Để Tèo kể cho nghe về tô bánh canh bạch tuộc đất Thủ
Là dân địa phương chính hiệu, thường tự xưng với bạn bè là “thổ địa” các món ngon đất Thủ Dầu Một ( Bình Dương), Tèo thường ghé quán mỗi khi có dịp và dần dà khám phá ra nhiều điều thú vị của quán bánh canh đặc sắc này.
Tô bánh canh thơm phức, cay cay với bạch tuộc, tôm, trứng, và nước chấm ớt xanh độc đáo
Điều ngạc nhiên đầu tiên đối với Tèo là bánh canh quán này được làm hoàn toàn thủ công, khách vào chủ quán mới ép bột và xắt thành từng sợi.
Sợi bánh làm từ bột mì, ăn vừa giống loại mì dai giòn của người Hoa, vừa giống mì Ý, vừa giống mì Udon (có người bảo giống mì Ramen) Nhật Bản.
Hẳn quán có công thức pha trộn riêng nên ngoài hương vị đặc trưng của bột mì nguyên chất, sợi bánh còn có độ dẻo, dai, mịn và béo ngậy vừa phải, tự nhiên.
Chưa tới ba phút ngồi đợi chủ quán làm bánh mà tuyến nước bọt của Tèo phải làm việc liên tục vì cái sự ngào ngạt đang tỏa ra từ nồi nước lèo thơm lừng!
Rồi sự chờ đợi nào cũng được đền đáp. Tô bánh canh với những khúc bạch tuộc to, múp míp, tươi ngọt (Tèo ăn nhiều lần rồi mới dám “phán” câu này) cùng con tôm sú, quả trứng cút (hoặc trứng ốp-la, tùy chọn).
Điểm thêm lá xà lách xanh um được dọn ra chiếc bàn tre mộc mạc với lủ khủ gia vị kèm theo: nào là chanh ớt xắt miếng, bột ớt khô, chai nước mắm mặn, nước tương, và nhất là chén nước chấm ớt xanh nho nhỏ.
Sợi bánh được làm thủ công
Nhân tiện, Tèo “bật mí” luôn là giá một tô như thế sẽ làm bạn rất bất ngờ và hài lòng.
Sau nhiều lần thưởng thức món này, Tèo tự kết luận rằng, dù bột bánh, nước dùng, cách thức nêm nếm tất thảy đều được chủ quán chế biến một cách công phu, nhưng chính loại nước chấm ớt xanh này kết hợp với cái dai giòn sần sật của từng miếng bạch tuộc khi nhai mới làm nên món bánh canh bạch tuộc “không đụng hàng”, nói theo ngôn ngữ của nhỏ Tám.
Điều thú vị kế tiếp là sự… “quê” của Tèo ở lần đầu tiên (cười). Số là, dù thằng Năm, nhỏ Tám khăng khăng bảo quán tuy đơn sơ, nhỏ hẹp nhưng nằm trên trục đường chính nên rất dễ tìm, thế mà Tèo tôi phải đáo qua đáo lại đến 4-5 vòng mới “định vị” được tọa độ.
Thì ra, quán nằm trên đường Yersin, giữa hai địa điểm tâm linh nổi tiếng đất Bình Dương là Chùa Bà Thiên Hậu (nổi tiếng với lễ hội Rằm tháng Giêng) và Chùa Hội Khánh (có tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam), hay chính xác hơn là đối diện Bệnh viện Y học Cổ truyền Bình Dương, dưới tán một cây mận sum suê, mát rượi.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cái sự tẽn tò của Tèo không dừng lại ở đó. Lần đầu tiên ấy, tìm được quán vào khoảng hơn 7 giờ tối. Tèo xăng xái dắt xe tiến vào, để rồi nghe: “Dạ, quán nghỉ rồi anh ơi! Mai anh đến sớm hơn nghen!”.
Sau này, Tèo biết quán chỉ bán từ 4 giờ chiều cho tới khi nào hết… 30 tô thì thôi, nên vào những ngày đông khách, chỉ 2-3 tiếng là hết. À há! Mà cái “phiên bản giới hạn” 30 tô mỗi ngày cũng có lý do của nó. Tèo sẽ kể tiếp ngay sau đây.
Điều thú vị cuối cùng Tèo chỉ vô tình biết được vào một chiều nọ khi quán bất ngờ đông đúc: những 9 khách cùng lúc! Sân quán nhỏ chỉ có 2 bàn với 4 chiếc ghế tre giản dị nên Tèo được xếp vào… phòng khách trong nhà (do là khách quen nên được ưu ái).
Quán nhỏ đơn sơ dưới tán cây mận sum suê
Wow! Nhờ vậy mà Tèo có dịp tìm hiểu “nội tình” quán qua những bức ảnh gia đình treo tường và tỏ rằng bên dưới căn nhà nhỏ đơn sơ này là một “cái lò” từng sản sinh ra một tiến sĩ (Nhật), hai thạc sĩ (trong nước), và sắp sửa có thêm một tiến sĩ, một thạc sĩ nữa “ra lò” – theo lời cô em gái xinh xinh, hay chuyện của anh chủ quán.
Và, vị thạc sĩ tương lai ấy chính là anh chủ quán có gương mặt khắc khổ nhưng có nét giống trai Hàn kiểu K-Pop celebs (sau lần đó Tèo mới để ý thấy nha!).
Sở dĩ quán bán với số lượng giới hạn (và nghỉ chủ Nhật) là để anh ấy theo đuổi việc học. Hy vọng sau khi nhận bằng, anh chủ quán sẽ bán nhiều hơn chút và trễ hơn chút mỗi ngày để ông bà, cô bác, anh chị, bồ tèo gần xa có dịp thưởng thức món bánh canh bạch tuộc đặc sắc khi đến/về Bình Dương quê tôi.
Nghĩ Tèo tôi cũng ích kỷ thật! Một khi đã xong thạc sĩ thì anh ấy sẽ làm gì đó đúng ngành nghề hơn, tạo ra giá trị cao hơn chứ! Ở đó mà bán bánh canh cho Tèo ăn hoài!
Mới hay, cuộc sống thay đổi từng ngày. Mọi hiểu biết của ngày hôm qua có thể làm ta trở nên ngờ nghệch hôm nay. Tèo cứ nghĩ mình là “thổ địa” các món ngon đất Thủ, ai dè chỉ là ếch ngồi đáy giếng.
Còn nhiều món ngon chưa được “điểm danh” không chỉ ở vùng đất Thủ hiền lành, hiếu khách của Tèo, mà còn rất, rất nhiều món ngon khác từ khắp mọi miền đất nước. Và, đằng sau mỗi món ngon là những dư vị làm ta nhớ mãi.
Cũng như trong câu chuyện này, ẩn trong từng sợi bánh canh, từng giọt mồ hôi, mỗi vá nước lèo là một mục tiêu đáng trân trọng. Chúc anh chủ quán mến thương những điều tốt đẹp nhất!
TÈO
Chiều Sài Gòn nhớ Huế, chạy đi húp tô bánh canh 'Mạ tôi'
Có những chiều Sài Gòn thèm da diết cái vị cay, vị mặn và thèm nghe tiếng nói quê mình... tôi phải chạy ù đến quán "Mạ tôi" húp lẹ một tô bánh canh bởi nó sặc sụa cái hương vị của miền Trung từ người bán, thức ăn cho đến cách phục vụ.
Tô bánh canh nóng hổi múc ra từ chiếc nồi đặt trước hiên nhà phong cách rất Huế - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Chỉ cần nghe tên của quán cũng đủ để biết đó là một hàng quán của người miền Trung bởi chẳng đâu ở xứ này gọi mẹ bằng mạ như dân Trung.
Từ "Mạ tôi" xuất hiện giữa Sài Gòn khiến tôi - một người con miền Trung - khi bắt gặp quán lần đầu, không đành lòng lơ đi mà phải tấp vào nếm thử một tô bánh canh.
Bạn bè tôi thường nói chẳng cần đi đâu xa, ở Sài Gòn có đủ tất cả các món từ mọi miền, Bắc - Trung - Nam.
Bạn nói đúng nhưng chưa đủ, bởi món thì phải rồi nhưng vị thì chưa chắc. Sống nhiều năm, tôi cứ mãi đi tìm trong thế giới ẩm thực của Sài Gòn đôi ba món cho đúng hương vị quê nhà nhưng vẫn chưa ưng ý.
Mãi cho đến khi tìm ra quán "Mạ tôi" thì mình như kẻ lang thang giữa sa mạc bỗng phát hiện được một vũng nước mát rượi, lao ngay vào húp một ngụm ngọt bùi cho cho thỏa mãn cơn khát.
Cái vị cay của nước, vị dai của sợi bánh canh, cái giòn của miếng chả cua và cái nặng của tiếng nói miền Trung khiến tôi như đã tìm ra được một chút quê nhà giữa Sài Gòn.
Ớt ngâm nước mắm, thứ gia vị không thể thiếu - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Quán do một gia đình người Huế, gốc gác ở phố cổ Bao Vinh bên dòng sông Hương vào Sài Gòn nấu nướng đã hơn chục năm nay.
Quán nhỏ nằm bên góc đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh), chỉ kê mấy chiếc bàn nhựa nhưng chiều nào cũng đông kín khách.
Nồi bánh canh nóng hổi đặt trước hiên nhà, bên hông là cả một rổ chả, giò, gia vị... vây quanh người bán đậm phong cách của người Huế như bao gánh hàng rong khác ở Đông Ba, ở Gia Hội hay An Cựu ngoài Huế.
Nếu kêu một tô đầy đủ, quán sẽ bưng ra một tô bánh canh có chả Huế, chả cua, ghẹ biển, trứng cút, giò khoanh và một cục huyết trông hấp dẫn.
Trên bàn ăn lúc nào cũng có một chén ớt tươi ngâm nước mắm để những người ăn cay, tùy theo khẩu vị mà cho thêm ớt rất miền Trung.
Món bánh canh ngon bởi vị cay nồng của ớt và tiêu, thứ gia vị được người miền Trung nêm nếm rất phóng khoáng - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Chỉ cần húp một hớp là đã thấy ngay cái "chất Trung" trong vị nước bởi rất đậm đà, mặn mòi của vị nước mắm và cay xè của vị tiêu.
Cắn thêm miếng chả Huế nữa thì ngon "dức xương" (phương ngữ - ý nói ngon đến tận xương) bởi miếng chả rất giòn và luôn luôn có những hạt tiêu nguyên trộn trong chả, khi cắn vỡ đôi cay nồng.
Bánh canh ở đây cũng đặc biệt bởi cắt sợi bằng tay nên sợi ngắn, sợi dài, sợi to, sợi nhỏ rất dân dã. Cả sợi bánh canh và vị nước canh rất đậm đà mà người Trung thường gọi bằng một phương ngữ rất đặc trưng là "trặm trịa".
Thịt ghẹ biển tươi ngon ăn vào vị vừa ngọt, vừa bùi rất đặc đặc trưng - Ảnh: LÊ HIẾU GIANG
Bên cạnh ẩm thực ngon, cái khiến tôi cảm thấy "ngon tai, ngon mắt" là bởi sự phục vụ điềm đạm, chân chất của những con người Huế.
Ăn riết thành quen, tôi hỏi ra mới biết vì quán do mạ nấu, mấy đứa con phục vụ, bưng bê nên đặt luôn tên quán là "Mạ tôi". Nghe vừa thân thương lại vừa rất đặc trưng vùng miền.
Thực lòng, có những hôm quán nghỉ vào ngày rằm hay quán nghỉ Tết cả một tháng trời khiến tôi nhớ quán đến da diết, thầm trách quán "nghỉ chi mà lâu rứa".
Nhưng tôi hiểu, vốn dĩ người Trung là vậy, túc tắc, đủng đỉnh chơi cho hết ba ngày Tết, bảy ngày xuân nên vẫn chờ đến ngày quán mở để đi ăn ngay một tô đầu tiên cho đỡ nhớ.
Tôi vốn dân Quảng Trị, suốt quãng thời gian sinh viên Đại học Huế ăn không biết bao nhiêu là quán bánh canh từ cá lóc ở Phú Bài, cá rô Thuỷ Dương cho đến bánh canh cua O Bướm cầu Gia Hội, bánh canh Thành Nội hay bánh canh chả ở lăng vua Duy Tân...
Mỗi nơi đều có một hương, một vị riêng nhưng cái chung vẫn là cái đậm đà, cái cay nồng của gia vị nên thiếu vị đó thì thành ra không phải là món Trung.
Cứ mỗi lần húp tô bánh canh là lại nhớ quê, nhớ mẹ. Dù ai có mạnh mẽ cách mấy đi nữa thì khi ly hương, xa cha mẹ mà bỗng dưng bắt gặp lại cái giọng nói, cái hương vị của quê nhà, của món ăn mẹ ta nêm nếm từ thuở ấu thơ thì chẳng ai mà không xao xuyến, chạnh lòng.
Cái hay của ẩm thực là ở chỗ đó, nó ngon chưa phải vì là sơn hào hải vị mà đôi khi ngon chỉ vì ta thấy được quê hương, thấy được hình bóng mẹ ta trong hương vị của món ăn dù rất giản đơn, đạm bạc.
Món ăn nào khiến ta nhớ da diết quê hương, nhớ da diết cha mẹ mà tìm về thì đó là món ăn ngon nhất của cuộc đời.
LÊ HIẾU GIANG
Vật đổi sao dời nhưng bánh canh chị Nga vẫn ngon như 20 năm trước Nhiều năm rồi, đến như vật đổi sao dời mà vẫn còn nhìn thấy gánh bánh canh của chị. Tô bánh canh vừa múc ra dậy lên mùi ngọt thơm của tôm khô cùng sợi banh canh sừng sựt. Có một gánh bánh canh gắn bó rất lâu ở một khu cư xá, rời đi là dặn lòng không lưu luyến... Nhưng rồi...