Đề nghị hỗ trợ trên 515 tỷ đồng phòng chống, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về việc hỗ trợ 515,3 tỷ đồng kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2020.
Hệ thống cống trên địa bàn thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) được vận hành nhằm ngăn nước mặn xâm nhập sâu. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tại các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi rà soát, tổng hợp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị kinh phí hỗ trợ các chi phí như sau: điện, dầu bơm nước; nạo vét cửa lấy nước, kênh mương; sửa chữa công trình thủy lợi; đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được văn bản của 25 địa phương (không bao gồm 8 địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ khẩn cấp từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020) và 1 đơn vị khai thác công trình thủy lợi đề nghị hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn với kinh phí tổng cộng trên 2.499 tỷ đồng.
Video đang HOT
Sau khi rà soát theo nội dung, nguyên tắc và mức hỗ trợ đề nghị trên và mức độ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ trên và đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Do ảnh hưởng của sự thiếu hụt lượng mưa trong mùa mưa năm 2019, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở hầu hết các khu vực trong cả nước đều ở mức thấp, phổ biến từ 50-80% dung tích thiết kế. Điển hình, các hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia bổ sung nước cho sản xuất nông nghiệp: ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng – Thái Bình chỉ trữ đạt khoảng 60% dung tích thiết kế; riêng hồ Hòa Bình ở mức 63% – mức thấp nhất trong 30 năm qua, kể từ khi đưa vào vận hành.
Ở khu vực Trung Bộ chỉ đạt mức 15-30% dung tích thiết kế. Dòng chảy hầu hết các sông suối cũng bị thiếu hụt, trên sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).
Tình trạng trên đã dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán, thiếu nước ở khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn được thực hiện đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù mức độ xâm nhập mặn ở mức cao hơn đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng năm 2015-2016 nhưng tổng thiệt hại lúa vụ Mùa 2019 và Đông Xuân 2019-2020 đến nay là 49.800 ha, chỉ bằng 1,81% so với diện tích gieo trồng. Lúc cao nhất có khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, thấp hơn khoảng 114.000 hộ so với năm 2015-2016 (210.000 hộ).
Ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, toàn bộ diện tích gieo cấy được cấp đủ nước, tổng lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện 2,68 tỷ m3 , tiết kiệm từ 2-3 tỷ m3 so với các năm gần đây.
Dự báo trong thời gian tới, lượng mưa khả năng tiếp tục thiếu hụt và có nắng nóng kéo dài nên nguy cơ sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên đến tháng 5/2020 và trên diện rộng, mức độ gay gắt tại khu vực Trung Bộ đến hết tháng 8/2020.
Bích Hồng
Thủy sản bị ảnh hưởng nặng bởi hạn, mặn
Tình trạng hạn, mặn tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay diễn ra sớm và nghiêm trọng hơn năm 2016 (một trong những năm hạn mặn lịch sử), ảnh hưởng lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Chỉ riêng ở Bến Tre có hơn 3.000 ha ao nuôi tôm càng xanh xen canh, quảng canh và gần 1.500 ha ao nuôi cá tra, trê, mè đang bị ảnh hưởng...
Thách thức từ hạn, mặn
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn vùng ĐBSCL. Không chỉ Bến Tre, người dân các tỉnh khác đều đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng nề về thủy sản.
Người dân vớt tôm chết do hạn mặn ở Bến Tre. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVNN.
Tại Cà Mau, bất lợi về thời tiết đã có những tác động mạnh đến nghề nuôi tôm. Xâm nhập mặn làm sức đề kháng của con tôm bị giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và gây hại trên diện rộng từ đầu vụ đến nay.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, tình trạng nắng nóng kéo dài từ đầu năm đến nay đã làm cho các vuông nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, đặc biệt là các vùng nằm sâu trong nội đồng thiếu lượng nước lưu thông, trao đổi, khiến độ mặn trong vuông nuôi tăng trên 30, có nơi trên 40, nên tình trạng tôm chết bắt đầu xảy ra hàng loạt.
Còn theo người dân Bến Tre, đợt hạn mặn lịch sử 4 năm trước, người nuôi tôm chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, không nhiều như năm nay. Nhiều hộ nuôi tôm khẳng định, nuôi tôm hơn 20 năm qua, nhưng đây là năm lần đầu tiên tôm chết nhiều như vậy.
Dù diện tích thả nuôi từ đầu vụ đến nay của tỉnh Sóc Trăng chỉ mới hơn 6.000 ha, nhưng hiện cũng đã ghi nhận có khoảng 115 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng cho biết: "Với diễn biến thời tiết và độ mặn như hiện nay, dịch bệnh ngày càng phát sinh và gây hại trên diện rộng. Vì vậy, ngay sau khi có kết quả quan trắc, ngành Nông nghiệp địa phương đều phải đưa ra các cảnh báo sớm để người nuôi kịp thời phòng trị".
Ứng phó để giảm thiệt hại với thủy sản nuôi
Trước thực tế trên, Chi cục Thủy sản Bến Tre đã cử cán bộ đến các địa phương nắm tình hình, kịp thời hỗ trợ thông tin chuyên môn, để sớm có biện pháp giảm thiểu thiệt hại cho bà con.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, nguy cơ thiệt hại tôm nuôi do biến động môi trường, dịch bệnh, hạn mặn xâm nhập đang gia tăng. Do đó, chính quyền địa phương và cán bộ khuyến nông cơ sở đang tập trung khuyến cáo bà con thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống; tuyệt đối không xả nước ao tôm bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý tiêu diệt các .mầm bệnh.
Ứng dụng công nghệ cao được xem là giải pháp quan trọng để chủ động trong việc nuôi thủy sản. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN.
Còn theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trước hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố trong khu vực cần chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thủy văn, hạn hán và xâm nhập mặn; tăng cường quan trắc môi trường, thông tin kịp thời, hướng dẫn các giải pháp phòng ngừa. Về lâu dài cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ của từng địa phương phù hợp.
Trước tác động ngày một rõ nét của thời tiết, dịch bệnh, theo các chuyên gia, nuôi thủy sản cần chú trọng ứng dụng công nghệ cũng như các mô hình nuôi tân tiến (nuôi siêu thâm canh, nuôi ba giai đoạn...).
Ngành Nông nghiệp các địa phương cũng cần hướng dẫn người nuôi thực hiện các giải pháp kỹ thuật ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, như: Thường xuyên theo dõi chất lượng nước ao nuôi, chất lượng nguồn nước cấp, thực hiện các khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; hạn chế thay nước, đặc biệt là khi nguồn nước cấp có độ mặn tăng cao; áp dụng mô hình nuôi ít thay nước, nuôi tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm vi sinh, sản phẩm xử lý môi trường... nhằm cải thiện chất lượng nước ao nuôi và gia cố, kè bờ ao chắc chắn, để tránh rò rỉ và ngăn thẩm lậu nước mặn từ bên ngoài vào ao nuôi.
Đối với loại hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên kênh, rạch, ven sông, khi nước bị nhiễm mặn, người dân cần báo cáo cấp có thẩm quyền và tạm di dời đến địa điểm phù hợp (nếu được phép) để hạn chế thiệt hại. Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản yêu cầu người dân chỉ thả giống vụ mới khi đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng, trang thiết bị và nguồn nước có chất lượng phù hợp với thủy sản nuôi.
Minh Đăng
Giảm 560 tỷ đồng phí dịch vụ ngân hàng cho khách hàng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân...