Đề nghị tịch thu số tiền bị cáo Trịnh Văn Quyết thu lời bất chính
Tại phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, ngoài mức án đề nghị tuyên phạt các bị cáo, đại diện VKS đề nghị tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền mà các bị cáo đã thu lời bất chính.
Chiều 26/7, tại phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo khác, ngoài phần đề nghị mức án dành cho các bị cáo, đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX xử lý về phần dân sự.
Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền mà các bị cáo đã thu lời bất chính. Đồng thời vận động các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả vụ án.
Phiên tòa xét xử vụ FLC. Ảnh: CTV
Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, đây là vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Việc truy tố các bị cáo là cần thiết, có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Quan điểm luận tội của đại diện VKS cho rằng, từ tháng 5/2017- 1/2022, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.
Các bị cáo sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, các bị cáo đã tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros. Niêm yết cổ phiếu thành công, bị cáo Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Theo đại diện VKS, các bị cáo đều là người có trình độ hiểu biết, có sức ảnh hưởng đến việc điều hành tại doanh nghiệp nhưng đã chỉ đạo các cá nhân tại Tập đoàn FLC, Công ty Faros nhằm thực hiện hành vi phạm tội, gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Hành vi của các bị cáo đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Trong đó, hành vi của bị cáo Quyết bị đại diện VKS đánh giá là rất tinh vi, sử dụng Công ty Faros làm công cụ, sử dụng sàn HOSE làm phương tiện để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Quyết đã khắc phục hơn 200 tỷ đồng, các bị cáo khác khắc phục hơn 6 tỷ đồng. Số tiền khắc phục này chưa đáng kể so với hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị các bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả. Với các bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, theo VKS, những bị cáo này đều phải chịu tình tiết tăng nặng vì đã có hành vi thao túng từ 2 mã cổ phiếu trở lên.
Ngoài ra, đại diện VKS cũng ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo như khai báo thành khẩn, chủ động khắc phục hậu quả, có thành tích trong công tác.
Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nói tài sản có 5.000 tỉ đồng, đủ khắc phục hậu quả
Khi hỏi về trách nhiệm của mình trong vụ án, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cho biết xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng của mình để khắc phục hậu quả
Chiều nay 23-7, phiên toà xét xử bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cùng 49 đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên toà. Ảnh: Phương Nguyễn
Cuối giờ chiều cùng ngày, trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, khai sau khi mua lại Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS), công ty này đã thực hiện các dự án trong hệ thống của Tập đoàn FLC. Trong đó, Công ty Faros đã thi công nhiều công trình rộng hàng ngàn ha và các tòa tháp tại Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hóa...
Bên cạnh đó, công ty Faros còn thi công các dự án cho chủ đầu tư khác như xây dựng công viên văn hóa chủ đề "ấn tượng Hội An" (nhà hát biểu diễn ngoài trời hơn 3.360 chỗ ngồi và nhà hát biểu diễn trong nhà 1.000 chỗ ngồi tại tỉnh Quảng Nam); xây dựng khu đô thị ở Đà Nẵng.
Theo bị cáo Trịnh Văn Quyết, từ khi mua lại Công ty Faros, bị cáo chưa bao giờ có ý định muốn bán cổ phiếu, lúc nào cũng muốn giữ cổ phiếu và mua thêm. Tuy nhiên, thời điểm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bị cáo gặp khó khăn về tài chính nên mới phải bán cổ phiếu của Công ty Faros. Trong suy nghĩ và kế hoạch của mình, bị cáo mong bán ra rồi sẽ mua lại nhưng chưa thực hiện được việc mua lại thì bị bắt vào năm 2022.
Về trách nhiệm dân sự của mình trong vụ án, cựu chủ tịch Tập đoàn FLC, cho rằng nếu bị Hội đồng xét xử tuyên án phải bồi thường, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng của mình để khắc phục. Trong đó, ngoài các tài sản đang bị phong tỏa, không còn thêm tài sản nào khác.
Trình bày tiếp, bị cáo Trịnh Văn Quyết, cho biết mới được cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản "tâm huyết" là hãng hàng không Bamboo Airways và trước mắt đã thu được gần 200 tỉ đồng. Số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra. Số tiền 500 tỉ đồng tiếp theo nhận từ việc bán hãng hàng không Bamboo Airways, cũng sẵn sàng nộp để khắc phục hậu quả vụ án.
"Bị cáo tiếp tục nhờ gia đình tác động để có được khoản bồi thường từ bạn bè, người thân. Bị cáo sẽ tìm mọi cách để khắc phục hậu quả của vụ án. Bị cáo kính mong Hội đồng xét xử tạo điều kiện thuận lợi để được xử lý khối tài sản cá nhân trị giá gần 5.000 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án mà cơ quan điều tra đã và đang phong tỏa hơn 2 năm qua"- bị cáo Quyết trình bày.
Bị cáo cũng khẳng định em gái Trịnh Thị Minh Huế không có quyền quyết định đối với việc tăng vốn tại Công ty Faros và không có vai trò gì trong bộ máy của công ty này.
Theo cáo buộc, để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương, cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros (đang bỏ trốn), và Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) tăng khống vốn góp Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau đó, cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và sàn HoSE đã dùng thông tin trên, chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS. Từ đây, bị cáo Quyết bán 391 triệu cổ phiếu cho hơn 30.400 nhà đầu tư, chiếm đoạt 3.620 tỉ đồng.
Ngoài cáo buộc nêu trên, bị cáo Trịnh Văn Quyết còn mượn của nhiều người đứng tên mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thu lợi từ các cổ phiếu đã niêm yết thuộc hệ sinh thái FLC. Sau đó, bị cáo cùng các đồng phạm thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi 723 tỉ đồng.
Trong quá trình diễn ra phiên tòa ngày 23-7, bà L.Th.N.D. (vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết) có đơn gửi tới HĐXX TAND TP Hà Nội về việc nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Theo đó, bà D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 25,1 tỉ đồng.
"Thực hiện theo mong muốn, nguyện vọng của chồng tôi - anh Trịnh Văn Quyết về việc khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, gia đình chúng tôi đã tiếp tục huy động mọi nguồn lực, vay mượn anh em, họ hàng, bạn bè tối đa để nộp tiền khắc phục hậu quả ở mức cao nhất và đến nay gia đình chúng tôi đã vay mượn, huy động thêm được số tiền 25,1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án"- bà D. nêu trong đơn.
Trước đó, bà D. đã thay mặt chồng nộp khắc phục hậu quả thêm 23 tỉ đồng. Như vậy, đến nay, bị cáo Quyết đã nộp khoảng hơn 240 tỉ đồng.
Người nhà cựu Chủ tịch FLC nộp thêm 23 tỷ đồng khắc phục hậu quả Trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, người nhà của bị cáo Quyết tiếp tục nộp thêm 23 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án. Trước đó, trong quá trình điều tra, bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả hơn 189 tỷ đồng....