Đề xuất 35 tỷ đồng chống ngập đường Hồ Chí Minh
Để xử lý đoạn đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình thường xuyên úng ngập, Tổng cục Đường bộ đề xuất chi 35 tỷ đồng từ Quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa.
Theo Tổng cục Đường bộ, đoạn từ km909 đến km912 đường Hồ Chí Minh thuộc xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) được đưa vào khai thác từ năm 2003 với quy mô đường cấp 3 miền núi, mặt đường rộng 7 m.
Đây là đoạn đường đắp, hướng tuyến tương đối thẳng đi giữa thung lũng với 2 bên là núi cao bao quanh, phía phải tuyến có một khe nước rộng khoảng 15-20 m, sâu khoảng 8-10 m. Hàng năm vào mùa mưa lũ, lượng nước chảy qua khe thoát không kịp gây ngập nền, mặt đường sâu trung bình 0,4-1 m làm giao thông bị tắc nghẽn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện.
Mưa to khiến đường Hồ Chí Minh nhánh đông qua Quảng Bình ngập đến 3 mét. Ảnh: Chi cục quản lý đường bộ 2.3
Do vậy để khắc phục tình trạng ngập đường, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép đầu tư xử lý chống ngập đoạn đường Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình với giải pháp tôn cao nền, cải tạo hệ thống thoát nước, mở rộng lòng khe phía phải tuyến. Kinh phí dự kiến khoảng 35 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ trung ương năm 2017.
Hiện tại, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo Cục quản lý đường bộ II thường xuyên tuần tra, có biện pháp phân luồng cho người và phương tiện qua khu vực trên khi xảy ra tình trạng ngập nền, mặt đường.
Video đang HOT
Sau cơn mưa lũ lớn miền Trung ngày 13-16/10, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã khảo sát và đánh giá nhiều đoạn tuyến thường xảy ra ngập gây chia cắt cần được nâng cấp như đoạn km909-912 đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; một số vị trí trên quốc lộ 1A, dải phân cách trở thành vật cản ngăn nước. Sắp tới Bộ Giao thông sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan lên phương án thay thế bằng hệ thống dải phân cách mềm, dễ tiêu thoát nước.
Đoàn Loan
Theo VNE
Chuyên gia: 'Xây hồ trong Tân Sơn Nhất là kiểu chống ngập vá víu'
Theo các nhà khoa học và chuyên gia hàng không, việc xây hồ trong sân bay Tân Sơn Nhất để chống ngập chỉ là biện pháp "vá víu tạm thời" chứ không giải quyết được căn cơ vấn đề.
Nói về kế hoạch xây hồ điều tiết rộng 1,2 ha, sâu 5-7 m ở vị trí sân bóng đá mini Chảo Lửa trong sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP HCM) để chống ngập, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP HCM - HASCON) cho đây là đề xuất lãng phí và không mang lại hiệu quả.
Lãnh đạo thành phố và Tân Sơn Nhất khẳng định nguyên nhân sân bay ngập là do kênh, mương thoát nước bên ngoài bị lấn chiếm làm tắc dòng chảy thì chỉ cần khơi thông, cải tạo mở rộng những mương này là đủ.
"Hỏng chỗ nào thì sửa chỗ đó chứ, hệ thống thoát nước bị tắc lại đề nghị xây hồ trong sân bay để làm gì? Lỗi là của cái cống chứ bản thân sân bay đâu có bị ứ nước. Đề xuất xây hồ điều tiết là phi khoa học và hoàn toàn không nên làm", ông Phúc nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội tư vấn HASCON cho biết thêm, nếu đào hồ chứa thì phải có lối cho nước thoát. Bởi hồ thiết kế như đề xuất chí có thể chịu được 1-2 cơn mưa lớn, chứ 3-4 trận liên tục thì hồ sẽ đầy.
"Cho nên cái hồ để chống úng chống ngập trong thủy lợi người ta gọi là hồ điều tiết, tức là có lối cho nước ra ngoài bằng hệ thống cống, mương. Nhưng mấy cái đó ở ngoài sân bay đang tắc, nước trong hồ thoát đi đâu? Đào cái hồ đấy làm gì?", ông Phúc nhận định.
Kênh A41, một trong 3 hướng thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất trước đây rộng 8 m nhưng nay nhiều đoạn chỉ còn 1-2 m. Ảnh: Hữu Công
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP HCM - nói rằng, xây hồ điều tiết trong sân bay chỉ là giải pháp chống ngập tình thế, cục bộ và "không nên làm". Người Pháp làm Tân Sơn Nhất 80 năm trước ở khu vực cao nhất Sài Gòn, có hệ thống thoát nước ra 3 con kênh rất tốt; tình trạng ngập mới xảy ra là do những kênh này bị nghẹt.
"Nước xuống sân bay không chảy đi hết nên người ta muốn tạm thời cho nó vào hồ chứa. Nhưng nếu trời mưa liên tục, hơn 200 mm như vừa qua liệu cái hồ 1,2 ha có chứa nổi không? Căn cơ là khi nước mưa xuống sân bay phải có lối thoát nước ra ngoài liền. Chứ còn trữ nước lại trong sân bay là chỉ vá víu, đối phó tạm thời", ông Tống nói.
Mặt khác, ông Tống cho rằng, nếu xây hồ sâu 5-7 m dưới mặt đất thì nước không thể chảy đi đâu được. "Khi đó có khi lại phải tốn tiền lắp thêm máy bơm để bơm nước đi? Mà đi đâu hay vẫn phải chảy ra các kênh xung quanh. Cái gốc của vấn đề là các mương quanh sân bay phải đảm bảo được việc thoát nước. Mà nếu làm được điều này thì không cần phải xây hồ chứa làm gì. Vừa rồi Chủ tịch thành phố đã đi kiểm tra và tìm ra những nơi bị lấn chiếm làm tắc dòng chảy đó, phải xử lý ngay đi", ông nói.
Theo PGS Trần Thiện Tống, khi đưa ra các nguyên nhân gây ngập sân bay, còn một yếu tố mà cơ quan chức năng không nhắc đến là sân golf rộng 160 ha trong sân bay Tân Sơn Nhất. Sân golf ở vị trí cao cũng là một lý do gây ngập sân bay do nước mưa tràn xuống những chỗ thấp hơn.
Tương tự, cựu Trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Lê Trọng Sành đánh giá, Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế lớn nhất nước, rộng mấy trăm ha mà đào hồ chứa nước 1,2 ha thì "chẳng ăn thua".
Thời gian qua nhiều trận mưa lớn đã làm ngập bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác; tình huống nghiêm trọng nhất được cho là có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn cấp nạo vét, duy tu thường xuyên để đảm bảo thoát nước qua rạch A41 trong mùa mưa. Các hành vi lấn chiếm, xâm hại trái phép hệ thống thoát nước phải có biện pháp xử lý, tránh ảnh hưởng đến dòng chảy của rạch. Quận Tân Bình cũng đề xuất đầu tư Dự án cải tạo mương Nhật Bản (phường 2) với số vốn 360 tỷ đồng để giải quyết ngập cho sân bay.
Mới đây, Cục Hàng không đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với Bộ Quốc phòng, chấp thuận phương án xây hồ điều hòa tại khu vực đất quốc phòng (hiện là sân bóng mini Chảo Lửa), nhằm thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, có thể giải quyết ngập úng cục bộ cho khoảng 20 ha sân đỗ máy bay.
Hữu Nguyên
Theo VNE
TP.HCM: Phân công lãnh đạo chống ngập, kẹt xe Những vấn đề "nóng" của TP.HCM như ngập nước, rác thải, ùn tắc giao thông,... sẽ do Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa phụ trách, bên cạnh sự điều hành chung của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong. Bên cạnh sự điều hành chung của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khoa sẽ phụ trách công tác chống ngập cho...