Dễ tử vong nếu nhầm sốt rét với sốt xuất huyết
Một bệnh nhân tại Đồng Nai mới đây nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM) trong tình trạng nguy kịch vì mắc sốt rét nặng, trong khi trước đó bị chẩn đoán nhầm là sốt xuất huyết.
Một bệnh nhân 25 tuổi quê Sóc Trăng cũng vừa tử vong do nhập viện viện trễ, bệnh đã diễn tiến qua giai đoạn nặng, hôn mê, bị tổn thương đa cơ quan, rối loạn đông máu. Trước đó, khi có biểu hiện sốt cao, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt để uống và sau đó khi đi khám thì được chẩn đoán bị sốt cảm cúm thông thường, đến lúc nhập viện thì đã quá muộn.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, sốt xuất huyết dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh có biểu hiện sốt trong đó có bệnh sốt rét và ngược lại. Do bệnh sốt xuất huyết và bệnh sốt rét có triệu chứng ban đầu thường là sốt cao, run lạnh nên khó phân biệt. Để chẩn đoán người bệnh bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết cần dựa thêm vào yếu tố dịch tễ và làm một số xét nghiệm xác định không quá phức tạp.
Bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Ảnh: D.N
Video đang HOT
Về dịch tễ, người thăm khám cần hỏi kỹ người bệnh có đang sống ở vùng sốt rét hoặc vừa từ vùng sốt rét trở về hay không. Bên cạnh đó, bệnh nhân nếu có triệu chứng sốt cao khi sống trong vùng có dịch sốt rét hoặc từ vùng sốt rét trở về thì cần nhanh chóng nhập viện thăm khám, đồng thời cần nói rõ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Việc chẩn đoán bệnh sốt rét chủ yếu dựa trên xét nghiệm phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong máu, được thực hiện khá đơn giản, vấn đề quan trọng là người khám bệnh có cảnh giác, có nghĩ đến nó hay không để thực hiện sớm ngay từ đầu. Trên thực tế, bệnh sốt rét trước đây khá nhiều nên bác sĩ rất cảnh giác với căn bệnh này. Hiện nay bệnh sốt rét ít dần, trong khi đó sốt xuất huyết lại bùng phát mạnh mẽ nên khi bệnh nhân đến khám mà chỉ có biểu hiện sốt, người ta thường nghĩ đến sốt xuất huyết mà “quên đi” sốt rét. Thêm nữa, xét nghiệm cơ bản hay làm cho người bệnh là công thức máu mà kết quả thường là không có sự khác biệt giữa sốt xuất huyết và sốt rét.
“Các bác sĩ khi thăm khám bệnh nhân có sốt nên lưu ý đến 2 bệnh trên và sớm cho làm xét nghiệm để xác định chẩn đoán hoặc loại trừ. Có trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết, sốt rét khi nhập viện không có biểu hiện sốt do ngoài cơn sốt hoặc đã uống thuốc hạ sốt trước đó hoặc do bệnh đã diễn tiến nặng, có biểu hiện sốc”, bác sĩ Hùng cảnh báo.
Bác sĩ Hùng cho biết, bệnh sốt rét nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng thuốc đặc trị sẽ khỏi bệnh, nếu để chậm trễ bệnh có thể chuyển nặng, ác tính gây biến chứng não, gan, suy thận và xuất huyết…, dễ dẫn đến tử vong. Trong khi đó, sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc đặc trị, việc chữa trị chủ yếu là hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng và hồi sức cấp cứu khi bệnh diễn tiến nặng. Như vậy nếu chẩn đoán nhầm sốt rét là sốt xuất huyết sẽ dẫn đến trường hợp bệnh có thể điều trị bằng thuốc đặc trị thì lại không được dùng, dẫn đến hậu quả xấu.
“Tuy nhiên, trong điều trị bệnh sốt xuất huyết, do chưa có thuốc đặc trị nên khó có thể lường trước diễn biến bệnh, không thể tránh khỏi trường hợp bệnh nhân được nhập viện sớm nhưng bệnh vẫn diễn tiến nặng, tử vong. Trên thực tế, việc nhập viện sớm không giúp cho bệnh sốt xuất huyết không bị trở nặng (sốc, xuất huyết, suy gan, suy thận…) mà giúp cho bệnh nhân nhận được sự hỗ trợ đúng, kịp thời, không chậm trễ khi diễn tiến bệnh bất thường, đột ngột do đó giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Sai lầm phổ biến là nhiều người khi sốt thường tự ý cho dùng thuốc hạ sốt hơn 4-5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể làm tổn thương gan nặng nề, che giấu triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, nhiều người khi hết sốt thì chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Bệnh nhân sốt xuất huyết khi chuyển nặng, bị sốc sẽ không sốt. Nếu người bệnh đột ngột hết sốt từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của bệnh nhưng có những biểu hiện bất thường: tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói, đờ đẫn thì cần được nhập viện ngay.
Hiện chưa có văcxin phòng ngừa sốt xuất huyết. Để phòng bệnh cần tích cực chủ động diệt muỗi, lăng quăng. Không để các vật dụng chứa nước có thể sinh muỗi trong nhà. Cần dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, không ẩm thấp, phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng quanh nhà. Các chum vại chứa nước cần được cọ rửa, vệ sinh kỹ, đậy kín nắp. Chú ý treo mùng khi ngủ, kể cả ngủ vào ban ngày.
Theo VNE
Nghiên cứu vắc-xin chống sốt rét từ dơi
Những con dơi sống trong các khu rừng ở Tây Phi là chỗ ẩn náu của hàng loạt các loại ký sinh trùng sốt rét nhưng loài dơi vẫn sống bình thường.
Theo GS Susan Perkins, thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York - Mỹ, các loài ký sinh trùng sốt rét đã sống trên loài dơi ở đây từ hàng triệu năm trước nhưng loài dơi đã tiến hóa để có thể thích nghi với chúng. Nếu hiểu được cách loài dơi chống bệnh sốt rét, các nhà nghiên cứu có thể tạo ra một loại vắc-xin cho căn bệnh nguy hiểm này.
Dơi có thể dùng để nghiên cứu tìm ra loại vắc-xin phòng chống sốt rét Ảnh: Independent
Theo nghiên cứu được đăng tải gần đây trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học đã nghiên cứu mẫu máu của 274 con dơi thuộc 31 loài khác nhau ở vùng rừng Liberia, Guinea và Côte d'Ivoire. Trong số dơi được xét nghiệm, có 40% bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Tuy nhiên, ký sinh trùng sốt rét tìm thấy trên các con dơi này không giống như loại ký sinh trùng gây sốt rét trên người nên cũng không có nguy cơ lây nhiễm. Loại ký sinh trùng ở dơi này lại có nhiều đặc điểm giống với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium ở chuột rừng, cho thấy có thể có sự lây nhiễm giữa 2 loài.
Bệnh sốt rét trên người hiện được gây ra bởi vài loài thuộc chi Plasmodium, một loại ký sinh trùng đơn nhân. Các ký sinh trùng sốt rét có thể được truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi cắn. Gần một nửa dân số thế giới bị đe dọa bởi bệnh sốt rét, với hơn 660.000 ca tử vong mỗi năm.
Với nghiên cứu này, các nhà khoa học có thể thấy được sự đa dạng của ký sinh trùng Plasmodium, từ đó có thể hiểu được các bước tiến hóa và vai trò của chúng trong chuỗi tuần hoàn tự nhiên, đồng thời cũng tìm cách lý giải khả năng đề kháng cao kỳ lạ của loài dơi đối với bệnh sốt rét để có thể phát triển một loại vắc-xin hiệu quả ngăn ngừa bệnh sốt rét cho con người.
Theo VNE
10 bệnh gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam Mười dịch bệnh nguy hiểm, gây tử vong nhiều nhất năm 2012 tại Việt Nam gồm: bệnh dại, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não virút, uốn ván sơ sinh, sốt rét, não mô cầu, liên cầu lợn, tiêu chảy và cúm H5N1. Thông tin trên vừa được ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)...