Để Trung Quốc và Nhật tin nhau
Nhân Dân Nhật Báo ngày 21-6 đăng một bài trích phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời về kết quả một khảo sát, theo đó 84% người dân Nhật có thái độ tiêu cực đối với TQ.
Đồng thời, tỉ lệ người Trung Quốc có thái độ tương tự với Nhật Bản cũng rất cao.
Hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản bắt một tàu cá Trung Quốc trong vùng biển gần đảo Điếu Ngư – Ảnh: haijiangzx.com
Ông Hồng Lỗi phát biểu: “Trung Quốc và Nhật Bản cần tôn trọng các nguyên tắc của bốn văn kiện chính trị mà hai nước đã từng ký kết, đồng thời bảo vệ sự phát triển mạnh khỏe và ổn định của các quan hệ song phương… Bốn văn kiện đó là hòn đá tảng của việc phát triển quan hệ hai nước. Hai nước cần cố gắng hết sức làm mọi việc góp phần vào sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời phải mạnh mẽ chống lại bất cứ gì làm tổn hại sự tin cậy đó”.
Lời kêu gọi trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi có vẻ như muốn cho thấy Trung Quốc cũng muốn tiếp thu kết quả khảo sát do China Daily đỡ đầu, được Tổ chức Genron NPO của Nhật Bản thực hiện, sau khi nhận ra rằng để cho có đến 84% người Nhật bình thường phải “nổi giận” thì nhất định đó không phải là chánh đạo phải đi.
Tuy không có những khảo sát khác để so sánh, song có lẽ hiếm có một nước nào trên thế giới, kể cả Mỹ – nước từng là cựu thù đẫm máu của Nhật và hiện vẫn bị dân chúng Okinawa bực dọc đòi rút quân đồn trú đi, có được một tỉ lệ “bất mộ” cao đến 84% như thế nơi người dân Nhật! Nếu cứ để cho bấy nhiêu người Nhật bình thường không ưa Trung Quốc thì còn gì nữa bao công lao xây dựng sức mạnh mềm!
Phát biểu “hiếu hòa” của ông Hồng Lỗi hôm 21-6 thật khác với những phát biểu trước đó 10 ngày của một người phát ngôn khác tên Lưu Vi Dân về việc một số người Nhật ra đảo Senkaku/ Điếu Ngư câu cá!
Thế nhưng, trên thế gian này không chỉ Nhật Bản mới có lãnh thổ tranh chấp với Trung Quốc: đông, tây, nam, bắc, trên đất liền, dưới biển, trên non cao… cũng có tranh chấp cả. Có nơi đã từng chiến tranh, thậm chí đến mấy lần; có nơi lấn chiếm cũng mấy lần; có nơi mấy mươi năm trước còn đứng xa trên bờ lặng nhìn hạm đội 7 của Mỹ ngang dọc; có nơi mới vừa va chạm đến hai tháng! Tiếc là ở những nước này chưa có khảo sát độc lập nào tương tự như ở Nhật để xem thế thái nhân tình như thế nào!
Tất nhiên, với các nước ấy không phải không có điều kiện giải quyết tranh chấp, hàn gắn niềm tin, phát triển hữu nghị. Vấn đề là đừng tự lôi kéo vào cám dỗ “nhậm ngã hành” (làm theo ý mình mà thôi) để rồi động binh theo lẽ của sức mạnh!
Muốn thế, không gì bằng tìm đến một sự tài phán quốc tế, thay vì nhất mực “Không được quốc tế hóa vấn đề biển Đông” như hôm 20-6 tác giả Trung Thắng còn gân cổ trên China.org.cn! Chẳng phải chính Trung Quốc mới vừa được lợi từ sự tài phán quốc tế này hay sao?
Trong cuộc họp báo thường lệ hôm 11-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân đã hoan hỉ cho biết “các khuyến cáo của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa đã không thừa nhận yêu sách của Nhật Bản bên ngoài thềm lục địa căn cứ trên dải đá ngầm Okinotori. Cách xử lý của ủy ban (này) là sòng phẳng và hợp lý, đúng với luật pháp quốc tế… Trung Quốc hoan nghênh quyết định này”.
Theo Tuổi Trẻ