Đề xuất giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp: Giáo viên mong ‘bỏ hết’
Theo rà soát của Bộ Nội vụ, còn có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GD-ĐT quy định.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Trong đó, về nội dung chứng chỉ bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm…, báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, chương trình bồi dưỡng đối với đội ngũ giáo viên do Bộ GD-ĐT quy định.
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ đi 13/20 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CDNN) đối với giáo viên.
Quảng cáo tuyển sinh “Học online lớp chuẩn chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên, giảng viên” của một trung tâm
Một giáo viên ở Hà Tĩnh chia sẻ trong hơn 30 năm đi dạy, anh luôn phải hoàn thành các modun theo chương trình bồi dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, với anh thì việc học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới “thực sự khủng khiếp” bởi thông tin loạn xạ, không biết phải học lớp nào, hạng gì, ở đâu, lúc nào?…
Còn một cô giáo dạy tiếng Anh dạy tiểu học gần 20 năm ở Hà Nội cho biết ngoài chứng chỉ CDNN hạng III đã có, chị còn đang chờ để học lấy chứng chỉ hạng II để làm hồ sơ xét lên hạng.
“Ngoài ra, tôi còn có một chứng chỉ tiếng Trung vì tôi là giáo viên Tiếng Anh, vẫn cần một chứng chỉ ngoại ngữ khác hoặc chứng chỉ tiếng dân tộc. Trước đó, tôi từng phải học lấy chứng chỉ về phương pháp dạy học, các lớp bồi dưỡng hàng năm cũng năm có chứng chỉ, năm không”.
Theo chị, đa phần những lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ này… không có ích gì cho công việc chị đang làm.
“Tôi nghĩ rằng bỏ hết các loại chứng chỉ đi thì chúng tôi vẫn làm tốt được công việc của mình, lại còn đỡ mất thời gian và tốn kém”.
Video đang HOT
Thầy giáo Nguyễn Văn Lực ở Khánh Hòa đưa ra các lý do để bỏ chứng chỉ CDNN với giáo viên như: giáo viên đã học 3-4 năm tại trường CĐ hoặc đại học, hàng năm giáo viên vẫn phải đang tự học bồi dưỡng thường xuyên, nội dung chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức thầy cô đã được học trong các trường sư phạm…
Trong đó, lý do quan trọng là “chứng chỉ này không có ứng dụng thực tiễn, nâng cao chất lượng dạy học, chỉ mang tính hình thức, tốn thời gian, tiền của giáo viên bỏ ra để đi học”.
Có thể bỏ hết các chứng chỉ liên quan nhà giáo
Ông Nguyễn Hoàng Chương là người đã có hơn 30 năm công tác giảng dạy và quản lý trong ngành giáo dục ở Lâm Đồng, đề xuất “nên bỏ hết”.
Ông Chương cho biết trong thời gian làm lãnh đạo ở trường phổ thông, hầu như lần kiểm tra nào ông cũng phát hiện có trường hợp sử dụng chứng chỉ giả.
“Và đa phần, để có những chứng chỉ bắt buộc như tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ nghề nghiệp, giáo viên đều tham gia các lớp bồi dưỡng cho có chứng chỉ một cách hợp pháp, chứ thực tế các lớp này đều hầu như không có hiệu quả gì”.
Nhưng nếu không bỏ hết được các loại chứng chỉ mà buộc phải giữ lại một vài loại nào đó, thì theo ông Chương, “Bộ GD-ĐT hãy xây dựng chương trình sao cho người học cảm thấy hữu ích. Và hãy thực sự là đào tạo, chứ không phải bồi dưỡng, để giáo viên có động lực học thật, thi thật, làm thật”.
Để được đứng trên bục giảng, các thầy cô đã mất 3 năm đối với hệ cao đẳng sư phạm, 4 năm với hệ đại học sư phạm. Ảnh: Thanh Hùng
Ông Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Trị, thì cho rằng có một số điểm cần quan tâm đối với việc giữ hay bỏ chứng chỉ CDNN.
Thứ nhất, theo ông Thăng, nên cân nhắc để tích hợp các chương trình bồi dưỡng CDNN vào các chương trình đào tạo giáo viên và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Đối với sinh viên sư phạm, chương trình bồi dưỡng để trở thành một viên chức hạng III có thể tích hợp trong chương trình đào tạo để khi các em ra trường là đủ điều kiện để có thể dự tuyển viên chức, và khi được tuyển dụng thì có thể đủ điều kiện để trở thành giáo viện hạng III luôn mà không cần phải bổ sung chứng chỉ.
Thứ hai, đối với hạng II là theo nhu cầu của cá nhân và theo nhu cầu vị trí việc làm của từng địa phương, đơn vị. Vì vậy, thay vì yêu cầu có chứng chỉ thì tích hợp các chương trình đó vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên hàng năm của giáo viên.
“Hiện nay, chương trình bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên hàng năm cũng yêu cầu đơn vị bồi dưỡng cấp chứng chỉ, vì vậy khi tích hợp vào và giáo viên đã tích luỹ đủ các chứng chỉ đó thì đủ điều kiện để xét lên hạng II chứ không cần phải có chứng chỉ CDNN riêng”.
Thứ ba, ông Thăng cho rằng đối với chức danh hạng I, cũng giống hạng II, tuỳ theo nhu cầu nâng hạng của giáo viên và nhu cầu của địa phương. Nếu hạng I cần phải có yêu cầu cao hơn và cần có chương trình bồi dưỡng chuyên sâu thì có thể thiết kế chương trình bồi dưỡng riêng. Thực tế thì tỷ lệ hạng I thấp nên có thể áp dụng được.
Ông Thăng lưu ý thêm rằng cần rà soát toàn bộ chương trình bồi dưỡng để thiết kế và tích hợp các nội dung cho phù hợp và đảm bảo các nội dung đó tránh lặp lại, chồng chéo… Ngoài ra, cũng như ông Chương, nhu cầu bồi dưỡng là nhu cầu tự thân, khi giáo viên thấy thiếu kiến thức gì thì tự thân họ sẽ có mong muốn được cập nhật kiến thức, vì vậy các chương trình bồi dưỡng phải luôn cập nhật, hữu ích, thiết thực.
“Một chương trình bồi dưỡng mà giáo viên đi học với tinh thần “học để lấy chứng chỉ” chứ không phải học để lấy kiến thức thì thất bại, lãng phí thời gian và tiền bạc” – ông Thăng khẳng định.
Bộ GD-ĐT đồng thuận giảm chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên
Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay hoàn toàn thống nhất với nội dung báo cáo và các ý kiến mà Bộ Nội vụ đã đề xuất về việc giảm chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT):
- Mới đây, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức; trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên. Quan điểm của Bộ GD-ĐT về việc này ra sao?
Việc rà soát các chứng chỉ bồi đưỡng đối với công chức, viên chức của các Bộ, ngành thời gian vừa qua là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản số 1242/BGDĐT-NGCB, ngày 31/3/2021 do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kí báo cáo Thủ tướng về các loại chứng chỉ bồi dưỡng đối với viên chức ngành giáo dục.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành chỉ rà soát đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, còn Bộ Nội vụ là cơ quan có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực và tham mưu, đề xuất hướng giải quyết phù hợp với thực tiễn và đặc thù của các Bộ, ngành.
Về quan điểm, Bộ GD-ĐT hoàn toàn thống nhất và đồng tình với nội dung báo cáo và các ý kiến mà Bộ Nội vụ đã đề xuất. Tại thời điểm này, việc rà soát và có những điều chỉnh quy định về công tác bồi dưỡng, cấp và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực và việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT).
Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc của các Bộ, ngành thời gian vừa qua cũng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã thực sự cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến phản biện của dư luận xã hội cũng như của các đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách để xây dựng, điều chỉnh các chính sách đảm bảo vừa đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Bộ GD-ĐT trong thẩm quyền của mình và trong quy định của pháp luật cho phép, đã bỏ quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.
- Có phải trước đó Bộ GD-ĐT từng có kiến nghị về việc bỏ quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên?
Việc rà soát quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đã được Bộ GD-ĐT chủ động triển khai và đề xuất với Bộ Nội vụ từ năm 2020. Cụ thể là trong quá trình góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và xây dựng các thông tư thay thế các thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã 2 lần ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề cập đến nội dung này.
Lần thứ nhất là công văn số 2814 ngày 29/7/2020 của Bộ GD-ĐT gửi Bộ Nội vụ đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101. Trong đó, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 theo hướng đối với viên chức ngành giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).
Lần thứ hai là công văn số 2966 ngày 10/8/2020 của Bộ GD-ĐT gửi Bộ Nội vụ về việc xin cấp mã số hạng và thống nhất các dự thảo thông tư. Trong đó, Bộ GD-ĐT đã đề nghị không quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trong tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng mà quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên của các năm giữ hạng.
Tại thời điểm năm 2020, các ý kiến đề xuất của Bộ GD-ĐT đã được Bộ Nội vụ xem xét, nghiên cứu. Tuy nhiên, do các quy định của Luật Viên chức và Nghị định 101 nên chưa thể có điều chỉnh riêng với viên chức ngành giáo dục. Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Bộ Nội vụ trong tổng hợp, đề xuất tham mưu với Chính phủ để cùng các Bộ, ngành giải quyết những tồn đọng, vướng mắc đối với công tác bồi dưỡng công chức, viên chức.
Dự kiến trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT sẽ làm việc trực tiếp với Bộ Nội vụ về một số vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức ngành giáo dục, trong đó sẽ trao đổi cụ thể hơn về các nội dung đề xuất nêu trên của Bộ Nội vụ để tiếp tục khẳng định sự đồng thuận từ phía Bộ GD-ĐT.
- Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ, đồng nghĩa với việc các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh giáo viên cũng sẽ được bãi bỏ. Vậy việc tiếp theo của Bộ GD-ĐT sẽ là gì, thưa ông?
Cần phải nhấn mạnh rằng, với đề xuất hiện nay của Bộ Nội vụ trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Với định hướng như vậy, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Nội vụ thì Bộ GD-ĐT sẽ sớm triển khai việc sửa đổi các các quy định tại chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên cũng như các quy định về thi/xét thăng hạng và chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên than Trời khi học modul 3 môn Ngữ văn Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông phản ánh, nội dung bồi dưỡng modul 3 môn Ngữ văn dàn trải, cũ kĩ, nặng lí thuyết, phải rất vất vả mới hoàn thành tiến độ. Thời điểm này, hầu hết giáo viên dạy bậc trung học phổ thông ở nhiều tỉnh/thành trên cả nước đã hoàn tất bồi dưỡng modul 2 của Chương...