Đau xót ở nóc Măng Lâng: Chẳng cần lí do gì cũng ăn lá ngón tự tử
Tình trạng tự tử bằng lá ngón đã trở thành chuyện quá quen thuộc tại vùng cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đối với người muốn tìm cái chết, lá ngón chính là sự giải thoát nhanh nhất, nhưng đối với người ở lại, lá ngón lại trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng khôn nguôi…
I .
Theo huyện Nam Trà My, nóc Măng Lâng (hay còn gọi là Măng Lưng) thuộc thôn 3, xã Trà Cang là nơi xảy ra nhiều trường hợp tự tử vì lá ngón nhất. Người ta tìm đến cái chết với nhiều lý do, như vợ chồng cãi nhau, gia đình lục đục, nghèo khó túng quẫn… Thậm chí, chẳng cần lý do cụ thể nào cũng tìm đến cái chết. Bởi đối với họ, chết, chính là sự giải thoát.
Với người dân ở Nóc Măng Lâng thì những cái chết từ lá ngón không biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai
Anh Hồ Văn Đép, cán bộ xã Trà Cang cho hay, toàn xã có 900 hộ, với hơn 4.800 nhân khẩu. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay đã có trên 10 người chết do lá ngón. Những cái chết vì lá ngón nhiều tới nỗi, khi nhắc đến loài cây này, người ta nhìn thấy cả nỗi đau âm ỉ trong mắt những người ở lại, họ không dám nhắc đến, càng không muốn nhớ tới. Bởi cho tới tận bây giờ, họ vẫn chưa cách nào thoát khỏi nỗi ám ảnh đau thương ấy.
Có lẽ, đối với hầu hết những người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, cái chết của vợ chồng chị Hồ Thị Thiên và anh Hồ Văn Hai để lại cho họ nhiều dư âm đau buồn nhất. Họ buồn cho người đã chết một phần, thì càng xót xa cho người ở lại mười phần.
Một ngày đầu tháng 8/2018, chị Thiên tìm đến lá ngón để tự kết liễu đời mình, bỏ lại 3 đứa con thơ cho bà nội chăm sóc. Không ai biết lý do thực sự khiến Thiên tự tử, họ chỉ đoán rằng, chị quá túng quẫn khi một mình nuôi 3 đứa con nhỏ mà bồng bột tìm sự giải thoát cho cuộc đời mình. Chồng chị, anh Hồ Văn Hai cũng đã chọn cách treo cổ tự tử trước đó không lâu, khi gặp mâu thuẫn gia đình.
Ba đứa con nhỏ của vợ chồng chị Thiên chắc hẳn vẫn chưa thể nào tưởng tượng nổi, cha mẹ của chúng lại chọn cái chết đột ngột không báo trước như vậy. Một gia đình lẽ ra là hạnh phúc, bỗng dưng tan nát chỉ vì suy nghĩ dại dột của những người làm cha làm mẹ, và người gánh chịu hậu quả đau thương không ai khác chính là ba đứa con thơ dại.
Và rồi, bà Nê (bà nội của những đứa trẻ) lại gồng gánh cưu mang thêm 3 đứa cháu tội nghiệp. Tính ra, một mình bà Nê đang phải chăm sóc và nuôi nấng tận 7 đứa cháu mồ côi. Bởi vì trước đó 3 năm, hai vợ chồng con trai bà Nê là Hồ Văn Thiên và Hồ Thị Thôi cũng đã tìm đến cái chết bằng lá ngón, để lại cho bà 4 đứa cháu nhỏ.
Người đàn bà tuổi gần 60, gương mặt khắc khổ chằng chịt những vết chân chim rơm rớm nước mắt. “Chẳng hiểu vì điều gì mà chúng lại chọn cái chết, vì trước khi mất chúng chẳng có biểu hiện gì là không muốn sống cả. Nhiều người bảo là do túng quẫn, nghèo khó. Nhưng lâu nay vẫn thế, vẫn sống tốt mà…”, bà Nê sụt sùi.
Lá ngón, loại lá cây dễ tìm ở huyện miền núi Nam Trà My
Nói rồi, bà Nê nhìn xa xăm về phía ngôi nhà gỗ trên triền đồi, ánh mắt gợn lên nỗi bi thương khó tả. Hóa ra, đó là ngôi nhà mà trước đây vợ chồng anh Hai và chị Thiên từng sống giờ lạnh lẽo, ảm đạm, chẳng còn ánh lửa bập bùng và tiếng cười đùa của bọn trẻ như lúc trước. Không một ai dám đến gần căn nhà, vì họ quá ám ảnh và tin rằng đó là “cái chết xấu”.
Video đang HOT
Trong căn nhà sàn dột nát, giờ đây chỉ còn 8 bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Bà Nê phải làm lụng vất vả từ sáng tới tối mịt để nuôi đàn cháu nhỏ đáng thương. May sao mấy đứa cháu lớn đã biết thương bà, thường tranh thủ sau giờ học để lên rẫy mót dưa, kiếm củi, đỡ đần cho bà bớt đi cực nhọc.
II.
Trà Cang không phải là xã duy nhất. Theo thống kê sơ bộ, khoảng 3 năm trở lại đây, toàn huyện Nam Trà My có trên 30 trường hợp ăn lá ngón tự tử. Dù đây mới chỉ là con số ước chừng, và rằng con số chính xác không biết lên tới bao nhiêu, nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đủ làm cho những ai nghe được cảm thấy giật mình.
Cách đây 3 năm, người dân ở nóc Măng Dí 4 (xã Trà Nam) cũng đã từng bị ám ảnh, hoang mang vì nạn tự tử tới mức cả làng hoảng loạn kéo nhau bỏ đi vì “cái chết xấu”, bất chấp mọi lời vận động, khuyên ngăn của chính quyền.
Họ sợ hãi tới mức chấp nhận từ bỏ hết cơ sở vật chất, hệ thống điện lưới, giao thông nông thôn vừa được đầu tư. Bởi lẽ, nỗi ám ảnh từ những cái chết liên tiếp trong họ quá lớn, khiến tất cả dân làng đều ngầm tin rằng, nếu còn ở lại làng, chắc chắn sẽ còn nhiều người phải chết. Vậy mới nói, ma lực của lá ngón thật sự quá khủng khiếp.
Ở vùng cao này, luôn luôn tồn tại một cuộc chiến không cân sức, giữa những người luôn xem nhẹ cái chết và những người đi tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tự tử bằng mọi hình thức. Thậm chí, ngay cả người nằm trong đội ngũ tuyên truyền, vận động người dân đừng dùng lá ngón để giải quyết vấn đề cuộc sống thì ngay sau đó, chính họ lại tìm đến lá ngón để tự vẫn, như trường hợp của anh Hồ Văn Noan (thôn 5, xã Trà Cang).
Noan là cán bộ xã, sáng đi tuyên truyền về lá ngón xong thì chiều lại dùng lá ngón để tự tử. Cái chết bất ngờ của Noan khiến tất thảy dân làng cũng như chính quyền cảm thấy bàng hoàng và sửng sốt. Bởi chẳng ai ngờ được, người vừa cố gắng kéo người khác ra khỏi vũng bùn, lại bất ngờ quay lại nhảy vào chính vũng bùn đó.
Ông Đinh Việt Trung, Trưởng Công an huyện Nam Trà My bày tỏ e ngại, mặc dù trong những chương trình tuyên truyền, vận động chính sách, đều cố gắng giải thích cho bà con hiểu là đừng sử dụng lá ngón nhưng mọi việc lại đâu vào đấy. “Thậm chí, nhiều khi chúng tôi còn chẳng dám nhắc đến, vì sợ nhắc đến người ta lại nhớ…”, ông Trung nói.
Lá ngón mọc khắp nơi ở huyện núi cao Nam Trà My.
Chuyện người dân tìm đến lá ngón để giải quyết vấn đề thường xuyên tới mức chính quyền cảm thấy bất lực và lúng túng, khi đã tìm đủ mọi cách, mọi phương pháp từ vận động, khuyên nhủ đến dọa nạt, nhưng vẫn không hiệu quả. Vòng luẩn quẩn ấy cứ mãi xoay tròn không có hồi kết, chính quyền thì nỗ lực tuyên truyền, ngăn chặn, còn người dân, hễ buồn lại tìm đến lá ngón, như một sự lựa chọn cuối cùng và duy nhất.
Người chết thì hết, còn người ở lại, có lẽ cả phần đời về sau vẫn sẽ mang theo những đau thương ấy, những đau thương dai dẳng mãi giằng xé tâm can. Bi kịch lá ngón liệu có thể kết thúc không? Không ai biết, bởi lẽ, ở cái vùng cao này, chẳng thể nào biết trước được điều gì…
Tận cùng nỗi đau…
Những cái chết không báo trước vốn dĩ đã đủ ám ảnh, nhưng có lẽ, chỉ đến khi tận mắt chứng kiến cái chết được báo trước nhưng không thể can ngăn, người ta mới biết thế nào là bất lực, là tận cùng của đau xót.
Đó chính là câu chuyện về cái chết của chồng chị Hồ Thị Lý, anh Hồ Văn Noan. Noan vốn là một cán bộ thôn, cũng là lao động chính trong nhà. Một năm trước, Noan tìm đến cái chết bằng lá ngón trong khi chẳng hề có mâu thuẫn hay xung đột với bất kì ai.
Chị Lý kể, buổi tối hôm chồng chị chết, trong lúc 4 mẹ con đang nằm ngủ thì Noan gọi dậy, nói rành mạch từng chữ: “Người ta gọi tôi rồi, phải đi thôi. Đừng cố gắng cấp cứu làm gì, tôi nấu nước để uống chứ không nhai. Mấy mẹ con ở lại, cố gắng sống”.
Khoảnh khắc đó có lẽ cả đời chị Lý không bao giờ quên được. Cho tới bây giờ, chị vẫn luôn ôm một nỗi hoài nghi mãi không có lời đáp, về lý do vì sao chồng chị lại chọn cái chết, bỏ lại 4 mẹ con chị bơ vơ.
Theo Lê Khánh (Nông nghiêp Viêt Nam)
Quảng Nam: Gập gềnh đường du lịch vùng sản vật trời ban
Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đặc biệt là sản phẩm sản vật trời ban- sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có lợi thế để phát triển du lịch. Điều này càng rõ nét hơn, khi mới đây UBND tỉnh Quảng Nam công nhận vườn sâm Tăk Ngo (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) là điểm du lịch mới của tỉnh, mở ra cơ hội thúc đẩy du lịch vùng sâm và rộng hơn là huyện Nam Trà My phát triển.
Tuy vậy, để hiện thực giấc mơ du lịch còn cả chặng đường phía trước không hề đơn giản.
Điểm đến tiềm năng
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, khẳng định phát triển du lịch Nam Trà My sẽ hướng vào loại hình du lịch sinh thái và văn hóa. Trong đó, trải nghiệm các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chính là điểm nhấn ấn tượng của du khách trong hành trình khám phá vùng đất này.
"Tham quan vùng sâm Ngọc Linh du khách không chỉ được trải nghiệm những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, mà còn được giới thiệu về tập tính cây sâm, cách nhân giống, cách sản xuất sâm. Đặc biệt, du khách sẽ có cơ hội mua những sản phẩm thật được làm từ sâm mang về" - ông Hồ Quang Bửu nói.
Không ít hộ đồng bào đã trở thành tỷ phú cũng nhờ sâm. Ảnh: N.PHÚC
Vài năm gần đây du lịch vùng sâm luôn được huyện Nam Trà My quan tâm và xác định như một mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâm đã và đang được huyện triển khai mạnh mẽ.
Nổi bật, có thể kể đến đề án "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2030", với các nội dung quan trọng như: đầu tư xây dựng làng văn hóa 3 dân tộc Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông; nghiên cứu và phục dựng các lễ hội truyền thống; xây dựng, hoàn thiện mô hình làng nghề truyền thống ở một số xã theo hướng phục vụ du lịch...
Đặc biệt, đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã công nhận vườn sâm Ngọc Linh - Tăk Ngo, xã Trà Linh là điểm du lịch đầu tiên của huyện Nam Trà My.
Đây là vườn sâm rộng lớn có tổng diện tích khoảng 85ha, với 3 khu chính gồm khu dành cho khách tham quan (diện tích 11ha); nghiên cứu khoa học (diện tích 5ha) và sản xuất giống (diện tích 70ha). Điểm du lịch này cũng sẽ liên kết với phiên chợ sâm Ngọc Linh và các làng của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương như Xê Đăng, Mơ Nông...
Thực tế, để thúc đẩy du lịch vùng sâm, thời gian qua bên cạnh việc rà soát, thống kê các tiềm năng du lịch địa phương, huyện Nam Trà My cũng đã triển khai các bước đi cấp thiết như xây dựng kế hoạch đầu tư bảo tồn làng văn hóa, phục hồi và duy trì các làng nghề, hỗ trợ tu sửa kiến trúc nhà truyền thống, khôi phục các lễ hội, phong tục tập quán, các làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Du khách tham quan vườn sâm gốc Tắk Ngo, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Ảnh: N.PHÚC
Trong đó, đề án phát triển du lịch vùng sâm cũng đã xác định cụ thể những sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch thiên nhiên, nghỉ dưỡng; du lịch sức khỏe; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng, văn hóa; trải nghiệm vùng trồng sâm, rừng nguyên sinh; du lịch về nguồn cách mạng... Dù vậy, bao năm nay du lịch Nam Trà My phát triển vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng.
Khó khả thi trong thời gian gần
Không phủ nhận, từ khi sâm Ngọc Linh được quảng bá rộng rãi trên thị trường, hoạt động du lịch Nam Trà My cũng bắt đầu khởi sắc, nhiều nhóm du khách và doanh nghiệp lữ hành đã tìm đến tham quan, khảo sát tiềm năng du lịch nơi đây, qua đó mở ra những cơ hội mới để du lịch Nam Trà My phát triển.
Tuy nhiên, để biến những tiềm năng này thành sản phẩm du lịch cụ thể sẽ là chặng đường dài phía trước, khó có thể một sớm chiều đạt được, nên phải có sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của doanh nghiệp.
"Tiềm năng du lịch vùng sâm Nam Trà My dù vẫn còn ở dạng sơ khai, nhưng đây chắc chắn là những sản phẩm độc đáo và khác biệt" - ông Tường nhìn nhận.
Từ năm 2016 đến nay đã có 2 đoàn famtrip của doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đến Nam Trà My khảo sát xây dựng tour tuyến đưa khách đến, nhưng dường như chưa có đơn vị nào quay lại.
Đa số doanh nghiệp cho rằng, hạn chế lớn nhất của du lịch vùng sâm Nam Trà My chính là hạ tầng giao thông yếu kém. Chưa kể các sản phẩm, dịch vụ phụ kèm như lưu trú, ăn uống, vui chơi quá sơ sài, khó thể đáp ứng được nhu cầu của một điểm đến du lịch.
Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty du lịch Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, cho biết du lịch Nam Trà My sẽ không thể phát triển nếu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư mở rộng.
"Theo tôi, trước tiên huyện Nam Trà My cần xây dựng điểm đến hoàn thiện rồi hãy nghĩ đến phát triển du lịch. Vì với cơ sở hạ tầng như hiện nay, không khách sạn, không nhà hàng đủ chuẩn, đường núi chật hẹp... sẽ khó mong thu hút khách du lịch" - ông Lực nói.
Theo ông Hồ Quang Bửu, phát triển du lịch vùng sâm Ngọc Linh dù khó khăn nhưng vẫn rất khả thi. Bên cạnh lợi thế về thương hiệu sâm Ngọc Linh đã được nhiều người biết đến, các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên nơi đây cũng là một trong những thuận lợi để triển khai các loại hình du lịch mạo hiểm, trải nghiệm.
"Chắc chắn vài năm nữa cơ sở hạ tầng, giao thông sẽ được đầu tư xây dựng, nên triển vọng phát triển du lịch vùng sâm sẽ rất tốt. Hiện tại nếu doanh nghiệp nào muốn hợp tác, đầu tư hay khảo sát xây dựng tour tuyến, huyện luôn sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nếu thật sự quan tâm đến vùng đất này" - ông Bửu khẳng định.
Theo Ngọc Phúc (Saigondautu)
Quảng Nam: Đề xuất xây dựng khu chế biến dược liệu 200ha UBND huyện Nam Trà My đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam dành khoảng 200ha diện tích tại Khu Kinh tế mở Chu Lai để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, sản xuất dược liệu tập trung. Ngày 4.3, UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 18 diễn ra...