Đề nghị xóa đề xuất chủ công ty đòi nợ phải có bằng kinh tế, vốn 2 tỷ
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định buộc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn 2 tỷ đồng là chưa hợp lý và nên xóa bỏ.
Đây là nội dung văn bản vừa được VCCI gửi Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính – Bộ Tài chính góp ý “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
Áp đặt thiếu hợp lý
Về điều kiện kinh doanh, dự thảo có quy định mức vốn điều lệ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. Ban soạn thảo cũng không giải trình cụ thể về lý do và mục tiêu về việc yêu cầu mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
VCCI tỏ ra khó hiểu với quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn 2 tỷ.
VCCI cho rằng điều kiện về vốn của hoạt động kinh doanh này là chưa phù hợp. “Không rõ tại sao doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ lại phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định? Nếu không có đủ nguồn vốn này thì các lợi ích công cộng nào sẽ bị tác động? Không nhận thấy tác động đáng kể nào từ hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng”, VCCI nêu.
Video đang HOT
Theo VCCI, những rủi ro phát sinh từ hoạt động đòi nợ (doanh nghiệp đòi nợ không trả lại số tiền nợ đã đòi được từ con nợ cho chủ nợ) thì sẽ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở hợp đồng của hai bên.
Khoản tiền vốn mà doanh nghiệp phải đáp ứng sẽ không phải là yếu tố đảm bảo cho quyền lợi của chủ nợ (đó là chưa kể, khoản nợ có thể lớn hơn rất nhiều con số 2 tỷ đồng).
Đối với mục tiêu đảm bảo an ninh trật tự, VCCI cũng đưa ra cái nhìn, chưa có bằng chứng nào rõ ràng về việc những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế sẽ đảm bảo tuân thủ pháp luật về an ninh trật tự hơn là các doanh nghiệp không có tiềm lực kinh tế.
Qua đó, việc áp đặt điều kiện về vốn ban đầu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo VCCI là chưa hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.
Giám đốc phải có bằng kinh tế, quản lý: Nên hay không?
Ở hướng khác, một nội dung trước đó nhận được nhiều luồng ý kiến là điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Dự thảo vẫn kế thừa quy định hiện tại, tức là một trong những điều kiện là: người quản lý phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh.
Vấn đề này theo VCCI “cần xem xét lại”. Lý do là theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ. Để có được Giấy chứng nhận này, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã phải đáp ứng các điều kiện đối với người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự
Trong nhiều trường hợp thì người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chính là người quản lý/giám đốc của doanh nghiệp.
“Hơn nữa, từ góc độ hiệu quả quản lý, việc kiểm soát người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp đòi nợ sẽ hiệu quả hơn so với kiểm soát người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp. Như vậy, việc đặt điều kiện đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh trong Nghị định này có lẽ là không cần thiết, chồng lấn với quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP”, VCCI nêu lý lẽ.
Do đó, VCCI đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.
Theo Dân Việt
Công ty đòi nợ vi phạm, chủ nợ có vô can?
Ngày 11-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 104 của Chính phủ về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo quy định hiện hành, chủ nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Nhưng trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đã bỏ quy định này với lý giải trên thực tế, một số chủ nợ có yêu cầu các công ty đòi nợ thực hiện các hành vi cấm như đe dọa, sử dụng vũ lực gây mất an ninh, trật tự xã hội để buộc con nợ phải trả tiền. Do đó, dự thảo quy định trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, VCCI không đồng tình với quy định này.
Dịch vụ đòi nợ thuê nở rộ những năm gần đây (Ảnh chụp màn hình)
VCCI cho biết trong hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ, DN đòi nợ bằng nghiệp vụ sẽ đòi các khoản nợ cho khách hàng và được hưởng phí (từ 5%-45% trong tổng số tiền nợ tùy thỏa thuận) nhưng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động của mình. "Chủ nợ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ gì đối với cách thức thực hiện của DN đòi nợ" - đại diện VCCI cho hay.
Theo VCCI, trên thực tế, có thể xảy ra tình huống chủ nợ yêu cầu hoặc khuyến khích DN đòi nợ thực hiện các hành vi bất hợp pháp để đòi nợ. Tuy nhiên, nếu DN đòi nợ chân chính sẽ không được chấp nhận các yêu cầu này, bởi họ có nghĩa vụ thực hiện việc đòi nợ theo đúng quy định pháp luật. Còn chủ nợ với tư cách là khách hàng, về mặt nguyên tắc, họ không thể kiểm soát hay can thiệp được các hoạt động của DN đòi nợ.
Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng quy định này là bất cập và khó thực thi. "Chủ nợ và công ty đòi nợ ký hợp đồng thỏa thuận quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Bên chủ nợ không thể giám sát, không thể điều khiển được hành vi của người đi thực hiện đòi nợ. Quy định này sẽ không thực hiện được ở thực tế" - luật sư Tuấn Anh khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, phía VCCI cho rằng chủ nợ có thể yêu cầu hoặc khuyến nghị cách thức thực hiện đòi nợ nhưng việc có chấp nhận hay không là trách nhiệm của DN. Do đó, trường hợp DN đòi nợ thực hiện việc đòi nợ theo cách thức pháp luật cấm thì DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với việc này, không quan trọng là hành vi này xuất phát từ gợi ý hay yêu cầu của ai.
Luật sư Trần Tuấn Anh lo ngại nếu gắn trách nhiệm của chủ nợ với công ty đòi nợ sẽ không có khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ này nữa, vì nhiều trường hợp họ phải chịu thiệt hại vì những hoạt động của bên đòi nợ.
Minh Chiến
Theo nld.com.vn
Long An: Kỷ luật khiển trách một công an đi theo đối tượng đòi nợ thuê Ngày 6/9, ông Mai Văn Nhiều, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết, UBND tỉnh Long An đang chỉ đạo UBND huyện Cần Đước làm rõ thông tin báo chí phản ánh về một cán bộ công an xã Lương Bình, huyện Bến Lức tham gia đi đòi nợ thuê và có hành vi đánh người bị tạm giữ phương tiện...