Để kinh tế phục hồi bền vững hơn
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế. ĐBQH Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) trả lời Báo ANTĐ về những mục tiêu phát triển kinh tế năm 2013.
Làm “ấm” thị trường bất động sản là nhóm giải pháp trọng tâm trong năm tới
- PV: Ông có thể cho biết thách thức lớn nhất với nền kinh tế Việt Nam năm 2013 là gì?
- Ông Trần Du Lịch: Trong phiên trả lời chất vấn vừa qua, Thủ tướng đưa ra 3 nhóm giải pháp: 1 nhóm liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; 1 nhóm liên quan đến việc giải quyết nợ xấu, cái gốc của nhiều vấn đề kinh tế; và đặc biệt là những giải pháp để làm ấm thị trường bất động sản. Tôi cho rằng, những nhóm giải pháp mà Thủ tướng đưa ra tương đối rõ. Tuy nhiên, thách thức là làm sao thực hiện một cách đồng bộ mới có hiệu quả. Nói nôm na là con thuyền kinh tế Việt Nam phải được chèo lái đúng hướng, nếu làm được như vậy năm 2013, tín hiệu lạc quan sẽ xuất hiện để kinh tế phục hồi bền vững hơn.
- Theo ông, những nút thắt của nền kinh tế trong năm 2012 sẽ được giải quyết thế nào trong năm 2013?
- Những nút thắt về nợ xấu, thị trường bất động sản, khó khăn tín dụng đều được Chính phủ đưa ra hướng tháo gỡ cụ thể. Vấn đề là cách làm ra sao, lộ trình, bước đi như thế nào mới là thách thức. Việc tháo gỡ cần sự phối hợp giữa các cơ quan điều hành của Chính phủ.
- Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng 5,5%, lạm phát 8% của năm 2013?
- Thật sự, kinh tế Việt Nam hiện nay tăng trưởng dưới tiềm năng. Nhiều xí nghiệp ngưng sản xuất để giải quyết tồn kho, nhiều dây chuyền bỏ trống, nhiều ngành đã được đầu tư lâu dài nhưng chưa phát triển hết, thành ra không cần đầu tư mới, với mức đầu tư đang có nếu tháo gỡ được những nút thắt thì kinh tế tăng trưởng đúng tiềm năng ở mức 7%. Mục tiêu 5,5% không phải là khó, vấn đề là làm sao tạo được niềm tin cho thị trường, để tháo gỡ. Còn việc kiểm soát lạm phát ở mức 8% tôi thấy hoàn toàn có thể làm được, vì tổng cầu nền kinh tế năm nay giảm rất mạnh, nếu chúng ta điều hành chính sách tiền tề, tài khóa một cách hợp lý thì không có cơ sở gì để lạm phát bộc phát trong năm 2013.
Video đang HOT
- Với tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn trong năm 2012, niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ trong năm 2013 sẽ được tạo dựng trên cơ sở nào?
- Niềm tin vào thực tế, tính nhất quán của các biện pháp, chính sách được thể hiện như thế nào? Như chúng ta nói giảm lãi suất thì những biện pháp thực hiện cụ thể là gì? Trên thực tế, doanh nghiệp có vay được, có tiếp cận được nguồn vốn như chúng ta nói hay không và chính những hành động thực tế sẽ củng cố niềm tin.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
"Cái gì tốt cho dân cho nước, chúng tôi không nề hà"
"Nhiều vấn đề cử tri nêu đúng là còn bất cập. Chúng tôi sẽ từng bước thực hiện, cái gì tốt cho dân cho nước chúng tôi không nề hà", Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, Trần Du Lịch, chia sẻ trong buổi tiếp xúc với đoàn ĐBQH do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu.
Ngày 25/11, đoàn Đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc với cử tri của quận 3 và quận 4 - TPHCM. Trả lời các thắc mắc, chất vấn, lời nhắn gửi của các cử tri, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch chia sẻ: "Cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà".
Cử tri Vũ Hoài Ninh (P.13, Q.4) bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về quy định xe chính chủ. Cử tri này cũng cho rằng, quy định cho phép CSGT hóa trang mặc thường phục để chặn xe sắp có hiệu lực làm dấy lên lo lắng trong dư luận. "Đảng trao cho các anh nhiệm vụ vinh quang, nhiệm vụ chính của các anh là bảo vệ an ninh, trật tự, gắn với màu cờ, sắc áo. Nhiệm vụ hóa trang để đảm bảo an ninh đã có các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, lực lượng an ninh... Giờ thêm CSGT mai phục, truy bắt bất ngờ người đi đường sẽ dẫn tới những hình ảnh không đẹp. Hình ảnh người CSGT của 20 năm trước so với hình ảnh của lực lượng CSGT hôm nay, tôi rất chạnh lòng", cử tri Ninh phản ánh.
Nhiều cử tri cho rằng, đất nước khó khăn, người dân tự động viên nhau gắng gượng, hy vọng, kỳ vọng vào Quốc hội... Tuy nhiên, họ vẫn chưa yên tâm trước công tác điều hành của Chính phủ. Cử tri Lê Trọng Nhường (P.8, Q.4) cho biết: "Phải quay lại cách đặt vấn đề của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cố Thủ tướng "xé rào" nhằm đem lại lợi ích cho dân. Đây là cuộc cách mạng đầy gian nan, các đồng chí đứng đầu phải dũng cảm, tránh rập khuôn".
Cử tri Nguyễn Văn Kiều (P.11, Q.4) phản ánh đến đoàn đại biểu Quốc hội về những bất cập trong Luật Đất đai. Cử tri Kiều nêu trường hợp của cá nhân mình có miếng đất ở quận 2 nằm trong đường vành đai phía Đông, nhưng áp giá mỗi lúc mỗi khác. Dự án bỏ không đến nay hơn chục năm nhưng chưa triển khai, người dân thì chịu nhận giá đền bù rẻ mạt (300.000 đồng/m2). Trong khi cùng miếng đất ấy, chủ đầu tư ủi đất, phân lô, bán nền với số tiền 9 - 10 triệu/m2. "Tôi nói vấn đề riêng để chứng minh Luật Đất đai hiện quá rối rắm, xử lý vi phạm về chủ đầu tư để dự án treo cũng không rõ, khiến người dân mất niềm tin", cử tri Kiều nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) ân cần thăm hỏi các cử tri
Cử tri Nguyễn Thanh Chiến (P.2, Q.4) cũng cho rằng, quy định mới về cấp phép xây dựng chưa có thông tư hướng dẫn. Người dân khó khăn trong làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Những người nằm trong quy hoạch 1/500 mới được phép xây dựng nhưng hầu hết các khu vực dân cư đều còn quy hoạch chung 1/2.000. Rõ ràng, người dân sẽ gặp vô cùng khó khăn khi triển khai quy định này.
Cử tri mong muốn nhà nước có những biện pháp cấp bách để cứu các doanh nghiệp. Hiện đã có hàng ngàn doanh nghiệp bị giải thể, phá sản do khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính, ngân hàng. Về vấn đề "giải cứu" doanh nghiệp, cử tri Trần Văn Nhơn (P.3, Q.4) phân vân: "Có 2 cách chủ yếu cho doanh nghiệp tiếp cận vốn là dựa vào ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán. Thế nhưng, hiện hai thị trường này cũng đang tụt dốc. Vậy hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nào đây?".
Các cử tri cho biết, họ chưa hài lòng với các trả lời chất vấn, giải thích của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... Cử tri mong muốn Quốc hội cần có vai trò trong giám sát thi hành luật, làm sao có hiệu quả.
Cử tri Nguyễn Văn Nhơn(P.9, Q.4) cho rằng cần xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan, nếu không làm được việc thì buộc phải từ chức, để cải cách, hồi phục kinh tế. Không thể chậm trễ được hơn nữa. Những xử lý đối với Bí thư Hải Dương, Chủ tịch Bình Phước, Chủ tịch Đắk Lắk, dân chưa hài lòng, rõ ràng là "giơ cao đánh khẽ", kỷ luật cho có hình thức.
Liên quan đến thủy điện 6A ở Đồng Nai, cử tri Nguyễn Minh Ngọc(P.4, Q.4) chất vấn: "Tại sao vẫn đang khảo sát với mức độ mở rộng hơn. Nếu các đập thủy điện hoàn thành mà có các sự cố xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Hàng trăm ngàn hộ dân từ Đồng Nai tới TPHCM bị mất điện, thiếu nước ngọt, ai sẽ lo?". Cử tri Nguyễn Minh Ngọc cũng cho rằng, việc Trung Quốc in hình "đường lưỡi bò" trên hộ chiếu, dù Việt Nam đã có phản ứng ngoại giao nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa, cương quyết về chủ quyền.
Trả lời chất vấn, thắc mắc của các cử tri, TS. Trần Du Lịch cho biết, về xe không chính chủ, Quốc hội sẽ tiếp thu, xem xét cho phù hợp. Về trách nhiệm người đứng đầu, theo ông Trần Du Lịch, bỏ phiếu tín nhiệm là quá trình chúng ta đang làm nhưng cũng phải từng bước. Việc nghị định 64 gây phiền hà về xây dựng, đại biểu Trần Du lịch cho biết sẽ tiến hành kiểm tra. Về cách quản lý vàng, Quốc hội cũng sẽ tham gia.
"Nhiều vấn đề cử tri nêu đúng là còn có bất cập đang chen nhau. Chúng tôi sẽ từng bước thực hiện, cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà", tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Theo Dantri
Có 24.000 tiến sĩ vẫn thiếu những nhà khoa học giỏi "Thật trớ trêu khi một đất nước có 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ mà không tìm ra được những chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đủ giỏi để trở thành các tổng công trình sư các đề tài lớn, có ý nghĩa quốc gia" - đại biểu Hoàng Thị Tố Nga phát biểu. Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội...