Đề xuất chính sách hỗ trợ Covid-19 đợt 2: Toàn cảnh các gói hỗ trợ đợt 1
Nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trên cơ sở của các chính sách và thực thi gói hỗ trợ lần 1, Chính phủ đang tính toán các chính sách hỗ trợ mới…
Trong 4 gói hỗ trợ, gói tiền tệ – tín dụng được đánh giá là khả quan.
Trong báo cáo cập nhật về chính sách hỗ trợ của các nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay cùng những kiến nghị đối với Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về các chính sách hỗ trợ đến thời điểm hiện nay của Chính phủ.
Theo đó, đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có 4 gói hỗ trợ (tổng giá trị thực – tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các TCTD cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019), bao gồm: Gói hỗ trợ tài khóa; Gói hỗ trợ tiền tệ – tín dụng; Gói hỗ trợ an sinh xã hội: Và các gói hỗ trợ khác.
Gói hỗ trợ tài khóa với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4/2020): Gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69,3 nghìn tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng). Tổng số tiền đã thực hiện tính đến ngày 31/7/2020 khoảng 56.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,2% quy mô gói hỗ trợ.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân tiếp cận hỗ trợ còn chậm là do các DN kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng; một số DN đã nộp tiền thuế thu nhập DN năm 2019 ngay trong quý I/2020; một số DN đã trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn; Cùng với đó là tâm lý e ngại thủ tục rườm rà nên cũng không mặn mà với gói hỗ trợ này.
Video đang HOT
Gói hỗ trợ tiền tệ – tín dụng giá trị ước tính 36,6 nghìn tỷ đồng (0,6% GDP), bao gồm: Phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1-2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600 nghìn tỷ đồng; Các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); Miễn, giảm lãi (giảm 0,5-1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); Miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác…
Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20-25%) cả năm 2020 của các TCTD và giảm thu ngân sách tương ứng. Song song với đó, NHNN cũng đã 2 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất. Theo NHNN, đến ngày 13/7/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng.
Với gói an sinh – xã hội, theo Nhóm nghiên cứu, thực tế gói này có giá trị khoảng 45,8 nghìn tỷ đồng (0,8% GDP), chứ không phải 62 nghìn tỷ đồng (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% khoảng 390 tỷ đồng); đến hạn, DN vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay. Tính đến ngày 13/7/2020, đã thực hiện giải ngân khoảng 12 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 12.000 hộ kinh doanh.
Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm, trong đó, gói 16.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được do: Điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn; Quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều DN e ngại; Ngoài ra, nhiều DN tự xoay sở.
Các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26 nghìn tỷ đồng (0,43% GDP), bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2020, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng với tổng số tiền 6.800 tỷ đồng (62,4%). Đối với gói giảm giá dịch vụ viễn thông, hiện chưa có thông tin công bố kết quả thực hiện cụ thể. “Có thể thấy trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ – tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục…” – TS Cấn Văn Lực đánh giá.
Quy mô gói hỗ trợ Covid-19 ở các nước
Theo Báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, các nền kinh tế lớn như Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada… đều liên tiếp công bố các gói hỗ trợ với quy mô trung bình tương đương 18% GDP. Tại châu Á, các quốc gia cũng đã có các gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn như: Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia khoảng 10-14% GDP; Trung Quốc (6,5% GDP); Việt Nam, Philippines, Indonesia có quy mô chỉ ở mức từ 1,5-6% GDP (theo IMF, McKinsey và tác giả tổng hợp).
Các gói tài khóa nhìn chung tập trung vào 9 mục đích chính: Đầu tư nghiên cứu, sản xuất vaccine và thiết bị y tế; Trợ cấp người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp; Chia tiền mặt cho người dân thu nhập trung bình và thấp; Cho vay lãi suất thấp đối với DN nhỏ và vừa và DN kiệt quệ tài chính, khó khăn thanh khoản; Cho vay, bảo lãnh vay vốn hoặc mua lại cổ phần các công ty; Cho phép giãn, hoãn nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, BHXH; Giảm thuế thu nhập DN và thuế thu nhập cá nhân; Kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ xuất khẩu; Có riêng gói an sinh xã hội.
Gói hỗ trợ lần thứ 2: Không "đong đếm" doanh nghiệp yếu hay mạnh
Trước tác động của Covid-19, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) lần 2 cần đồng đều và công bằng, bởi ngoài vấn đề kinh doanh của DN còn liên quan đến lao động, việc làm. Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - đã chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã kịp thời triển khai gói hỗ trợ "cứu" DN và người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá thì gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Gói hỗ trợ lần 1 được hình thành trong bối cảnh có tính bất ngờ cao, đó là Việt Nam chưa gặp bao giờ và thế giới cũng không có kinh nghiệm để học hỏi. Tuy nhiên, với sự chủ động, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ kịp thời, với nhiều Nghị quyết, Thông tư, Quy định nhanh chóng được ban hành, giúp DN sản xuất bị đình trệ hay DN phải đóng cửa do dịch Covid-19 vượt khó khăn; đặc biệt những lao động bị mất việc tại các DN ngành dịch vụ, vận chuyển đều được hưởng lời từ chính sách an sinh. Theo tôi, việc triển khai gói chính sách hỗ trợ đợt 1 của Chính phủ rất tích cực, ý nghĩa.
Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam
Tuy nhiên, vẫn có những chính sách chưa như kỳ vọng từ góc độ tiếp cận của DN, như: Chính sách giãn, hoãn nộp thuế, đóng bảo hiểm xã hội; hỗ trợ cho DN vay trả lương với lãi suất 0% chưa phù hợp. Còn chính sách về tín dụng, Nghị quyết của Chính phủ mang tính chủ trương nhiều hơn và chủ yếu giao về các Bộ, ngành triển khai thực hiện, từ đó "đẻ" ra nhiều quy định hướng dẫn mới. Đơn cử như Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước quy định giao các ngân hàng hàng thương mại triển khai chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên ngân hàng là tổ chức, DN có pháp nhân độc lập, mức đánh giá tín nhiệm khác nhau, quy trình kinh doanh khác nên việc áp dụng Thông tư cũng khác nhau. Vì thế, có ngân hàng thực hiện tốt chính sách, chủ trương của Chính phủ, ngược lại có ngân hàng lại không thực hiện được.
Hiểu nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ cho đúng
Nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm gói hỗ trợ mạnh tay và thiết thực hơn để "cứu" DN và người dân. Theo ông, gói hỗ trợ đợt 2 nên xây dựng như nào để đạt hiệu quả cao và trúng đối tượng?
Từ tính hiệu quả và những bất cập của gói hỗ trợ lần 1, việc xây dựng gói hỗ trợ đợt 2 cần tính toán lại. Các cơ quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hỗ trợ cho DN phải hình dung được DN cần hỗ trợ gì, tức là dựa trên cơ sở nhu cầu của DN. Bởi hơn 6 tháng chống chọi với dịch, nhiều DN đã có sự thay đổi lớn về định hướng, chiến lược kinh doanh.
Cụ thể, với DN lớn và vừa đang tính toán thay đổi nhà cung cấp nguyên vật liệu, tức là bắt đầu chuyển dịch, tìm kiếm kênh cung ứng, hay xuất khẩu mới từ nhiều quốc gia khác nhau để giảm độ rủi ro, do đó, chính sách cần tập trung hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, cách thức tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin nhà sản xuất, dự kiến chính sách thuế, đáp ứng nhu cầu của DN. Còn DN nhỏ và siêu nhỏ có xu thế thu gọn mặt hàng kinh doanh chủ lực, quy mô thị trường và dần chuyển sang khai thác, bán hàng qua kênh thương mại điện tử, nên các gói hỗ trợ cần nghiên cứu chính sách thuận lợi hơn về thương mại điện tử, đào tạo mô hình kinh doanh, cách thức giao dịch trực tuyến và nguồn nhân lực. Đặc biệt, Chính phủ nên cân nhắc, xem xét có quyết sách mạnh mẽ hơn về miễn, giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT một cách thiết thực.
Theo ông, gói hỗ trợ đợt 2 này nên ưu tiên "cứu" DN mạnh trước hay DN yếu trước?
Trong hoàn cảnh hiện nay, việc "đong đếm" cứu DN yếu hay mạnh là không nên. Bởi mỗi DN đều có vai trò khác nhau đối với nền kinh tế. Hiện, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có mục tiêu là hỗ trợ tạo chuỗi giá trị cho sản phẩm, tạo thế cạnh tranh ổn định, bền vững cho nền kinh tế, và trong chuỗi liên kết này phải có DN nhỏ và DN lớn. Vì vậy, gói hỗ trợ cần ưu tiên hình thành chuỗi khác nhau để tạo hệ giá trị sinh thái chung cho nền kinh tế.
Ngoài ra, hỗ trợ DN cần sự công bằng, bởi ngoài vấn đề kinh doanh của DN còn liên quan đến lao động, việc làm. Vì nếu không cứu DN này thì lao động thất nghiệp gia tăng, gây bất an cho xã hội và khi đó, kinh tế cũng sẽ không hoạt động được. Do đó, gói hỗ trợ lần 2 cần tính kỹ và triển khai theo cách thức khác nhau, phù hợp với thực tiễn của sức khỏe DN và nền kinh tế; ưu tiên gắn kết tạo chuỗi để tương thích với văn bản pháp luật sẵn có và có tính hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thêm các quy định, hỗ trợ tập trung cho ngành sản xuất có tính mũi nhọn, mang lại nguồn thu quốc gia lâu dài, ổn định.
Về phía Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ DN nâng cao năng suất; triển khai phối hợp với các bộ ngành về thông tin, pháp lý, đào tạo nguồn lực cho DN, trong đó tập trung hỗ trợ DN các thông tin về cơ hội tiếp cận thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.
Kiểm soát tốt các gói hỗ trợ, không đáng lo lạm phát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm trong tháng 5 song CPI bình quân 5 tháng vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong 3 năm nay. Giá thịt lợn vẫn cao, giá xăng dầu thế giới có dấu hiệu tăng trở lại, các chính sách kích cầu và hỗ trợ vốn cho nền...