Đầu tư cho nông nghiệp: Cần đúng mức và đúng chỗ
Đầu tư “đúng mức” và “đúng chỗ” cho nông nghiệp, đồng thời thay đổi cơ chế chính sách cho lĩnh vực này là vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.
Đối mặt với vô vàn thách thức, từ suy thoái kinh tế thế giới đến thiên tai, dịch bệnh hoành hành nhưng ngành nông nghiệp vẫn được coi là trụ đỡ của nền kinh tế. Sản xuất nông nghiệp những năm gần đây liên tục ghi nhận những thành quả thắng lợi. Thế nhưng, đầu tư cho nông nghiệp lại liên tục tụt giảm, chỉ còn dưới 6% tổng mức đầu tư, năm sau thấp hơn năm trước. Nông nghiệp ngày càng trở nên tụt hậu, bấp bênh, thấp kém cả về chất lượng và giá trị gia tăng.
Nông nghiệp từ lâu đã được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, đóng góp đều đặn hàng năm là 26 tỷ USD, chiếm khoảng 20% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nông nghiệp, nông thôn cũng là nơi sinh sống, làm ăn của 70% dân số với hàng triệu lao động. Trong lúc kinh tế suy thoái, khủng hoảng, nhiều lao động không tìm được việc làm ở thành phố khi ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ thu hẹp, đã trở về đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, có thu nhập ổn định. Người dân nông thôn cũng nhờ sản xuất thuận lợi mà kinh tế vững vàng, xóa đói giảm nghèo được cải thiện.
Thế nhưng, vấn đề được nhắc đến rất nhiều lần trong các hội nghị, hội thảo và trên cả diễn đàn mỗi kỳ quốc hội nhưng vẫn chưa giải quyết được là đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng bị sụt giảm, teo tóp. Thêm nữa, tiền đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn không chỉ ít mà nhiều trường hợp lại chưa “trúng” với những gì nông nghiệp, nông thôn đang cần để có thể phát triển. Vì thế khiến nông nghiệp phát triển ỳ ạch, nông thôn còn nghèo, đời sống nông dân thì bấp bênh.
Những năm qua, chúng ta mới phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, nghĩa là mở rộng sản xuất, khai thác đất đai, nguồn lực để nâng cao năng suất; chứ chưa chú trọng đến phát triển theo chiều sâu, đến chất lượng, tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Chúng ta mải vui với những số lượng gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới, thế nhưng lại chưa chú ý đến lợi nhuận thu về sau mỗi vụ lúa hai sương một nắng của nông dân. Ấy thế mới có nghịch lý, một nước cường quốc xuất khẩu gạo trong nhiều năm nhưng người dân nhiều nơi lại chịu cảnh thiếu đói mùa giáp hạt, người trồng lúa vẫn là những người nghèo nhất.
Video đang HOT
Ngay cả chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, một chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết để tạo nên một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhưng ở không ít địa phương, lãnh đạo cơ sở đã biến chương trình này như thực hiện những dự án, dồn tiền xây dựng kết cấu hạ tầng hết sức hoành tráng, to rộng. Trong khi sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân có quá nhiều điều thiết thực lại không được tập trung đầu tư.
Vẫn biết là đất nước còn khó khăn, tiền không nhiều, thế nên càng cần phải tiêu tiền thế nào cho đúng, cho hiệu quả. Những chương trình dự án đầu tư cho phát triển nông thôn theo kiểu phong trào hào nhoáng, để lấy thành tích cần được dừng lại hoặc xóa bỏ để tập trung đầu tư nhiều hơn cho phát triển sản xuất như khoa học công nghệ, thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của nông dân… Được như vậy, kinh tế nông nghiệp sẽ phát triển toàn diện, hiệu quả hơn.
Một khi nông nghiệp, nông thôn bị tụt hậu, yếu kém, nghĩa là trụ đỡ lung lay thì nền kinh tế đất nước thật khó phát triển ổn định, vững bền. Một khi 70% dân số ở nông thôn không có thu nhập đảm bảo cuộc sống, vấn đề an sinh chưa ổn thỏa thì đất nước cũng khó giải quyết được các vấn đề kinh tế- chính trị khác.
Vì thế, đầu tư “đúng mức” và “đúng chỗ” cho nông nghiệp, đồng thời thay đổi thể chế, cơ chế chính sách cho lĩnh vực này để thúc đẩy đầu tư là vấn đề cần được xem xét một cách thấu đáo, bài bản, và càng sớm càng tốt. Bởi tuy được coi là một nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới nhưng hiện nay, sản xuất nông nghiệp nước ta có rất nhiều lỗ hổng, bị tụt hậu so với các nước hàng chục năm về công nghệ và giá trị gia tăng. Hãy đừng để nền nông nghiệp của chúng ta chạy sau các nước thêm nữa!./.
Hương Lan
Theo_VOV
Đang bị đầu độc vì lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
VOV.VN-Việc lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của nước ta liên tục gặt hái được những thành quả đáng mừng, trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đằng sau những vụ mùa bội thu ấy, đặt ra những lo ngại về việc quá lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây bức tử đồng ruộng. Những biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng lại gần như vô hiệu trước mê hồn trận này.
Là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực như gạo, cà phê, chè... và nước ta cũng là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất thế giới. Theo Viện Môi trường Nông nghiệp, mỗi năm chúng ta sử dụng khoảng 100 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Thuốc bảo vệ thực vật bắt đầu sử dụng ở nước ta từ những năm 1950 với khoảng 100 tấn. 40 năm sau, lượng thuốc BVTV ở Việt Nam đã tăng gấp 150 lần. Sau khi xóa bỏ sản xuất nông nghiệp tập thể từ đầu những năm 1980, tốc độ tăng trưởng của thuốc BVTV càng dữ dội hơn.
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật ở Gia Lai (Ảnh: baogialai.com.vn)
Sản xuất nông nghiệp có sử dụng thuốc BVTV để phòng trị sâu bệnh là chuyện đương nhiên, cả thế giới đều sử dụng chứ không riêng gì Việt Nam. Thế nhưng, sử dụng với mức độ nhiều cộng với tốc độ tăng nhanh chóng mặt và một cách vô tội vạ như thói quen của nhiều nông dân nước ta thì khó thấy ở nước nào khác.
Theo nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có đến 85% các hộ trồng rau phun thuốc dựa vào kinh nghiệm. 43% số hộ nông dân tăng nồng độ phun thuốc gấp đôi so với khuyến cáo. Đa số các hộ không tuân thủ đúng thời gian cách ly. Thậm chí, nhiều nông dân bất chấp sự ảnh hưởng tiêu cực của thuốc đến chất lượng rau màu và nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng, họ đã tăng liều lượng, tần suất phun, có thể phun thuốc vào bất cứ thời điểm nào nếu phát hiện sâu bệnh.
Thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân một cách bừa bãi, kiểu "điếc không sợ súng" như thế không chỉ khiến nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mà môi trường đồng ruộng ngày càng bị hủy hoại, sức khỏe cộng đồng bị đe dọa từng ngày.
Con số mỗi năm có 15.000 người mắc căn bệnh ung thư mà Bộ Y tế đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình và lo ngại. Và không sai nếu cho rằng, trong số hàng ngàn người nhiễm căn bệnh nan y này, một phần không nhỏ mắc bệnh là do hàng ngày họ tiếp xúc các hóa chất bảo vệ thực vật và sử dụng các thực phẩm còn tồn dư hóa chất gây độc. Số liệu điều tra của Trung tâm phát triển nông nghiệp bền vững cũng đã chứng minh: cả nước có khoảng 15-20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc BVTV thì có đến 70% trong số này có triệu chứng ngộ độc. Ngộ độc thuốc BVTV là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện.
Thêm vào đó, việc lạm dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm và suy thoái đất sản xuất nông nghiệp cũng như hệ sinh thái tự nhiên của đồng ruộng, làm cho đất sản xuất ngày càng nghèo kiệt dinh dưỡng. Những loại thuốc trừ sâu có tàn dư độc cao không những tiêu diệt côn trùng có lợi trong môi trường mà còn làm ô nhiễm nguồn nước, đất, gây hại cho sức khỏe con người khi sử dụng nguồn nước này. Xót xa thay khi cả nước có đến hàng chục làng ung thư, mà nguyên nhân một phần do sử dụng nước có nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật gây độc!
Theo thống kê, số tiền mỗi năm nước ta bỏ ra để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật về cũng không hề nhỏ, năm 2013 lên đến 700 triệu USD. Nếu đem so sánh với giá trị thu về do xuất khẩu chè của cả năm thì số tiền này lớn hơn gấp 3 lần. Còn cộng cả tiền nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, lúa giống thì cũng gần bằng tiền thu về do xuất khẩu gạo. Như thế, sự đánh đổi này có là quá đắt?
Từ những năm 1980, các nước trên thế giới đã nhận ra sự nguy hại khi lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và trong 20 năm qua liên tục giảm sử dụng lượng hóa chất này (Thụy Điển giảm 60% lượng thuốc, Đan Mạch, Hà Lan cũng giảm 50%), thì nước ta lại đang đi ngược lại. Việc cắt giảm số lượng thuốc BVTV, kiểm soát chặt chẽ từ nhập khẩu đến kinh doanh, sử dụng mặt hàng này là việc làm cấp bách và hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan chức năng nếu thực sự quyết tâm vào cuộc. Còn không, nếu cứ để như hiện nay, với khoảng 1.000 hoạt chất và 3.000 tên thương phẩm, 30 ngàn đại lý, cửa hàng kinh doanh, thị trường thuốc BVTV trở thành ma trận rối rắm không thể tháo gỡ./.
Hương Lan
Theo_VOV
Nghịch lý EVN báo công xả nước, vô can xả lũ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thực hiện ba đợt xả nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2013-2014 ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Tờ Vietnam đưa tin, đó...