nguồn lực phù hợp khác.
Sở cũng đề nghị bố trí vốn chuẩn bị đầu tư để đơn vị chuẩn bị dự án sớm thực hiện các bước lập, đề xuất dự án; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi... làm cơ sở triển khai thực hiện mời gọi, lựa chọn các nhà đầu tư tham gia theo quy định.
Đồng thời, giao Sở Quy hoạch - kiến trúc TP chủ trì, phối hợp các sở ngành nghiên cứu phát triển quỹ đất, kết hợp chỉnh trang và phát triển đô thị dọc tuyến giao thông mới, tạo nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Bổ sung 'luồng xanh' chở thiết bị, vật liệu làm đường cao tốc Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị Tổng cục Đường bộ và các địa phương bổ sung "luồng xanh" vận chuyển thiết bị, vật liệu từ các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM đến dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Thi công nền đường đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây...