Đề xuất thu phí điều tiết điện bị phản bác “tả tơi”
“Lâu nay Cục điều tiết điện lực vẫn phải nhờ EVN “gánh vác” giúp một phần kinh phí. Như vậy hoạt động giám sát sẽ không còn khách quan” – Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nêu quan điểm thu phí điều tiết điện lực để cho Cục này ra “ở riêng”.
Hôm nay, 18/10, UB Thường vụ QH thảo luận về dự án luật Điện lực sửa đổi. Lần thứ 2 trình dự thảo luật, Bộ Công thương bảo lưu quan điểm đề xuất quy định việc thu phí điều tiết điện lực. Cơ quan soạn thảo cũng tiếp tục đề nghị giao Chính phủ quy định về vị trí pháp lý, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan điều tiết điện lực.
Quan điểm đưa ra là việc thu phí để bổ sung nguồn lực, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc chuyển đổi mô hình cơ quan điều tiết hoạt động điện lực, góp phần tiết kiệm cho ngân sách.
Nhiều cơ quan điều tiết điện lực trên thế giới đã hoạt động hoàn toàn bằng nguồn thu phí. Mặt khác, sắp tới, khi thị trường điện lực phát triển đầy đủ hơn, cơ quan điều tiết hoạt động điện lực phải có vị trí, vai trò độc lập, tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và đảm bảo công bằng, minh bạch.
Video đang HOT
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lập luận, nếu chỉ dựa vào mỗi ngân sách nhà nước, Cục điều tiết điện lực sẽ hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên loại phí này không được quy định trực tiếp trong luật mà có thể bổ sung vào danh mục kê trong pháp lệnh Phí và lệ phí.
Dù vậy, cũng như lần trước, UB khoa học, công nghệ và môi trường – cơ quan thẩm tra dự án luật một lần nữa không đồng ý với đề xuất này. Chủ nhiệm UB – ông Phan Xuân Dũng phân tích, Cục Điều tiết điện lực là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Công thương, nhiệm vụ điều tiết điện lực là thực hiện theo chức trách được nhà nước giao, kinh phí hoạt động đã có ngân sách chi thường xuyên nên không cần thiết và không có cơ sở để thu thêm loại phí này.
Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, dù QH có đồng ý với đề xuất thu phí điều tiết điện lực thì phí thu được cũng nộp vào ngân sách chứ không phải để Cục Điều tiết được sử dụng, vì hoạt động của Cục này với tư cách cơ quan quản lý nhà nước đã được ngân sách chi trả.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cục điều tiết điện lực là cơ quan giúp việc cho Bộ Công thương. Đây là một hoạt động quản lý nhà nước, đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chứ không phải là một loại hình dịch vụ công để bắt người dân phải nộp phí.
“Vấn đề không phải là quy định ở luật hay pháp lệnh mà bản chất là tại sao phải thu thêm loại phí này, nhất là khi UB Thường vụ QH đã từng phản bác trong phiên họp trước” – ông Lưu quả quyết.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận, Cục điện lực là đơn vị nằm trong Bộ. Cơ quan quản lý nhà nước không được thu phí nhưng đơn vị này còn làm những dịch vụ như giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát thị trường điện cạnh tranh mà không được phân bổ kinh phí thường xuyên.
“Để đảm bảo hoạt động, lâu nay Cục có trao đổi với EVN và họ cũng có gánh vác giúp một phần kinh phí này. Tới đây, theo lộ trình, Cục Điều tiết điện lực được tách khỏi Bộ Công thương, hoạt động như một cơ quan độc lập, cần quy định thu phí này để đảm bảo hoạt động” – ông Hoàng lý giải.
Lý lẽ này vẫn không thuyết phục được các thành viên UB Thường vụ QH. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn kết luận, không thể quy định thu phí điều tiết điện lực.
Luật Điện lực sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ 4 của QH, bắt đầu từ 22/10 tới.
Theo Dantri
BT Công thương: "EVN gánh giúp kinh phí"
Bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) "truy" quyết liệt lý do nhất quyết muốn thu phí điều tiết điện lực, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đành phải giải thích, do lâu nay, Cục điều tiết điện lực vẫn phải nhờ EVN "gánh vác" giúp một phần kinh phí, mà như vậy hoạt động giám sát sẽ không còn khách quan, nên rất muốn thu phí từ người dân.
Sáng nay (18/10), UBTVQH thảo luận về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện lực. Theo đó, kiến nghị về việc thu phí điều tiết điện lực dù đã từng bị thường vụ "bác" một lần nhưng lần này, Bộ Công thương vẫn bảo lưu quan điểm.
Theo đó, việc thu phí để bổ sung nguồn lực, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc chuyển đổi mô hình cơ quan điều tiết hoạt động điện lực, góp phần tiết kiệm cho ngân sách.
Nhiều cơ quan điều tiết điện lực trên thế giới đã hoạt động hoàn toàn bằng nguồn thu phí. Mặt khác, sắp tới, khi thị trường điện lực phát triển đầy đủ hơn, cơ quan điều tiết hoạt động điện lực phải có vị trí, vai trò độc lập, tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và đảm bảo công bằng, minh bạch.
Không thể quy định thu phí điều tiết điện (Ảnh minh họa)
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải thêm, nếu chỉ dựa vào mỗi ngân sách nhà nước thì e rằng Cục điều tiết điện lực sẽ hoạt động không mấy hiệu quả. Vì vậy, ban soạn thảo dự án luật vẫn tha thiết mong UBTVQH xem xét bổ sung thêm mức thu phí điều tiết điện lực. Chỉ khác là quy định này sẽ không đưa thẳng trong luật mà bổ sung thêm vào pháp lệnh Phí và lệ phí.
Lập luận này ngay sau đó "vấp" phải sự phản đối của UBTVQH. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói thẳng, vấn đề không phải là quy định ở luật hay pháp lệnh mà bản chất là tại sao phải thu thêm loại phí này, nhất là khi UBTVQH đã từng có một phiên thảo luận sôi nổi để phản bác.
Ông Lưu nói, Cục điều tiết điện lực là cơ quan giúp việc cho Bộ Công thương. Đây là một hoạt động quản lý nhà nước, đã được ngân sách nhà nước bảo đảm chứ không phải là một loại hình dịch vụ công để bắt người dân phải nộp phí.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp lời: "Các anh phải làm rõ rằng cơ quan đó có cung cấp một số dịch vụ công không, hay chỉ đơn thuần là cơ quan quản lý nhà nước?".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục giải thích, đây là đơn vị nằm trong Bộ thực hiện việc giám sát hoạt động của thị trường điện lực, giám sát điều độ hệ thống điện truyền tải quốc gia, cung cấp điện của các công ty điện lực.
"Là cơ quan quản lý nhà nước nên không được thu phí. Nhưng đơn vị này còn làm những dịch vụ như: giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát thị trường điện cạnh tranh. Theo xu hướng, chúng ta sẽ tách cơ quan điều tiết điện lực ra để hoạt động độc lập chứ không nằm trong Bộ nữa, nên chúng tôi tha thiết xin được thu phí", ông Hoàng nói. Để tránh việc đưa quá nhiều loại phí của ngành điện vào một bộ luật nên khoản phí trên xin được đưa vào pháp lệnh phí.
Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách lập tức đặt câu hỏi, liệu lâu nay ngành điện đã thu khoản phí này chưa và nếu không thu, liệu có ảnh hưởng gì?
Lần thứ ba, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lại đứng lên và phân bua thêm: "Lâu nay chúng tôi chưa thu, nhưng do tính chất hoạt động của Cục là nhiều việc không được phân bổ kinh phí thường xuyên. Để đảm bảo hoạt động, lâu nay chúng tôi có trao đổi với EVN và họ cũng có gánh vác giúp một phần kinh phí này".
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, do nhiệm vụ của Cục điều tiết điện lực là giám sát hoạt động của thị trường điện lực nên việc phải "xin" hỗ trợ kinh phí từ phía EVN sẽ khiến cho giám sát thiếu khách quan. Nên giải pháp là phải thu thêm phí để bù đắp.
Trước tiết lộ của Bộ trưởng Hoàng về mối quan hệ tài chính giữa Cục điều tiết điện lực và EVN, bà Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, lý do như vậy không hợp lý. Quốc hội cũng không sửa luật để lại phát sinh thêm phí trong bối cảnh dự án luật đã bổ sung thêm rất nhiều loại giá khác nhau cho ngành điện. "Mà hiện tại thì giá điện, giá xăng cũng đang là vấn đề bức xúc với người dân rồi", bà Ngân cho hay.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tiếp lời, "đã là cơ quan hoạt động bằng ngân sách nhà nước thì không được phép thu thêm phí".
Cầm trên tay pháp lệnh Phí, lệ phí, bà Mai nói thêm, nếu có muốn thu phí thì khoản tiền này cũng phải nộp trở lại ngân sách chứ không phải dùng để chi cho hoạt động của Cục điều tiết như Bộ trưởng Hoàng nói.
Riêng Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý thì gợi ý, nên chăng tách rõ trong quá trình điều tiết điện lực, khâu nào thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, khâu nào được xem là cung cấp dịch vụ công. Có muốn thu phí để giảm áp lực lên ngân sách thì phải tách rõ ra như vậy mới đủ sức thuyết phục.
Chốt phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói, không thể quy định thu phí điều tiết. Trong trường hợp hình thành cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì khi đó sẽ nghiên cứu thêm, và có thể bổ sung vào trong pháp lệnh.
Dự án luật sẽ được trình tại kỳ họp QH tới đây.
Theo 24h
Đề nghị hồ Dầu Tiếng ngưng xả để giảm ngập TP HCM Trước cảnh báo đợt triều cường lên cao giữa tháng 10 có khả năng gây ngập nặng, UBND TP HCM đã đề nghị giảm lưu lượng xả tràn hồ thủy lợi Dầu Tiếng để giảm ngập cho địa bàn thành phố. UBND TP HCM đã đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi...