Để các em có cuộc sống tốt hơn
Sáng 20-11, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, đại diện Báo ANTĐ đã đến thăm và tặng quà nhà giáo Hồ Hương Nam, người mở lớp học tình thương trong 15 năm qua vẫn cần mẫn dạy chữ cho những học sinh khuyết tật, thiệt thòi.
Ngôi nhà nhỏ ở 253 An Dương, Tây Hồ, Hà Nội như thêm ấm cúng với sự sẻ chia, cảm phục của những người làm báo với người giáo viên nhỏ bé nhưng kiên cường. Về nhà khi vừa tham gia quản lý tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, phường Yên Phụ (nơi quản lý, tạo công ăn việc làm cho những người sau cai nghiện), bà giáo Hồ Hương Nam phấn khởi khi nhận phần quà là bó hoa tươi thắm, chiếc khăn vuông để bà quàng thêm trong mùa đông giá và đặc biệt là vở, bút cho các học sinh đặc biệt ở lớp học của bà.
“Có vở mới, bút mới này là các cháu thích lắm. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Báo ANTĐ, đây là tình cảm đặc biệt để tôi thêm cố gắng, có thêm sức khỏe để lên lớp với các em. Việc làm của tôi là bình thường với lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo. Tôi chỉ mong cả xã hội hãy quan tâm hơn đến các trẻ em thiệt thòi để các em có cuộc sống tốt hơn, có những nụ cười tự tin trong dòng đời vốn nhiều khó khăn này” – bà Hồ Hương Nam tâm sự.
Theo ANTD
Bà giáo già 15 năm dạy chữ cho trẻ khuyết tật
Bị ghét, bị đuổi về và nghe nhiều lời khó chịu, 15 năm qua bà giáo Hồ Hương Nam ở phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn kiên nhẫn thuyết phục phụ huynh để dạy chữ cho các em khuyết tật.
Suốt 15 năm qua, cô giáo Hồ Hương Nam 'gieo chữ' cho trẻ khuyết tật khắp thành phố Hà Nội. Ảnh: BM.
8h sáng hàng ngày, bà lão thân hình nhỏ bé đội chiếc nón Huế, một tay xách túi đồ, một tay cầm đài đi bộ từ nhà ra lớp học nhỏ mượn nhờ trường THCS An Dương. Vừa thấy bà, cô bé Nguyễn Kim Thoa bị bệnh down vui vẻ chạy đến cởi nón ra cho bà rồi ôm chầm lấy. Hành động bất ngờ ấy khiến bà giáo cảm động rơi nước mắt.
Video đang HOT
Vào lớp, bà giáo cặm cụi cầm tay cậu học trò hơn 30 tuổi Lưu Hồng Dương liệt tứ chi tô theo những nét bút chì viết sẵn trong vở. Người đàn ông ngồi không vững, phải cố định vào ghế bằng một sợi dây dù, khó nhọc kẹp chặt chiếc bút bằng những ngón tay khoèo. Kiên nhẫn và chậm chạp, cậu học sinh lớn tuổi viết nên những nét chữ run rẩy, nghuệch ngoạc "Em cố gắng học". Hướng dẫn xong cậu này, bà giáo lại sang kiểm tra bài tập viết của hai em gái khác bị down và chấm điểm bài tập làm toán của một cậu bé bị tự kỷ.
Cứ thế suốt 2 tiếng, lớp học đặc biệt diễn ra trong tiếng nhạc du dương, tiếng ú ớ, ngọng nghịu, những ký hiệu và cả giọng nói trầm ấm của cô giáo người Huế 80 tuổi. Suốt 15 năm qua, bà giáo Hồ Hương Nam vẫn miệt mài "gieo chữ" cho những học sinh nghèo khuyết tật theo cách ấy.
Bà Nam cầm tay học sinh tập viết. Ảnh: BM.
Năm 1957, người con gái xứ Huế theo chồng từ Quảng Bình ra Hà Nội dạy học. Chồng bà là giáo viên trung văn còn bà dạy tiểu học. Sinh được ba người con, bà Nam sớm một mình gánh vác việc gia đình khi chồng qua đời.
Từng là giáo viên nên khi nghỉ hưu năm 1979, bà cảm thấy hụt hẫng, nhớ trường lớp. Hơn nữa, nỗi buồn chồng mất khiến bà muốn làm việc để nguôi ngoai. Năm 1997, sau thời gian làm cộng tác viên dân số ở phường, bà Nam bắt đầu đi vận động một số gia đình có con khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc tự kỷ đến lớp của bà. Mỗi lần đến nhà có con khuyết tật, bà Nam cảm thương cho những đứa trẻ và nghĩ cách giúp chúng biết chữ để cuộc sống không bị phụ thuộc. Suốt nhiều tháng trời, bà đến từng nhà thuyết phục.
Nhớ lại những ngày đầu trầy trật đi vận động, bà Nam chia sẻ: "Tôi cứ đi đi lại lại hàng tháng trời. Có nhà thấy tôi đến nhiều quá còn không tiếp hoặc lấy cớ để không phải ngồi nói chuyện. Thực ra họ mặc cảm vì đang yên lành có người động đến nỗi đau của họ. Con cái như vậy, họ đau lắm".
Kiên trì thuyết phục, bà Nam xin các gia đình cho cháu ra học một tháng, nếu không tiến triển sẽ trả về. Cuối cùng hai gia đình đầu tiên đã đồng ý. Suốt hai năm đầu, lớp tình thương của bà Nam học nhờ ở trụ sở tuần tra chỉ có hai học sinh. Cô giáo già tâm sự, để lấy lòng tin, trước tiên cô dạy các em chào hỏi, ăn cơm biết mời, trước khi ăn phải rửa tay và đi học phải sửa sang quần áo chỉnh tề.
Sau một tháng, phụ huynh học sinh ngạc nhiên vì lâu nay không thấy con "biết ăn, biết nói" giờ "bỗng dưng" mở mồm chào hỏi lễ phép. Dạy lễ nghĩa xong, bà Nam bắt đầu hướng dẫn các em làm quen mặt chữ. Trước khi dạy chữ 0, bà viết mẫu lên chiếc bảng con và giảng giải cho học sinh hiểu phải đưa nét bút từ hướng nào lại. Khi đã quen, bà viết mẫu bằng bút chì lên vở để các em tô lại.
"Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy các em khuyết tật hay thiểu năng vất vả hơn nhiều lần. Tôi cứ cầm tay hai em tô hết trang này tới trang khác chữ 0 cho tới khi thành thạo. Xong chữ 0, tôi mới dạy các chữ cái khác. Học ghép vần cũng từ từ như vậy", bà Nam cho hay.
Ngoài học chữ, bà giáo còn hướng dẫn các em làm Toán. Bà viết mẫu chữ số, sau đó các em viết lại 4-5 trang. Hôm sau bà kiểm tra bằng cách lấy que tính giơ lên. Bà viết số 1 lên bảng rồi ghép thêm một que tính, học sinh sẽ biết đó là số 2.
Hiện tại, lớp học của bà Nam có 15 em theo học. Ảnh: BM.
Hiện tại, lớp của bà Nam có 15 em, nhỏ nhất là 8 tuổi và lớn nhất đã hơn 30. Trong số học sinh bám lớp từ đầu, có em giờ đã lập gia đình, có em đã mất. Không chỉ học sinh ở phường Yên Phụ, nhiều gia đình trong thành phố cũng gửi con tới lớp của bà. Trước khi nhận học sinh, bà Nam thường tới nhà thăm đời sống của em đó ra sao. Có trường hợp nhà ở Vĩnh Tuy, bà bắt xe ôm xuống tận nơi. Ngoài các em bị down, liệt, tự kỷ, lớp học ấy còn có học sinh câm điếc.
Mới đây bà Nam phải từ chối một trường hợp vì em này còn quá nhỏ lại mới chớm tự kỷ. Nếu nhận, bản thân bà cảm thấy áy náy vì em đó chưa tới mức vào học cùng các học sinh nặng trong lớp. Với những học trò đặc biệt, bà Nam vừa dạy vừa dỗ và phải luôn nhẹ nhàng.
"Thấy mình nói hơi to, các em cho đó là quát mắng. Vì thế, lần nào giận lắm nói câu hư vừa thôi, thấy mặt mấy đứa sầm lại là tôi phải ghìm ngay và động viên tuần này cháu ngoan, có mỗi hôm nay hư thôi, mai phải ngoan nhé. Thế là các em ngồi im luôn", bà Nam cười hiền từ kể.
Để động viên học trò, cuối tuần bà bỏ tiền túi ra mua bim bim và phát cho mỗi em một gói. Nhận được quà, các em biết ngày mai được nghỉ học. Có lần, bà không phát bim bim cho hai học sinh chửi bậy trong lớp. Tủi thân, hai em này buồn và khóc toáng lên. Sau lần ấy, bà rút kinh nghiệm, em nào cũng được nhận quà.
Bà giáo Nam chia sẻ thêm, bản thân luôn phải lựa khi thấy có em đang học bỗng lăn ra ngủ hoặc hét toáng vì nếu lớn tiếng, học sinh sẽ bỏ học hết. 15 học sinh mỗi em một trình độ, mức độ bệnh tật khác nhau nên lớp học của bà không có bảng đen.
Không chỉ xem các em là học trò, bà lão 80 còn chăm sóc chúng như những đứa cháu của mình. Trong ngăn kéo bàn học ở lớp, bà Nam luôn chuẩn bị sẵn túi nylon. Cậu học sinh hơn 30 tuổi Lưu Hồng Dương không thể tự đi vệ sinh vậy nên mỗi lần có "nhu cầu", bà Nam đẩy xe lăn đưa cậu ra nhà vệ sinh.
Suốt 15 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, bà Nam có nhiều kỷ niệm cảm động. Ngày 20/11 năm ngoái, thấy mọi người mua hoa mà bà không có ai tặng, học trò bảo nhau mỗi em mua một bông hồng rồi mang đến tặng cô Nam. Khi được hỏi lấy tiền đâu, đám học sinh thành thật "khai" tiết kiệm tiền quà sáng. Những hôm trở trời bị tăng huyết áp, bà Nam cố gắng uống thuốc, ăn cháo để hôm sau ra lớp với các cháu. Thấy bà nói "hôm nay bà mệt nhé", cả lớp ngồi im.
Là một trong số học sinh lâu năm nhất, em Đỗ Kim Thúy, 22 tuổi, đã biết đọc thành thạo, chữ viết đẹp và thuộc bảng cửu chương. Bị liệt nửa người, Thúy vẫn thích đến lớp bà Nam. Hàng ngày, Thúy đi bộ đi học và được giao làm lớp trưởng. "Bà kiên trì cầm tay hướng dẫn em những nét chữ đầu tiên. Học sinh nào bà cũng kiên nhẫn như vậy. Bố thấy em đọc được báo và chữ trên tivi thì bất ngờ lắm", cô gái có dáng người đậm tâm sự.
Bà Nam nhắc lịch học cho cậu học trò Lưu Hồng Dương bị liệt tứ chi. Ảnh: BM.
Thấy mô hình dạy học của bà Nam thành công, nhiều tổ chức và các trung tâm trẻ khuyết tật tới xin hợp tác cùng. Tuy nhiên, bà không muốn "bắt tay" vì nhận ra mục đích kinh doanh của họ. Từ trước tới giờ, bà tự bỏ tiền túi mua vở, bút chì cho học sinh mà không cần phụ huynh phải đóng góp. Số tiền lương hưu ít ỏi cộng với con cháu biếu, bà dành để lo cho những đứa trẻ tàn tật.
Nhắc đến bà giáo Nam, Chủ tịch phường Yên Phụ, ông Hoàng Mạnh Khương, nói: "Bà Nam là người có tâm. Việc làm của bà được nhiều người ủng hộ và đánh giá tốt". Ông Khương cho hay, phường thường xuyên xuống động viên tinh thần, ủng hộ về cơ sở vật chất và tạo điều kiện để bà giáo dạy học. Tuy nhiên do đây không phải lớp học chính thống do phường mở nên việc hỗ trợ về vật chất có mức độ.
Theo ông Khương, dịp khai giảng, bế giảng, hoặc các sự kiện ở trường, học sinh của bà Nam đều được mời ra tham dự. Các em cũng được nhà trường động viên, tặng phần thưởng là vài quyển vở cuối năm học.
Theo VNE
Cấp CMND theo công nghệ mới: Đơn giản, nhanh gọn, văn minh Ngày đầu triển khai cấp CMND theo công nghệ mới ở Hà Nội, phóng viên ANTĐ ghi nhận thủ tục cấp CMND cho người dân thật đơn giản, nhanh gọn và văn minh tại 4 đơn vị được CATP Hà Nội lựa chọn tổ chức thực hiện đầu tiên. Đó là Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an các quận Hoàng Mai,...