Để ‘cô bé’ luôn sạch sẽ
Không ít chị em tự mua thuốc vệ sinh phụ nữ về rửa, thậm chí bơm, thụt mà không cần biết loại nào phù hợp với bệnh nào.
Viêm nhiễm đường sinh dục là sự phát triển quá mức bình thường của các tác nhân gây bệnh có ở đường sinh dục hoặc nhiễm từ bên ngoài khi gặp các điều kiện thuận lợi. Các tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng.
Thông thường nhiễm khuẩn đường sinh dục chỉ gây khó chịu cho người bệnh với các triệu chứng như tiết dịch âm đạo nhiều, hoặc dịch bất thường, đau, ngứa, rát, nặng hơn có thể bị rong huyết, chảy máu.
Nhiễm khuẩn đường sinh dục thường không gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng nên chị em hay coi thường, không đi khám chữa đúng chuyên khoa. Chị em thường tự pha hoặc tự mua thuốc vệ sinh phụ nữ (TVSPN) về rửa, thậm chí bơm, thụt mà không cần biết loại nào phù hợp với bệnh nào. Vì vậy, có nhiều trường hợp càng rửa bệnh càng nặng.
Tác dụng của TVSPN
Đa số các TVSPN dùng được mọi lúc với mục đích vệ sinh, đặc biệt là các thuốc có nguồn gốc thảo dược. Nhưng có một điều chị em cần hiểu rằng, thuốc không chữa được các bệnh viêm đường sinh dục, chúng chỉ là biện pháp hỗ trợ điều trị các triệu chứng như rát, ngứa, hôi, ẩm ướt… các mầm mống gây viêm đường sinh dục không thể khỏi hoàn toàn nếu không dùng thuốc.
Trong thành phần thuốc có một số chất tạo mùi thơm, tạo cảm giác thơm tho, sạch sẽ cho chị em. Một số loại có thành phần thuốc để chữa bệnh, chúng có chất tạo bọt, sát khuẩn nhẹ. Có loại không mùi và có loại có mùi hương để khử mùi hôi, chúng làm thay đổi môi trường pH âm đạo, hạn chế mầm bệnh. Một số thuốc có thành phần chống ngứa, có thể dùng khi bị nấm ngứa.
Tuy vậy, chị em cũng không nên lạm dụng thuốc, có thể gây mất cân bằng sinh thái môi trường âm đạo. Trước khi dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu không có bệnh gì, tốt nhất chị em nên dùng nước nấu chín để rửa.
Tác hại của việc tự ý dùng TVSPN
Nhiều chị em khi có triệu chứng ngứa, rát thường tự mua thuốc về thụt rửa mà không lường đến tác hại của việc này.
Trước hết, tự thụt rửa có thể diệt trực khuẩn có lợi (trực khuẩn Doderlein có tác dụng duy trì độ pH thích hợp), tạo môi trường thuận lợi cho mầm bệnh phát triển như: trùng roi, nấm, hoặc có thể diệt tinh trùng khi bạn đang muốn có em bé.
Đồng thời, việc dùng dụng cụ để thụt rửa không đúng cách có thể gây tổn thương âm đạo. Mặt khác, khi thụt thuốc vệ sinh phụ nữ vào âm đạo chúng sẽ chảy ra ngay, vì vậy sẽ không có tác dụng điều trị viêm nhiễm.
Thụt rửa trong tình trạng viêm nhiễm âm hộ, âm đạo có thể gây nhiễm trùng ngược lan rộng, khiến tình trạng viêm nhiễm đang ở một chỗ sẽ lây lan rộng, bệnh trầm trọng và khó chữa hơn.
Video đang HOT
Trong trường hợp có triệu chứng viêm người bệnh nên đi khám để bác sĩ chỉ định đặt thuốc.
Thực tế, có trường hợp khi âm đạo bị ngứa người bệnh tự mua thuốc về dùng, nhưng không hiểu lý do tại sao không những không giảm được ngứa mà còn bị nặng hơn. Đó là do người bệnh đã sử dụng loại thuốc có độ pH không phù hợp với độ pH tự nhiên của âm đạo.
Môi trường tự nhiên của âm đạo có độ pH = 3,8-4,8, nếu khi bị nấm ngứa người bệnh sử dụng loại TVSPN có độ pH dưới 4,5 (thấp hơn độ pH của âm đạo) sẽ tạo điều kiện cho nấm phát triển. Những loại thuốc có độ pH dưới 4,5 chỉ dùng trong trường hợp không nhiễm nấm.
Sử dụng TVSPN thế nào cho đúng?
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc vệ sinh phụ nữ với một số thành phần có tác dụng diệt khuẩn, chống ngứa, thay đổi môi trường âm đạo (do pH), chất tạo mùi thơm… như: Cytéal, Lactacyd FH, Betadin, Carefree, Saforelle, Dạ hương, Gyterbac, dung dịch Natri bicacbonat, dung dịch muối sinh lý… nhưng không phải thuốc rửa nào cũng dùng được cho tất cả các bệnh.
Vệ sinh hàng ngày: Nên dùng những dung dịch vệ sinh có thành phần thảo dược như Dạ hương, Carefree trà xanh tạo độ ẩm tự nhiên cho âm đạo.
Khi bị nấm ngứa: Không nên dùng thuốc có độ pH dưới 4,5. Nếu bạn đang dùng dung dịch Lactacyd có độ pH 3,5 hàng ngày thì nên dừng lại. Như đã nói ở phần trên, nếu độ pH của thuốc thấp hơn độ pH của âm đạo sẽ là môi trường thuận lợi cho nấm phát triển (hiện trên thị trường sắp có Lactacyd có độ pH phù hợp với độ pH tự nhiên của âm đạo có thể dùng hàng ngày).
Trong trường hợp này bạn có thể dùng dung dịch Carefree hoặc loại dung dịch có tính pH kiềm hóa môi trường âm đạo như Phytogyno, Bicarso, dung dịch Natri bicacbonat, Saforelle, Betadin, Cyteal có thành phần chống ngứa.
Viêm nhiễm do Trichomonas: Bác sĩ sẽ chỉ định dùng loại có tính pH axit hoặc có Metronidazole như Lactacyd FH, Metrogyl.P, Gynoformine…
Sau khi sinh nở: Để nhanh lành vết thương sau khi sinh có thể dùng Betadine hoặc dung dịch Cyteal, Dạ hương, có tính sát khuẩn, khử mùi, có thành phần thảo dược lành tính.
Viêm loét: Ngoài việc dùng thuốc có thể kết hợp sử dụng Betadin để nhanh lành vết thương.
Kỳ kinh nguyệt: Thời gian này, cổ tử cung hé mở nên dễ viêm nhiễm đường sinh dục, bạn nên dùng thuốc để rửa hàng ngày như Lactacyd FH, Dạ hương… những dung dịch này sẽ khử mùi khó chịu, tạo cảm giác khô ráo.
Trước và sau khi quan hệ: Có thể dùng bất cứ loại thuốc nào để rửa. Dùng TVSPN để rửa ngoài không được thụt vì thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng nếu bạn muốn có em bé. Nên vệ sinh cho cả hai vợ chồng.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian nhiều chị em dùng lá chè xanh nấu lấy nước dùng làm nước vệ sinh hàng ngày, nhưng cần lưu ý hiện nay chè xanh cũng hay bị phun thuốc bảo vệ thực vật, khi dùng phải rửa thật sạch nếu không có thể sẽ nhiễm thêm bệnh khác.
Khi có triệu chứng viêm nhiễm khác cần đi khám để có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý: Thuốc vệ sinh phụ nữ dạng nước, có loại có thể dùng trực tiếp có loại cần pha loãng với nước, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Nếu thuốc là dạng bột, khi dùng hãy pha chế theo hướng dẫn sử dụng.
Theo VNE
Tác dụng của thận dê với quý ông
Trong y học cổ truyền, thận dê được gọi là dương thận, bao gồm hai phần : dương nội thận, hay còn gọi là dương yêu tử...
Tức là quả thận thực sự và dương ngoại thận, hay còn gọi là dương thạch tử, tức là tinh hoàn. Dương thận vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận khí, ích tinh tuỷ, thường được dùng để chữa các chứng thận lao hư tổn, lưng đau gối mỏi, tai ù, tai điếc, liệt dương, di hoạt tinh, yếu sinh lý, đi tiểu đêm nhiều lần...
Dương thận thường được sử dụng dưới dạng kết hợp với một số thực phẩm hay dược liệu để chế biến thành những món ăn hấp dẫn, nó vừa có công dụng bổ dưỡng lại vừa có tác dụng phòng chống bệnh tật. Dưới đây, chúng tôi xin được giới thiệu một số công thức điển hình để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng.
Bài 1: Dương nội thận 1 quả, thịt dê 60g, lá kỷ tử 250g (có thể thay bằng kỷ tử 100g), gạo tẻ 60 - 90g, hành củ và gia vị vừa đủ.
Dương thận rửa sạch, bổ đôi, bỏ màng trắng, thái miếng; thịt dê rửa sạch, thái quân cờ; sắc kỹ kỷ tử rồi bỏ bã lấy nước, cho thận và thịt dê vào ninh nhừ với gạo thành cháo, nêm gia vị vừa đủ, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Bổ thận âm, ích thận khí, tráng nguyên dương, dùng để trị các chứng lưng đau, gối mỏi, tai ù, di niệu do thận hư, nam giới liệt dương, suy giảm khả năng tình dục.
Bài 2: Dương nội thận 1 quả, nhục thung dung 30g.
Dương thận rửa sạch, bổ đôi, bỏ màng trắng, thái miếng; nhục thung dung tẩm rượu một đêm rồi thái lát, đem hầm cùng với dương thận, khi chín chế thêm gia vị, ăn nóng.
Công dụng: bổ thận tráng dương, nhuận tràng thông tiện, dùng làm đồ ăn cho những người bị liệt dương, yếu sinh lý, táo bón do mệnh môn hoả suy.
Bài 3: Dương ngoại thận 1 đôi, nước hầm xương lợn 1 bát, tuỷ lợn một đoạn, gia vị vừa đủ.
Dương ngoại thận rửa sạch, thái miếng; đun nước hầm xương lợn cùng với gia vị và tuỷ lợn trong 15 phút, sau đó cho dương ngoại thận vào đun thêm chừng 3 phút là được, múc ra bát, ăn nóng.
Công dụng: Ích tinh, trợ dương, bổ thận, được dùng để chữa các chứng muộn con, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, đau lưng mỏi gối, suy giảm ham muốn tình dục, suy nhược cơ thể...
Bài 4: Dương nội thận 1 đôi, nhục thung dung 25g, thảo quả 5 g, trần bì 5g, mỡ dê 100g, gia vị vừa đủ.
Thận dê làm sạch, bổ đôi, bỏ màng trắng, thái miếng; mỡ dê thái miếng; sắc kỹ các vị thuốc rồi bỏ bã lấy nước, đem hầm với thận và mỡ dê, khi chín chế thêm gia vị, ăn nóng.
Công dụng: Bổ thận, tráng dương, ôn trung kiện tỳ, nhuận tràng thông tiện, được dùng để chữa các chứng liệt dương, di hoạt tinh, đau lưng mỏi gối, tay chân lạnh, táo bón do thận dương hư.
Bài 5: Dương ngoại thận 1 đôi, nhung hươu 3 g, rượu trắng 500 ml.
Dương ngoại thận tươi (lấy từ dê núi là tốt nhất), rửa sạch huyết rồi đem ngâm cùng nhung hươu với rượu trắng chừng nửa tháng là được, mỗi ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần từ 10 - 20 ml; kiêng hành, gừng, tỏi và hạt tiêu.
Công dụng: Bổ thận, tráng dương, ích tinh dưỡng huyết, dùng để chữa các chứng liệt dương, suy giảm ham muốn tình dục, tinh dịch lạnh loãng, suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng...
Bài 6: Dương nội thận 1 quả, bạch tật lê sao qua 120g, long nhãn 120g, dâm dương hoắc 120g, toả dương 120g, ý dĩ 120g.
Tất cả đem ngâm với rượu trắng chừng nửa tháng, mỗi ngày uống 20ml.
Công dụng: Ôn thận, tráng dương, ích tinh bổ tuỷ, khu phong trừ thấp, dùng để trị các chứng liệt dương, di mộng tinh, tinh lạnh, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc ở người già do thận hư.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, một trong những chức năng quan trọng của tạng thận là chủ về sinh dục. Dê lại là một trong những loài động vật có khả năng hoạt động sinh dục mạnh mẽ và bền bỉ, bởi vậy, quả thận và tinh hoàn của dê đã được người xưa sử dụng làm thức ăn và làm thuốc để chữa trị các chứng bệnh thuộc hệ sinh dục từ rất sớm. Đây là một trong những ví dụ điển hình của việc áp dụng học thuyết "dĩ tạng bổ tạng", "dĩ tạng liệu tạng" (lấy tạng để bồi bổ và chữa bệnh của tạng) trong y học cổ truyền.
Theo VNE
"Cỏ" ở vùng kín cũng cho biết về bệnh tật Đừng chủ quan khi "cỏ" tại vùng kín quá rậm rạp hoặc thưa thớt hơn mức bình thường. Đó có thể là dấu hiệu của những chứng bệnh liên quan tới sức khỏe sinh sản. Lông mu chính là dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành về giới tính của con người. Bước vào giai đoạn dậy thì, cả nam lẫn nữ đều...