Đầu tư cao tốc Cần Thơ – Cà Mau trước năm 2030
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về việc cử tri kiến nghị xem xét, chỉ đạo triển khai đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Theo Bộ GTVT, quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài 150 km, được quy hoạch với bốn làn xe, đầu tư trong giai đoạn sau năm 2030.
Tuy nhiên, nhận thấy việc đầu tư cao tốc khu vực trên là cần thiết nên Bộ GTVT đã rà soát lại quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Trong đó kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau trước giai đoạn 2030 làm cơ sở triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
“Đồng thời, Bộ GTVT giao Tổng Công ty Cửu Long chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện thủ tục để tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội bố trí vốn triển khai thực hiện…” – Bộ GTVT khẳng định.
Đối với kiến nghị bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc nối dài đến mũi Cà Mau, Bộ GTVT cho rằng trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch mạng đường bộ cao tốc theo quy định của Luật Quy hoạch, đơn vị sẽ chỉ đạo tư vấn tính toán. Trong đó, sẽ nghiên cứu nhu cầu vận tải trên tuyến kết nối từ TP Cà Mau đến Đất Mũi để đề xuất việc quy hoạch cho phù hợp.
Liên quan đến các dự án cao tốc, mới đây Bộ GTVT trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng xây dựng cao tốc Bắc-Nam, các tuyến ra cảng biển lớn, trung tâm kinh tế…
Toàn mạng lưới cao tốc mới sẽ dài 7.200 km, tăng so với độ dài 6.411 km của quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt năm 2016.
Cụ thể, tuyến cao tốc phía Bắc được đề xuất tăng thêm 300 km, với các dự án bổ sung mới như Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên; Chợ Mới – TP Bắc Kạn; cao tốc Hà Giang nối với Nội Bài – Lào Cai.
Tại miền Trung và Tây Nguyên, bộ đề xuất bổ sung cao tốc từ Ngọc Hồi (Kon Tum) tới cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum).
Video đang HOT
Với phía Nam, bộ kiến nghị bổ sung cao tốc từ Gò Dầu (Tây Ninh) tới cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) vì tuyến này kết nối các khu vực phát triển kinh tế của tỉnh Tây Ninh và Campuchia qua cửa khẩu Xa Mát, dự kiến gần 20.000 xe/ngày đêm.
Cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh cũng được kiến nghị bổ sung do cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Hồng Ngự, Đồng Tháp) là nơi thông thương giữa Việt Nam và Campuchia. Trong tương lai, nhu cầu vận tải giữa cửa khẩu Dinh Bà và Trà Vinh ngày càng tăng nên cần có tuyến cao tốc kết nối.
Ngoài ra, Bộ GTVT đề nghị kéo dài cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tới cảng Trần Đề thêm 30 km, nhằm kết nối đến cảng biển Trần Đề, phục vụ xuất khẩu hàng hóa khu vực ĐBSCL.
Bộ GTVT cũng đưa ra lộ trình trước năm 2030 sẽ hoàn thành 6.418 km cao tốc trên cả nước; sau năm 2030 làm mới thêm 932 km. Dự kiến tổng vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 874.144 tỉ đồng; sau năm 2030 là 130.000 tỉ đồng cho xây mới và 322.729 tỉ đồng cho mở rộng.
VIẾT LONG
Theo PLO
Sẽ bớt "nơi thừa, nơi thiếu" đường cao tốc
Thời gian qua, nhiều người bày tỏ quan điểm về "bức tranh cao tốc" hiện nay của nước ta đang trong tình trạng nơi nhiều, nơi ít.
Với việc thêm 261km đường cao tốc phía Nam được bổ sung vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế giữa các vùng, miền trong cả nước.
Bổ sung nhiều tuyến đường cao tốc
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hình thức hợp đồng BOT đang được dư luận quan tâm. Dự án cao tốc này có tổng chiều dài khoảng 40,2km (địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 11,63km; địa phận tỉnh Phú Thọ khoảng 28,57km). Điểm đầu của Dự án là km 0 00 (Quốc lộ 2-km 127 500) thuộc xã Lưỡng Vượng, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Điểm cuối km 40 200 kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Tuyến đường trên được thiết kế với vận tốc tối đa 8 km/giờ, bề mặt đường rộng 14m (4 làn xe cơ giới). Mục đích của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2, rút ngắn thời gian vận chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai...
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: T.A
Theo đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (Bà Rịa -Vũng Tàu), ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, tuy nhiên giao thông cả trên đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không của ĐBSCL thực sự còn hạn chế. Nếu ĐBSCL có hạ tầng giao thông đồng bộ, nhất là đường bộ cao tốc, thì đồng bằng này sẽ có cơ hội phát triển bứt phá, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, quy hoạch mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ đã điều chỉnh, bổ sung thêm nhiều tuyến cao tốc. Tổng cộng các tuyến cao tốc dự kiến được bổ sung và điều chỉnh tiến độ về trước năm 2030 là 1.365km.
Trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, hệ thống đường cao tốc phía Bắc được bổ sung thêm các tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên dài 370km, Chợ Mới - TP.Bắc Cạn dài 34km, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 81km.
Tại khu vực miền Trung sẽ bổ sung tuyến cao tốc từ Ngọc Hồi - cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) dài 21km, khu vực miền Nam bổ sung thêm 4 tuyến mới gồm Gò Dầu - cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) dài 65km, Trung Lương - Bến Tre dài 50km, Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài 166km, kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tới cảng Trần Đề dài khoảng 30km (tổng cộng khu vực phía Nam là 261km).
Nơi thừa, nơi thiếu?
Từ triển khai thực tế và quy hoạch thời gian tới của Bộ GTVT khiến cho nhiều người nhận thấy rằng, khu vực phía Bắc vẫn được "ưu tiên" xây dựng các tuyến cao tốc nhiều hơn so với các tỉnh phía Nam, với chiều dài chiếm gần 2/3, còn lại là khu vực phía nam và miền Trung, Tây Nguyên. Điển hình như khu vực TP.Hà Nội đang có mạng lưới các tuyến cao tốc dày đặc như: Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Cao tốc Hội - Bắc Giang - Lạng Sơn; cao tốc Láng Hoà Lạc - QL6; Cao tốc Hà Nội - Lào Cai; cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...
TP.HCM dù có 6 tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng, nhưng đến nay mới chỉ có 2 đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc TP.HCM- Trung Lương được đưa vào khai thác vận hành.
Theo các chuyên gia giao thông, phân tích tính hiệu quả của các tuyến đường cao tốc do Bộ GTVT quy hoạch cho thấy, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nhưng chưa được ưu tiên đầu tư các tuyến đường cao tốc. Trong khoảng 1.000km đường cao tốc đã được xây dựng thì vùng TP.HCM chỉ có 95km và miền Trung được 131km, số còn lại chủ yếu là các dự án kết nối với Hà Nội. Mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong khu vực kinh tế phía Nam dường như nhiều năm qua vẫn "giậm chân tại chỗ".
Ông Trần Minh Phương - Vụ phó Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho hay: Theo định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, toàn quốc phấn đấu có khoảng 4.928km đường cao tốc được đầu tư. Trong đó, khu vực miền núi phía Bắc được đầu tư 801km, khu vực đồng bằng sông Hồng khoảng 874km, khu vực miền Trung và Tây Nguyên là 1.126km, khu vực Đông Nam Bộ khoảng 1.457km, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 670km. Như vậy, đến năm 2030, khu vực phía Nam sẽ có hơn 2.000km đường cao tốc được đầu tư xây dựng.
Trả lời về việc trong khoảng 1.000km đường cao tốc đang khai thác, phía Bắc chiếm gần 800km nhưng Bộ GTVT tiếp tục điều chỉnh, sung thêm hàng loạt tuyến đường phía Bắc vào quy hoạch liệu tỉ lệ nói trên có "lệch pha", ông Trần Minh Phương - Vụ phó Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) lý giải: Đối với các tuyến cao tốc ở phía Bắc như: Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, Chợ Mới - TP.Bắc Kạn, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tại Quyết định 326/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, căn cứ nhu cầu thực tế về nguồn lực, nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu thực hiện đầu tư một số tuyến cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến Hà Giang - Tuyên Quang, Lai Châu - Lào Cai, Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên...
"Còn những nội dung trong quyết định điều chỉnh lần này, Bộ GTVT cũng chỉ làm rõ thêm về hướng tuyến, tiến độ, điểm đầu, điểm cuối và quy mô cụ thể để đảm bảo tính đồng bộ, kết nối mạng trong quy hoạch trước đây. Đồng thời, bổ sung, làm rõ vai trò của tuyến đường, nhu cầu vận tải, tính khả thi về huy động vốn... để làm rõ sự cần thiết và hiệu quả sơ bộ trong các tác động phát triển kinh tế-xã hội. Các nội dung này cũng sẽ được tiếp tục làm rõ hơn trong các bước tiếp theo" - ông Phương nói.
Nhiều yếu tố để tính mức ưu tiên xây dựng
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, PGS - TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Đường bộ, Trường ĐH GTVT Hà Nội cho rằng: "Nhìn vào bức tranh tổng thể hạ tầng giao thông của nước ta có thể nhận thấy đầu tư cao tốc đang có sự mất cân đối. Tại sao mạng lưới cao tốc lại ưu tiên cho các tỉnh phía Bắc trong khi phía Nam lại ít hơn? Bởi phía Bắc có nhiều cửa khẩu giao thương đưa hàng hoá tới các nước quốc tế và các cảng biển nhiều hơn, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn".
Theo PGS - TS Nguyễn Quang Toản, bản chất đường cao tốc là đường liên vận quốc tế. Ngoài ra, các dự án giao thông đang chạy theo tài chính, tiền đi trước, hiệu quả dự án theo sau. Cụ thể, quy hoạch giao thông sẽ đề ra đầy đủ mức độ ưu tiên, sắp xếp lần lượt theo mức ảnh hưởng, tác động của từng dự án và nguồn tiền sẽ được phân bổ để triển khai theo thứ tự đã được đề ra.
Quy hoạch chưa được chú trọng
Theo TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông, hệ thống đường cao tốc phía Nam ít hơn so với phía Bắc là do hệ thống sông ngòi dày đặc. Do đó, ở các tỉnh phía Nam phát triển kinh tế xã hội từ hệ thống giao thông đường thuỷ cũng rất lớn. Ngoài ra, xét về mặt địa chất thì nền đất ở phía Nam yếu hơn phía Bắc dẫn tới chi phí làm đường rất tốn kém, nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
"Ngược lại, tốc độ phát triển kinh tế phía Nam thì lại nhanh hơn phía Bắc, không chỉ TP.HCM mà tất cả các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều cần phải được ưu tiên khơi thông điểm nghẽn giao thông để phát triển đồng bộ. Thực tế trong quy hoạch mạng lưới giao thông, Bộ GTVT cũng chưa chú trọng đến vùng phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL" - TS Đức nói.
A.T (ghi)
Theo danviet.vn
Gấp rút triển khai dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Cầu Mỹ Thuận 2 Bộ Giao thông Vận tải đang khẩn trương triển khai 3 dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Ngày 16/9 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công dự án Cam Lộ - La Sơn,...