Đề xuất tăng thêm quyền cho thủ tướng
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ dự kiến bổ sung 3 thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương . ẢNH GIA HÂN
Trình bày tờ trình dự án luật của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 18.4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thẩm quyền của Thủ tướng theo quy định hiện hành vẫn còn bị hạn chế trong việc quyết định thí điểm thành lập các tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ cấu bên trong của ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến thiếu cơ sở để thử nghiệm các mô hình quản lý mới, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Từ đó, dự thảo đề xuất sửa đổi 2 điểm tại khoản 2, khoản 10 và bổ sung thêm khoản 10a tại điều 28 của luật Tổ chức Chính phủ hiện hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, dự thảo đề nghị bổ sung thêm một số quyền cho Thủ tướng. Đó là, Thủ tướng có quyền quyết định tổng biên chế công vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính từ T.Ư đến địa phương.
Thủ tướng cũng sẽ có quyền thực hiện phân cấp và ủy quyền về quản lý công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.
Ngoài ra, dự thảo đề nghị bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng trong việc quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của pháp luật.
Cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ có thêm quyền quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện.
Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cân nhắc đề xuất này. Theo bà Ngân, tại khoản 5, điều 96 của Hiến pháp 2013 ghi rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý cán bộ, công chức, viên chức, công vụ trong cơ quan nhà nước.
“Hiến pháp giao quyền này cho Chính phủ giờ sửa luật giao cho Thủ tướng thì cần cân nhắc cho đảm bảo tình thần Hiến pháp”, bà Ngân đề nghị.
Video đang HOT
Bổ sung nhiều quyền cho Chính phủ
Dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề xuất bổ sung thêm nhiều quyền cho Chính phủ. Trong đó có thẩm quyền quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Chính phủ cũng sẽ có thẩm quyền quy định tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của các tổ chức thuộc bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng như quyết định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật tại phiên họp . ẢNH GIA HÂN
Cạnh đó, dự thảo cũng đề nghị bổ sung thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của Chính phủ, các bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện của Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành đề xuất Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định về tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của một tổ chức thuộc bộ, ngành, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định của luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, Chính phủ hoàn toàn có cơ sở để quy định vấn đề này và trên thực tế Chính phủ vẫn đang thực hiện mà không có vướng mắc gì.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc dự thảo quy định việc hình thành tổ chức hành chính căn cứ vào số lượng biên chế tối thiểu là chưa thực sự phù hợp.
“Về nguyên tắc, việc hình thành tổ chức mới phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức chứ không phải xuất phát từ biên chế. Việc dự thảo luật tiếp cận cách hình thành tổ chức dựa vào biên chế thì rất khó để thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế của Đảng”, ông Định cho hay.
Theo Thanhnien
Cán bộ 'hạ cánh' chưa hẳn... an toàn
Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc/nghỉ hưu 3-5 năm hoặc đến 70, 80 tuổi mới phát hiện có vi phạm thì có bị xử lý kỷ luật, bị xóa tất cả chức danh, quyền lợi có trước đó?
Sáng 17-4, tiếp tục phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CB,CC) và Luật Viên chức.
Dân đồng tình; bộ, ngành nhất trí
Tờ trình của Chính phủ thể hiện đang có ba nội dung còn có ý kiến khác nhau, trong đó có quy định liên quan đến việc kỷ luật CB,CC, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Theo dự thảo, CB,CC, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong ba hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay qua tổng hợp ý kiến các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành và địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với CB,CC, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm khi còn làm.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý bởi đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân lý giải quy định như dự thảo là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật, đúng với tính chất của đối tượng CB,CC, viên chức đã nghỉ hưu là "đối tượng khác" so với CB,CC đang tại chức.
Về phía cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết ủy ban này tán thành sự cần thiết phải bổ sung quy định trên trong dự thảo luật để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Do đó, Ủy ban Pháp luật kiến nghị cần có quy định theo hướng: CB,CC, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật. Cạnh đó, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tờ trình. Ảnh: TTXVN
Liệu có "xóa tất"?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói bà chưa rõ "nội hàm" của hình thức xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm. "Họ không được hưởng chế độ (mà khi về hưu nếu giữ chức vụ đó) sẽ được hưởng trong tang gia, ma chay, lễ, Tết, khám chữa bệnh? Không được xướng danh nguyên là thế này, nguyên là thế kia hay là như thế nào?... Đề nghị làm rõ vì đây là quy định mới" - bà Hải đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng đây là vấn đề lớn, vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính chính trị, vừa mang tính đạo lý nhưng cũng có áp lực của dư luận và cử tri. Bà Nga đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về quy định "xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm".
"Tôi quan niệm xóa là xóa cái đang hiện hữu, tồn tại, không thể xóa cái không còn. Vậy xóa cái đang hiện hữu với công chức nghỉ hưu là xóa cái gì?" - bà Nga đặt vấn đề và dẫn lại việc xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công Thương đối với ông Vũ Huy Hoàng. "Đây là bước đầu chúng ta làm nhưng khi làm luật này cần cân nhắc kỹ hơn. Chức danh bộ trưởng khóa X của ông A về mặt nhà nước là vấn đề lịch sử khách quan, đã từng tồn tại" - bà Nga nói tiếp.
"Đây là vấn đề lớn, cần tìm khái niệm chỉ rõ, xóa là xóa các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ họ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu. Còn những quyền khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... thì họ vẫn được hưởng bình thường" - bà Nga nhấn mạnh.
Về hưu bao năm thì hết... lo?
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu ủng hộ đề xuất xử lý kỷ luật CB,CC, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu để vừa răn đe vừa gắn với thực tiễn của Việt Nam. Ông Giàu nhấn mạnh thời gian qua, chúng ta xử lý một số trường hợp cán bộ cấp cao có vi phạm, được người dân và xã hội đồng tình.
Tuy nhiên, ông Giàu đề xuất chỉ nên giới hạn hồi tố ba hay năm năm, không nên mở vô thời hạn. "Nghỉ việc rồi, công việc đã bàn giao rồi, đã nhận huân chương theo niên hạn, đã cảm thấy mình cống hiến cả đời người cho sự nghiệp cách mạng, cho đất nước... Nay tới tuổi 65, 70, 72 lại bị truy trước đây có vi phạm giờ phải thi hành kỷ luật thì... tâm tư lắm" - ông Giàu nói.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cùng đồng cảm việc cán bộ về hưu rồi nhưng tâm trạng lúc nào cũng lo lắng, không vui vẻ gì, biết đâu nay mai cơ quan chức năng truy lại chuyện mình đã làm sai từ cả chục năm trước. "Như thế có cái gì đó không an lòng, nặng nề lắm! Hiện nhiều đồng chí về hưu đang trông chờ, nghe ngóng xem lần này luật quy định thế nào" - Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.
"Quy định thời hiệu là cần thiết. Vì 70, 80 tuổi rồi mà còn mời đến để xử lý kỷ luật chuyện hơn 20 năm trước, xem có khả thi không, thực tế không? Nhiều khi chúng ta đang giận quá, ghét quá cái gì đó, chúng ta quy định cho nặng thêm. Phải hợp lý, hợp tình, phải cân nhắc thêm" - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cũng theo Chủ tịch QH, nên giữ hình thức kỷ luật giáng chức, vì đây là hình thức kỷ luật quan trọng, có giá trị răn đe lớn.
ĐỨC MINH
Theo SGGP
"Luân chuyển không kết hợp đề bạt bổ nhiệm để tránh chạy chọt" Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh trước Quốc hội rằng, luân chuyển không kết hợp đề bạt bổ nhiệm để tránh tình trạng "chạy" luân chuyển". Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ vào chiều 31/10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện đặt vấn đề dư luận cho rằng vẫn tồn tại tình trạng tiêu...