Dạy thêm vì lương giáo viên chưa đủ sống: Công việc ‘cực và bèo lắm’!
Chia sẻ về thu nhập và công việc của mình, cô Quỳnh Anh, giáo viên tiếng Anh của một trường tiểu học Q.Bình Tân (TP.HCM) bắt đầu bằng một tiếng thở dài vì công việc ‘cực và bèo lắm’.
Dù công việc vất vả nhưng mức thu nhập của giáo viên tiểu học hiện không cao, nhiều người còn không đủ trang trải cuộc sống – ẢNH: NGUYỄN LOAN
Được biên chế chính thức và có thâm niên làm việc hơn 7 năm, dạy ngày 2 buổi và làm tất tần tật các công việc khác nhưng tổng thu nhập của cô Quỳnh Anh, giáo viên (GV) tiếng Anh của một trường tiểu học Q.Bình Tân (TP.HCM) chỉ được khoảng 8 triệu đồng/tháng, còn lương giáo viên mới vào nghề chỉ hơn 3 triệu đồng.
Chia sẻ về thu nhập và công việc của mình, cô Quỳnh Anh bắt đầu bằng một tiếng thở dài vì công việc “cực và bèo lắm”. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm, Quỳnh Anh được nhận vào dạy môn tiếng Anh ở trường tiểu học, được làm việc theo đúng ước mơ của mình. Nhưng sau nhiều năm đi dạy, Quỳnh Anh kết luận “thực tế không như mơ”.
Theo Quỳnh Anh, hiện thu nhập của GV phụ thuộc vào rất nhiều nguồn thu, nên mỗi người mỗi trường có thu nhập khác nhau, còn tùy thuộc vào việc là GV chủ nhiệm hay bộ môn; dạy một buổi hay 2 buổi/ngày; GV các bộ môn khác nhau cũng có thu nhập khác nhau. Thường môn tiếng Anh sẽ cao hơn một số môn khác như thể dục, âm nhạc, mỹ thuật…
“Nếu GV chỉ dạy đủ 23 tiết theo quy định của bậc tiểu học thì không có thêm tiền gì khác. Ngoài số tiết theo quy định thì GV có thể hưởng thêm tiền phụ trội nhưng cũng tính dựa trên thâm niên, nên những người mới vào nghề sẽ thiệt thòi và không được bao nhiêu”, cô Quỳnh Anh nói.
Cô Quỳnh Anh là GV bộ môn tiếng Anh, vào biên chế được hơn 7 năm đang nhận lương bậc 2 với mức lương cứng là 4,9 triệu đồng tháng, cộng với các khoản thu từ dạy bán trú, tiết phụ trội… nhưng tổng cộng tất cả các khoản thu nhập mỗi tháng của cô chỉ khoảng 8 triệu đồng.
Video đang HOT
Tương tự, là GV ở một trường công lập Q.Gò Vấp, TP.HCM, cô Thái Hoa chia sẻ: “Nếu nghĩ công việc của GV chỉ là những tiết dạy trên lớp và tối về soạn bài, chấm bài thì sai hoàn toàn. Giờ GV phải làm việc cực hơn vì nhiều hồ sơ, việc chấm bài đánh giá nhận xét, sổ sách cũng cồng kềnh. Chúng tôi còn phải lên tiết dự giờ, giáo án hằng tuần phải gửi đi, nhận xét sách vở học sinh, nhận xét trên cổng thông tin, biên bản họp các kiểu…”, nữ GV này kể.
Nói về thu nhập của mình, cô Thái Hoa cho biết thu nhập phụ thuộc rất nhiều khoản như lương ngân sách, lương bán trú, phụ trội, phụ cấp chức vụ, thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của TP.HCM… Nếu GV mới ra trường lương cứng chỉ được khoảng 3 triệu đồng/tháng, những GV khác tùy vào thâm niên, bằng cấp nhưng không nhiều người quá nổi 10 triệu đồng.
Chia sẻ về vấn đề dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà sáng lập một trường tiểu học tư, cho rằng vấn đề thu nhập của GV cũng là một trong những lý do dẫn đến tình trạng này.
Theo bà Uyên Phương, hiện thu nhập của GV các trường tư thục lớn hoặc các trường có yếu tố quốc tế thường rất cao. “Việc một GV ở trường tư thục nhận lương từ 20 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường”, bà Uyên Phương nói.
Còn lúng túng trong quản lý dạy thêm, học thêm
Việc bãi bỏ một số điều quan trọng nhất trong quy định về quản lý dạy thêm, học thêm hiện nay tại Thông tư 17 đang khiến các địa phương vô cùng lúng túng vì thiếu hành lang pháp lý để thực hiện.
Học sinh tiểu học tại TP.HCM học thêm sau giờ học - NGỌC DƯƠNG
Nhiều quy định quan trọng hết hiệu lực
Quyết định số 2499 ban hành ngày 26.8.2019 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc công bố hết hiệu lực các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư 17 ban hành ngày 16.5.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy định về dạy thêm học thêm (DTHT).
Theo đó một loạt quy định quan trọng trong quản lý DTHT đã hết hiệu lực thi hành như: về tổ chức DTHT ngoài nhà trường; yêu cầu đối với người dạy thêm; yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động DTHT; cơ sở vật chất phục vụ DTHT; thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; hồ sơ cấp giấy phép; trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; đình chỉ hoạt động DTHT.
Lý do Bộ GD-ĐT công bố hết hiệu lực các quy định về DTHT là vì căn cứ pháp lý của quy định này tại khoản 3 điều 74 luật Đầu tư đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016.
Cụ thể, năm 2016, Quốc hội thông qua luật sửa đổi bổ sung luật Đầu tư, trong đó bổ sung danh mục các ngành nghề có điều kiện, nên DTHT không phải là loại hình kinh doanh có điều kiện. Hoặc theo luật Ban hành những quy phạm pháp luật thì Bộ GD-ĐT không được ban hành những quy định về thủ tục hành chính. Do đó, điều chỉnh Thông tư 17 là nhằm phù hợp với luật pháp hiện hành.
Do chưa có quy định khác thay thế nên việc cấp phép và quản lý DTHT ngoài nhà trường ở tất cả địa phương sau hơn 1 năm qua vẫn "án binh bất động". Như vậy, với Quyết định 2499, cả nước sẽ ngừng cấp phép dạy thêm. Không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức DTHT ngoài nhà trường.
Ghi nhận thực tế cho thấy nhiều sở GD-ĐT đã có văn bản thông báo về việc dừng tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép DTHT. Các văn bản đều nêu lý do, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD-ĐT chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về cấp phép DTHT. Đối với trường hợp các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép tổ chức hoạt động DTHT trước thời điểm nêu trên, vẫn tiếp tục hoạt động.
Thực tế cho thấy, việc DTHT thời gian qua chỉ giảm do dịch Covid-19 nhưng không có ai dám chắc những giáo viên, trung tâm chưa được cấp phép dạy thêm này sẽ không còn dạy thêm nữa. Điều này chỉ làm cho việc DTHT vốn đã khó kiểm soát, nay càng khó khăn hơn.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, nhiều lãnh đạo ngành GD-ĐT cho biết việc bỏ một số điều trong Thông tư 17 khiến các địa phương đang rất lúng túng, chưa biết hướng dẫn quản lý DTHT ra sao... Các địa phương cũng cho rằng nhu cầu DTHT là có thật, do đó Bộ cần sớm có văn bản chỉ đạo về vấn đề này.
Đề xuất dạy thêm là "kinh doanh có điều kiện" bất thành
Bộ GD-ĐT cho biết đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức DTHT văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường công tác quản lý hoạt động này.
Tháng 5.2020, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa "dịch vụ DTHT văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông" vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Văn bản của bộ này đề cập đến kết quả thực hiện tăng cường quản lý việc DTHT và cho rằng việc DTHT là nhu cầu có thực, xuất phát từ nguyện vọng của học sinh, gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng DTHT sai quy định vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Đề nghị này của Bộ GD-ĐT không được chấp nhận. Đến nay, trong văn bản của Bộ GD-ĐT khi trả lời cử tri về vấn đề này cũng thừa nhận: "Công tác quản lý DTHT còn gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân do trong luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư năm 2014, không có nội dung về DTHT. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thông tư quy định về DTHT không được quy định các điều kiện về hoạt động, nên không có căn cứ để cấp phép mới cho hoạt động DTHT cũng như xử lý khi có sai phạm trong thời gian qua".
Quản lý dạy thêm bằng chương trình và cách thức thi cử?
Để đảm bảo việc quản lý nhà nước về hoạt động DTHT, Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư quy định hoạt động DTHT đảm bảo phù hợp với luật Đầu tư và quy định tại luật Giáo dục 2019.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đưa ra những giải pháp đã và sẽ thực hiện để giảm áp lực cho việc DTHT. Trong đó, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải các môn văn hóa, tăng thêm giờ học thể dục và hoạt động giáo dục thể chất; giao quyền chủ động, hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt.
Chỉ đạo các nhà trường thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá; kiểm tra, đánh giá, thi cử nhẹ nhàng, không nặng về kiểm tra kiến thức mà tập trung đánh giá sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định DTHT, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, TP chỉ đạo, quản lý việc DTHT trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm. Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT còn nêu dự kiến sắp tới chương trình DTHT cũng phải được kiểm duyệt, không để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay.
Câu chuyện giáo dục: Đáng buồn cho nạn dạy thêm học thêm! Dõi theo bài báo Lớp 1 cũng phải đi học thêm trên Báo Thanh Niên , lòng nghèn nghẹn đầy chua xót. Sau ngần ấy năm chấn chỉnh, nạn dạy thêm học thêm vẫn ngang nhiên tồn tại - N.L Sau bao nhiêu tranh cãi, sau ngần ấy năm chấn chỉnh và hàng loạt văn bản, chỉ thị, công văn nghiêm cấm, nạn...