Đề xuất phương án giúp người mua nhà trả góp
HoREA cho rằng nhiều người mua nhà trả góp đang gặp khó, việc giảm lãi suất và giãn nợ là những phương án cứu giúp họ trong thời điểm này.
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) BĐS và người mua nhà nhằm tăng sức chống chịu, vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.
Thị trường đang gần như đóng băng
Thị trường BĐS quý I-2020 đang rơi vào trạng thái trầm lắng. Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến nay, thị trường này gần như bị đóng băng.
Theo HoREA, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%, doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các DN BĐS và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.
Chị Minh Ánh (quận 12, TP.HCM) cho biết vợ chồng chị đều là giáo viên. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị sụt giảm 50% thu nhập do dịch COVID-19. Trong khi đó, gia đình đang vay mua nhà trả góp với lãi suất gần 12%/năm, tính cả gốc và lãi phải trả khoảng 14-15 triệu đồng/tháng.
“Nếu tình hình dịch bệnh này còn kéo dài thì khả năng trả nợ vay ngân hàng là rất khó khăn. Tôi thấy các ngân hàng nói giảm lãi vay, giãn nợ cho DN, chủ đầu tư nhưng không thấy giảm cho người mua. Tôi buộc phải tính vay thêm bạn bè, người thân để trả nếu ngân hàng không giãn tiến độ trả nợ” – chị Ánh chia sẻ.
Cũng phải đi vay để mua nhà, anh Đức Anh (quận Thủ Đức, TP.HCM) bày tỏ: Tiền lãi suất cộng với trả nợ gốc mỗi tháng anh phải trả gần 20 triệu đồng. Dù đã đến ngân hàng có ý kiến xin giãn tiến độ trả nợ, hỗ trợ giảm lãi suất nhưng nhân viên ngân hàng cho biết chưa có chính sách áp dụng giảm lãi vay hay giãn tiến độ trả nợ cho khách hàng vay mua nhà.
Theo anh Đức Anh, quán ăn của gia đình phải đóng cửa vì dịch nên hầu như không có thu nhập từ đầu năm đến nay. “Nếu không được giãn tiến độ trả nợ thì tôi cũng phải rao bán căn hộ của mình chứ không còn cách nào khác” – anh Đức Anh nói.
Video đang HOT
Theo HoREA, tỉ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%. Điều này càng tạo thêm áp lực lớn đối với các DN BĐS, nhất là trong lúc các DN vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho hay trong hai tháng qua, hầu như các DN BĐS vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn…
“Người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19″ – ông Châu nói.
Nhiều người mua nhà trả góp đang gặp khó khăn về tài chính vì dịch COVID-19. Ảnh: QUANG HUY
Đề nghị giảm lãi suất cho người vay mua nhà
Trước tình cảnh khó khăn của người mua nhà và DN BĐS, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các DN BĐS được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng. Đồng thời giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân không chỉ có ý nghĩa với người dân, mà còn với chính các ngân hàng và cả nền kinh tế.
Theo ông Hiếu, dịch COVID-19 khiến nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng, kéo theo thu nhập của người lao động giảm, thậm chí một số người bị thất nghiệp. Do đó, kế hoạch trả nợ của những trường hợp này bị ảnh hưởng.
Ông Hiếu cho rằng nếu các ngân hàng vẫn duy trì thời hạn và mức trả nợ như cũ, nhiều khách hàng cá nhân sẽ phải chấp nhận hạn chế chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn nếu không muốn rơi vào cảnh nợ xấu.
“Khi đó, nền kinh tế sẽ hạn chế tiêu dùng khiến các DN khó bán được hàng, việc sản xuất lại đình trệ. Ngược lại, khi được khoanh nợ, giãn nợ, thu nhập sẽ dành cho tiêu dùng nhiều hơn, kích thích nguồn cầu, làm kích thích tăng trưởng kinh tế” – ông Hiếu phân tích.
Vì vậy, theo ông Hiếu, thời điểm hiện tại, Chính phủ cần có giải pháp để ngân hàng và các tổ chức tín dụng không thu hồi nợ của khách hàng cá nhân trong vòng ba tháng. Tiếp đó, giảm mức lãi suất cho vay và các khoản phí cho khách hàng. Cuối cùng, không chuyển nhóm nợ của khách hàng. Đây chính là lúc ngân hàng và khách hàng cần chia sẻ khó khăn cho nhau.
Đề xuất giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng
Đối với DN BĐS, tiền sử dụng đất chiếm tỉ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu thì DN càng thêm khó khăn.
Hiện nay, nếu cá nhân, hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất để hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở thì khoản tiền này có giá trị rất lớn. Trong khi đó, hầu hết các cá nhân, hộ gia đình đều khó khăn và đang phải vất vả đối phó với đại dịch.
Do vậy, HoREA đề xuất Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với DN có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 đến tháng 6-2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ năm tháng.
Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.- Ông LÊ HOÀNG CHÂU , Chủ tịch HoREA
QUANG HUY
Đường dây nóng giải quyết giảm lãi vay, giãn nợ
Ngày 16/4/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo đó, NHNN yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thiết lập ngay số điện thoại đường dây nóng tại NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất và khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, các Hiệp hội trên địa bàn liên quan đến Thông tư Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.
Bên cạnh đó, cần thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn để doanh nghiệp, người dân biết.
NHNN cũng yêu cầu thành lập bộ phận thường trực tại NHNN Chi nhánh để tiếp nhận, xử lý kịp thời, triệt để các phản ánh, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, người dân qua đường dây nóng.
Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn.
Đối với các phản ánh, kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, NHNN Chi nhánh chủ động liên hệ ngay với Văn phòng NHNN, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và các đơn vị liên quan thuộc NHNN để phối hợp xử lý.
Bên cạnh đó, yêu cầu Giám đốc NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và hướng dẫn của Hội sở chính; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân dẫn đến các thắc mắc, khiếu kiện.
NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng trên 300.000 tỉ đồng, trong đó cho vay mới với doanh số xấp xỉ 180.000 tỉ đồng.
Viêt Dũng
Vận tải "ngắc ngoải" vì dịch, doanh nghiệp xin miễn phí bảo trì đường bộ Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%, số còn lại hoạt động không hiệu quả, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp vận tải kêu cứu... Đại dịch Covid-19 đang tàn phá nặng nề nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trên nhiều lĩnh vực, nhất là ngành vận tải. Để giảm bớt...