Đệ nhất danh tướng của Tào Tháo khiến Tôn Quyền suýt chết
Trong số “ngũ tử lương tướng” của Tào Ngụy, có một danh tướng được mệnh danh “bách chiến, bách thắng”, từng suýt chút nữa đã có thể lấy mạng Tôn Quyền.
Trương Liêu là một trong những dũng tướng thành công nhất thời Tam quốc.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. La Quán Trung phác họa hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có phần cảm tính, chưa thật đúng với con người Tào Tháo. Loạt bài này sẽ tập trung khai thác câu chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời Tào Tháo và những khía cạnh Tam quốc diễn nghĩa chưa đề cập.
Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung chỉ tập trung khắc họa, đề cao hình tượng anh hùng của các danh tướng nhà Thục Hán mà bỏ qua những chiến công của đại tướng Tào Ngụy Trương Liêu.
Sử sách Trung Quốc chép lại, xét trên phương diện mưu lược, thống lĩnh đại quân trên chiến trường thì khó có danh tướng dưới trướng Tào Tháo nào vượt qua được Trương Liêu.
Cuốn Tam quốc chí của Trần Thọ xếp Trương Liêu vào danh sách “ngũ tử lương tướng” của Tào Ngụy, cùng với Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp và Từ Hoảng.
Danh tướng “bách chiến, bách thắng”
Trương Liêu (169-222), tự Văn Viễn, là người huyện Mã Ấp, Nhạn Môn (nay là Sóc Châu, Sơn Tây, Trung Quốc).
Sự nghiệp của Trương Liêu thời trẻ khá lận đận. Ông giữ chức quan nhỏ trong thời gian ngắn, sau đó được Thứ sử Tinh Châu là Đình Nguyên mời về phụng sự.
Năm 189, Trương Liêu nhận lệnh vào kinh gặp Hà Tiến, tướng lĩnh nhà Đông hán. Hà Tiến cử Trương Liêu đi Hà Bắc chiêu mộ quân sĩ. Khi trở về Lạc Dương với 1.000 quân thì Hà Tiến đã bị hoạn quan Trương Nhượng sát hại.
Thủ hạ của Hà Tiến là Viên Thiệu đem quân vào hoàng cung báo thù, giết được một số hoạn quan. Lợi dụng tình hình rối loạn, Đổng Trác áp đảo Viên Thiệu và trở thành người thao túng triều chính. Trương Liêu khi đó đi theo Đổng trác.
Trương Liêu hầu như chưa từng thua trận trên chiến trường.
Năm 192, Đổng Trác bị Lữ Bố giết. Trương Liêu lại theo Lữ Bố, làm chức kị đô uý. 6 năm sau, Tào Tháo giết chết Lữ Bố còn Trương Liêu cuối cùng cũng hàng Tào. Nhận ra Trương Liêu là người có tài nên Tào Tháo nhất quyết thu nhận, phong làm trung lang tướng.
Cuộc đời Trương Liêu gắn liền với những cuộc chiến dai dẳng. Trương Liêu cùng Tào Tháo nam chinh bắc chiến, tham gia thảo phạt Viên Thiệu, bình định Hà Bắc, chiếm Kinh Châu. Nhờ lập nhiều công trạng mà ông trở thành danh tướng nổi bật nhất của Tào Tháo.
Tào Tháo diệt Viên Thiệu, sau đó dẫn Trương Liêu theo tới Lê Dương chinh phạt liên quân Viên Đàm-Viên Thượng. Nhờ chiến thắng này mà Trương Liêu được Tào Tháo thăng làm Trung Kiên tướng quân.
Trương Liêu theo Tào Tháo trong mọi cuộc chiến, từ chiến dịch tấn công Âm An, đến đánh Nghiệp Thành, hạ Triệu Quốc, Thường Sơn.
Khi Trương Liêu trở về Nghiệp Thành, Tào Tháo đích thân nghênh đón và cho ngồi chung xe. Trương Liêu được phong làm Đãng Khấu tướng quân. Chiến công của Trương Liêu ngày càng “dày thêm” nhờ chiến thắng trước Lưu Bị ở Kinh Châu, bình định các huyện Giang Hạ. Ông được sắc phong Đô Đình Hầu.
Ngoài năng lực đã được chứng minh trên chiến trường, Trương Liêu còn được người đời sau đánh giá là chiến lược gia tài năng.
Năm 215, khi Tào Tháo muốn đích thân dẫn đại quân bắc phạt, Trương Liêu đã thẳng thắn can gián: “Hứa Xương là nơi đô hội trong thiên hạ. Thiên tử (Hán Hiến Đế) đã hùng cứ Hứa Xương. Nay thừa tướng nghìn dặm bắc phạt, nếu Lưu Biểu phái Lưu Bị đánh lén thì tình thế rất nguy hiểm”.
Trương Liêu vừa là vị tướng tiên phong dũng mãnh, vừa là chiến lược gia đại tài.
Không nằm ngoài dự đoán, Lưu Bị hiến kế để Lưu Biểu tấn công Hứa Đô nhưng Lưu Biểu không dám. Điều này đã thể hiện tầm nhìn xa của Trương Liêu.
Video đang HOT
Sử gia Trung Quốc về sau nhìn nhận, Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung tập trung phác họa tướng lĩnh Thục Hán, đặc biệt là 3 huynh đệ Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi nên khiến cho các danh tướng Tào Ngụy hay Đông Ngô trở nên mờ nhạt.
Trên thực tế, trong hàng chục năm thống lĩnh đại quân chinh chiến, Trương Liêu gần như chưa từng bại trận, “công thủ song toàn”. Thành tích này dù là đại tướng nhà Thục Hán hay Đông Ngô cũng không làm được.
Người khiến Tôn quyền ôm hận
Trận đánh kinh điển, tô đậm thêm hình tượng Trương Liêu chính là cuộc đụng độ với Tôn Quyền trong trận Hợp Phì.
Năm 208, sau khi đại bại ở Xích Bích, Tào Tháo phái Trương Liêu, Lý Điển, Nhạc Tiến đóng quân ở Hợp Phì. 7 năm sau, Tôn Quyền thống lĩnh tới 100.000 quân tấn công Hợp Phì. Lực lượng Tào Ngụy cố thủ khi đó chỉ có 7.000 người.
Tào Tháo khi đó đang chiến đấu ở Hán Trung, không thể chi viện cho Hợp Phì. Trong tình thế nguy cấp như vậy, Trương Liêu vẫn bình tĩnh. “Nếu ngồi đợi viện binh của Tào công đến nơi, thì quân ta đã bị Đông Ngô tiêu diệt. Chỉ có cách duy nhất là chủ động tấn công trước. Làm vậy có thể tiêu hao sĩ khí Đông Ngô, làm yên lòng quân, mới thủ được thành”.
Sử sách Trung Quốc chép lại, ngay trong đêm đó, Trương Liêu dẫn 800 quân tinh nhuệ đột kích doanh trại Tôn Quyền. “Trương Liêu mặc giáp, tiên phong dẫn quân giết hàng chục kẻ địch, trảm 2 tướng”.
Phác họa hình ảnh Trương Liêu.
Bị tập kích bất ngờ, quân Đông Ngô rối loạn, Tôn Quyền không kịp trở tay. Sau khi xốc lại lực lượng, thấy Tào Ngụy có ít người nên mới ra lệnh phản kích. Trương Liêu thậm chí còn phá vòng vây Đông Ngô, giải cứu quân sĩ của mình rồi vừa đánh vừa lui quân.
Quân Đông Ngô tuy đông nhưng trước sức chiến đấu của Trương Liêu thì “không ai dám” cản bước.
Sau trận tập kích bất ngờ này, Tôn Quyền đã mất đi sự tự tin vốn có còn quân sĩ ai nấy đều hoang mang. Tôn Quyền vây hãm Hợp Phì 10 ngày không có kết quả đành phải rút lui.
Chưa dừng lại ở đó, biết được tin Tôn Quyền cùng các tướng lui về đến Tiêu Dao Tân Bắc, lực lượng chủ lực Đông Ngô đã rút về từ trước, Trương Liêu lập tức dẫn kỵ binh nghênh chiến.
Hai tướng Cam Ninh cùng Lữ Mông vất vả chống đỡ với Trương Liêu. Trong tình thế Tôn Quyền đối mặt với giữa sự sống và cái chết, tướng Đông Ngô là Lăng Thống dẫn theo 300 quân phá vòng vây Tào Ngụy.
Toàn bộ những người này đều chết trận, bản thân Lăng Thống bị thương nặng. Ông chỉ rút lui khi biết Tôn Quyền đã an toàn. Một thời gian ngắn sau đó, Lăng Thống qua đời bị bệnh tật ở tuổi 28.
Tượng Trương Liêu vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Thất bại cay đắng ở Hợp Phì, tổn thất binh sĩ, tướng giỏi là những ký ức đau đớn mà Tôn Quyền suốt đời không quên.
Bảo vệ thành công Hợp Phì là chiến công nổi bật nhất của Trương Liêu mà Tào Tháo không ngớt lời ca ngợi. Sau này, khi đến Hợp Phì, Tào Tháo luôn nhắc lại trận chiến kinh điển của Trương Liêu.
Sau khi Tào Tháo mất năm 220, Trương Liêu vẫn được Tào Phi trọng dụng. Ông nhiều lần thống lĩnh đại quân giao chiến với Đông Ngô.
Năm 221, Tôn Quyền xua quân đánh Ngụy, biết tin Trương Liêu vẫn ra trận thì tỏ ra sợ hãi nói: “Trương Liêu tuy có bệnh nhưng vẫn dũng mãnh không thể cự được, nhất định phải cẩn thận”.
Khác với Tam quốc diễn nghĩa phác họa, Trương Liêu thực tế qua đời năm 222 vì bệnh tật, ở tuổi 54.
Ba năm sau, Tào Phi truy niệm chiến tích của ông ở Hợp Phì, hạ chiếu thư: “Chiến dịch Hợp Phì, Trương Liêu và Lý Điển chỉ dùng 800 bộ binh mà đánh bại 10 vạn quân địch, tự cổ dùng binh chưa có ai được như thế. Kẻ địch đến nay vẫn khiếp sợ, hai tướng Trương, Lý quả là nanh vuốt của triều đình”.
Theo Đăng Nguyễn – Tổng hợp (Dân Việt)
Đối thủ xứng tầm nhất khiến Tào Tháo ngậm ngùi nhận thua
Trong trận chiến tại Nhu Tu Khẩu năm 213, Tôn Quyền dù yếu thế hơn nhưng đã khéo léo chặn bước tiến Tào Ngụy, đồng thời khiến cho Tào Tháo phải rút quân trong danh dự.
Tôn Quyền là đối thủ xứng tầm nhất trong cuộc đời Tào Tháo.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. La Quán Trung phác họa hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có phần cảm tính, chưa thật đúng với con người Tào Tháo. Loạt bài này sẽ tập trung khai thác câu chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời Tào Tháo và những khía cạnh Tam quốc diễn nghĩa chưa đề cập.
Tôn Quyền (182-252), tự là Trọng Mưu, người Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phú Dương, Chiết Giang).
Ông là con trai thứ hai của "mãnh hổ Giang Đông" Tôn Kiên, em trai của Tiểu Bá Vương Tôn Sách. Tôn Kiên và Tào Tháo từng là đồng minh trong chiến dịch thảo phạt Đổng Trác, ấn hưng nhà Hán.
Tôn Quyền là người sáng lập nhà Đông Ngô, một trong ba thế lực nổi lên thời Tam Quốc, bên cạnh Tào Ngụy của Tào Tháo và Thục Hán của Lưu Bị.
Sau khi đại bại trước liên minh Lưu Bị-Tôn Quyền trong trận Xích Bích năm 208, Tào Tháo lui binh, cố thủ phương Bắc, tập trung tái thiết lực lượng.
Thời điểm này là "cơ hội vàng" để Tôn Quyền xây dựng lực lượng, phô trương thanh thế. Chỉ 5 năm sau, ông đã trở thành thủ lĩnh Đông Ngô, sánh ngang với Tào Ngụy.
Đối thủ xứng tầm nhất của Tào Tháo
Cũng trong khoảng thời gian này, Tào Tháo thống lĩnh 40 vạn đại quân thân chinh xuống phía nam, đối đầu quân Đông Ngô ở Nhu Tu Khẩu. Khi đó, Tào Tháo nóng lòng muốn báo thù thất bại tại Xích Bích.
Để tăng cường phòng tuyến, Tôn Quyền đã dời dô từ Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang, Giang Tô) về Mạt Lăng (Nam Kinh ngày nay), ra lệnh bằng mọi giá không cho quân Tào vượt sông Trường Giang.
Tôn Quyền đồng thời thống lĩnh 7 vạn quân nghênh chiến Tào Tháo. Quân số này chỉ bằng khoảng 1/6 lực lượng phe Tào.
Đại chiến Xích Bích đánh dấu thất bại đầu tiên của Tào Tháo dưới tay Lưu Bị-Tôn Quyền.
Tuy nhiên, Tào Tháo không thể ngờ rằng quân Đông Ngô lại chiến đấu gan dạ đến như vậy, diệt hàng ngàn quân Ngụy ngay trong lần đụng độ đầu tiên. Tào Tháo chuyển sang chiến lược cố thủ, chờ thời cơ trong khi Tôn Quyền nhiều lần khiêu chiến bất thành.
Sử sách Trung Quốc chép lại, Tôn Quyền từng đích thân ngồi chiến thuyền tiến sâu vào nơi quân Ngụy hạ trại. Điều này khiến cho thuyền Đông Ngô không may hứng trọn mưa tên.
La Quán Trung mượn sự kiện này để viết thành kế "thuyền cỏ mượn tên" của Gia Cát Lượng. Ý đồ của tác giả là muốn nâng cao vị thế của Khổng Minh trong con mắt người đọc.
Trên thực tế, địa điểm xảy ra sự kiện trên cũng không phải ở Xích Bích mà là Nhu Tu Khẩu, sau đó 5 năm.
Có một lần khác, Tôn Quyền lại dẫn thuyền vào gần địa phận quân Tào rồi khiêu chiến, khua chiêng gõ trống ầm ĩ.
Tướng lĩnh Tào Ngụy muốn xuất quân ứng chiến, nhưng bị Tào Tháo ngăn lại, nói: "Đó là Tôn Quyền tới thăm dò quân ta đó thôi", và lệnh cho ba quân phòng bị, không phóng tên.
Tôn Quyền thấy Tào quân không dám phóng tên thì yên tâm tiến về phía trước, quan sát kỹ lương doanh trại Tào Tháo rồi mới rút về. Điều này cho thấy Tôn Quyền không hề lo sợ Tào Tháo.
Kế "thuyền cỏ mượn mưa tên" của Gia Cát Lượng thực chất là do La Quán Trung hư cấu từ sự kiện Tôn Quyền giao chiến với Tào Tháo sau đó 5 năm.
Suốt một tháng như vậy, Tào Tháo thấy quân đội Đông Ngô hàng ngũ chỉnh tề, ra vào như chỗ không người, để lại câu nói bất hủ: "Sinh con phải được như Tôn Trọng Mưu. Đám con của Lưu Cảnh Thăng chỉ là đồ chó lợn".
Lưu Cảnh Thăng còn có tên là Lưu Biểu - thủ lĩnh quân phiệt giai đoạn đầu thời Tam quốc. Các con của Biểu là Lưu Tông và Lưu Kỳ bị Tào Tháo xem như bất tài vô dụng.
Các học giả Trung Quốc có những nhận xét hơi khác nhau, nhưng nhìn chung đều không đánh giá cao Lưu Biểu. Sử gia Trần Thọ, tác giả Tam quốc chí coi Lưu Biểu giống Viên Thiệu. "Lưu Biểu là người có danh khí, có phong độ, có thành tựu, nhưng ngoài khoan dung trong nghi kỵ, có mưu nhưng không quyết, có tài mà không dùng, có hiền mà không lấy, phế đích lập thứ chỉ vì sủng ái, nên thất bại là đương nhiên".
Tào Tháo là bậc tiền bối, lại hết lòng khen Tôn Quyền, rõ ràng cho thấy Trọng Mưu không phải là người thường. Các học giả Trung Quốc sau này đánh giá, đây là lần hiếm hoi Tào Tháo dành hết lời ca ngợi cho một thanh niên tuấn kiệt.
Cũng vì Tào Tháo nể phục tài năng của Tôn Quyền mà cuộc giao tranh tại Nhu Tu Khẩu sớm kết thúc, dù phe Tào lực lượng hùng hậu hơn nhiều lần.
Tôn Quyền cho Tào Tháo lối thoát
Tào Tháo từng phải thốt lên lời cảm phục Tôn Quyền.
Sử sách Trung Quốc chép lại, sở dĩ Tôn Quyền có thể đẩy lùi quân Tào trong trận Nhu Tu Khẩu là nhờ một lá thư gửi cho Tào Tháo.
Trong thư, Tôn Quyền khuyên Tào Tháo hãy lui binh. Các học giả hiện đại cho đến nay không nắm rõ tình hình lúc bấy giờ. Nhưng rõ ràng sau khi đọc thư, Tào Tháo lại chấp nhận rút quân.
Với tính cách nóng nảy, đa nghi, Tào Tháo không dễ dàng chấp nhận lui binh "không kèn, không trống" như vậy.
Lịch sử Trung Quốc cuối thời Đông Hán, đầu giai đoạn Tam quốc rất ít khi ghi nhận hai phe phái chấp nhận rút quân vì lá thư cầu hòa. Thậm chí đây có thể được coi là kỳ tích mà Tôn Quyền đạt được trên phương diện ngoại giao.
Lá thư Tôn Quyền viết trong giai đoạn mưa xuân, khoảng tháng 2,3 (âm lịch) năm 213. Đây là thời điểm mà Tào Ngụy đã mất đà tiến quân sau những thất bại nhỏ lẻ. Trong khi đó, Tôn Quyền đã xây dựng trong thế trận phòng ngự.
Mùa mưa ở Giang Nam cũng là thời điểm không phù hợp để hai bên giao chiến. Đây là điều mà Tôn Quyền nắm rõ và có phần muốn "nhắc nhở" Tào Tháo.
So với Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền là người có thời gian nắm quyền lâu nhất thời Tam quốc.
Thư của Tôn Quyền có đoạn viết: "Mưa mùa xuân đã về, ngươi hãy nhanh chóng rút quân". Cuối thư, Tôn Quyền còn cảnh báo: "Người không chết, ta không yên lòng".
Các học giả Trung Quốc đánh giá, lời nói của Tôn Quyền có phần ngông cuồng và coi thường Tào Tháo. Nhưng điều này lại mang hiệu quả bất ngờ.
Dường như Tào Tháo đã ngầm muốn rút quân từ trước, thấy Tôn Quyền gửi thư cầu hòa nên mừng rỡ, nói với các tướng: "Tôn Quyền rõ ràng không lừa ta".
Vài tháng sau, quân Tào đã rút về tới Nghiệp Thành. Đây cũng là lần hiếm hoi Tôn Quyền đơn phương đối đầu Tào Tháo. Sau này, vì những mâu thuẫn với Lưu Bị mà Tôn Quyền xua quân đánh Thục Hán, tiêu diệt Quan Vũ.
Sự kiện Tôn Quyền gửi thư cầu hòa Tào Tháo được người đời sau nhìn nhận là một nước cờ vô cùng thông minh. Bởi Tào Tháo đang sa lầy trong cuộc chinh phạt Đông Ngô.
Điều mà Tôn Quyền cần làm là chủ động đưa ra đề nghị, giúp Tào Tháo có thể diện mà rút quân.
_________________
Trong tay Tào Tháo có vô số tướng giỏi, tả xung hữu đột trên chiến trường, hy sinh anh dũng giúp ông xây dựng cơ đồ, nhưng có một vị tướng mà khi chết trận, Tào Tháo đã hết lòng thương xót, thậm chí rơi nước mắt. Bài viết xuất bản ngày 3.2 sẽ tập trung khai thác về vị tướng này.
Theo Danviet
Vì sao Tào Tháo chết không thống nhất được Trung Nguyên? Đánh bại các thế lực cát cứ ở phương Bắc, Tào Tháo đã đạt đến đỉnh cao danh vọng và quyền lực, nhưng tham vọng thống nhất Trung Nguyên mà ông theo suốt hàng chục năm cuối cùng không trở thành hiện thực. Tào Tháo dù nắm trong tay lực lượng hùng mạnh nhưng bại trận bởi liên minh Tôn Quyền-Lưu Bị. Tào...