Dạy nghề cho LĐ nông thôn: Năm sắp hết, kế hoạch vẫn…chờ phê duyệt
Đây là câu chuyện của huyện Đông Anh (Hà Nội). Dù “năm hết tết đến”, nhưng kế hoạch dạy nghề 2017 của Đông Anh vẫn chưa được phê duyệt.
Thành công nhờ xây dựng mô hình điểm
Thực hiện Quyết định số 1956 về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến nay huyện Đông Anh đã hoàn thành việc xác định nhu cầu người học với nhu cầu của thị trường lao động trên địa bàn huyện. Song song với đó, huyện xây dựng hiệu quả các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn.
Mô hình học nghề trồng rau sạch tại huyện Đông Anh. Ảnh: Thuỳ Anh
“Mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2020 sẽ đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho 8.015 người lao động. Sau đào tạo, phấn đấu tối thiểu 80% số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn”. Phòng lao động huyện
Đông Anh thông tin
Ông Nguyễn Văn Thành – chuyên viên Phòng Lao động huyện Đông Anh cho biết, thực tế khảo sát mô hình phát triển kinh tế địa phương thì thấy một số nghề có khả năng thu hút nhiều lao động như nghề trồng nấm, nghề sửa xe đạp, nghề chăn nuôi thú y. Đây là nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương, sau khi ra trường, lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm, sản phẩm có khả năng được tiêu thụ tốt.
Video đang HOT
Giai đoạn 2011-2016, huyện đã mở được 155 lớp dạy nghề cho 5.289 lao động nông thôn. Trong đó, nghề phi nông nghiệp là 108 lớp với số học viên là 3.705 người, nghề nông nghiệp là 47 lớp với số học viên là 1.584 người. Việc dạy nghề cũng được linh hoạt tại địa phương để người lao động dễ tham gia học tập. Có thể học tại nhà văn hóa thôn, xã, các nghề nông nghiệp thực hành tại ruộng, vườn, trang trại do cơ sở dạy nghề thuê của người lao động hoặc hợp tác xã.
Qua đó, 100% học viên học nghề nông nghiệp đều ký cam kết tự tạo việc làm tại nhà. Hơn 80% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có năng suất lao động cao, góp phần tăng thu nhập. Riêng nghề trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu đạt 85%, nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh đạt 86%.
Chậm do không được phê duyệt
Ông Nguyễn Văn Hoàn – Trưởng phòng Lao động huyện Đông Anh cho biết, chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn gặp khó khăn từ việc xác định nhu cầu thị trường, tạo việc làm và đặc biệt chậm phê duyệt kế hoạch đào tạo.
Ông Hoàn cho rằng, công tác khảo sát nhu cầu học trên địa bàn ở một số nghề chưa sát với thực tế. Công tác tuyên truyền, tư vấn cho lao động chọn nghề và tham gia học nghề chưa phù hợp, chưa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Công tác kiểm tra, giám sát tổ chức lớp học nghề ở các xã chưa thường xuyên, một số xã chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đề án đào tạo nghề hàng năm. Một số ngành nghề lao động nông thôn có nhu cầu theo học cao như các nghề: sửa chữa và lắp ráp điện thoại, lái xe ô tô, sửa chữa ôtô… nhưng không nằm trong nhóm các ngành nghề được UBND TP.Hà Nội hỗ trợ theo Đề án 1956.
“Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, phòng, xưởng để thực hành còn gặp khó khăn và thiếu thốn. Một số cơ sở đào tạo nghề chưa cam kết hỗ trợ việc làm, bao tiêu sản phẩm cho lao động sau đào tạo nên không thu hút được người lao động tham gia học nghề” – ông Hoàn nói.
Theo Danviet
Chưa đạt mục tiêu về đào tạo các nghề tiên tiến
Ông Trương Anh Dũng (ảnh)- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết như vậy về việc triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định số 1956 của Chính phủ.
Việc đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua đã đạt kết quả ra sao, thưa ông?
- Từ năm 2010 - 2016, đã có trên 5 triệu LĐNT được học nghề. Trong đó gần 3,5 triệu LĐNT đào tạo theo Quyết định 1956 của Chính phủ với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 28% (khu vực nông thôn 8,4%) năm 2009 lên 53% (nông thôn 14,5%) năm 2016.
Ông có thể điểm lại những mô hình dạy nghề và tạo việc làm nâng cao hiệu quả cho người nông dân?
- Hiện nay hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT triển khai theo 4 nhóm mô hình, đạt hiệu quả cao. Đó là mô hình đào tạo nghề nông nghiệp gắn với phát triển vùng chuyên canh, chăn nuôi tập trung là thế mạnh của địa phương. Thứ hai là mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp theo vị trí làm việc tại doanh nghiệp. Mô hình được thực hiện trên cơ sở chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn.
Thứ 3 là đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với việc phục hồi và phát triển làng nghề. Sau học nghề lao động có thể trực tiếp làm tại cơ sở bao tiêu sản phẩm, thành lập các tổ, nhóm sản xuất hoặc nhận mẫu gia công tại gia đình.
Thứ 4 là mô hình đào tạo nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu cá hạng 4 cho ngư dân tàu đánh cá xa bờ, được thực hiện tại 28 tỉnh ven biển... Tất cả các mô hình trên đã được tổng kết và chỉ đạo nhân rộng trong cả nước.
Dạy nghề trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt. ảnh: Minh Nguyệt
Quá trình đào tạo nghề cho LĐNT nảy sinh khó khăn đáng tiếc nào, thưa ông?
- Chương trình vẫn còn những hạn chế, khó khăn: các nghề đào tạo còn dàn trải, mức chi các địa phương phê duyệt còn thấp; công tác tư vấn, hướng nghiệp còn hình thức, chưa hiệu quả. Do đó, đối chiếu với các mục tiêu đề ra về đào tạo nghề tiên tiến, chuyển dịch sang công nghiệp, dịch vụ... chưa đạt được.
Theo ông, việc dạy nghề cho LĐNT cần đi theo hướng nào?
- Theo tôi, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, điều mấu chốt và quan trọng cần thực hiện xác định, lựa chọn nghề đào tạo cụ thể và tư vấn cho lao động lựa chọn đúng nghề cần học. Cụ thể đối với nghề nông nghiệp cần tập trung đào tạo các ngành nghề về kỹ thuật, công nghệ ứng dụng và quản lý sản xuất. Đào tạo nghề để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch, hữu cơ, tiến tới nông nghiệp hiện đại.
Xin cảm ơn ông!
Giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho LĐNT được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với yêu cầu "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Mục tiêu đào tạo nghề 5,5 triệu LĐNT (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp, 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp). Sau học nghề, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn.
Theo Danviet
Chuyển dịch lao động: Cần rút bớt lao động phi chính thức Việt Nam có tới gần 2/3 tổng số lao động làm việc ở khu vực phi chính thức với năng suất lao động thấp, không được pháp luật bảo vệ. Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam cần phải thúc đẩy chuyển dịch lao động phi chính thức sang chính thức nhằm bảo vệ quyền lợi lao động, thúc đẩy kinh tế...