Để khỏe khi đi máy bay
Khi đi du lịch bằng máy bay, bạn có thể ngã bệnh và cảm thấy mệt mỏi nếu không chuẩn bị tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số lời khuyên giữ sức khỏe của các chuyên gia:
1. Tăng cường hệ miễn dịch bằng việc bổ sung vitamin C trước chuyến đi 3 ngày. Có nhiều vi khuẩn bay lởn vởn trong không khí trên máy bay và bạn có thể mắc nhiễm chúng. Tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp bạn vượt qua điều này.
2. Dùng aspirin một ngày trước chuyến bay dài, trong ngày bay và 3 ngày sau chuyến bay. Khi bạn ngồi lâu mà không di chuyển, máu sẽ dồn ứ ở chân. Điều này có thể dẫn tới chứng máu vón cục và nếu cục máu vón đó đi lên phổi hoặc một cơ quan nội tạng quan trọng khác, nó có thể gây nguy hiểm chết người. Aspirin có tác dụng giúp chống tình trạng máu vón cục.
3. Đem theo 3 túi trà trong túi xách tay của bạn. Khi tiếp viên mời bạn uống nước, hãy xin một cốc nước nóng để bạn uống trà. Trà thảo mộc sẽ giúp bạn bớt cảm thấy bồn chồn về chuyến bay, giúp bạn tỉnh táo và đỡ cảm thấy mệt mỏi hơn.
4. Tránh ngồi bắt chéo chân. Thay vào đó, bạn gác chân lên hành lý của mình sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái.
5. Đem theo một ít đồ ăn như bánh mì, bánh ngọt… trong hành lý xách tay. Cách này sẽ giúp bạn tránh bị hạ đường huyết do đói bụng khi bị hoãn chuyến bay.
6. Dùng thuốc làm thông mũi và tai 24 giờ trước khi bay. Điều này sẽ giúp co màng trong mũi và tai của bạn.
7. Nhai kẹo cao su và nuốt hơi một cách nhiệt tình hoặc ngáp lớn khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh sẽ giúp cân bằng huyết áp trong tai giữa của bạn.
8. Tránh dùng chất cồn trong suốt chuyến bay.
Video đang HOT
9. Tránh tháo giày ra trong suốt chuyến bay. Bạn sẽ phải chịu cảnh chân bị sưng phồng do huyết áp thấp trong buồng máy bay. Bạn sẽ cảm thấy không thoải mái khi mang lại giày.
10. Mang thêm nhiều áo. Khoang máy bay thường quá nóng hoặc quá lạnh. Bạn có thể tự điều chỉnh thân nhiệt bằng cách mang thêm áo hoặc cởi bớt áo.
Theo H.Y Thanh niên
Những rủi ro sức khỏe khi đi máy bay
Ở độ cao hàng nghìn mét, tốc độ di chuyển hàng trăm km/h, chuyến bay dài từ 4 giờ đồng hồ trở lên và nếu bạn chỉ một chỗ sẽ có nguy cơ vướng phải chứng máu cục tĩnh mạch.
Ở độ cao hàng nghìn mét và tốc độ di chuyển hàng trăm km/h, bạn có thể gặp một số vấn đề về sức khoẻ. Khi ngồi bất động trên ghế máy bay, máu từ chân về tim không được sự co rút trợ giúp sẽ bị sức hút trái đất kéo xuống. Những tế bào máu bị kéo giãn ra và kết lại thành những sợi máu đông dài. Đó chính là hội chứng DVT - chứng máu cục tĩnh mạch.
Các nhà nghiên cứu DVT cho rằng, những chuyến bay dài từ 4 giờ đồng hồ trở lên và những hành khách ngồi chật chội một chỗ rất có nguy cơ vướng phải chứng DVT.
Rủi ro cao với người có bệnh
Những cục máu nhỏ sẽ đe dọa tính mạng khi theo mạch máu chạy lên tới phổi, tim hoặc não bộ. Cục máu đông khi làm nghẽn mạch máu tim sẽ gây nên chứng trụy tim, nếu cục máu đông chỉ cần nhỏ bằng cái đầu kim gút thôi, khi làm nghẹt hay làm vỡ một mạch máu nhỏ trên não của người, sẽ làm cho người đó bị đột quỵ, tê liệt chân tay, bị câm hay nói lắp bắp, nặng thì tử vong ngay mà dân gian hay gọi nôm na là trúng gió.
Chứng DVT trên máy bay gây chứng trụy tim và đột quỵ như khi chúng ta ở dưới đất. Trước đây, người ta thường cho rằng, hội chứng DVT chỉ xảy ra với những hành khách đi máy bay hạng rẻ tiền nhất, nhưng nay thì hội chứng này không chừa một ai, kể cả những người ngồi ở ghế hạng nhất.
Những người cao tuổi hoặc béo phì, tức những người ít hoạt động, thường ở nhóm nguy cơ cao nhất. Những người dễ gặp rủi ro này nhất là những người có tiền sử bị huyết khối tĩnh mạch hoặc phổi; gia đình có vấn đề về đông máu, người hay bị chứng đông máu, bệnh nhân ung thư hoặc đã điều trị ung thư, có phẫu thuật lớn hoặc thay khớp xương hông, xương đầu gối trong vòng 3 tháng trước.
Nguy cơ này cũng cao ở phụ nữ mới sinh, đang uống thuốc ngừa thai, người hút thuốc lá; người tuổi cao. Để phòng tránh, bạn nên uống thêm nước lạnh, nước trái cây để tránh thiếu nước; tránh uống nhiều cà phê, rượu mạnh vì các thứ này làm cho tiểu tiện nhiều, gây mất nước.
Uống thuốc viên aspirin (nhờ bác sĩ tư vấn). Không xếp hành lý ở dưới hàng ghế trước mặt để có khoảng trống cho hai bàn chân cử động. Trong quá trình bay, để giảm bớt những khó chịu như đau cơ bắp ở người và chân, bạn chú ý luôn cử động chân để máu được lưu thông, hãy đứng lên đi tới đi lui khi có thể và tập những động tác dưới đây:
- Duỗi bàn chân ra trong 5 giây rồi trở lại vị trí bình thường. Lặp đi lặp lại nhiều lần nhất là đối với các bắp thịt ở các khu vực gan bàn chân.
- Lắc cổ sang hai bên rồi quay tròn từ từ. Làm bốn lần rồi đổi chiều.
- Nhún hai vai rồi quay tròn.
- Giơ cao tay lên trần, thay đổi tay trái rồi đến tay phải.
- Cử động các ngón chân và bàn chân lên xuống nhiều lần. Tập thở chậm và sâu giúp ôxy vào phổi nhiều để cung cấp cho máu.
Chú ý cân bằng áp suất
Khi máy bay bắt đầu cất cánh hoặc đang hạ cánh, bạn có thể bị ù tai, có người cảm thấy đau tai do hiện tượng thay đổi áp suất khi máy bay thay đổi độ cao. Triệu chứng này dễ xảy ra hơn nếu bạn đang bị cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm xoang do các ống thông tai với mũi miệng bị nghẹt, cản trở sự ra vào của không khí.
Khi đó, bạn nên chuẩn bị bông gòn hoặc công cụ nhét tai, thường xuyên nuốt nước bọt, bạn nên tự bịt hai lỗ mũi rồi ngậm miệng thở ra hoặc cử động xương hàm qua lại như nhai kẹo cao su. Làm như vậy, bạn sẽ làm cân bằng được phần nào áp suất bên trong tai với áp suất bên ngoài. Chú ý, nếu bạn đang bị viêm tai thì không nên dùng biện pháp này.
Nếu bạn đang bị ngạt mũi, nên dùng thuốc phun hoặc uống thuốc để mũi được thông. Nếu có thể, bạn nên chọn chỗ ngồi gần cánh máy bay, tránh ngồi ở phần đuôi vì đó là chỗ hay lên xuống nhất. Tốt nhất, khi bị dị ứng hoặc bệnh hô hấp trầm trọng, nên hoãn chuyến bay. Và nếu triệu chứng trên thường xuyên xảy ra mỗi lần đi máy bay, nên đi khám để chữa trị.
Những trường hợp cần lưu ý
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người bị bệnh tim nặng đến giai đoạn hiểm nghèo như suy tim có triệu chứng tím tái hoặc bị tắc mạch vành hay nhồi máu cơ tim không nên đi máy bay. Nếu bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng thì 3 tuần sau khi lành bệnh có thể bay được.
Người bị huyết áp cao không kiềm chế được; người có bệnh cao huyết áp (trên 230/130mmHg) hoặc những người có bệnh huyết áp thấp (80/50mmHg) không nên đi máy bay. Bệnh nhân tiểu đường, nhất là type 1, nếu phải bay qua nhiều múi giờ thì nên mang insulin nhiều hơn nhu cầu một chút, cùng với máy thử đường và vài viên kẹo.
Người mới mổ ghép nối động mạch tim mà không có biến chứng cũng nên đợi 2 tuần mới bay. Với các phẫu thuật khác như ở bụng, ngực, nên đợi lành hẳn vết mổ, đại tiểu tiện thông suốt. Sự thay đổi áp suất trong máy bay và không khí khô có thể ảnh hưởng tới người vừa được điều trị cườm mắt, thay ghép thủy tinh thể. Do đó, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bay.
Người hay bị khô mắt nên mang theo nước mắt nhân tạo, đặc biệt là những ai mang kính áp tròng hoặc bị viêm ngứa. Trẻ sơ sinh dưới 14 tháng tuổi, phụ nữ có thai từ 32 tuần tuổi trở lên, phụ nữ ngay sau khi sinh cũng không nên đi máy bay.
TheoVietnam