Đẩy nhanh thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN
Thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu còn lại trong Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 và đảm bảo được vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực là những chủ đề lớn của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra tại Thủ Đô Nay Pyi Taw (Myanmar) từ ngày 10-11/5. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết như vậy tại cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 6/5.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam.
Nhiều trọng tâm bàn thảo “Thứ nhất, ASEAN sẽ cùng nhau bàn làm thế nào để xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Thứ hai, Hội nghị sẽ bàn phương hướng để ASEAN phát triển trong các thập kỷ tiếp sau 2015. Trọng tâm thảo luận thứ ba là phương hướng mở rộng hơn nữa, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa ASEAN với các bên đối tác để cùng ASEAN xây dựng cộng đồng và hợp tác ứng phó với những thách thức đang đặt ra. Nội dung thứ tư là làm sao đảm bảo được vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác của khu vực. Trong Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ rà soát các báo cáo cấp Bộ trưởng trên cả ba trụ cột và cho ý kiến chỉ đạo về việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ Thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw nhằm định hướng cho các hoạt động hợp tác của ASEAN trong năm 2014 và Chủ tịch ASEAN sẽ ra Tuyên bố về các kết quả của Hội nghị”.
Việt Nam sẽ đóng góp tích cực “Đoàn của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ đóng góp tích cực ở Hội nghị Cấp cao và các hội nghị liên quan. Chúng ta sẽ đóng góp ý kiến một cách tích cực và có trách nhiệm vào mục tiêu ưu tiên là làm thế nào xây dựng được Cộng đồng ASEAN, xây dựng tầm nhìn để ASEAN có thể phát triển dài hạn và nâng liên kết ASEAN lên một tầm cao hơn sau 2015. Đồng thời, chúng ta nhấn mạnh việc ASEAN chủ động, tích cực trong các sự việc liên quan đến khu vực và trong hợp tác với các đối tác trên những lĩnh vực ưu tiên. Chúng ta cũng sẽ thúc đẩy ở các cấp khác nhau để xây dựng các văn kiện của ASEAN theo những định hướng trọng tâm”.
Quan tâm vấn đề Biển Đông “Chắc chắn lần này ASEAN sẽ tiếp tục thể hiện sự quan tâm ưu tiên đối với vấn đề Biển Đông nói chung cũng như vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải nói riêng. Đây là một nội dung mà các cấp Bộ trưởng và cấp quan chức cấp cao sẽ bàn đến. Vừa qua, xảy ra một loạt vụ việc phức tạp ở Biển Đông. Chắc chắn các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như các cấp khác sẽ bàn về các diễn biến phức tạp đó, thể hiện sự quan ngại và yêu cầu các bên phải thực hiện việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) cũng như sớm hướng tới Bộ quy tắc ứng xử (COC). Đồng thời, trong quá trình giải quyết những vấn đề phức tạp như vậy, cần phải kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình. Tựu trung, Hội nghị sẽ nhấn mạnh việc bảo đảm chấp hành luật pháp quốc tế, trong đó có việc tuân thủ các điều khoản của Công ước Luật Biển liên quan đến việc tôn trọng quyền của các quốc gia đối với thềm lục địa và lãnh hải”.
Tin tưởng xây dựng thành công Cộng đồng “Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN đã có nền móng từ lâu. ASEAN đã trưởng thành rất nhiều sau 47 năm. Bên cạnh đó, lãnh đạo ASEAN đều khẳng định quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra. Điều kiện thuận lợi nữa là khu vực ASEAN rất đa dạng nhưng mô hình hoạt động của Hiệp hội ASEAN cũng như lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN cho phép các nước ASEAN vừa đảm bảo được thống nhất về định hướng mục tiêu đi lên Cộng đồng ASEAN nhưng đồng thời lại có những bước đi, lộ trình phù hợp với trình độ phát triển và đặc thù của mỗi nước. Trong gần năm năm qua, hơn 80% đầu việc được đề ra trong Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng đã được thực hiện. Thế nhưng, những khó khăn sắp tới còn rất nhiều. 20% đầu việc còn lại là những việc khó khăn hơn, thể hiện trình độ liên kết cao hơn ở khu vực đối với mỗi quốc gia và cả khu vực. Hơn nữa, quá trình xây dựng ASEAN là một quá trình liên tục mà mốc 31/12/2015 là dấu mốc ASEAN đã đạt được một trình độ nhất định để bắt đầu đi vào Cộng đồng. Những năm tiếp sau 2015 còn rất nhiều những khó khăn, thử thách trên con đường xây dựng. Thêm vào đó, để xây dựng Cộng đồng, cùng với quá trình liên kết và phát triển nội khối, ASEAN đồng thời còn phải phát huy được vai trò trung tâm của mình đối với hợp tác, xây dựng môi trường hòa bình, an ninh cũng như phát huy được vai trò hạt nhân của mình trong việc mở rộng liên kết của khu vực này ra toàn khu vực Đông Á. Điều này đòi hỏi khu vực ASEAN phải vững mạnh và bản thân mỗi nước ASEAN cũng phải nâng tầm liên kết của mình lên ở mức cao hơn, phù hợp với lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN từ nay đến 31/12 và tầm nhìn sau 2015. Từ cơ sở đó, chúng ta có thể thấy rằng lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội cũng như chế độ chính trị xã hội của các quốc gia trong khu vực, thống nhất với mục tiêu chung. Đồng thời, đây là một quá trình phát triển liên tục, nó không dừng ở một giai đoạn cố định nào cho nên chúng ta tin tưởng rằng ASEAN sẽ thành công trong việc xây dựng Cộng đồng và tiếp tục phát triển hơn nữa trong mục tiêu liên kết cao hơn và xây dựng cộng đồng gắn kết hơn”.
Myanmar: Nỗ lực chuẩn bị cho các sự kiện lớn của ASEAN
Năm 2014 là năm lần đầu tiên Myanmar đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN sau 17 năm tham gia ASEAN. Những cải cách chính trị, kinh tế và hành chính tại Myanmar từ năm 2011 đang tạo ra cho Myanmar cơ hội thể hiện vai trò tích cực của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Tháng 10/2013, khi tiếp nhận bàn giao chức Chủ tịch ASEAN từ Brunei, Tổng thống Thein Sein cho biết Myanmar rất coi trọng vai trò Chủ tịch ASEAN và cam kết sẽ thực hiện thành công trách nhiệm Chủ tịch của mình theo các mục tiêu ASEAN đã đề ra với sự hỗ trợ của các nước thành viên ASEAN khác. Từ cuối năm 2013, Myanmar đã tổ chức hội thảo, đón chuyên gia của một số nước ASEAN, quan chức của Ban Thư ký ASEAN vào trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và tổ chức hội nghị các cấp cao ASEAN cũng như trao đổi về những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của khu vực. Đồng thời, Myanmar đã gấp rút tiến hành xây mới, hoàn thiện các khách sạn, trung tâm hội nghị quốc gia và các cơ sở hậu cần, kỹ thuật cho các hội nghị cấp cao. Bộ Ngoại giao Myanmar đã thiết lập kênh liên lạc các nước ASEAN để trao đổi về kinh nghiệm tổ chức các cuộc họp ASEAN trên cương vị nước chủ nhà. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Myanmar đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện những ưu tiên của lộ trình ASEAN nhằm nỗ lực hết sức để thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây cũng là cơ hội để Myanmar thể hiện sự ổn định và khả năng của mình đối với những nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế bằng việc tổ chức thành công các hội nghị ASEAN. Trong công cuộc chuẩn bị các cuộc họp của ASEAN và công tác hậu cần cho hàng nghìn nhà ngoại giao, lãnh đạo và phóng viên trong và ngoài nước, Myanmar đang đứng trước một số thách thức về cơ sở hạ tầng như nguồn điện không ổn định, kết nối Internet bị hạn chế, thiếu khách sạn, phòng nghỉ và các dịch vụ tiện ích khác, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế… Tuy nhiên, Myanmar đang nỗ lực để đảm đương thành công vai trò của mình và cũng để hưởng những lợi ích từ việc đăng cai này. Bởi tổ chức các sự kiện của ASEAN sẽ góp phần giúp Myanmar nâng cao uy tín khu vực và quốc tế, cải thiện hạ tầng giao thông, giúp phát triển thủ đô mới Nay Pyi Taw, qua đó còn nhận sự giúp đỡ từ các nước phát triển hơn trong khu vực để phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, ngoại giao và kinh tế-xã hội… P.V (theo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar)
Theo Vân Hồ
Thế giới & Việt Nam