Đề xuất “cống hóa” 4 sông Hà Nội làm bãi đỗ xe
Đề xuất xây dựng các bãi đỗ xe thông minh bằng cách “cống hóa” 4 con sông và bãi giữa sông Hồng liệu có khả thi?
Nhu cầu mua sắm xe ô tô cá nhân của người dân tăng cao nên việc cung ứng thêm một số vị trí đỗ xe là cần thiết (Trong ảnh: Bãi đỗ xe thông minh trên phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội) Ảnh: Tạ Tôn
Bộ GTVT nhận được đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn (đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM) hiến kế xây dựng các bãi đỗ xe thông minh bằng cách “cống hóa” 4 con sông và bãi giữa sông Hồng để kéo giảm ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc này liệu có khả thi?
Đề xuất “lạ”?
Ông Mai Trọng Tuấn cho rằng, những năm gần đây, nhu cầu mua sắm xe ô tô cá nhân của người dân tăng cao. Các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội phải dùng mặt đường, thậm chí cả hè phố làm chỗ đỗ xe. Việc này không chỉ gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng mà còn dẫn đến bất cập là dịch vụ trông, giữ xe tự phát, trái phép mọc lên ngày càng nhiều. Vì thế, TP Hà Nội cần xây dựng thêm các giàn đỗ xe nổi (dàn đỗ xe thông minh). Trên cơ sở đó, ông Tuấn đề xuất 2 khu vực có thể thiết lập những giàn đỗ xe thông minh, liên hoàn, có sức chứa từ 20.000 – 30.000 xe ô tô cá nhân.
Cụ thể, khu vực thứ nhất là tận dụng không gian phía trên bề mặt các con sông gồm: Tô Lịch, sông Lũ, sông Sét, sông Kim Ngưu. 4 con sông này chạy từ phía Nam Hà Nội lên phía Tây qua các quận trung tâm, song song 2 bên đều có các con đường đã được mở rộng, tổng chiều dài khoảng 60km. Các giàn đỗ xe nổi có thể được hình thành theo hướng bắc ngang qua các con sông này, lắp ở hai bên nối vào các con đường có sẵn, làm ngang hoặc có thể làm thấp hơn mặt đường. Chiều cao của các giàn đỗ xe khoảng 20m (từ 6-9 tầng), chiều rộng khoảng 18-20m. Theo tính toán, nếu khoảng cách các giàn đỗ xe từ 500 – 1.000m/giàn (chiếm 1/60 diện tích mặt sông), Hà Nội có thể hình thành 120 giàn đỗ với sức chứa khoảng 14.400 xe ô tô.
Video đang HOT
Khu vực thứ hai được đề xuất là bãi giữa sông Hồng. Ông Tuấn cho rằng, hiện nay bãi giữa sông Hồng của Hà Nội ngày càng mở rộng về phía bờ Nam và không còn bị ngập. Vì vậy, có thể lấy vị trí này để làm một hệ thống đỗ xe với các giàn đỗ nhiều tầng, giải quyết nhu cầu đỗ xe cho cư dân các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Với phương án này, hệ thống giao thông kết nối cần làm là một số tuyến đường từ bờ đê xuống bãi đỗ và những cây cầu nhỏ.
Theo ông Tuấn, hình thành bãi đỗ xe ở hai khu vực trên sẽ giải quyết được một số vấn đề như: Không chiếm diện tích đất của các quận trung tâm; Không ảnh hưởng đến nhu cầu thoát nước, thi công nhanh, tiết kiệm chi phí… nhưng hoạt động sẽ gặp khó khăn lớn nhất là tâm lý ngại đi bộ của người dân hiện nay.
Nghiên cứu kỹ, tránh “hiệu ứng ngược”
Liên quan đến đề xuất này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, thời điểm hiện tại, quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội chỉ vào khoảng 8%, nhưng 80% trong số đó dành cho diện tích mặt đường phục vụ phương tiện đi lại. Do đó, việc cung ứng thêm một số vị trí đỗ xe là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Minh lưu ý, việc hình thành điểm đỗ phải hết sức thận trọng, tránh “hiệu ứng ngược”. Thực tế, nhiều bãi đỗ mọc lên không những không giải quyết được nhu cầu hiện tại, mà còn là nguyên nhân để người dân mua xe nhiều hơn, tắc lại hoàn tắc. Đối với đề xuất tận dụng mặt sông làm bãi đỗ, ông Minh cho rằng, giải pháp này sẽ mang tính đánh đổi. Cái được là không gian đỗ xe, cái đánh đổi gồm: Mỹ quan đô thị, điều tiết khí hậu, môi trường, cơ hội phát triển du lịch thủy nội địa trong tương lai.
Trong khi đó, ông Vũ Ngọc Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT Hà Nội) cho rằng, các con sông nằm trong phạm vi đề xuất này đều đang thực hiện chức năng thoát nước cho thành phố. Hàng năm, thành phố đều phải thực hiện nạo vét bằng dây chuyền cơ giới, việc xây dựng bãi đỗ xe ở trên sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác cải tạo lòng sông. Việc bê tông hóa cũng làm tăng nền nhiệt, tác động đến cuộc sống người dân xung quanh.
“Trường hợp bãi đỗ xe được hình thành theo đề xuất và đấu nối ra đường sẽ tạo ra nhiều điểm giao cắt, tình trạng ùn tắc có thể diễn biến phức tạp hơn. Thực tế, việc “cống hóa” để giải quyết nhu cầu đỗ xe cho người dân đã được TP Hà Nội thực hiện tại các con mương: Phan Kế Bính, Hào Nam, Nam Đồng… Những vị trí đó đều được xem xét, đánh giá tổng thể trên nhiều khía cạnh: Giao thông, môi trường trước khi thực hiện”, ông Thắng nói.
Liên quan đề xuất làm bãi đỗ xe tại khu vực bãi giữa sông Hồng, theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, chế độ thủy văn của sông Hồng rất phức tạp. Sông Hồng lại được xếp vào cấp đặc biệt, phục vụ giao thông đường thủy. Nếu hình thành bãi đỗ xe ô tô ở đây, việc làm đường kết nối sẽ chắn ngang dòng chảy hoặc sẽ tốn rất nhiều kinh phí để làm cầu nối đảm bảo tĩnh không thông thuyền.
Nam Khánh
Theo GTVT
Người điều khiển xe máy, xe đạp điện phải có bằng lái?
Hiện nay, người điều khiển xe máy, xe đạp điện không cần phải có GPLX. Tuy nhiên có thể trong thời gian tới quy định này sẽ được sửa đổi.
Các loại xe máy điện, xe đạp điện hiện nay không yêu cầu người điều khiển phải có giấy phép lái xe
Xe máy điện ngày nay rất phổ biến, đa dạng về mẫu mã, kiểu loại cũng như nơi sản xuất. Luật Giao thông đường bộ quy định, điều khiển xe máy điện không cần giấy phép lái xe. Tuy không cần giấy phép lái xe nhưng người điều khiển xe máy điện vẫn phải từ 16 tuổi trở lên và xe máy điện phải được đăng ký tương tự như xe máy.
Cụ thể, căn cứ theo quy định Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về tuổi, sức khỏe của người lái xe, theo đó: Độ tuổi của người lái xe quy định như sau: a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi..."
Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì: d) Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h.
Như vậy, xe máy điện là xe máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất không lớn hơn 4 kW và đối với người lái xe máy điện thì cũng chỉ có yêu cầu về độ tuổi là trên 16 tuổi. Và ngoài ra thì loại bằng lái thấp nhất là bằng lái xe A1 sẽ cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 mà xe máy điện thì không phải là xe mô tô và chỉ có dung tích dưới 50 cm3 nên sẽ không cần phải thi bằng lái.
Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia
Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, tương tự như loại xe máy dưới 50cc, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện trên 16 tuổi cũng không cần phải có bằng lái. Nhưng hiện nay, 90% các vụ TNGT mà học sinh, trẻ em bị thiệt mạng rơi vào các nhóm tự đi, từ 16 - 18 tuổi.
"Hiện nay, có nhiều các em học sinh dù chưa đủ 16 - 18 tuổi nhưng vẫn điều khiển xe đạp điện, xe máy điện. Nhóm này chưa được sử dụng xe đạp điện, xe máy điện mà nếu đi là sẽ bị phạt. Cái đó phải phạt bố mẹ chứ không phải trẻ em bởi để cho con em mình dưới 16 tuổi, chưa đủ tuổi đã giao xe, sử dụng xe thì đấy là lỗi của bố mẹ", ông Minh chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Minh, việc Luật Giao thông đường bộ hiện nay chưa yêu cầu người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện hay xe máy dưới 50cc phải có giấy phép lái xe là một lỗ hổng. Nên trong Luật Giao thông đường bộ sắp tới sẽ phải sửa. Có thể không cần bằng lái đầy đủ như người trưởng thành. Tuy nhiên chắc chắn ít nhất cũng phải là một loại chứng chỉ để đảm bảo các em từ 16 - 18 tuổi sử dụng các loại xe trên được học những luật cơ bản, nhận diện các biển báo cơ bản và đặc biệt có những kỹ năng cơ bản, tránh xe tải xe buýt thế nào, đi làm sao cho an toàn,... "Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi tới đây do Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) chủ trì. Ủy ban ATGT Quốc gia đã đưa kiến nghị về việc người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện cần có bằng lái", ông Minh cho hay.
Theo Giaothong
Tài xế xe điên ở đường Láng thừa nhận uống rượu bia, đạp nhầm chân ga Tại cơ quan công an, Tuyên thừa nhận đã uống 5-7 cốc bia lớn nên không làm chủ được tốc độ gây nên vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên đường Láng, Hà Nội. Sáng 23/4, chỉ huy Công an quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đơn vị đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với...