Dễ chơi cũng được nhưng đừng làm mỳ ăn liền – P2: Câu chuyện Auto
Ở phần trước, chúng ta đang bàn một phần câu chuyện các NPH đang “nấu mỳ ăn liền” phục vụ game thủ. Ngoài vấn đề game dễ, nhàm chán, một trong những điều khiến game online Việt càng ngày càng “mỳ ăn liền” là do sự phát triển, tồn tại và được hậu thuẫn của hệ thống auto khổng lồ.
Trong phần 2 này, chúng ta sẽ cùng bàn đến thực tại, nguyên nhân và vai trò của auto trong việc biến game online Việt ngày càng trở nên nhàm chán hơn.
Thực trạng auto trong game online
Đây không phải vấn đề mà bây giờ chúng ta mới nói đến. Có thể nói, sự phát triển của auto luôn song hành với sự phát triển (và có lẽ là cả suy thoái) của game online Việt. Từ chỗ chỉ là những phần mềm bên ngoài giúp… giữ nút phải chuột cho đến nay, auto đã trở thành một thành phần tích hợp trong game, thậm chí có thể… làm nhiệm vụ thay cho game thủ.
Thậm chí, auto không chỉ tự động thực hiện những việc cày kéo cho game thủ các auto PK còn có thể khả năng… tự đánh nhau (với người chơi khác) và hỗ trợ game thủ một cách hoàn hảo.
Auto trong làng game Việt không chỉ thay game thủ làm các tác vụ cơ bản như cày kéo. Auto PK trong một số (có lẽ là không ít) các game hiện nay là thứ để đảm bảo chiến thắng chắc chắn cho game thủ. Nghe hơi buồn nhưng đó là sự thật. Thử tưởng tượng xem, auto có thể giúp đối thủ target bạn từ cách 2 màn hình… bạn có cách nào để chiến thắng? Hay một số skill yêu cầu click chuẩn, click đúng thì liệu có game thủ nào tự tin hơn auto?
Phá hỏng game online Việt
Tôi đã chơi qua nhiều game online Việt. Trải qua gần 10 năm gắn bó với thế giới game online từ lúc là game thủ, tư vấn viên (đại khái là hỗ trợ chiến thuật cho một số đội game), làm trong NPH game cho đến bây giờ là viết về game, một điều tôi nhận thấy là càng ngày game online càng chán một phần rất nhiều là do auto. Auto đã phá hỏng những gì của game thủ Việt?
Tính cộng đồng
Chơi nhiều game nhưng rút cục game tôi cảm thấy gắn bó và nhớ nhiều nhất lại là VLTK – một game tôi đã dừng chơi từ rất lâu. Ở VLTK, tôi tìm được cảm giác mà game online sau này không thể mang lại, thậm chí, ngay cả VLTK thời gian sau này cũng không có: tình cảm, sự gắn bó trong cộng đồng người chơi.
Video đang HOT
Ngày trước, có thể tôi bỏ cả ngày (và thực tế có nhiều lần rồi) để cùng anh em “cày kéo” bởi thời đấy chưa có auto. Rồi những câu chuyện bất tận, những cuộc vui… ngoài game, những trò chơi mà không ai trong thời điểm này có thể nghĩ ra được. Các kênh bang, kênh chat cả ngày ngập tràn trong những câu chuyện. Thậm chí, ngay cả việc ai đánh để đám còn lại “theo sau” cũng trở thành những kỷ niệm đáng nhớ.
Thế rồi, mọi thứ chấm dứt bởi sự ra đời của auto. Game trở thành cuộc chơi của những nhân vật không hồn. Kênh bang vắng vẻ, gọi ai cũng đang auto, treo máy… Có xuất hiện thì cũng chỉ xuất hiện trong các hoạt động, nơi người ta phải tập trung vào hoạt động, lấy đâu ra thời gian chat chit tám chuyện… Rồi sau này, các hoạt động cũng auto nốt.
Kỹ năng và tư duy chơi game
Thực sự, kỹ năng của game thủ Việt, đặc biệt là các game thủ game online đang bị auto tàn phá. Trước đây, không có auto, game thủ phải tính toán từng bước đi, từng thời điểm luyện sao cho có hiệu quả cao nhất. Rồi thì tính toán và luyện tập PK để không thua trong cách trận chiến. Nói chung, muốn giỏi, muốn mạnh cũng phải tập kha khá.
Rồi thì, auto ra, ai phải tính toán và sử dụng kỹ năng nữa. Luyện thì cứ treo máy vứt đấy là xong, còn PK, vào trận, bật auto thế là cũng là xong nốt. Cuộc chơi, trở thành cuộc đua nạp tiền.
Không cần lấy ví dụ đâu xa, chính bản thân tôi có lẽ cũng là nạn nhân của auto. Sau một thời gian dùng auto, trong một ngày auto hỏng (do chưa update kịp với phiên bản game) tôi mới thấy mình xa lạ với game thế nào và do đó, tôi đã quyết tâm bỏ game còn hơn là tiếp tục nạp tiền cho auto chơi. Thế đấy, đời không như mơ.
Đừng ngụy biện
Bạn, những người ủng hộ sự tồn tại của auto luôn luôn đưa ra quan điểm rằng: auto hỗ trợ ta chơi những lúc ta bận. Điều này đúng, game chỉ là một phần (nhỏ) của cuộc sống, tôi không khuyến khích các bạn bỏ mọi thứ để cắm đầu vào game. Nhưng bận thì đơn giản là log out và không chơi game nữa hơn là bật auto rồi vứt đấy. Chơi game, mà đọ xem ai có điều kiện bật máy nhiều hơn, auto giỏi hơn thì hỏng.
Các gamer, đa phần chơi game để tìm kiếm sự thư giãn. Đúng. Vậy tại sao lại nhường sự thư giãn cho… auto? Bạn bỏ tiền ra, bạn có quyền hưởng hoặc không hưởng sự thư giãn đó, thay vì vứt nó cho một chương trình làm hộ. Nó đơn giản là giết chết sự đam mê, tình cảm của bạn giành cho game. Đừng nhầm lẫn.
Lỗi thuộc về ai
Tất nhiên, cũng không thể trách hoàn toàn game thủ bởi rõ ràng NPH cung cấp thì không tội gì không dùng cả. Quan trọng là các NPH đã vì lợi nhuận (auto giúp họ rất nhiều) mà quay mặt với cuộc chiến chống auto. Cũng phải thôi, khi cả thị trường auto, quay lại chống auto thì chỉ có nước phá sản.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Dễ chơi cũng được nhưng đừng làm mỳ ăn liền (Phần 1)
Cách đây vài ngày, tôi và các bạn có bàn một chút về chủ đề game đang càng ngày càng dễ, không chỉ game online Việt. Thực tế đây là xu hướng khó tránh. Tuy nhiên, dễ không có nghĩa là mỳ ăn liền.
Vấn đề kinh tế
Thật ra, làm game hay làm bất cứ sản phẩm giải trí nào cũng vậy, tiền luôn là yếu tố cuối cùng mà các studio hay NPH nhắm đến. Có thể, sản phẩm đó không nhằm kiếm tiền thì nó cũng là đòn bẩy để sản phẩm sau thu tiền. Không hãng game nào là nhà từ thiện, đó là điều chắc chắn. Bạn hãy cứ xác định là game sẽ càng ngày càng dễ đó là điều dĩ nhiên.
Có người cho rằng, game khó cũng hay và dễ hút tiền. Tất nhiên, điều đó có thể đúng. Nhưng làm game khó, thứ nhất, công sức đầu tư sẽ rất lớn (thiết kế game...) trong khi rủi ro cũng vì thế mà lớn theo (hạn chế người chơi). Ngay cả các nhà sản xuất lớn trên thế giới cũng không thoát khỏi xu hướng này, vì vậy, không có nhiều điều để phàn nàn khi game Việt ngày càng dễ.
Dễ không đồng nghĩa với chán
Lần trước, tôi đã lấy ví dụ cho bạn về CoD 2 và MW 3 về việc game đang dễ đi. Xin nhân tiện đây chia sẻ một chút với một số comment về thời lượng chơi để "phá đảo" CoD 2 và MW 3. Phải thú nhận rằng, tôi không phải là một game thủ giỏi, đặc biệt là với những game bắn súng. Đồng thời, thời gian cũng không cho phép tôi mày mò nhiều với game. Đó là lý do vì sao tôi tốn khoảng 2 3 tháng (khoảng 10h mỗi tuần) với CoD 2. Tuy nhiên, dễ đi trong trường hợp này không có nghĩa là chán đi.
Đúng là thời gian và kỹ năng cần cho việc phá đảo MW3 ít hơn rất nhiều so với CoD 2. Tuy nhiên, cốt truyện, những thử thách trong game, những góc khuất, sự thú vị không vì thế mất đi. Phải nói thêm rằng, phá đảo với hoàn thành game là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. MW 3 chứa đựng rất nhiều yếu tố khiến cho nó trở nên thú vị.
Hay một ví dụ khác, bạn có thể Angry bird dễ không? Cá nhân tôi thấy là có. Nếu tập trung chơi, chỉ cần khoảng 2 ngày bạn sẽ phá đảo toàn bộ game. Tuy nhiên, Angry Bird không thể gọi là chán vì để chinh phục tất cả các bàn đều 3 sao không phải là chuyện dễ dàng.
Tóm lại, các game dễ đi không có nghĩa là chán đi. Dễ đi tạo cơ hội cho nhiều người tiếp xúc với game, chơi game nhưng vẫn chừa (nhiều) không gian cho những người yêu thích game muốn khám phá. Đó, là sự khác nhau căn bản giữa dễ và nhàm chán.
Và game Việt
Chắc hẳn đọc xong đoạn trên bạn đã biết tôi sẽ định nói gì ở phần này. Quả thật game Việt không phải đang dễ đi, mà là đang nhàm chán đi. Không hoặc có rất ít "kẽ hở" nào cho sự sáng tạo, cho trí óc và thử thách game thủ. Trong game Việt, yếu tố kỹ năng, chiến thuật và tư duy đang bị xóa xổ. Thay vào đó, kỹ năng "nạp thẻ" đang trở nên quá khủng khiếp và không thể nào chống lại.
Quay trở lại ví dụ Kiếm Thế và VLTK (xin lỗi VNG và các bạn đang chơi Kiếm Thế, tôi xoáy và ví dụ này đơn giản là do đây là 2 game online tôi gắn bó lâu nhất và có kiến thức nhất). Ở VLTK, ít nhất là 3 phiên bản đầu tiên, tôi có thể tự tin solo và chiến thắng ngay cả những đại gia thuộc hàng top đầu của game nhờ kỹ năng của mình. Thực tế, những người chiến thắng và "bá đạo" trong giai đoạn đầu của game hầu không phải những đại gia số một số hai đơn giản là để có tiền đổ vào game, họ không có nhiều thời gian để luyện tập. Ở VLTK 1, những trận đấu của hai nhân vật có kết quả rất khó đoán nhất là khi đồ same same nhau (khoảng 1 10 18). Đôi khi thắng và thua chỉ do một hoặc hai skill chí mạng (x2 dam).
Sang Kiếm Thế, mọi chuyện khác hẳn. Tôi khẳng định tôi đoán trúng 90% kết quả các trận đấu mà không cần xem trận đấu, chỉ cần xem đồ. Quả thật, hầu như không còn sự khác biệt trong kỹ năng thi đấu, đơn giản, đồ ai mạnh hơn người đó sẽ thắng. Xin lưu ý thêm, 10% còn lại có một phần không nhỏ đến từ yếu tố... mạng. Đa phần game online ngày nay đều như vậy.
Hay webgame thần giới mà em trai tôi chơi. Khi chiến đấu, hầu như chỉ nhìn đồ là biết thắng thua. Những nhân vật đầu top chỉ cần vẩy 1 hoặc 2 skill là tất cả chết như ngả rạ, ngay cả những game thủ thuộc top 100 đi chăng nữa. VLTK trước đây, ngay cả top 1000 (trừ trường hợp khắc hệ) đánh nhau đều không có chuyện như vậy.
Lý do rất dễ hiểu, nhà phát hành muốn tăng doanh thu. Mà các game online hiện nay đều miễn phí. Cách dễ dàng và nhanh nhất để kiếm được tiền từ game là khiến cho các game thủ nạp càng nhiều càng tốt. Do đó, việc tạo ra sự chênh lệch giữa những người nạp nhiều và nạp ít rất quan trọng.
Phần một của loạt bài này tôi xin tạm dừng tại đây, trong phần sau, chúng ta sẽ bàn đến sự tác động của auto, các chính xác khác của NPH và câu chuyện mỳ ăn liền trong game online Việt.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Total Recall: Liệu có vượt qua "dớp" ăn theo phim? Những tựa game ăn theo phim từ trước đến nay luôn bị gán cho cái mác "tồi tệ" do chất lượng chúng mang lại thường không thể sánh bằng tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn tồn tại không thiếu những tựa game chất lượng được "bệ nguyên xi" từ những bộ phim bom tấn. Thế nhưng, tựa game được...