ĐBQH: “Tranh chấp một con bê, tòa xử sai khiến người dân tự tử”
Sau khi lấy ví dụ về vụ tranh chấp một con bê, tòa xử sai khiến ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tự tử, ĐB Phạm Trí Thức ( Thanh Hóa) cho biết “phía sau một lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi”.
Sáng 31.10, ngay sau phần trả lời của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) đã tranh luận lại.
Theo ĐB Thức, Chánh án thông tin trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53% như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. “Tôi cho rằng như vậy là chưa thoả đáng. Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài”, ĐB Thức nói.
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa)
Lấy ví dụ về vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tự tử, ĐB Thức cho rằng: “Các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông Phê. Phía sau một lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn”, ĐB Thức nói và mong muốn “những sai lầm trong lĩnh vực tư pháp chậm được sửa chữa”.
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Thuỷ (Thanh Hoá) về giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến khởi kiện những vụ kiện hành chính, nhất là liên quan đến đất đai, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình thừa nhận, số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, 11%/năm, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó có nhiều vụ kiện rất khó giải quyết do nhiều nguyên nhân khác nhau. Số lượng án giải quyết được thấp, chỉ đạt 39% trong khi Quốc hội yêu cầu 80%, thời gian giải quyết kéo dài.
Video đang HOT
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn sáng 31.10 (Ảnh: Lê Hiếu)
Theo Chánh án TAND tối cao, bên cạnh hạn chế từ phía toà án, những tồn tại này xuất phát từ các nguyên nhân chính là sự vắng mặt các cấp chính quyền nên khi giải quyết các vụ án sẽ bị xử hoãn. Khi xử vắng mặt bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng án, gây kéo dài.
“Cần phải có giải pháp tổng thể như sắp xếp các toà án chuyên trách hợp lý, đề cao trách nhiệm của các chánh án. Về phía các cơ quan, UBND các cấp phải chấp hành nghiêm quy định của luật như phải cung cấp đầy đủ tài liệu cho người dân; tham gia các phiên đối thoại để giải quyết các tranh chấp. Đối với vụ kiện hành chính, UBND các cấp phải có mặt tại phiên toà đúng thành phần, đối tượng, yêu cầu của luật pháp; khi bản án có hiệu lực phải thi hành cho nghiêm túc”, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp.
Bên cạnh đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng đề nghị Quốc hội đã đến lúc phải tổng kết Luật Hành chính và Luật Tố tụng hành chính, chỗ nào không hợp lý phải xem xét việc sửa chữa.
Tiếp tục trả lời câu chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hi vọng, Chánh án TAND tối cao cho biết, đơn giám đốc thẩm, tái thẩm tăng rất nhiều trong năm 2018, trên 2.000 đơn giám đốc thẩm. Theo quy định của luật, việc thi hành chế độ xét xử sẽ qua 2 cấp: Sơ thẩm, phúc thẩm. Luật quy định chặt chẽ các điều kiện của giám đốc thẩm, tái thẩm để tránh xét xử cấp thứ 3.
“Trong năm chúng tôi giải quyết được 53% số đơn, đây là một kết quả nỗ lực của Hội đồng Thẩm phán. Việc kéo dài, lên giám đốc thẩm thì đã qua nhiều cấp rất mất nhiều thời gian. Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, chúng tôi không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ toàn án…Thời gian tới, TAND các cấp sẽ tăng cường độ làm việc để đẩy nhanh giải quyết, nâng cao chât lượng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để tránh khiếu kiện lên đến cấp giám đốc thẩm” – Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho hay.
Theo Danviet
Viện trưởng VKSND Tối cao: "Các trường hợp oan, sai giảm dần"
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Trong khi đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: "Các trường hợp oan, sai giảm dần".
Chánh án TAND Tối cáo Nguyễn Hoà Bình.
Báo cáo trước Quốc hội sáng 30/10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong công tác xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong năm qua chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội.
Các vụ án lớn, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án mà dư luận xã hội quan tâm được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án Đinh La Thăng phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN); vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"...
"Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, đồng thời cũng chú ý áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị các bị cáo chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại"- ông Bình nói.
Trong công tác xét xử các vụ việc dân sự, đã hạn chế đến mức thấp nhất việc để các vụ việc dân sự quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Được sự đồng ý của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, thời gian qua, TAND Tối cao đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính tại Hải Phòng.
Theo ông Bình, số lượng các loại vụ việc mà các Toà án phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi đó, những điều kiện đảm bảo cho hoạt động như đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, kinh phí chưa được bổ sung kịp thời.
Các TAND Cấp cao là những đơn vị mới được hình thành trong hệ thống Tòa án theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, có nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét, giải quyết phần lớn số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND. Tuy nhiên, việc bổ sung số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên cho các TAND Cấp cao trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do không được tăng biên chế.
"Lãnh đạo một số Tòa án chưa phát huy đầy đủ tinh thần trách nhiệm. Vẫn còn một số Thẩm phán, công chức Toà án hạn chế về năng lực, trình độ; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân chưa tốt nên hiệu quả công tác chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra"- ông Bình nhìn nhận.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.
Trong khi đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thông tin, trong 3 năm qua, ngành kiểm sát đã tích cực, chủ động phối hợp xác định hơn 15.000 vụ án trọng điểm, kịp thời điều tra, truy tố và khẩn trương đưa ra xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, sớm ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Giải quyết dứt điểm một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng có đơn kêu oan, như: vụ Vi Văn Phượng phạm tội giết người tại tỉnh Bắc Giang; vụ Trần Văn Vót phạm 4 tội tại tỉnh Hà Nam; vụ Lê Văn Mạnh phạm tội hiếp dâm, giết người tại tỉnh Thanh Hóa,..
"Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố của ngành Kiểm sát tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao. Các trường hợp oan, sai giảm dần"- ông Trí cho hay.
Trong đó đã kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tăng cường yêu cầu xác minh giải quyết đối với tố giác, tin báo về tội phạm. Số vụ viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự tăng qua từng năm. Các trường hợp quá hạn giải quyết giảm dần; số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra tăng dần, chiếm hơn 80% số vụ án mới khởi tố; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm dần. Số bị cáo tòa án tuyên không phạm tội cũng giảm dần (năm 2016: 14 bị cáo; năm 2017: 12 bị cáo; năm 2018: 6 bị cáo).
Thế Kha
Theo Dantri
Thẩm phán Thái Nguyên dùng bằng giả: Chánh án TAND Tối cao nói gì? Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình ủng hộ Trường ĐH Luật Hà Nội trong việc không phục hồi bằng cử nhân luật đã thu hồi trước đó của bà Nguyễn Thị Nga. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 23/10, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, ông hoàn toàn ủng hộ Trường ĐH...