“Đầu tư cho du lịch sinh thái sẽ là xu hướng cạnh tranh tất yếu”
“Tôi khảo sát ở các nước phát triển du lịch, họ đã có nhiều mô hình khai thác du lịch sinh thái nông nghiệp rất thành công, đem lại giá trị gia tăng cao cho cả du lịch và nông nghiệp. Đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sẽ là xu hướng cạnh tranh tất yếu”, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch khẳng định.
Sáng nay (18.5), tại TP. Hội An ( Quảng Nam), Tổng cục Du lịch, UBND tỉnh Quảng Nam và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển Du lịch sinh thái bền vững gắn với nông nghiệp, nông thôn”.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch phân tích: Du lịch sinh thái gắn nông nghiệp, nông thôn được hiểu là loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ du khách dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là lợi ích của cộng đồng trực tiếp tham gia cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp.
Ông Phương nói thêm, trong mô hình du lịch sinh thái, khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng nông thôn và cảm thấy hài lòng; làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch.
Ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Phương, để khai thác phát triển hoạt động du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn cần phải bảo đảm được các yếu tố, không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến) là đơn vị không gian cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp như trang trại, đồng ruộng, rừng trồng; làng quê, thôn bản, làng chài, miệt vườn… Những điểm đến này luôn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội, làng nghề truyền thống, nền ẩm thực và các sản vật địa phương gắn với các yếu tố môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng…
Ngoài giá trị đặc trưng cốt lõi, không gian khai thác phải đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, điện, cấp, thoát nước và kết nối giao thông thuận lợi với các trung tâm, các điểm du lịch khác để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn…
Nhiều đại biểu tham quan gian hàng của nông dân tại hội thảo. (Ảnh: P.V)
Thứ hai là chủ thể cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp; các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách; chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp; vai trò cầu nối của các công ty lữ hành; hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến; xây dựng thương hiệu cho địa danh, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh sản xuất sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Đại biểu thích thú với nhiều loại sản phẩm nông nghiệp sạch của nông dân. (Ảnh: P.V)
Ông Phương cho biết ông đã khảo sát ở các nước phát triển du lịch và nhận thấy, họ đã có nhiều mô hình khai thác du lịch sinh thái nông nghiệp rất thành công, đem lại giá trị gia tăng cao cho cả du lịch và nông nghiệp. “Đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sẽ là xu hướng cạnh tranh tất yếu”, ông Phương khẳng định.
Video đang HOT
Cũng theo ông Phương, đối với Việt Nam, du lịch và nông nghiệp là hai ngành có mối quan hệ chặt chẽ và đều là ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển. Chính sách phát triển nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế du lịch tại nhiều địa phương Quảng Ninh, Ninh Bình, Cần Thơ, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Thái Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp…; chương trình Mỗi làng một sản phẩm (OCOP)…
“Xu hướng đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước (như Tập đoàn Vingroup, TH True milk, FLC…) là điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp phát triển ở hai góc độ tạo thành điểm đến để thu hút khách và thúc đẩy tăng chi tiêu của du khách thông qua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” – ông Phương nhấn mạnh.
Quang cảnh Hội thảo phát triển Du lịch nông thôn do báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, diễn ra sáng nay tại Hội An. (Ảnh: P.V)
Cũng theo ông Nguyễn Quý Phương, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn có sức hút, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng khách.
Tại TP.HCM nhu cầu khách du lịch tham quan trải nghiệm ở khu nông trại miệt vườn tăng đều mỗi năm từ 20-30%, riêng khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (huyện Củ Chi) với diện tích 88ha, tập trung các hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống rau, hoa, cá kiểng, đào tạo, chuyển giao và du lịch) trong 3 năm qua, lượt khách du lịch đến tăng lên 200% (từ 7.000 lượt năm 2014 lên gần 15.000 lượt năm 2017).
Còn tại Quảng Nam, năm 2017, tỉnh này đã đón được gần 6 triệu lượt khách, tăng 85,1% so với cùng kỳ năm 2007; thu nhập du lịch đạt 9.200 tỷ đồng.
Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch độc đáo, hấp dẫn bước đầu được du khách đón nhận.
Một số tour đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, điển hình như: Tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam), tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long, tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao tại Mù Cang Chải, Sa Pa, Pù Luông, Mai Châu…
Khách Tây thích thú khi tham gia việc cày ruộng ở Hội An.
Nhiều hoạt động được tổ chức để du khách có thể trải nghiệm trong không gian văn hóa của nền sinh thái văn minh lúa nước như trồng lúa, bắt cá, ở nhà dân, đi cày, đi bừa, cưỡi xe bò, xe trâu…
Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.
Điển hình là dịch vụ homestay (lưu trú tại gia) được khai thác phổ biến tại nhiều vùng nông thôn, miền núi (Quảng Nam, Hòa Bình, Hà Giang, Đồng Tháp, An Giang…). Một số mô hình homestay được đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hướng tới tiêu chuẩn 5 sao (hệ thống homestay được tư vấn và quản lý bởi Công ty CBT Travel).
“Du lịch sinh thái nông nghiệp đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, là phương thức xóa đói giảm nghèo đặc biệt tại những cộng đồng khó khăn, tạo thêm nguồn sinh kế; tạo ra việc làm, đem lại thu nhập, sinh kế ổn định cho bà con nông dân, cải thiện đời sống của bà con nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương hơn” – ông Phương phân tích.
Vấn đề quan trọng mà Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhấn mạnh là, đi kèm với sự thành công, vẫn còn có nhiều khó khăn đối với mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn như chưa có nhiều sản phẩm độc đáo, có hàm lượng chất xám cao, chuyên nghiệp…
“Giá trị cốt lõi của nông nghiệp bản địa, bản sắc, văn hóa truyền thống, sự tinh tế, dấu ấn đặc trưng vùng miền trong các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được khai thác có chiều sâu, chưa chuyên nghiệp. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp”, ông Nguyễn Quý Phương đánh giá.
“Để du lịch nông thôn ngày càng phát triển, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn hạn chế. Nhiều điểm du lịch nông nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, phải được thực hiện trên cơ sở cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, được quản lý tốt. Bà con nông dân có được thu nhập tốt, sản phẩm du lịch được sinh lời nhờ có nguồn khách ổn định” – ông Phương nêu rõ.
Theo Danviet
Vụ trưởng Vụ Lữ hành "hiến kế" giúp du lịch nông nghiệp "cất cánh"
Theo ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), để hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển hiệu quả, cần chú ý tới 6 yếu tố: không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp, chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp, các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách, vai trò của các công ty lữ hành, chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề để phát triển du lịch
Chia sẻ tại Hội thảo "Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường", ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn, cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với nền sản xuất sinh thái nông nghiệp văn minh lúa nước, do đó việc khai thác các loại hình du lịch liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tính chất bao chùm và chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng thể hoạt động của ngành du lịch.
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Hiếu
Ông Phương đánh giá: "Du lịch và nông nghiệp có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết, những hoạt động của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề để phát triển du lịch, đồng thời du lịch phát triển sẽ góp phần phát triển ổn định khu vực nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp.
Du lịch và nông nghiệp là hai ngành mũi nhọn được Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên phát triển trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong giai đoạn tới, chính sách xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp chất lượng cao của ngành nông nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Việc đẩy mạnh khai thác các giá trị của ngành nông nghiệp để tạo thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh là hướng đi tất yếu".
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quý Phương, ở một số nước trong khu vực với trình độ phát triển cao của khoa học công nghệ và ngành nông nghiệp, hoạt động du lịch nông nghiệp đã rất phát triển với nhiều mô hình thành công.
Khách mời lắng nghe các đại biểu chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Lê Hiếu
Còn ở Việt Nam, phần lớn hoạt động nông nghiệp có quy mô nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hạn chế, nông sản có giá trị thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa... đã tác động rất lớn đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh của du lịch nông nghiệp nước ta cũng như đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng tiêu dùng du lịch.
"Để phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn tới, Việt Nam cần có những định hướng và bước đi mới, trong đó cần có sự liên kết chặt chẽ của các bên liên quan trong mô hình phát triển: bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại... để tạo ra được sản phẩm du lịch nông nghiệp có chất lượng, tính chuyên nghiệp caotrên cơ sở khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa bản sắc của từng vùng miền và sự sáng tạo của công nghệ hiện đại", ông Phương nhận định.
6 yếu tố giúp du lịch nông nghiệp "cất cánh"
Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều khái niệm về du lịch nông nghiệp, nhưng luôn bao gồm bốn nội dung chính: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến thăm quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; mục đích tăng thu nhập cho người nông dân; đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông.
Điểm đặc biệt của du lịch nông nghiệp chính là sự kết hợp giữa các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống tại khu vực nông thôn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể cũng như các ngành nghề truyền thống.
Để hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển hiệu quả, theo ông Nguyễn Quý Phương cần chú ý tới 6 yếu tố.
Không gian tổ chức các hoạt động du lịch nông nghiệp: là những đơn vị không gian cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp như trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng, ao nuôi; các làng nghề truyền thống (gốm sứ mỹ nghệ, tranh dân gian, đồ gỗ, mây tre đan, dệt tơ tằm); làng quê với những giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, các lễ hội truyền thống và nền ẩm thực đặc trưng; diện tích đất nông nghiệp đủ lớn với lịch sử lâu đời, gắn với các yếu tố môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng; khu vực khai thác hoạt động du lịch cần phải đảm bảo các yếu tố cảnh quan, môi trường, hệ thống đường giao thông, điện, cấp, thoát nước ...
Tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương cho biết: Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.Ảnh: Lê Hiếu
Chủ thể tổ chức cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp: cá nhân, tổ chức có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, gồm chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nông nghiệp... Đây chính là người dân địa phương gắn với môi trường văn hóa, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra. Người dân địa phương sẽ là chủ thể gìn giữ và chia sẻ các giá trị văn hóa nông nghiệp với du khách.
Các hoạt động của du lịch nông nghiệp cung ứng cho du khách: Bao gồm rất nhiều hoạt động khác nhau như hoạt động giải trí ngoài trời (câu cá, săn bắt, tìm hiểu cuộc sống hoang dã, cấy lúa); trải nghiệm học tập (thăm quan nhà máy, xưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương, lớp học nấu ăn, nghiên cứu cấy ghép, sản xuất cây trồng, vật nuôi...); hoạt động thư giãn (lễ hội, các màn trình diễn truyền thống); trải nghiệm cuộc sống người bản địa (homestay, các chương trình được hướng dẫn bởi người dân bản địa, mặc trang phục truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương; mua sản phẩm được sản xuất trực tiếptại điểm du lịch...).
Vai trò của các công ty lữ hành: Là cầu nối đưa khách du lịch đến với không gian tổ chức hoạt động nông nghiệp, định hướng thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách.
Chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp: Trong đó, lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường phải đảm bảo hài hòa giữa người dân bản địa, công ty du lịch và các bên liên quan. Hoạt động du lịch đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ (homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ).
Hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến: việc xây dựng thương hiệu cho địa danh, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh sản xuất sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.
Theo Danviet
Hội An vinh dự được Đức trao giải "Giao thông đô thị toàn cầu" Dự án "Lập kế hoạch tổng thể cho xe đạp và chương trình chia sẻ xe đạp miễn phí/chi phí thấp tại thành phố Hội An" đã đạt giải thưởng "Giao thông đô thị toàn cầu". Ngày 17.5, UBND TP.Hội An, Quảng Nam cho biết, Hội An vừa đạt giải thưởng "Giao thông đô thị toàn cầu" do Bộ Hợp tác Kinh tế...