Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô sản xuất trong nước
Bộ Tài chính vừa có văn bản 10897/BTC-TCT gửi Thủ tướng Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 45/2021/NQ-CP, kiến nghị Chính phủ quyết định về chủ trương tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước hết năm 2021.
Lắp ráp khung xe du lịch tại nhà máy Ford Hải Dương. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Bộ Tài chính cho biết, trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2021 tới nay, sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước là lĩnh vực chịu ảnh hưởng và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 8 tháng năm 2021, tổng lượng xe ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước của các thành viên giảm 13% so với năm 2019 – thời điểm chưa có dịch COVID-19, thậm chí nhiều công ty ghi nhận mức giảm doanh số tới trên 60%.
Bên cạnh đó, số lượng ô tô đăng ký mới trong tháng 8/2021 của toàn quốc chỉ bằng khoảng 40% so với tháng 7/2021 và khoảng 20% so với các tháng không có dịch.
Ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Tại điểm d khoản 3 mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính: “Xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021″.
Từ tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về chủ trương tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và cho phép Bộ Tài chính xây dựng nghị định theo trình tự thủ tục rút gọn.
Trước đó, năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Theo đó, cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 và tháng 10/2020 với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cụ thể, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chậm nhất là ngày 20/9/2020.
Video đang HOT
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 4/2020 chậm nhất là ngày 20/10/2020. Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 5/2020 chậm nhất là ngày 20/11/2020.
Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10/2020 chậm nhất là ngày 20/12/2020.
Cơ quan thuế đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô của 13 doanh nghiệp tại 8 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền thuế gia hạn là hơn 19.256 tỷ đồng.
Đây là số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được gia hạn của các kỳ tính thuế tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10/2020. Đến ngày 20/10/2020, toàn bộ số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt này đã được các doanh nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt này đã giúp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, giúp người lao động duy trì công ăn việc làm trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định 109/2020/NĐ-CP cùng với Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã thúc đẩy ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển. Qua thống kê cho thấy, số lượng xe ô tô bán ra của 13 doanh nghiệp đều có mức tăng trưởng so với năm 2019; trong đó, có doanh nghiệp có mức tăng trưởng lên đến 230%.
Tìm giải pháp phát triển ngành hàng cá tra sau giãn cách xã hội
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, không nên quá lo lắng, mà điều cần quan tâm hiện nay, đó là nghĩ tới các phương án, các kịch bản, chuỗi cung ứng trong giai đoạn bình thường mới.
Chiều 25/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội. Hội nghị có sự tham gia của nhiều hiệp hội, doanh nghiệp và các địa phương trọng điểm nuôi cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chỉ đạo Hội nghị từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: BT)
Chuỗi ngành hàng cá tra chịu ảnh hưởng lớn từ dịch COVID-19
Tại Hội nghị, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra tăng ở mức khả quan, tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 trong những tháng gần đây đã làm cho ngành hàng cá tra chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, giá cá tra nguyên liệu giảm.
Về kết quả sản xuất giống, trong 9 tháng năm 2021, tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt 2,33 tỷ con, trong đó, An Giang và Đồng Tháp là các tỉnh sản xuất nhiều nhất. Tuy nhiên, giá cá giống giảm. Với sản xuất giống, tháng 7 giảm dần, sang tháng 8 và tháng 9 giảm rõ rệt.
Về diện tích nuôi cá tra thương phẩm, đạt 3.516ha, bằng 74,3% cùng kỳ 2020. Trong tháng 7-8/2021, giảm từ 50-55% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Sản lượng thu hoạch cá tra 8 tháng năm 2021 đạt 932 nghìn tấn, bằng 81,1% so với cùng kỳ. Riêng tháng 7 giảm 20% so với cùng kỳ, tháng 8 giảm tới 44,9%.
Về sản xuất thức ăn cho cá tra, có 51 nhà máy với công suất 1,92 triệu tấn, trong đó có tới 12/51 nhà máy sản xuất phải ngừng hoạt động. Về tình hình chế biến, tính tới đầu tháng 9, có 52/106 nhà máy chế biến ngừng hoạt động.
Theo ông Luân, hiện nay các doanh nghiệp cá tra đang gặp khá nhiều khó khăn. Việc nhà máy chế biến giảm công suất, dư thừa cá nguyên liệu dẫn đến cả chuỗi cá tra bị ảnh hưởng. Trong khi đó, cước vận tải biển tăng liên tục 2-3 lần, thậm chí tăng đến 10 lần, cùng với đó, phát sinh chi phí trong sản xuất "3 tại chỗ".
Bên cạnh đó còn những khó khăn trong khâu nuôi trồng, giá thức ăn thủy sản tăng, thiếu công nhân thu hoạch, vận chuyển con giống, thức ăn,..Trước tình trên, ông Luân đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu cho ngành hàng này trong các tháng cuối năm.
Tại Hội nghị, đại diện của doanh nghiệp Vĩnh Hoàn - bà Trương Thị Lệ Khanh nhấn mạnh, hơn 2 tháng giãn cách xã hội vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra gặp các khó khăn về "3 tại chỗ", nguồn vắc xin. Hiện nay, nếu đứng trước ngưỡng chuyển qua giai đoạn bình thường mới thì doanh nghiệp đang còn nhiều vướng mắc nếu để tăng năng suất trở lại. Đó là việc di chuyển của người lao động. Trong đó, đối với cá thịt, việc thu hoạch cần có lực lượng công đoàn, và phải là những người có tay nghề mới thực hiện được công việc này, tuy nhiên, có những vùng để tiến hành bắt cá nằm ở ranh giới giữa các tỉnh nên có nhiều cách quản lý khác nhau, chi phối, dẫn đến ảnh hưởng đến việc di chuyển của lực lượng công đoàn.
Việc test COVID-19 và cách ly làm cho người làm công đoạn thu hoạch không còn muốn làm việc. Nếu như ách tắc ở lực lượng thu hoạch này thì việc giải quyết bài toán doanh nghiệp sản xuất ở công suất cao là điều rất khó.
Bà Khanh cũng nhấn mạnh đến khó khăn về giống cá tra. Theo đó, cá giống thì manh mún, với những người đi bắt cá giống buộc phải cách ly 14 ngày dẫn đến họ cũng không làm. Cán bộ kỹ thuật đi mua giống, phải kiểm soát chất lượng cá giống, nhưng dù đã được tiêm vắc -xin nhưng vẫn bắt cách ly 14 ngày. Theo bà Khanh, viễn cảnh sẽ là việc thiếu giống, người nuôi giống không thể đi chăm sóc giống thoải mái. Việc thu hoạch cá giống cũng không triển khai được nên người nuôi không thả giống nữa, dẫn đến thiếu hụt cá giống cho năm sau.
Chuẩn bị phương án sản xuất trong giai đoạn bình thường mới
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân, để hỗ trợ các nhà máy chế biến cá tra sớm hoạt động trở lại với công suất tối đa, cần tháo gỡ các khó khăn về nhân lực và vận chuyển, thu hoạch, cung ứng vật tư giữa các tỉnh. Kiểm soát chặt chẽ giá và chất lượng vật tư đầu vào cho sản xuất. Đồng thời, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Về lâu dài, cần tiếp tục triển khai dự án cá tra 3 cấp và sản phẩm quốc gia cá da trơn.
Tại Hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An kiến nghị ngành Y tế cần có các hướng dẫn về một số nguyên tắc chung. Cụ thể như giá trị của việc test COVID-19 có giá trị trong vòng bao nhiêu ngày, cần đưa ra nguyên tắc chung về tần suất test, trong vòng 3-5-7,...ngày với từng môi trường khác nhau, việc test PCR cũng cần có hướng dẫn.
Đồng thời, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho rằng, việc sản xuất "3 tại chỗ" không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp. Với việc yêu cầu tất cả các doanh nghiệp sản xuất theo "3 tại chỗ" gây khó khăn, lúng túng cho một số doanh nghiệp. Do vậy, xem xét giao hình thức sản xuất cho doanh nghiệp quyết định, giao việc phòng chống dịch cho doanh nghiệp để bản thân doanh nghiệp sẽ có cách quản lý để chủ động, trong đó lực lượng y tế cùng phối hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điểm khó khăn nhất hiện nay là chúng ta vừa đảm bảo được an toàn trong phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, càng khó khăn, chúng ta càng cần ngồi lại với nhau để tìm ra điểm để giải quyết được vấn đề. "Nhiều khi khe cửa hẹp nhưng tìm được khe cửa đó thì đó là bản lĩnh của các địa phương, các doanh nghiệp" - Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cũng cho rằng, đây là lúc 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thử thách tư duy liên kết vùng, và bây giờ chúng ta phải vận dụng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không nghĩ tới việc sẽ không còn ca F0, do đó, Bộ trưởng đề nghị ngành Y tế cần có định nghĩa bình thường mới trong tình hình trên sẽ là như thế nào. Nếu dịch xuất hiện trong nhà máy 1 ca, 2 ca sẽ ứng phó như thế nào, trường hợp này ở ngoài cộng đồng thì như thế nào...Từ đó có những khuyến cáo để khi những trường hợp trên xảy ra, các địa phương, các doanh nghiệp không bất ngờ, không bị động.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị không nên quá lo lắng, mà điều cần quan tâm hiện nay, đó là nghĩ tới các phương án trong giai đoạn bình thường mới, sẽ có kế hoạch thích ứng như thế nào đối với từng trường hợp. Đồng thời, chuẩn bị các kịch bản, chuỗi cung ứng trong điều kiện bình thường mới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cá tra cần có sự hợp tác với nhau, xây dựng thương hiệu từ chính doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đưa con cá tra đi xa trên thị trường thế giới./.
Thời gian làm các thủ tục thương mại qua biên giới với hàng xuất khẩu giảm hơn 57 giờ Theo kết quả khảo sát của Tổ công tác liên ngành về Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới năm 2019 và 2020 cho thấy tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 38,4 giờ, giảm 57,38 giờ so với năm 2019 (95,78 giờ). Ngành hải quan...