Đề xuất 2 xe hộ tống bảo vệ khi vận chuyển hàng đặc biệt
Theo Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng tấn công, cướp tiền của một số ngân hàng thương mại trong quá trình vận chuyển và tại phòng giao dịch, cướp tại các tiệm vàng bạc, đá quý có xu hướng phát triển với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó Bộ Công an đề xuất bố trí 2 xe hộ tống bảo vệ đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt.
(Ảnh minh hoạ)
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Tờ trình dự thảo nghị định gửi tới Bộ Tư pháp cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến mục tiêu bảo vệ có hàng đặc biệt và quá trình bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt đã xảy ra với tính chất mức độ rất phức tạp trên thế giới.
Tại Việt Nam, tình hình tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng tấn công, cướp tiền của một số ngân hàng thương mại trong quá trình vận chuyển và tại phòng giao dịch, cướp tại các tiệm vàng bạc, đá quý có xu hướng phát triển với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
Bộ Công an dẫn chứng một số vụ điển hình: Ngày 23/11/2007, đối tượng Nguyễn Đình Sự cướp hơn 600 triệu đồng và 12.000 USD tại Phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng Quân đội (tầng 1 tòa nhà CT4, khu đô thị Sông Đà, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội); ngày 25/8/2008, một nhóm tội phạm cướp 920 triệu đồng tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Đại Dương (390 phố Bạch Mai, phường Bạch Mai, Hà Nội); ngày 5/4/2010 xảy ra vụ cướp hơn 90 triệu đồng tại chi nhánh Ngân hàng TMCP Hàng hải Maritimebank trên đường La Thành, Hà Nội; cuối năm 2011, xảy ra vụ cướp có vũ trang tại cây ATM của Ngân hàng Agribank, chi nhánh Ninh Giang (Hải Dương),…
Trong khi đó, công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt trong thực tiễn ở các đơn vị, địa phương đã và đang bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Đáng chú ý là cơ chế chỉ huy, phối hợp, thông tin báo cáo và phương tiện trang bị còn lạc hậu, biên chế tổ chức, chất lượng đội ngũ chưa đáp ứng với yêu cầu do lĩnh vực bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật có hiệu lực cao ở cấp Chính phủ để điều chỉnh.
Chính vì vậy, Bộ Công an khẳng định cần phải hoàn thiện quy định của pháp luật có liên quan đến công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng cảnh sát cơ động phát huy hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.
2 xe hộ tống bảo vệ đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt
Video đang HOT
Theo dự thảo nghị định, hàng đặc biệt là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước có giá trị đặc biệt quan trọng, bao gồm tiền đồng Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, tài sản quý (vàng bạc, kim khí quý, đá quý và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; cổ vật, bảo vật quốc gia do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển.
Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt là xe chuyên dùng trên đường bộ hoặc phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không phải đủ điều kiện tham gia giao thông; điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Xe chuyên dùng vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ phải được trang bị các phương tiện kỹ thuật về giám sát hành trình, thông tin liên lạc và các thiết bị khác phục vụ công tác bảo vệ. Bố trí 2 xe hộ tống bảo vệ đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt, trong đó 1 xe dẫn đầu và 1 xe đi cuối xe hoặc đoàn xe chở hàng đặc biệt.
Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt trên đường sắt phải đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt và các dụng cụ, vật liệu cần thiết để gia cố, bảo vệ các container hàng được ổn định, vững chắc và an toàn trên đường vận chuyển.
Hàng đặc biệt khi gửi vận chuyển trên phương tiện đường thủy nội địa, đường hàng không phải được đặt trong các thùng chứa hàng hoặc container chuyên dùng và không để cùng với hành lý của khách đi trên phương tiện.
Tại điều 8 dự thảo cũng quy định rất nhiều lực lượng bảo vệ vận chuyển. Trong đó, lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm: Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ Công an có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan Nhà nước ở trung ương yêu cầu; Cảnh sát Cơ động thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu.
Lực lượng phối hợp bảo vệ vận chuyển gồm: CSGT được giao trách nhiệm tăng cường lực lượng, phối hợp bảo vệ trên tuyến vận chuyển hàng đặc biệt; các lực lượng khác thuộc công an nhân dân; dân quân tự vệ tại các địa bàn,…
Phối hợp quốc tế trong công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt
Dự thảo nghị định đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức khác có liên quan để tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt.
Đồng thời chỉ đạo, tổ chức lực lượng cảnh sát nhân dân xây dựng kế hoạch, phương án, vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt.
Bên cạnh công tác đào tạo, huấn luyện lực lượng cảnh sát nhân dân vũ trang, Bộ Công an sẽ trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật và thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.
Thế Kha
Theo Dantri
Nỗi khổ của ông bố vợ khi con rể là nghi phạm vụ cướp ngân hàng
Bố vợ nghi phạm cướp hơn 700 triệu đồng từ ngân hàng ở Huế đã kể về việc đứa con rể cất giấu tang vật vụ cướp dưới gầm giường ngủ của mình.
Liên quan đến vụ "Bắt nghi phạm cướp hơn 700 triệu đồng từ ngân hàng ở Huế", sáng nay (20.12), PV Dân Việt đã về gia đình bố vợ nghi phạm Nguyễn Hoàng Tâm là ông Nguyễn Tuyến (SN 1952, ngụ thôn Hà Úc 4, xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) để tìm hiểu việc Tâm cất giấu tang vật vụ án.
Ông Nguyễn Tuyến - bố vợ nghi phạm Nguyễn Hoàng Tâm. Ảnh An Sơn.
Ông Tuyến kể, vợ chồng ông có 10 người con và chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1991, vợ Tâm) là con thứ 8. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên từ năm 1990 ông Tuyến vào Đăk Nông mưu sinh bằng nghề thợ rèn. Cách đây 3 năm, ông đưa Xuân vào tỉnh này làm nghề cắt tóc. Vào Đăk Nông khoảng 1 năm thì Xuân và Tâm quen biết rồi yêu và cưới nhau.
"Lúc yêu con gái tôi, hàng ngày Tâm bán hàng tạp hóa phụ giúp gia đình từ sáng đến tối. Thấy Tâm mồ côi cha, lại hiền lành và chăm chỉ làm ăn nên tôi gả con gái cho nó"- ông Tuyến kể.
Ông Tuyến cho biết, sau khi cưới nhau được vài tháng, vợ chồng Tâm chuyển ra Đà Nẵng kiếm sống. Tại đây, Xuân làm nghề cắt tóc, còn Tâm do không có nghề nghiệp gì nên chỉ chăm sóc con cái. Mặc dù sinh sống ở Đà Nẵng nhưng Tâm đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Vinh An. "Nhập hộ khẩu ở đây nhưng nó rất ít khi ra nhà tôi, từ khi cưới đến giờ nó chỉ ra vài lần"- ông Tuyến nói.
Nói về vụ Tâm cướp 725 triệu đồng tại Phòng giao dịch Thành Nội của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên- Huế (29 Mai Thúc Loan, TP.Huế) vào lúc 17h ngày 6.12, ông Tuyến bảo ông không hề biết và không thể ngờ con rể mình lại hành động như thế. "Khoảng 19h ngày 6.12, Tâm chạy xe máy về nhà tôi. Lúc đó tôi đi nằm sớm, vợ tôi đang xem tivi thì nó mở cửa vào. Vợ tôi hỏi Tâm "con đi mô về", nó trả lời "con đi giao hàng nên ghé thăm ba mẹ"- ông Tuyến nhớ lại.
Bức ảnh cưới của vợ chồng Tâm treo tại gia đình ông Tuyến. Ảnh An Sơn.
Cũng theo lời ông Tuyến, đến sáng 7.12, sau khi Tâm ngủ dậy và ăn sáng cùng vợ chồng ông thì Xuân điện thoại cho ông bảo không rõ Tâm đi đâu. Xuân hỏi ông Tuyến rằng chồng cô có ra Huế không, ông Tuyến trả lời Tâm đang ở nhà mình. Sau đó Xuân bồng con bắt xe từ Đà Nẵng ra Huế gặp chồng. Đến khoảng 17h cùng ngày, sau khi ăn cơm cùng vợ chồng ông Tuyến, vợ chồng Tâm đưa con vào lại Đà Nẵng.
"Vì không đọc báo, xem ti vi nên tôi không hề biết đã xảy ra vụ cướp ngân hàng ở TP.Huế. Chiều chủ nhật vừa rồi, công an về nhà tôi khám xét, hỏi giường của tôi ở đâu. Sau đó công an lôi ra từ gầm giường của tôi một cái ba lô, trong ba lô có một khẩu súng và một ít tiền"- ông Tuyến cho hay.
Ông Tuyến bảo rằng, ông hoàn toàn không hay biết việc Tâm đã cất giấu cái ba lô ở dưới gầm giường của mình. Khi công an nói đây là các tang tang vật của vụ cướp ngân hàng ở TP.Huế mà thủ phạm là con rể ông thì ông mới tá hỏa. Theo nhận định của ông Tuyến, có thể nhân lúc vợ chồng ông không để ý Tâm đã lén giấu các tang vật trên dưới gầm giường của ông. "Lúc về đây sau khi cướp ngân hàng, Tâm chỉ tặng tôi một gói bánh bảo "để ba uống trà" chứ không đưa cho tôi tiền hay bất cứ thứ gì khác"- ông Tuyến khẳng định.
Đôi mắt mờ đục của ông Tuyến chợt ứa nước khi nói áp lực mà gia đình ông phải gánh chịu do sự đồn đoán của dư luận. Sau khi Tâm bị bắt, dư luận cho rằng gia đình ông đã che giấu cho hành vi phạm tội của con rể khiến vợ chồng ông rất đau khổ. Ông Tuyến nghẹn lời: "Gia đình tôi không liên quan gì đến hành vi cướp ngân hàng của Tâm. Vợ chồng tôi rất buồn khi con rể của mình gây ra vụ cướp táo tợn như thế".
Như Dân Việt đã đưa tin, vào khoảng 17h ngày 6.12, tại Phòng giao dịch Thành Nội của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên- Huế xảy ra vụ cướp ngân hàng táo tợn. Vào thời điểm trên, khi các nhân viên ngân hàng đang kiểm đếm tiền, một đối tượng bịt khẩu trang đã mang súng bắn bi xông vào khống chế nhân viên rồi cướp đi 725 triệu đồng tiền mặt. Sau khi gây án, đối tượng đã lên xe máy rồ ga tẩu thoát.
Sau nhiều ngày điều tra, Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế xác định nghi phạm thực hiện vụ cướp chấn động trên là Nguyễn Hoàng Tâm (SN 1987). Vào lúc 10h30 ngày 18.12, cơ quan điều tra đã bắt giữ Tâm khi đối tượng này đang cùng vợ khai trương cửa hàng bán thực phẩm chức năng ở quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng.
Theo Danviet
Vụ cướp ngân hàng ở Huế: Thông tin quý giá từ chủ quán nhậu Một trong những nguồn tin quý giá nhất là từ một ông chủ quán nhậu ơ TP. Huế (Thưa Thiên-Huê), nơi nghi phạm đã vào ăn... Như Dân Việt đã đưa tin, vào khoảng 17h ngày 6.12, tại Phòng giao dịch Thành Nội của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thừa Thiên-Huế (29 Mai Thúc Loan, TP.Huế) xảy ra vụ cướp ngân hàng táo...