Đẩy lùi cơn ác mộng
Trong cuộc sống, hầu như chúng ta đều đã có lần trải qua cơn ác mộng đến đầm đìa mồ hôi khi tỉnh dậy, tâm trạng đầy hoảng hốt, lo lắng và bứt rứt không yên.
Một số người liên tục bị các cơn ác mộng lặp đi lặp lại, gây hao tổn tâm thần, trí lực và sức khỏe nghiêm trọng. Sau đây là một số lý giải về nguyên nhân và hướng dẫn giúp bạn chế ngự các giấc mộng xấu đó.
Ác mộng là gì?
Ác mộng là những giấc mơ khó chịu, thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ. Ác mộng thường đáng sợ, gây lo lắng, và khiến người gặp ác mộng bị mất ngủ. Những bí ẩn của ác mộng vẫn chưa hoàn toàn được khám phá. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã tìm ra nhiều nguyên nhân gây nên các cơn ác mộng và đưa ra những lời khuyên nhằm hạn chế, chấm dứt các cơn ác mộng.
Nguyên nhân dẫn đến ác mộng
Video đang HOT
Nguyên nhân của cơn ác mộng rất đa dạng. Không có nguyên nhân nhất định nào nhưng lý do phổ biến tạo ra ác mộng là do trạng thái thể chất suy giảm.
Giấc mơ thường liên quan đến cuộc sống hằng ngày và các thay đổi đột ngột nào đó như cái chết của người thân, khủng hoảng tài chính… là một trong những nguyên nhân gây nên các cơn ác mộng.
Căng thẳng cũng là một nguyên nhân dẫn đến ác mộng. Một người đang bị căng thẳng tột độ thì khi ngủ rất dễ gặp các cơn ác mộng. Về mặt khoa học, đây là cách để giải tỏa trạng thái căng thẳng. Ác mộng có thể xảy ra với người đã trải qua các sang chấn tinh thần nào đó. Nếu một người đã bị một chấn thương tâm thần hoặc thể chất, những kỷ niệm của sự kiện này có thể gây ra những giấc mơ xấu hay ác mộng.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các cơn ác mộng có tính di truyền. Nếu gia đình có tiền sử gặp ác mộng hay rối loạn giấc ngủ thì con cái của họ có thể bị tương tự. Trẻ em cũng thường bắt gặp ác mộng do chúng dễ bị mất cân bằng về cảm xúc hơn người lớn. Một người có cảm xúc thái quá, quá tức giận, đau khổ, vui sướng… vì điều gì đó cũng có thể bắt gặp giấc mơ xấu. Sốt và bệnh tật cũng gây ra các cơn ác mộng. Đôi khi ác mộng có thể do tác dụng phụ của một vài loại thuốc. Rượu và say rượu cũng có thể khiến người sử dụng bắt gặp giấc mơ kinh hoàng.
Đôi lúc, việc thiếu ngủ hay trạng thái bất thường, không thoải mái khi ngủ cũng là nguyên nhân dẫn đến các giấc mơ khủng khiếp.
Một số người bị bệnh trầm cảm cũng thường xuyên bị các cơn ác mộng hành hạ. Một số nghiên cứu còn cho thấy ăn quá sát giờ đi ngủ, cung cấp rất nhiều năng lượng cho não làm não hoạt động tích cực hơn ngay cả khi ngủ nên đôi khi cũng gây ra các cơn ác mộng.
Chữa trị và hạn chế cơn ác mộng
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng (yduocngaynay.com): “ể tránh các cơn ác mộng, điều đầu tiên (cũng như trong việc chữa trị đại đa số các rối loạn khác) là tránh các nguyên nhân gây ra ác mộng. Ví dụ như nhờ bác sĩ xem xét lại các thuốc đang uống và điều chỉnh nếu có thể được, tìm cách để đối phó và thích nghi với các căng thẳng hằng ngày trong cuộc sống”.
Nếu bạn thường xuyên bắt gặp ác mộng, nên cố gắng ghi nhận lại các chi tiết, sự việc xảy ra trong giấc mơ vào buổi sáng rồi viết ra giấy. Nếu bạn mơ thấy trong cơn ác mộng mình đang phải chạy trốn khỏi điều gì đó đáng sợ, cố gắng mường tượng lại và đối diện với nỗi sợ hãi đó. Khi bạn đương đầu với nỗi sợ hãi, bạn sẽ không còn cảm giác sợ nữa.
Yoga và thiền là hai môn thể thao giúp bạn tịnh tâm, giúp thoát khỏi tình trạng stress và tránh được các giấc mơ xấu. Các bài tập thở cũng hết sức hữu ích trong việc chế ngự các cơn ác mộng.
Đừng che giấu và dồn nén cảm xúc của bản thân. Bạn cần có một người bạn hay người thân để chia sẻ những cảm xúc. Điều này rất có ích cho bạn trong việc xua đi các cơn ác mộng.
Nếu bạn vẫn lo lắng đối với việc liên tục bị ác mộng, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn và chữa trị thích hợp.
Theo VNE