Đề xuất bố trí hơn 7.000 tỷ đồng vốn nước ngoài cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn nước ngoài cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Ảnh tư liệu: Trung Nguyên/Báo Tin tức
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn nước ngoài cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo chủ trương cho phép chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với giá trị là hơn 7.036,6 tỷ đồng.
Trong đó, số tiền dùng để hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc là hơn 4.699,6 tỷ đồng và hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Tái thiết Đức là 2.337 tỷ đồng.
Giá trị nêu trên được tính toán theo tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 63/2022/QH15 và sẽ được chuẩn xác tại thời điểm hoạch toán chi phí vốn đầu tư đã thực hiện.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thủ tục đề xuất kế hoạch trung hạn cho dự án trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công (hiện dự án này mới có trong danh mục dự án trong nước trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công).
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Tuyến đường có tổng chiều dài 105,5 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 – 35m. Ngoài ra, dự án có hơn 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương.
Dọc tuyến đường cao tốc có 9 nút giao liên thông khác mức, 1 nút giao bằng tại Đình Vũ, 39 vị trí giao cắt trục thông khác mức, 105 cầu chui dân sinh cùng hệ thống đường gom tổng chiều dài 164,8km.
Video đang HOT
Triển khai xây dựng tuyến cao tốc này, các đơn vị thi công đã huy động gần 70 triệu m3 đắp nền, gần 14 triệu m2 vải địa kỹ thuật. Một khối lượng công trình rất lớn đã được hoàn thành như: 9 cầu lớn vượt sông tổng chiều dài trên 4.500m; 55 cầu trung, cầu vượt tại các nút giao tổng chiều dài gần 9.000m.
Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2015.
Cuộc cách mạng giao thông - những con đường ý Đảng lòng dân
Trong không khí hân hoan kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2022) và Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022), ngày 1/9, tỉnh Quảng Ninh tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Đây là mảnh ghép cuối cùng trên tuyến cao tốc dài 176 km dọc từ đầu tỉnh tiếp giáp Hải Phòng đến cuối tỉnh, nơi địa đầu của Tổ quốc; kết nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thành tuyến cao tốc phía Đông chạy dài gần 300 km, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh phía Bắc.
Tiên phong bỏ vốn địa phương làm đường cao tốc
Nút giao cuối tuyến nối với Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Tháng 9/2014, Quảng Ninh phát lệnh khởi công làm những km đường cao tốc đầu tiên trong bối cảnh nguồn lực cả nước còn nhiều khó khăn. Tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng vốn đầu tư khoảng 6.400 tỷ đồng; là tuyến đường cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho Quảng Ninh thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công tư (PPP). Sau 4 năm thi công, ngày 1/9/2018, Quảng Ninh có được 20 km đường cao tốc đầu tiên kết nối trực tiếp vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tiếp nối thành công trên, 4 tháng sau, tuyến cao tốc thứ 2 là Hạ Long - Vân Đồn dài khoảng 60 km, được đầu tư bằng hình thức BOT (đầu tư, khai thác, chuyển giao) được khánh thành vào ngày 1/2/2019. Tiếp đó, dự án cao tốc nối Vân Đồn với thành phố biên giới Móng Cái dài khoảng 80 km có tổng vốn đầu tư trên 12 ngàn tỷ đồng được triển khai vào tháng 4/2019; sẽ thông xe vào ngày 1/9/2022. Đây trở thành "mảnh ghép" cuối cùng của tuyến đường bộ cao tốc xương sống của tỉnh.
Quảng Ninh đã chia dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thành hai dự án độc lập; trong đó đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài hơn 16 km đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và đoạn Tiên Yên - Móng Cái dài trên 60 km đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Nhờ đó, tỉnh đã tháo gỡ được khó khăn về vốn cho nhà đầu tư và rút ngắn được thời gian thi công mặc dù trong suốt thời gian triển khai dự án chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19 và cơn bão giá về vật liệu xây dựng.
Tuyến đường đưa vào sử dụng kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể với các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam (gần 600 km); trong đó, Quảng Ninh là tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước với gần 176 km.
Khi đưa cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào hoạt động, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Móng Cải chỉ mất hơn 3 tiếng và từ Hải Phòng đến Móng Cái chỉ 1 tiếng rưỡi, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái của các tỉnh phía Bắc nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, đây là tuyến đường cao tốc của "Lòng dân và ý Đảng". Các địa phương, chủ đầu tư, các đơn vị thi công đã phát huy ý chí tiến công, vượt nắng thắng mưa, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, đáp ứng sự mong mỏi, niềm tin trong nhân dân. Công trình sẽ mở ra không gian, dư địa phát triển mới, mang tính đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, tạo ra chuỗi kết nối và phát triển vượt bậc cho các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh, tạo sức mạnh lan tỏa và thu hút các nhà đầu tư lớn.
Anh Ngọc Anh, người dân phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long chia sẻ, từ nay, người Quảng Ninh có tới ba lựa chọn đi đến các sân bay Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng) và Vân Đồn (Quảng Ninh) mỗi khi đi du lịch trong nước và quốc tế. Việc di chuyển tới các sân bay rất thuận lợi nhờ có đường cao tốc kết nối liên vùng.
Kết nối liên vùng phục vụ phát triển
Tuyến cao tốc rút ngắn thời gian từ TP Móng Cái đến TP Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh còn 1 giờ 30 phút (đi theo QL18 mất khoảng 3 giờ); từ Hà Nội đi cửa khẩu Móng Cái chỉ còn 3 giờ (hiện tại mất gần 6 giờ). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Tuyến cao tốc liên vùng Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái chạy qua các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh đã kiến tạo ra hành lang giao thông gắn với hành lang kinh tế, hành lang đô thị, mở ra không gian phát triển mới, tạo nguồn lực mới, cơ hội mới, động lực mới để Quảng Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương... Qua đó, tiếp tục khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về 3 đột phá chiến lược.
Trục cao tốc này còn kết nối hàng loạt khu công nghiệp, các đô thị và đặc biệt còn là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối đồng bộ với ba sân bay quốc tế gồm: Nội Bài (Hà Nội), Cát Bi (Hải Phòng) và Vân Đồn (Quảng Ninh); đồng thời kết nối với hệ thống cảng biển và logistics, các đầu tàu, cực tăng trưởng kinh tế của phía Bắc và các đô thị lớn; các khu kinh tế ven biển của Hải Phòng, Quảng Ninh và các khu kinh tế cửa khẩu với cửa khẩu quốc tế Móng Cái tạo ra những lợi thế so sánh khác biệt.
Từ trục cao tốc này, một ý tưởng liên kết kinh tế được hình thành. Tháng 7/2022, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 4 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức ký kết thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Đây là một sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của bốn địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) đều đưa ra định hướng "tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công nhấn mạnh, liên kết kinh tế bốn địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Bốn địa phương khi liên kết lại sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như: có cảng biển lớn quốc tế, cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc, có sân bay quốc tế, nguồn nhân lực dồi dào cùng không gian phát triển kinh tế rộng lớn và nhiều tiềm năng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký kỳ vọng, bốn tỉnh liên kết chặt chẽ, tìm kiếm các cơ hội, quyết liệt triển khai thực hiện với những cơ chế, chính sách đột phá về nhà ở cho công nhân, lao động, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp, làm giàu nguồn vốn con người và sẵn sàng chia sẻ nguồn vốn con người.
Việc liên kết bốn địa phương sẽ tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần so với Đà Nẵng; quy mô dân số gấp gần 6 lần Đà Nẵng, bằng khoảng gần 80% dân số Hà Nội và bằng gần 70% dân số TP Hồ Chí Minh.
Liên kết này cũng thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, trở thành cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Điều này phù hợp với bối cảnh khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng nền công nghiệp thế giới được xây dựng từ việc kết nối giữa các nhà máy, các khu công nghiệp với cảng biển, sân bay để hình thành chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Để khai thác hiệu quả triệt để tuyến cao tốc này, tháng 1/2022, Quảng Ninh đã cùng với hai tỉnh Hải Dương, Bắc Giang ký kết tăng cường hợp tác liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Ba địa phương thống nhất tiếp tục báo cáo Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (quy hoạch quy mô tối thiểu 4 làn xe); đầu tư, mở rộng Quốc lộ 37 đoạn Chí Linh - Lục Nam - Kép kết nối với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng. Các địa phương thống nhất, Hải Dương, Bắc Giang cần xây dựng các dự án giao thông kết nối với đường ven sông 10 làn xe nối cao tốc Hải Phòng - Hạ Long và xa hơn nữa là kết nối với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn để phát huy hiệu quả giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa ba địa phương.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Dự án hướng vào lợi ích của dân nên được người dân hưởng ứng, ủng hộ. Nhờ đó, khi thực hiện các dự án giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng ở Quảng Ninh, tiến độ giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cho rằng, yếu tố tiên quyết chính là tạo dựng được niềm tin trong lòng dân. Muốn làm được điều đó, công khai phải luôn đặt lên hàng đầu, chứng minh cho dân thấy bằng chính hiệu quả của những dự án được triển khai và quyền lợi của người dân không bao giờ bị bỏ lại.
Bộ GTVT thúc tiến độ hoàn thành thu phí tự động không dừng Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) và các nhà cung cấp dịch vụ triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu...