Đề xuất giảm giờ làm để hẹn hò: Người trẻ nói ‘tiền mới là vấn đề’?
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, vừa có đề xuất giảm giờ làm việc của người lao động (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư.
Theo ông Nhân, nhiều người lao động làm việc từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ/ngày, không có thời gian để giao lưu, quan hệ với bạn bè, chăm sóc gia đình… “Đề xuất giảm giờ làm để hẹn hò” được đưa ra tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 6.8.
Theo đề xuất của GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, công tác dân số hiện nay còn nhiều khó khăn, thách thức như một số vấn đề thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước. Mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững. Như tại TP.HCM, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4 (đã vượt qua mốc 30 tuổi). Lý do kết hôn muộn hoặc không kết hôn là họ bận rộn công việc, gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp, khao khát tự do. Ngoài ra, người trẻ không mặn mà kết hôn còn do ảnh hưởng từ các câu chuyện gia đình đổ vỡ, chưa tìm kiếm được mẫu hình lý tưởng…
Phan Phương Nhi ưu tiên phát triển bản thân khi có thời gian
Trước thông tin đề xuất này, nhiều người trẻ có nhiều góc nhìn và ý kiến khác nhau. Liệu thời gian có phải là yếu tố quyết định để các bạn trẻ bắt đầu một mối quan hệ yêu đương? Và khi bắt đầu hẹn hò, thời gian có phải là yếu tố quyết định đến việc đi đến kết hôn? Người trẻ trăn trở trước khi bước vào chuyện tình cảm đôi lứa là do nhiều vấn đề, không đơn thuần bận vì công việc.
Quan tâm thu nhập hơn hẹn hò
Không ít bạn trẻ có ý kiến khác nhau, Phan Phương Nhi (25 tuổi), nhân viên marketing, ngụ tại 90 Dương Bá Trạc, P.2, Q.8, TP.HCM, chia sẻ: “Nếu đề xuất giảm giờ làm như vậy thì để đảm bảo hoàn thành công việc, doanh nghiệp hoặc cá nhân sẽ chủ động tăng ca. Mình thấy việc đề xuất này có tính khả thi không cao. Đa số nhân viên văn phòng bây giờ đều làm hơn 8 tiếng đồng hồ/ngày mà còn chưa xong việc”.
Phan Phương Nhi ưu tiên phát triển bản thân khi có thời gian
Video đang HOT
Rồi Nhi cho rằng nếu đề xuất này được phê duyệt nhưng nhu cầu giới trẻ bây giờ không phải là yêu đương. Gen Z luôn tham việc, nâng cấp bản thân và chọn những thú vui khác như: cà phê với bạn bè, thể thao, du lịch…
“Và một thực tế, đa số không ai muốn hẹn hò, kết hôn sớm khi chẳng có gì trong tay cả. Nhưng muốn đạt thành tựu trước 30 tuổi, thì cần cả một hành trình dài rèn luyện và nỗ lực. Nếu bản thân được giảm giờ làm, mình cũng như vậy thôi”, Phương Nhi nói.
Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi), ngụ tại 69/8, khu phố Bình Hòa 2, P.Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Những người học hành có bằng cấp ra họ làm nhân viên đều 8 giờ/ngày rồi nên đề xuất đó không cần thiết”.
Trước vấn đề giảm giờ làm, nhận thấy nhiều bất cập, Nhung nói: “Những người lao động tay chân, cụ thể là công nhân nếu làm việc 8 giờ/ngày nhưng lương họ có tăng không? Cái này chắc chắn không được vì doanh nghiệp trả lương cho công nhân theo mức tối thiểu vùng rồi. Nếu nhiều công nhân muốn tăng ca để có thu nhập thêm thì làm thế nào, đây là một bài toán khó”.
Suy xét và đặt ra nhiều trường hợp để so sánh, Thị Nhung bày tỏ: “Nếu nói về thời gian có ảnh hưởng đến hẹn hò vậy ngành lực lượng vũ trang họ làm việc 24/24 giờ thì sao? Họ vẫn lập gia đình bình thường. Các bác sĩ, thầy cô vùng cao, hải đảo, ngoài 8 tiếng đồng hồ ra họ còn phải tiếp tục làm việc. Có nhiều trường hợp người ở các vùng miền, quốc gia khác họ vẫn yêu nhau, một năm chỉ gặp một lần. Nên việc giảm giờ làm để yêu nhau là không cần thiết. Vì tình cảm thật lòng thì dù xa hay gần, người ta cũng tìm được cách”.
Vấn đề cốt yếu về chuyện tình yêu theo góc nhìn của mỗi người là khác nhau. “Chẳng qua, giới trẻ bây giờ yêu nhanh và quá vội. Chóng chán, vật chất quyết định ý thức nhiều. Dần dần họ mất niềm tin vào tình yêu. Nhiều bạn trẻ lười yêu vì lo học tập, lập nghiệp do thời đại này suy nghĩ khác xưa rồi”, Thị Nhung khẳng khái.
Người trẻ thích phát triển bản thân hơn hẹn hò
Còn Nguyễn Văn Trung (29 tuổi), làm tài xế giao hàng, ngụ ở xã Nguyệt Đức, H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, bộc bạch: “Nếu giảm giờ làm mà thu nhập ổn với mong muốn từng cá nhân thì rất ủng hộ vì đồng tiền chi phối nhiều thứ lắm. Với mình, nếu không đi làm thêm vào ngày chủ nhật thì kinh tế sẽ trở nên eo hẹp. Và mình ủng hộ việc giảm giờ làm để hẹn hò vì phải đi chơi thì lúc đó mới hiểu được đối phương cần gì để đáp ứng sẽ tốt hơn. Từ đó, sẽ có phương án tốt nhất để tiến tới xa hơn nữa”.
Hẹn hò thì dễ nhưng đi đường dài mới khó
Những trăn trở của người trẻ về chuyện tình cảm không dừng lại về mặt thời gian, Phạm Hồng Sơn (27 tuổi), làm thợ cơ khí, ngụ tại tổ dân phố 4, P.Quảng Phong, TX.Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: “Việc hẹn hò thì có thể dễ dàng nhưng đi được đường dài thì khó. Đâu phải có thời gian là sẽ đáp ứng tất cả các nhu cầu của nhau. Để duy trì mối quan hệ còn cần có sự thấu hiểu, sẻ chia, cùng lý tưởng sống, sự chấp thuận của hai bên gia đình và đặc biệt là kinh tế”.
“Đồng ý việc giảm giờ làm có thể nhiều cặp đôi sẽ hẹn hò nhưng vấn đề về tỷ lệ sinh vẫn chưa được giải quyết. Ai bảo hẹn hò rồi sẽ kết hôn. Đó là một chặng đường khá xa vời. Đôi khi nhiều người chỉ muốn yêu mà không cưới và sinh con lại là một chuyện khác nên giảm giờ làm vẫn không thể giải quyết được”, Hồng Sơn nói thêm.
Điều kiện để dẫn đến hôn nhân và giải quyết vấn đề của xã hội còn là một thử thách. “Sẽ có nhiều người sử dụng thời gian rảnh của mình mà phát triển bản thân, làm những công việc yêu thích. Vấn đề yêu hay không cũng phụ thuộc vào quan niệm của từng người. Tình yêu phải đi đôi với kinh tế. Nếu kinh tế không ổn định thì họ cũng không muốn lập gia đình vì sợ sinh con ra không lo nổi”, Hồng Sơn chia sẻ.
Còn Thảo Mây (21 tuổi), ngụ tại 18 Phạm Hùng, P.Mỹ Đình, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, cũng có những trăn trở của riêng mình. “Theo quan điểm của mình việc bắt đầu một mối quan hệ thì điều cần nhất là cảm xúc của bản thân dành cho đối phương. Còn thời gian thì không phải yếu tố chính, bởi khi thực sự trưởng thành chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, ví dụ như: công việc, gia đình… hẹn hò chỉ là một phần trong cuộc sống thôi. Thực tế bây giờ không hẹn hò không sao hết nhưng không có tiền mới là vấn đề”, Thảo Mây nói.
“Vậy nên nếu nói một cách nghiêm túc thì còn trẻ nên tập trung vào sự nghiệp, khi kinh tế vững vàng rồi lúc đó dành thời gian để hẹn hò chưa muộn. Nếu có hẹn hò trong giai đoạn này thì phải hiểu và thông cảm cho sự bận rộn của đối phương. Tóm lại tuổi trẻ mình chọn độc thân”, Thảo Mây khẳng khái.
Người trẻ thủ đô xúc động tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Từ 5 giờ sáng ngày 26.7, người dân đã xếp hàng dài tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều bạn trẻ cũng đã có mặt để tiễn đưa Tổng Bí thư và hỗ trợ người dân đến viếng.
Được tham gia hỗ trợ nhân dân trong Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là niềm tự hào của nhiều bạn trẻ. Ngay khi nhận được thông báo tuyển tình nguyện viên phục vụ Quốc tang, Đặng Thúy Hằng, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đã nhanh chóng đăng ký và bắt xe trong đêm từ Nam Định về Hà Nội để kịp làm việc ngày 25.7.
"Khi biết tin bác Tổng Bí thư mất, tôi rất xúc động và mong có thể góp phần công sức nhỏ bé phục vụ tang lễ bác. Thời tiết Hà Nội thời gian này khá khắc nghiệt nhưng tôi không thấy mệt mỏi. Trái tim tôi và cả ngàn bạn trẻ ở đây luôn hướng về bác."
Đặng Thúy Hằng nghẹn ngào trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nguyễn Chi Phương, sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội, cũng tự hào khi được là một trong những tình nguyện viên may mắn được phục vụ lễ tang Tổng Bí thư: "Tôi luôn tự hào là thế hệ trẻ Việt Nam. Khoác trên mình màu áo xanh của Đoàn, tôi mong góp sức hỗ trợ người dân cả nước về viếng bác. Nhìn những đoàn viếng từ rất xa xôi về đây, tôi càng muốn cố gắng giúp đỡ mọi người như động viên, quạt tay, phát nước tới người dân trong cái nắng nóng mùa hè để mọi người giữ gìn sức khỏe và viếng bác lần cuối".
Phương tự hào khoác trên mình màu áo xanh của Đoàn, hỗ người dân cả nước trong Lễ viếng Tổng Bí thư
Xếp hàng từ 5 giờ 30 sáng, Đào Văn Đạt, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nén xúc động bày tỏ: "Trong giây phút đầy xúc động này, trái tim tôi đau nhói, tiếc thương cho người học trò đáng quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả đời phụng sự nhân dân, Tổ quốc tới hơi thở cuối cùng."
Đào Văn Đạt nén nỗi đau trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
"Giữa nhiều nhà lãnh đạo, em luôn ấn tượng với Tổng Bí thư bởi bộ tóc bạc phơ, cặp kính trắng, tay luôn cầm bút và hai từ 'nhân dân' ông luôn đề cập. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi sau một đời vất vả, Tổng Bí thư vẫn ngày đêm làm việc đến phút cuối trên giường bệnh". Phạm Gia Hân, học sinh Trường THCS - THPT liên cấp Newton chia sẻ.
Dù còn trẻ nhưng Gia Hân hứa sẽ luôn cố gắng học tập và cống hiến nhiều hơn cho gia đình và đất nước như lời gửi gắm chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thế hệ trẻ Việt Nam.
Phạm Gia Hân chắp tay, cúi đầu nghiêm trang mỗi khi thấy di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi qua
Tới 13 giờ ngày 26.7, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia đã kết thúc với 136.886 lượt người tới viếng. Trong đó, nhiều người trẻ không ngại xa xôi từ mọi miền Tổ quốc đã về đây để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
Họ là một thế hệ mới, những chủ nhân tương lai của đất nước, mang tinh thần hội nhập và phát triển, nhưng không quên hướng về Tổ quốc, cha ông, giữ vững và phát huy truyền thống "uống nước nhớ nguồn".
Những người trẻ thích 'đi trốn'... "Đi trốn" là cách mà anh Võ Khánh Dương (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) nói về những chuyến đi cắm trại của mình cùng những người bạn. Sở thích thú vị này được anh Dương duy trì hơn 2 năm nay. Như thường lệ, chiều thứ bảy hàng tuần, nhóm của anh lại chuẩn bị hành...