Đề xuất bổ sung quyền được chuyển giới trong Bộ luật Dân sự
Nói về quan điểm cần bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân vào trong Bộ luật Dân sự vì trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 5/2015.
Báo cáo về những vấn đề lớn xin ý kiến UB Thường vụ để chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng nay, 23/12, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề cập quan điểm mới về quyền nhân thân.
Bộ trưởng Tư pháp phân tích, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về quyền nhân thân (từ Điều 24 đến Điều 51) theo cách thức liệt kê cụ thể các quyền nhân thân. Dự thảo Bộ luật quy định về quyền nhân thân (từ Điều 32 đến Điều 52), về cơ bản tiếp tục quy định các quyền nhân thân như trong Bộ luật hiện hành.
Tuy nhiên, dự thảo do Chính phủ xây dựng có sửa đổi và bổ sung một số quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân…). Dự thảo Bộ luật đồng thời bổ sung một điều khoản chung về các quyền nhân thân khác theo quy định của luật (Điều 52) để bảo đảm hơn tính bao quát, dự báo của quy định về quyền nhân thân trong Bộ luật Dân sự.
Ông Cường cho biết, vấn đề này hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Bộ luật Dân sự không nên quy định theo cách liệt kê tất cả các quyền nhân thân của cá nhân mà chỉ nên quy định những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự.
Theo loại ý kiến này, cần cân nhắc không quy định trong Bộ luật dân sự một số quyền nhân thân như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo…
Lý do đưa ra là, quyền con người, quyền công dân, trong đó có các quyền nhân thân đã được ghi nhận đầy đủ trong Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản, do đó, không cần thiết và không nên quy định lại trong Bộ luật Dân sự. Việc chỉ quy định trong Bộ luật Dân sự những quyền nhân thân của cá nhân trong các quan hệ dân sự là phù hợp với tính chất, phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Kinh nghiệm của một số nước cũng cho thấy, trong Bộ luật Dân sự thường chỉ quy định quyền nhân thân để xác định tư cách chủ thể trong quan hệ dân sự.
Ngược lại, loại ý kiến thứ hai nhất trí với quy định như trong dự thảo Bộ Tư pháp soạn thảo: các quyền nhân thân của cá nhân đã được quy định trong Hiến pháp, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải được ghi nhận đầy đủ và cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự.
Bộ trưởng Tư pháp lập luận, với vị trí là luật cơ bản của toàn bộ hệ thống pháp luật, các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân về nhân thân mang tính quy tắc về pháp lý – chính trị. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự với tư cách là luật chung của hệ thống luật tư quy định những chuẩn mực ứng xử, quyền, nghĩa vụ giữa các chủ thể bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự. Do đó, cần phải cụ thể hóa các quyền con người, quyền công dân về nhân thân được quy định trong Hiến pháp vào trong các quan hệ dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự.
Việc quy định cụ thể các quyền nhân thân là để tạo thuận lợi hơn cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng có ý kiến cho rằng, cần bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân vào trong Bộ luật dân sự vì trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện nhu cầu này. Ngày càng có nhiều người đã thực hiện việc chuyển giới ở nước ngoài về nước, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của những người này.
Về vấn đề này, ông Cường nhận định, việc nghiên cứu, xem xét giải quyết vấn đề thực tiễn này là cần thiết. Tuy nhiên, do đây là vấn đề lớn, phức tạp nên cần phải có thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9.
Video đang HOT
Trước mắt, để quy định của Bộ luật dân sự có tính bao quát, tạo điều kiện thuận lợi cho pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, Điều 41 dự thảo Bộ luật về quyền xác định lại giới tính.
Ông Cường phân tích, thay vì quy định cụ thể các trường hợp được xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự hiện hành thì chỉ ghi nhận một nguyên tắc chung. Theo đó, cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua về việc sửa Bộ luật cũng thể hiện nhiều đề xuất bổ sung quyền bí mật gia đình, đặt vấn đề quy định về quyền được chết, bổ sung quy định giải quyết tranh chấp dân sự xảy ra đối với trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Một số quyền cụ thể như quyền về họ, tên (Điều 33), các đại biểu đề nghị quy định để quyền này không được ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc; đề nghị bổ sung quyền thay đổi họ tên, chữ đệm vào điều luật cho thống nhất.
Quyền xác định lại giới tính (Điều 41), nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc xác định lại giới tính trong trường hợp chuyển giới; quy định rõ người chưa thành niên, người thành niên có quyền xác định gới tính như thế nào…
P.Thảo
Theo Dantri
Kiến nghị "xử" luật sư Đôn là bất thường
Kiến nghị của công an, VKS và TAND TP Tuy Hòa đòi "xử" luật sư Võ An Đôn (bảo vệ cho gia đình anh Lê Thanh Kiều, người bị năm công an Phú Yên đánh chết) đã khiến nhiều chuyên gia pháp luật bất bình.
Ông VŨ XUÂN HẢI, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên:
Luật sư Đôn nói có gì sai?
Tôi không hiểu vì sao ba cơ quan tố tụng của TP Tuy Hòa lại ra công văn kiến nghị như vậy. Họ cho rằng luật sư (LS) Đôn xúc phạm những người tiến hành tố tụng thì phải nói cụ thể là xúc phạm người nào, xúc phạm như thế nào, thiệt hại ra sao.
Từ trước đến nay tôi chưa nghe nói LS xúc phạm những người tiến hành tố tụng. Nếu muốn nói gì phải đối chiếu với bút ký phiên tòa chứ không thể nói chung chung, mơ hồ như vậy. Nói LS Đôn vi phạm các điểm g, i khoản 1 Điều 9 Luật LS thì phải xem xét các chứng cứ. Chứng cứ nào để nói LS Đôn vi phạm hai điểm đó?
Các đề nghị của LS tại phiên tòa bao giờ cũng căn cứ vào hồ sơ. LS bảo vệ cho người bị hại có quyền đưa ra lý lẽ, chứng cứ để chứng minh quyền lợi hợp pháp của người bị hại. Khi LS thấy có dấu hiệu này, khác hoặc thấy cần thiết thì có quyền đưa ra các đề nghị. Ở đây, LS chỉ đề nghị chứ có buộc cơ quan tố tụng phải làm theo ý của họ đâu. LS Đôn đã thực hiện nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại bằng việc đưa ra những lý lẽ như vậy chứ có nói sai gì đâu. Còn việc chấp nhận hay không là quyền của HĐXX. Thực tế, trong các đề nghị của LS Đôn đã có một đề nghị được đáp ứng, đã thành hiện thực rồi đấy.
Từ kiến nghị của LS Đôn (giữa), ông Lê Đức Hoàn (trái) đã bị khởi tố và truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: TẤN LỘC
LS TRƯƠNG XUÂN TÁM, Ủy viên BCH Liên đoàn LS Việt Nam:
Kiến nghị "xử" luật sư Đôn là thiếu căn cứ
Cá nhân tôi cho rằng đây là một việc làm mang tính chất bất thường, thiếu tính thuyết phục và không có căn cứ rõ ràng.
Thứ nhất, kiến nghị cho rằng LS Đôn vi phạm điểm i khoản 1 Điều 9 Luật LS vì có những lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng. Đây là nhận định chưa vững chắc. Bởi theo chức năng, quyền hạn tại tòa, các LS được quyền đưa ra những kiến nghị liên quan đến những người trong HĐXX và cơ quan tố tụng, thậm chí cả người và cơ quan khác, nếu thấy rằng cần phải kiến nghị. Nếu thấy lời lẽ, lập luận của LS mang tính xúc phạm, ngôn phong vượt quá chuẩn mực thì chính HĐXX phiên tòa phải có ý kiến. Tòa có quyền nhắc nhở, đề nghị, lập biên bản, yêu cầu LS ra khỏi phòng xử, thậm chí đề nghị khởi tố LS ngay tại tòa. Nhưng trong các phiên xử đó HĐXX đã không có ý kiến, chứng tỏ hoạt động của LS Đôn lại phiên tòa là bình thường. Vậy hà cớ gì sau phiên tòa liên ngành tố tụng lại cho rằng LS đã xúc phạm người tham gia tố tụng và cán bộ lãnh đạo đương nhiệm?
Thực tế thì những điểm cơ bản trong kiến nghị của LS Đôn là đúng. Bằng chứng là ông phó trưởng Công an TP Tuy Hòa đã bị khởi tố, bốn bị cáo khác bị thay đổi khung hình phạt truy tố từ khoản 1 lên khoản 3. Điều này góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
Thứ hai, kiến nghị vận dụng điểm g cho rằng LS Đôn đã lợi dụng hành nghề LS, danh nghĩa LS để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đây cũng là nhận định chủ quan. Bởi lẽ sau phiên tòa, LS cũng có quyền phát ngôn về nội dung vụ án nếu tình tiết đó không thuộc bí mật đã được báo trước bằng văn bản của cơ quan tố tụng. Thực tế thì các tình tiết vụ án này đã được phơi bày tại phiên xử, không có gì thuộc diện bị cấm. Vậy thì phát ngôn của LS Đôn không thể coi là ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội.
Thậm chí việc phanh phui những góc khuất của vụ án, tố cáo việc sót người lọt tội của LS Đôn còn đáng khen ngợi. Lý do là nó đã có tác dụng lớn đối với niềm tin của nhân dân vào Nhà nước, vào cơ quan tố tụng trong việc quyết tâm xử lý đúng người, đúng tội. Nhờ việc mở lời của LS mà báo chí mới vào cuộc quyết liệt, đồng loạt phân tích những bất thường của vụ án.
LS BÙI QUỐC TUẤN, Đoàn LS TP.HCM:
Ai mới tạo thành điểm nóng?
Tôi cho rằng nên bãi bỏ hình thức kiến nghị liên ngành tố tụng, bởi nó giống như một sự tranh thủ ý kiến tập thể để kiến nghị giải quyết một vấn đề gì đó. Như vậy vô hình trung nó mất đi tính độc lập của cơ quan tố tụng và thiếu tính chịu trách nhiệm riêng. Nếu ở giai đoạn tố tụng nào mà có người vi phạm thì cơ quan tố tụng ấy cứ trực tiếp giải quyết hoặc tự mình kiến nghị, đề xuất.
Trong vụ này, không biết khi đặt bút ký vào kiến nghị thì các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa đã thận trọng chưa, đã tiên liệu kiến nghị của mình có thể sẽ nhận những phản ứng trái chiều dữ dội chưa. Bởi có khả năng kiến nghị này, cùng với vụ án dùng nhục hình trước đó sẽ vô hình trung "tạo thành điểm nóng không tốt cho dư luận xã hội" chứ không phải điểm nóng này do LS Đôn tạo nên.
Tất nhiên quá trình giải quyết, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ đưa ra những chứng cứ để chứng minh cho ý kiến của mình nhưng có vẻ như kiến nghị này không thuyết phục.
Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao:
Phát biểu của LS Đôn là bình thường
Nếu sự việc đúng như trình bày của LS Đôn trên Pháp Luật TP.HCM thì tôi cho rằng việc phát ngôn của LS là bình thường, không đến mức phải xử lý như kiến nghị của liên ngành tố tụng TP Tuy Hòa. Việc đề nghị giám đốc công an tỉnh phải từ chức với lý do phải chịu một phần trách nhiệm trước sai phạm của cấp dưới là đề nghị phù hợp. Tiếp đó, LS đề nghị khởi tố lãnh đạo công an và ngành kiểm sát vì cho rằng có liên quan thì cũng bình thường.
Những lời lẽ thiếu văn hóa nhằm xúc phạm người nọ người kia trước mặt đám đông phải được hiểu là nói bằng một văn phong thô tục, giọng điệu chế giễu, thậm chí bịa đặt. Còn nếu đưa ra kiến nghị, đề nghị trên cơ sở pháp lý thì không vấn đề gì. Tất nhiên, LS cũng không nên lạm dụng mà phải có dấu hiệu tội phạm thì mới kiến nghị.
Việc nhận định "sau phiên tòa LS Đôn có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế, cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án..." thì phải có chứng cứ rất cụ thể. Chẳng hạn LS tham gia phỏng vấn báo nào, bình luận trên mạng gì, tuyên truyền gì... đều phải phải in các bài viết ấy ra. Thậm chí có thể phải có hội đồng thẩm định xem những nội dung ấy có phải do đúng LS Đôn trả lời hay viết không, bởi sự giả danh, ngụy tạo trên mạng bây giờ không hiếm, và nội dung ấy có tới mức phải xử lý hay chưa.
Đoàn luật sư yêu cầu cung cấp chứng cứ Ngày 5-12, Ban Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Yên đã có cuộc họp xem xét công văn liên ngành của công an, VKS và TAND TP Tuy Hòa. Công văn liên ngành này kiến nghị Sở Tư pháp và Đoàn LS tỉnh này thu hồi chứng chỉ hành nghề LS đối với LS Võ An Đôn - người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại trong vụ án năm công an Phú Yên đánh chết anh Lê Thanh Kiều. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau cuộc họp, LS Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Yên, nói: Trước mắt Đoàn LS tỉnh Phú Yên yêu cầu các cơ quan tố tụng của TP Tuy Hòa phải cung cấp chứng cứ cho từng vấn đề nêu ra trong công văn kiến nghị. Khi có chứng cứ, chúng tôi thấy nếu có dấu hiệu vi phạm thì mới ra thông báo cho hội đồng khen thưởng kỷ luật của Đoàn LS làm việc, xác minh; nếu không có dấu hiệu thì thôi. "Vấn đề là chứng cứ phải đảm bảo đúng pháp luật, thuyết phục. Các cơ quan đó nói LS Đôn xúc phạm nhưng phải chứng minh xúc phạm ai, xúc phạm như thế nào chứ không thể nói vu vơ" - LS Thành cho biết. Cùng ngày, PV liên lạc với một lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Yên để tìm hiểu quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đối với vụ việc trên nhưng vị này nói bận họp và từ chối trả lời. Tương tự, lãnh đạo VKSND tỉnh, TAND tỉnh Phú Yên đều nói chưa có ý kiến gì.
Theo TẤN LỘC - THANH TÙNG
Pháp luật TP Hồ Chí Minh
Vụ năm CA đánh chết người ở Phú Yên: CA, tòa, viện đòi 'xử' luật sư Công an, tòa và VKSND TP Tuy Hòa kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ cho gia đình bị hại, vì cho rằng luật sư này xúc phạm nhiều người. Ngày 4-12, ông Huỳnh Công Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, cho biết cơ quan này đã nhận văn...