Đệ nhất bánh mì lagu Quy Nhơn
Gần 30 năm nay, chiều nào tới khuya quán cũng đông nườm nượp khách.
Cái quán bánh mì chấm lagu này ngộ lắm, nằm trong một cái hẻm bé tẹo đút vừa một chiếc xe máy, tới quán thì chừng dăm m2 đủ kê quầy bánh, nồi lagu, khách ăn phải leo lên đoạn cầu thang cũng có chút xíu…
Vậy mà gần 30 năm nay, chiều nào tới khuya quán cũng đông nườm nượp khách. Món bánh mì lagu ở đây đúng là ngon nhất phố biển!
Gần 30 năm nay, chiều nào tới khuya quán cũng đông nườm nượp khách. Món bánh mì lagu ở đây đúng là ngon nhất phố biển!
Cô con gái bà Thơm (chủ quán) vừa thăn thoắt múc nước lagu, vừa tranh thủ kể chuyện. Bà thơm năm nay 62 tuổi, mở quán bánh mì được chừng 30 năm. Món ăn này hồi đó khá lạ lẫm. Ấy vậy mà độ ngon của tô súp, của những chiếc bánh mì dần dần kéo được thực khách ngày một đông.
Bước vào quán, khách sẽ nhìn thấy ngay một nồi lagu to, hệt như loại nồi người ta dùng nấu bánh chưng, bánh tét dịp tết. Nồi nước này lúc nào cũng nóng, toả mùi thơm kích thích những cái bụng thèm ăn. Cô con gái bà Thơm nhanh nhảu: “Mẹ em tự nghĩ ra món này để nấu bán, từ cách nấu đến việc chọn nguyên liệu nào bỏ vô để ngon nhất. Nhà em bán mỗi ngày hết tới mấy nồi rồi mà nhiều khi vẫn còn khách đến ăn”.
Để có được nồi lagu thơm ngon, hấp dẫn thực khách, gia đình bà Thơm đã phải rất kỳ công ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Những loại rau củ để nấu như hạt sen, củ lang, cà rốt, đậu đỏ… phải là loại một. Quan trọng là thịt heo. Khi ăn, thịt phải thơm ngọt, không có mùi tanh, độ mềm của thịt cũng vừa phải, không dai mà cũng không mềm quá.
Khác với các quán xá khác, quán bánh mì lagu trong con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Huệ (TP. Quy Nhơn, Bình Định) rất chú trọng tới phần bánh mì để chấm. Chủ quán luôn để một lò than cời nóng hổi để nướng lại bánh mì. Trước khi nướng, người bán nhanh tay quét một lớp bơ đều lên bánh. Hơi nóng từ than hồng khiến bánh giòn rụm hoà với mùi bơ nướng, thoáng hít qua cũng đã thấy thèm.
Khay ăn dọn lên gồm một dĩa bánh mì nóng giòn xắt khúc, một tô lagu có miếng thịt ngọt lừ. Khách muốn ngon hơn thì nhón thêm chút ớt tương bỏ vào tô nước súp. Vị cay của ớt tương xào lan nhanh cùng mùi thơm của lagu ngay trên đầu lưỡi. Quán nhỏ nhưng lúc nào khách cũng tìm tới ăn, thậm chí kiên nhẫn xếp hàng chờ tới lượt là vì vậy. Có lần ca sĩ Đức Tuấn được chúng tôi dẫn đến quán bánh mì lagu này để thưởng thức, anh đã ăn một mạch hết khẩu phần dù trước đó đã ăn bánh canh khá lưng bụng. Quán ăn này cứ thế được quảng bá theo kiểu: “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Video đang HOT
Bánh mì luôn nóng giòn và dậy mùi thơm ở quán nhờ lò than hồng và được quét một lớp bơ
Xoong lagu đầy ụ này sẽ vơi trong chốc lát vì lượng khách đến quán rất đông
Quán nhỏ chỉ bày bán nhiêu đây thôi mà cứ “hữu xạ tự nhiên hương”
Khách đến quán thưởng thức món ăn thuộc hàng đặc biệt ở Quy Nhơn
Cầu thang dẫn lên quán bé tí, mỗi lần có người lên thì người xuống phải lui lại nhường
Gia vị ăn kèm khá đơn giản với nước mắm ớt nguyên trái và tương ớt xào
Phần bánh mì lagu dọn ra bắt mắt, thơm lừng. Thực khách cứ vậy mà nhẩn nha thưởng thức
Theo Thanhnien
Sứa nhúng nước lèo giòn sần sật ở Quy Nhơn
Nồi nước lèo chua ngọt, vàng rộm, nóng hổi cùng với đĩa sứa tươi giòn là hương vị khó quên với nhiều du khách từng thưởng thức sứa nước lèo Quy Nhơn, Bình Định.
Sứa gồm hai loại là sứa tai và sứa chân. Sứa tai màu trong xanh, nhiều nước, mềm, không giòn, sứa chân có màu trắng đục, khô, ăn rất giòn. Người dân Quy Nhơn thường dùng sứa chân để chế biến bởi loại này vừa khô, vừa giòn khiến nhiều thực khách mê mẩn. Loài sứa này xuất hiện quanh năm và sinh sống chủ yếu ở đầm Thị Nại.
Nước lèo được ninh bằng xương hoặc thịt ba chỉ khoảng 3-4 tiếng. Dùng chảo đun sôi dầu rồi cho tôm và cà chua băm nhỏ vào, sẽ cho ra một hỗn hợp nước sánh vàng, sau đó đổ sang nồi nước hầm. Khi gần ăn thì thả hành tây cắt hạt lựu, thêm một chút nước gừng và rau húng để nước lèo có được vị thanh, thơm thoảng thoảng của gừng và hơi hăng hắc của húng.
Đậu phộng, xoài xanh, hoa chuối thái sợi và một bát mắm nguyên chất có vài miếng ớt tươi là những gia vị không thể thiếu khi thưởng thứ sứa nước lèo.
Sứa sau khi bắt được, ngư dân chà rửa sạch nhớt, rồi ngâm với lá ổi hoặc phèn chua cho sứa se lại và mất đi mùi tanh. Sau một ngày mang ra xả nước lạnh thật kỹ, thái thành miếng là có thể dùng được.
Sứa nước lèo phải ăn thật nóng mới ngon. Khi nồi nước lèo sôi sùng sục, với mùi thơm hấp dẫn, bạn có thể nhúng sứa nhanh qua rồi ăn luôn. Âm thanh sựt sựt, lạ tai khi cắn miếng sứa mềm khiến nhiều người tỏ vẻ thích thú.
Nhiều người lại thích tự làm cho mình một bát bún sứa với nước lèo. Cho một ít bún vào tô, thêm vài miếng sứa nhỏ, một chút đậu phộng rang được giã nhỏ, xoài xanh và rau sống như kinh giới, tía tô, rau húng, ớt miếng...sau đó chan nước lèo nóng lên. Chỉ nhìn thôi cũng khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị thanh, mát của sứa, vị chua của xoài và vị ngậy của đậu phộng.
Với những ai lần đầu tiên được thưởng thức sứa nước lèo, có thể bất ngờ vì bạn sẽ không tìm thấy miếng sứa mình vừa thả vào nồi chỉ sau một câu nói với người bạn đối diện. Bởi trong thời gian đó sứa đã bị tan thành nước. Giá một nồi sứa nước lèo dành cho 4- 5 người ăn khoảng 200.000 - 250.000 đồng.
Theo vnexpress.net
Bánh căn cá nước và 5 món ăn ở Quy Nhơn thu hút tín đồ du lịch Bánh căn cá nước, bún rạm, cháo cá kho... là những món ăn đậm đà hương vị, giá cả bình dân thu hút thực khách mỗi dịp ghé đến Quy Nhơn (Bình Định). Bún rạm là món ăn đặc trưng ở Quy Nhơn, với rạm là loài thuộc họ cua, nhỏ. Rạm được lấy riêu và nấu thành bún như bún riêu ở...