Đầu tư tiền ảo thua lỗ, nhân viên chiếm đoạt tiền của khách hàng và công ty
Tự ý đưa ra các chương trình giảm giá hàng hóa cho khách hàng; sử dụng tài khoản có tên giống với tên của giám đốc công ty để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền.
Đó là những thủ đoạn Phạm Thanh Tùng (SN 1991, trú tại Khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) thực hiện để chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của công ty.
Liên quan đến vụ án trên, ngày 2/10, Công an quận Long Biên cho biết, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công an quận Long Biên đã chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội thụ lý theo thẩm quyền.
Khoảng cuối năm 2020, qua mạng zalo, anh Lê Văn L (trú tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thấy Phạm Thanh Tùng giới thiệu và bán các mặt hàng của Công ty TNHH Máy công nông nghiệp Thiên Hoàng Nguyên (Công ty Thiên Hoàng Nguyên). Sau đó, anh L đã nhiều lần đặt mua hàng qua Tùng và trả tiền vào tài khoản của công ty. Đến khoảng tháng 7/2021, Tùng yêu cầu anh L chuyển tiền vào tài khoản cá nhân tên Nguyễn Anh Tuấn, số tài khoản 1903 2743…
Theo yêu cầu của Tùng, từ ngày 31/7/2021 đến 23/10/2021, anh L đã nhiều lần chuyển trả tiền vào tài khoản này hơn 653 triệu đồng. Cũng như anh L., khách hàng Nguyễn Văn Th (SN 1972, Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Khoảng tháng 9/2020, đại diện Công ty Thiên Hoàng Nguyên đưa Phạm Thanh Tùng đến giới thiệu là kể từ nay Tùng là nhân viên kinh doanh của công ty, phụ trách cửa hàng của gia đình anh Th. Sau đó, Tùng nói rằng anh ta đã xin được chương trình hỗ trợ giảm giá cho khách hàng nên ông Th đã mua hàng của Công ty Thiên Hoàng Nguyên với tổng đơn hàng trị giá hơn 118 triệu đồng và chuyển tiền vào tài khoản của Tùng…
Video đang HOT
Khoảng tháng 8/2021, qua mạng xã hội, khách hàng Cao Trung H (trú tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) thấy Công ty Thiên Hoàng Nguyên có bán các loại máy móc, linh kiện máy nông nghiệp nên đã gọi điện thoại hỏi mua thì được công ty giới thiệu liên hệ với Tùng.
Tháng 10/2021, Tùng nói với anh H có lô hàng đầu bò máy cắt cỏ bán với giá ưu đãi, anh H đồng ý mua. Ngày 20/10/2021 anh H đã chuyển hơn 38 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của Tùng…
Số tiền này, Tùng không nộp tiền về công ty. Khoảng 10-12 ngày sau, Tùng chuyển trả hàng cho anh H. Khi nhận hàng, công ty đưa hoá đơn, anh H phát hiện lô hàng này công ty bán với giá gần 43 triệu đồng. Lúc này, anh H mới biết Tùng đã tự chào bán giá thấp nhằm chiếm đoạt tiền của công ty.
Sau khi phát hiện hành vi trên, Công ty Thiên Hoàng Nguyên đã mời Tùng đến làm việc. Ban đầu, Tùng hứa sẽ hoàn trả tiền cho công ty nhưng sau đó, đối tượng không thực hiện như cam kết.
Ngày 11/2, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên nhận tin báo tố giác tội phạm của ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội – Công ty Thiên Hoàng Nguyên, tố cáo Tùng về hành vi chiếm đoạt tiền bán hàng của công ty.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Long Biên đã tiến hành điều tra, xác định, ngày 2/11/2020, Công ty Thiên Hoàng Nguyên ký hợp đồng lao động với Tùng. Do đầu tư vào tiền ảo bị thua lỗ nên Tùng đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của công ty.
Đối tượng tự ý đưa ra các chương trình giảm giá hàng hoá cho khách hàng. Khi khách hàng đồng ý mua, Tùng yêu cầu họ chuyển vào khoản của Tùng và tài khoản của Nguyễn Tuấn Anh (SN 1991, ĐKTT tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội), là bạn của Tùng… Sau đó, Tùng đã sử dụng số tiền này để chi tiêu cá nhân…
Kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo tiền qua mạng
Ngày 10/8, thông tin từ Công an TP Hải Phòng cho biết, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Vĩnh Bảo Đông Hải Phòng vừa ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo chuyển tiền để nhận quà từ nước ngoài.
Trước đó, vào ngày 5/8, khách hàng Trần Thị P. (trú tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo) đến Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Bảo để yêu cầu chuyển 13 triệu đồng vào tài khoản có tên H.P.T, mở tại SHB. Trong quá trình xử lý giao dịch chuyển tiền, khách hàng liên tục nhận các cuộc điện thoại hối thúc việc chuyển tiền.
Nhận định đây có thể là kiểu lừa đảo của bọn tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản, giao dịch viên với tinh thần trách nhiệm và cảnh giác cao đã thuyết phục chị Trần Thị P. chia sẻ sự việc.
Khách hàng Trần Thị P. cho biết, từ hình thức kết bạn qua Facebook, khách hàng được đối tượng hứa hẹn tặng quà có giá trị lớn từ nước ngoài. Sau đó, đối tượng yêu cầu người nhận quà chuyển tiền phí hải quan 13 triệu đồng để làm thủ tục nhận hàng...
Khi được tư vấn, khách hàng Trần Thị P. đã hiểu ra hành vi lừa đảo qua mạng của đối tượng, và không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
Một dạng giao dịch lừa đảo qua mạng được cảnh báo.
Cũng theo Công an TP Hải Phòng, thời gian qua trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều vụ việc khách hàng bị mất tiền vì sa bẫy những đối tượng lừa đảo trên mạng. Xâu chuỗi từ các vụ việc, Công an TP đã cảnh báo 8 thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng thường thực hiện, thông báo rộng rãi tới toàn bộ người dân.
Cụ thể là các thủ đoạn: Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn và yêu cầu mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp; giả danh cán bộ Ngân hàng thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tải khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra, sau đó truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại; giả danh Công an, Tòa án thông báo người dân có liên quan đến vi phạm pháp luật, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra.
Cùng với đó là lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, lừa bị hại tham gia các chương trình rồi tìm cách chiếm đoạt tài sản khi có cơ hội; thông qua các sàn giao dịch trên mạng, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ cho ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền người tham gia; sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể... để thiết lập tài khoản mạng xã hội, kết bạn và sau đó nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới... để chiếm đoạt.
Một trong những thủ đoạn phổ biến khác là cho vay tiền qua app (vay tiền online) làm mồi nhử, tiếp đó lừa đảo bị hại bằng nhiều hình thức giao dịch tùy theo mức độ nhẹ dạ cả tin của bị hại. Đồng thời lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng tạo các tài khoản mạng xã hội để đăng bán các dụng cụ, thiết bị y tế chống dịch... và chiếm đoạt tiền đặt cọc, hoặc tiền thanh toán số tiền theo thỏa thuận
Giả thông báo chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để lừa đảo Chiều 2/7, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng đối tượng giả danh là cán bộ ngân hàng hoặc người mua hàng online gọi điện cho nạn nhân thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, do lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet banking của khách...