Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Hãy bắt đầu từ khoản đầu tư nhỏ!
Theo ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Khối Thị trường vốn, Công ty Chứng khoán VNDirect, nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nên bắt đầu với các sản phẩm đơn giản, giá trị nhỏ.
Trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành một kênh đầu tư mới trên thị trường. Với nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm, theo ông, cần lưu ý điều gì?
Thời gian qua, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất nhanh, trong đó đa số là những người lần đầu tiếp cận sản phẩm trái phiếu.
Cũng như mọi kênh đầu tư khác, trước khi quyết định mua bán, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức nhất định về sản phẩm, về thị trường để trả lời những câu hỏi cơ bản: Trái phiếu doanh nghiệp có phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình hay không? Những lợi ích và rủi ro cơ bản của trái phiếu là gì? Nên phân bổ đầu tư vào trái phiếu với tỷ trọng như thế nào?
Bên cạnh mức lãi suất cao vượt trội so với gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp cũng có những rủi ro đặc thù.
Để giảm thiểu các rủi ro này, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nên tìm đến những tổ chức tư vấn, phân phối lớn, có uy tín trên thị trường để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể hơn về sản phẩm.
Nhà đầu tư cũng nên bắt đầu với các sản phẩm trái phiếu đơn giản, giá trị đầu tư nhỏ và đọc kỹ những tài liệu hướng dẫn, văn bản, hợp đồng trước khi ký kết.
Những rủi ro chính khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là gì?
Ba loại rủi ro chính mà nhà đầu tư cần lưu tâm khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bao gồm rủi ro pháp lý, rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản.
Video đang HOT
Rủi ro pháp lý liên quan đến việc trái phiếu có được phát hành hợp pháp hay không và giao dịch trái phiếu có hợp lệ không.
Để việc phát hành trái phiếu hợp lệ, theo quy định hiện nay, cần phải có sự tham gia của đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu là các công ty chứng khoán hoặc ngân hàng, thông tin phát hành trái phiếu cần được công bố trên trang thông tin trái phiếu doanh nghiệp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Khi giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, việc chuyển nhượng trái phiếu giữa bên mua và bên bán cần thông qua tổ chức đăng ký lưu ký trái phiếu đó (công ty chứng khoán hoặc ngân hàng lưu ký được chỉ định).
Khi có xác nhận của tổ chức này thì việc chuyển nhượng mới có hiệu lực.
Rủi ro tín dụng liên quan đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc khả năng mua lại trái phiếu của đơn vị phân phối theo cam kết (nếu trái phiếu được đơn vị phân phối cam kết mua lại).
Việc đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp thường khá phức tạp và cần nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu cũng như kiến thức về tài chính doanh nghiệp.
Tương tự, đối với cam kết mua lại trái phiếu của đơn vị phân phối, nhà đầu tư cần tìm hiểu về năng lực tài chính và uy tín của đơn vị phân phối.
Rủi ro thanh khoản liên quan đến việc nhà đầu tư có khả năng bán lại trái phiếu trước hạn trong trường hợp cần rút vốn gấp hay không.
Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính sách của đơn vị phân phối trong việc tạo lập tính thanh khoản cho trái phiếu.
Hiện nay, VNDIRECT là một trong số ít công ty chứng khoán trên thị trường niêm yết công khai giá mua, giá bán hàng ngày của các trái phiếu đang phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia.
Nếu trái phiếu doanh nghiệp được công ty chứng khoán cam kết về thanh khoản, cam kết mua lại với giá định sẵn tại ngày kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư có cần quan tâm đến chất lượng nhà phát hành hay không?
Điều này tùy thuộc vào đánh giá về năng lực tài chính và uy tín của công ty chứng khoán. Đối với các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp được những công ty chứng khoán lớn, nguồn vốn dồi dào, năng lực tài chính tốt và mức độ uy tín cao và cam kết thanh khoản thì nhà đầu tư có thể tin tưởng vào khả năng của công ty chứng khoán, mà không cần đánh giá quá chi tiết về trái phiếu hoặc doanh nghiệp phát hành.
Tuy nhiên, đối với những công ty chứng khoán nhỏ, quy mô thị phần và nguồn vốn yếu thì khả năng mua lại trái phiếu là không chắc chắn, nhà đầu tư hoàn toàn có thể phải nắm giữ trái phiếu đến lúc đáo hạn.
Do đó, việc đánh giá chất lượng trái phiếu và tổ chức phát hành đóng vai trò rất quan trọng trong trường hợp này.
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Đừng chỉ nhìn vào lãi suất
Khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào lãi suất hay coi lãi suất là yếu tố quyết định đầu tư.
Trái phiếu doanh nghiệp không còn là một kênh đầu tư mới. VPS cùng một số tổ chức khác đã triển khai việc bán trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng cá nhân từ vài năm trước. Dựa trên kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư cá nhân, chúng tôi rút ra một số lưu ý cơ bản khi đầu tư vào kênh này:
Đầu tiên, nhà đầu tư cần biết ai thực sự sẽ là người trả tiền (gốc và lãi) cho mình. Đa số nhà đầu tư sẽ tập trung vào doanh nghiệp phát hành như là người trả tiền cho mình. Cách nhìn này rất tự nhiên và không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, nhà đầu tư cần có cách nhìn thực tế và trực quan hơn và không phải mọi trường hợp doanh nghiệp phát hành mới là người trả tiền thực sự cho nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Phát triển sản phẩm và hỗ trợ kinh doanh, Công ty Chứng khoán VPS
Lấy hai ví dụ, trái phiếu có bảo lãnh bởi ngân hàng và trái phiếu có cam kết thanh khoản/mua lại của công ty chứng khoán. Ở ví dụ thứ nhất, nếu doanh nghiệp phát hành vi phạm nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư thì ngân hàng bảo lãnh sẽ đứng ra trả thay. Khi đó, chính họ, mà không phải doanh nghiệp phát hành sẽ là người trả tiền cho nhà đầu tư.
Ở ví dụ thứ hai, nhà đầu tư thường không đầu tư trọn vẹn thời hạn trái phiếu, mà sẽ theo kỳ hạn ngắn hơn. Khi kết thúc kỳ hạn đầu tư, nhà đầu tư sẽ nhận lại gốc và lợi tức đầu tư từ tổ chức cam kết thanh khoản/mua lại.
Tức là, chính tổ chức đó mới là người trả tiền cho nhà đầu tư. Do vậy, trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần định vị rõ ai sẽ là bên trả tiền cho mình và cần tìm hiểu kỹ về bên đó.
Thứ hai, nhà đầu tư cần biết biện pháp bảo đảm cho trái phiếu là gì. Rõ ràng, biện pháp bảo đảm là nút chặn cuối cùng nếu người trả tiền cho nhà đầu tư vi phạm nghĩa vụ trả tiền.
Do đó, nếu còn lo ngại về khả năng của người sẽ thực sự trả tiền cho mình, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ đầu tư vào trái phiếu có tài sản bảo đảm.
Dù vậy, đây không phải là vấn đề đơn giản vì bảo đảm cho trái phiếu là một vấn đề kỹ thuật và đòi hỏi sự hiểu biết về pháp lý. Khi tìm hiểu về vấn đề này, nhà đầu tư cần tìm câu trả lời cho các câu hỏi: Tài sản bảo đảm thực sự là gì? Tương quan giá trị tài sản bảo đảm với giá trị phát hành và biện pháp bảo đảm đã đầy đủ tính pháp lý chưa?
Thứ ba, nhà đầu tư cần xác định ai sẽ bảo vệ mình nếu có chuyện xảy ra. Chúng ta đều thấy sự thất thế của nhà đầu tư nhỏ lẻ (dù là nhà đầu tư tài chính hay tài sản hữu hình như bất động sản) so với doanh nghiệp phát hành/chủ đầu tư.
Lý do là nhà đầu tư cá nhân thường có tiếng nói yếu thế hơn, ít kinh nghiệm và hiểu biết hơn so với doanh nghiệp phát hành. Do vậy, nhà đầu tư cần những tổ chức có uy tín, kinh nghiệm và độc lập để bảo vệ mình.
Trên thực tế, những tổ chức này có thể là đại diện người sở hữu trái phiếu và đại diện bảo đảm.
Họ sẽ hành động vì quyền lợi của nhà đầu tư, đại diện cho nhà đầu tư để giám sát doanh nghiệp phát hành và các bên khác, bảo đảm việc tuân thủ cam kết và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành và đại diện cho tiếng nói của nhà đầu tư khi làm việc với doanh nghiệp phát hành.
HoREA đề xuất không siết trái phiếu doanh nghiệp Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 hiện nay, HoREA đề nghị Chính phủ không siết trái phiếu doanh nghiệp nhằm tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho bất động sản. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới có văn bản gửi tới Thủ tướng đề nghị tháo gỡ ách tắc, vướng mắc về cơ chế chính sách,...