Đề nghị mức án lên đến 15 năm tù đối với chủ sàn vàng ảo IG
Sáng 10/10, phiên tòa xét xử sơ thẩm 11 bị cáo trong vụ án sàn vàng ảo IG tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân đã đề nghị Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Đức Tài (sinh năm 1979, nhân viên Công ty IG) mức án từ 12 tháng tù đến 18 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”, từ 12 năm 6 tháng tù đến 13 năm 6 tháng tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội là từ 13 năm 6 tháng tù đến 15 năm tù.
Lưu Công Khánh (sinh năm 1982, nhân viên kỹ thuật chi nhánh Công ty IG tại Thanh Hóa) bị đề nghị mức án từ 12 năm 9 tháng tù đến 14 năm 9 tháng tù cùng cả hai tội danh trên.
Bị cáo Vũ Đình Hùng (sinh năm 1983, trú tại phường 5, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, là kỹ sư công nghệ thông tin) bị đề nghị mức án từ 12 năm đến 13 năm tù.
Bị cáo Lương Trần Hưng (sinh năm 1989, Giám đốc chi nhánh Công ty IG tại Hải Dương) cùng 3 nhân viên Công ty IG là: Trần Hồng Nhung, Nguyễn Ngọc Thế, Nguyễn Ngọc Giới cùng bị đề nghị mức án từ 9 đến 15 tháng tù.
Ba bị cáo: Mai Xuân Tú (sinh năm 1950, Tổng Giám đốc Công ty IG) cùng 2 nhân viên Chi nhánh Công ty IG tại Thanh Hóa là Lưu Trung Kiên và Vũ Văn Thuấn cùng bị đề nghị mức án từ 8 đến 12 tháng tù. Riêng Nguyễn Doãn Hùng (sinh năm 1983, trú tại Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ; Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên tư vấn đầu tư Nhân Đôi) bị đề nghị từ 15 đến 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nhận định, trong vụ án kinh doanh trái phép xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng trang sức quốc tế IG (viết tắt là Công ty IG), mặc dù chưa được cấp phép theo quy định nhưng các bị cáo đã tổ chức kinh doanh trái phép. Hành vi kinh doanh trái phép của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước (hoạt động đăng ký kinh doanh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Video đang HOT
Hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị cáo Tài, Khánh, Hùng không chỉ xâm phạm đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, xâm phạm an toàn trong hoạt động của hệ thống máy tính, mà còn có thể gây thiệt hại về nhiều mặt cho hoạt động của đời sống xã hội. Hành vi của các bị cáo phải được xử lý nghiêm khắc để giáo dục bị cáo và răn đe phòng ngừa chung.
Trong số các bị cáo, bị cáo Phạm Đức Tài đóng vai trò là chủ mưu. Bị cáo mượn và sử dụng chứng minh thư nhân dân của một số người khác để đăng ký, thành lập Công ty cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG, có trụ sở tại số 165 Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội).
Sau khi Khánh làm giả đăng ký kinh doanh, Công ty Napmig và thông báo cho Tài biết. Tài chỉ đạo Lưu Công Khánh thuê máy chủ lưu cơ sở dữ liệu và mua phần mềm MT4 để tổ chức hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản.
Tài chỉ đạo Thế và Giới mở tài khoản tại ngân hàng để nhận tiền thu được từ khách hàng của các chi nhánh và công ty rồi mua vàng miếng SJC, mua vàng trang sức và chuyển tiền đến các chi nhánh khi có yêu cầu.
Tài quản lý các tài khoản ngân hàng mang tên Công ty IG tại các ngân hàng thông qua việc yêu cầu Nguyễn Ngọc Giới và các nhân viên khác đều đăng ký thông báo số tiền nộp vào hoặc rút ra ở tài khoản trên về điện thoại của Tài. Tài và Tú soạn ra hợp đồng ủy quyền mua bán vàng mục đích để né tránh cơ quan pháp luật.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân nhấn mạnh, bị cáo Tài là người trực tiếp đào tạo nhân viên tư vấn, lôi kéo khách hàng kinh doanh vàng qua tài khoản. Khi đào tạo, Tài tự giới thiệu Công ty IG là môi giới kinh doanh vàng tài khoản cho Công ty Napmig tại Canada. Công ty IG chỉ hưởng phí 35 USD/lot.
Để hợp thức là đơn vị môi giới, số tiền khách hàng nộp vào Công ty để kinh doanh vàng tải khoản, bị cáo chỉ đạo kế toán Công ty viết phiếu chi tiền đến Công ty Nhân Đôi nhưng thực tế không có việc chuyển tiền mà Công ty IG giữ lại để sử dụng.
Qua khám xét nơi ở của bị cáo Tài, cơ quan chức năng đã thu giữ các hợp đồng, phiếu thu tiền, vàng liên quan đến hoạt động kinh doanh trái phép và sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Công ty IG.
Bị cáo Lưu Công Khánh là cháu của bị cáo Tài (Khánh gọi Tài là cậu ruột) đóng vai trò đồng phạm, giúp sức tích cực cho bị cáo Tài trong hoạt động kinh doanh vàng tài khoản. Theo sự chỉ đạo của Tài, Khánh mua phần mềm MT4 để kinh doanh vàng tài khoản.
Khánh làm giả đăng ký kinh doanh, tạo dựng lên Công ty cổ phần đầu tư kim loại quý Bắc Mỹ (Napmig), gửi thông tin của Công ty Napmig cho Vũ Đình Hùng để thuê máy chủ lưu cơ sở dữ liệu và mua phần mềm MT4.
Khánh nhờ Hùng thiết lập thêm các chức năng để Khánh trực tiếp tổ chức và quản lý khách hàng kinh doanh vàng trên tài khoản. Khánh trực tiếp tạo tài khoản, cấp mã giao dịch cho khách thông qua Trần Hồng Nhung và Lương Trần Hưng. Khách hàng muốn nộp tiền, rút tiền đều phải báo đến Khánh.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa khẳng định: Bị cáo Lưu Công Khánh và Vũ Đình Hùng có kiến thức, am hiểu về công nghệ thông tin. Theo sự chỉ đạo của Tài, 2 bị cáo đã thực hiện hành vi lừa dối các khách hàng kinh doanh vàng qua tài khoản, giới thiệu Công ty IG là môi giới cho đối tác của Công ty Napmig. Nhưng thực tế, không có công ty đó mà chỉ là biểu tượng trên website do Khánh và Đình Hùng tạo ra để lừa khách hàng khi họ kinh doanh vàng qua tài khoản để chiếm đoạt tiền phí.
Ngoài ra thông qua các chức năng, Đình Hùng còn cài đặt thêm vào phần mềm MT4, Khánh đã thực hiện các chặn (cho phép, không cho phép) hoặc yêu cầu Đình Hùng xóa lệnh của khách nhằm chiếm đoạt tiền của người chơi… Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng cần phải có mức hình phạt nghiêm khắc, để răn đe các bị cáo.
Tin, ảnh: Kim Anh
Theo TTXVN
"Tiến sĩ dạy làm giàu" lừa 508 người, chiếm đoạt gần 500 tỷ đồng
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phạm Thanh Hải (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bị can Phạm Thanh Hải với danh xưng "tiến sĩ dạy làm giàu"
Trước đó, ngày 2/8/2017, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng số 247/CT-VKS (P3) truy tố bị can Phạm Thanh Hải về cùng tội danh nêu trên. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã trả hồ sơ, đề nghị bổ sung thêm số lượng bị hại trong vụ án này. Sau khi tiến hành điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng mới số 83/CT-VKS (P3), bổ sung thêm 12 bị hại, nâng tổng số bị hại lên 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (viết tắt là công ty IDT) đăng ký kinh doanh các hoạt động: Dịch vụ hỗ trợ giáo dục; hoạt động tư vấn quản lý; sản xuất, bán buôn và bán lẻ thực phẩm; bán buôn hóa chất công nghiệp; dịch vụ tổ chức hội nghị, hội thảo. Trụ sở chính của công ty đặt tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội), do Phạm Thanh Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty.
Sau khi thành lập, công ty IDT hoạt động kinh doanh trên mạng internet nhưng không có hiệu quả. Do cần tiền để chi phí và phục vụ mục đích cá nhân nên từ năm 2008, Phạm Thanh Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân. Mặc dù huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút các nhà đầu tư biết đến Hải và góp vốn cho Hải đều được Hải thực hiện thông qua công ty IDT, với danh nghĩa công ty và tại trụ sở của công ty IDT. Cụ thể, Hải đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo, thành lập trang mạng xã hội "hoclamgiau.vn"; Hải tự giới thiệu bản thân là tiến sỹ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô (cũ), là người có tài đầu tư, kinh doanh... Công ty IDT do Hải là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây "Tỷ đô"... nhằm quảng bá thu hút nhiều người biết đến công ty IDT và đầu tư cho các dự án đó.
Để chứng minh tính khả thi của các dự án theo như quảng cáo, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng (40-50%/năm), cắt lãi ngay khi nộp tiền (mặc dù chưa có hoạt động kinh doanh), đồng thời Hải khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2 - 10% tiền thưởng kết nối, môi giới cho mỗi hợp đồng mới. Hải chỉ đạo một số nhân viên kế toán công ty IDT soạn thảo, ký kết hợp đồng, thu chi kiểm đếm tiền giúp Hải. Hải đưa ra các bản Hợp đồng góp vốn đầu tư, Hợp đồng ủy thác đầu tư... với nội dung: bên A là các nhà đầu tư, bên B là Phạm Thanh Hải là Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty IDT; việc góp vốn, ủy thác để đầu tư vào các dự án của công ty IDT, công ty cổ phần đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (công ty IDMA). Ngoài việc ký kết giữa các cá nhân với Hải, trong hợp đồng Phạm Thanh Hải còn ký sử dụng con dấu của công ty IDT với tư cách là Tổng Giám đốc công ty IDT để các nhà đầu tư tin tưởng việc huy động vốn là cho công ty IDT mà đại diện là Tổng Giám đốc Phạm Thanh Hải.
Bằng thủ đoạn trên, trong vòng 1 năm (từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015), Phạm Thanh Hải đã huy động được số tiền rất lớn từ các nhà đầu tư, với tổng số tiền trên 2.725 tỷ đồng. Sau khi có tiền, Hải sử dụng số tiền này vào mục đích cá nhân chủ yếu là cho vay, thanh toán gốc và lãi cho những hợp đồng đến hạn, chi thưởng kết nối, chi phí tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan, du lịch quảng bá dự án... để tiếp tục mở rộng mạng lưới huy động vốn của nhiều người. Trong số tiền trên 2.700 tỷ đồng này, Hải chỉ sử dụng một phần số tiền huy động được để góp vốn với danh nghĩa cá nhân vào một số công ty, dự án (114 tỷ đồng). Kết quả điều tra, xác minh các dự án mà Hải góp vốn này đều mới thành lập, hoạt động không hiệu quả, không có khả năng sinh lợi nhuận cao như Hải hứa hẹn với các nhà đầu tư và đều không phải là dự án của công ty IDT như Hải đã cam kết trong hợp đồng với các nhà đầu tư.
Cáo trạng nêu rõ: Mặc dù huy động vốn với số lượng tiền lớn, của rất nhiều người nhưng Hải không quản lý việc thu, chi tiền theo sổ sách kế toán; không nắm được số tiền đã huy động, số nhà đầu tư góp vốn... Càng về sau số lượng người đến nộp tiền cho Hải ngày càng nhiều với số lượng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng Hải phải chi trả lên đến hàng trăm tỷ đồng. Để có tiền chi trả tiền gốc và lãi cho các hợp đồng đến hạn, Hải phải tiếp tục dùng thủ đoạn nêu trên để huy động tiền góp vốn nhằm đảm bảo việc thanh toán đúng hẹn, tránh bị đổ vỡ; không bị các nhà đầu tư phát hiện Hải không có khả năng chi trả tiền gốc và lãi, không để các nhà đầu tư tố cáo với cơ quan pháp luật.
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội xác định, tất cả các hoạt động sử dụng nguồn tiền của các nhà đầu tư, bị can Hải không thông báo cho các nhà đầu tư biết. Hiện Phạm Thanh Hải mất hoàn toàn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư. Đến nay, tổng số người bị hại đã đến khai báo tại cơ quan điều tra là 508 người với số tiền chiếm đoạt là hơn 476 tỷ đồng. Tổng số tiền của các bị hại đề nghị được bồi thường theo hợp đồng thỏa thuận là hơn 594 tỷ đồng.
Theo TTXVN
Mất mạng vì ẩu đả với bậc cha chú Đến quán ốc nhậu cùng bậc cha chú, anh Lực nảy sinh mâu thuẫn với nhóm thanh niên. Được họ khuyên can, đuổi về, song anh Lực lại quay lại cự cãi khiến ẩu đả xảy ra. Các bị cáo tại tòa. Ngày 8/10, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Xuân Hào (SN 1969, ở Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà...